Gói hỗ trợ lãi suất 2%: Cần khẩn trương song cũng phải thận trọng
Chuyên gia cho rằng mục tiêu của chương trình cấp bù lãi suất là làm giảm chi phí tài chính cho những doanh nghiệp gặp khó khăn vì dịch, cho nên điều quan trọng nhất là phải đúng đối tượng.
Cuối tháng Một, Quốc hội đã ban hành Nghị quyết về Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế-xã hội và triển khai Nghị quyết số 43/2022/QH15 của Quốc hội về chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ chương trình.
Trọng tâm của chương trình là Chính phủ sẽ thực hiện hỗ trợ lãi suất (2%/năm) tối đa 40.000 tỷ đồng cho một số ngành, lực vực quan trọng có khả năng trả nợ cũng như phục hồi… Như vậy, với khoản "vốn mồi" này, mỗi năm có khoảng 20.000 tỷ đồng được tung ra, tương đương khoảng 1 triệu tỷ đồng/năm, với lãi suất ưu đãi giảm 2%.
Các chuyên gia cho rằng con số rất lớn này đòi hỏi ngành ngân hàng phải có những bước đi vô cùng cẩn trọng, nếu không muốn phải đối mặt với nhiều hệ luỵ về sau.
Cơ hội tiếp cận nguồn vốn giá rẻ
Lãnh đạo Ngân hàng Nhà nước cho biết để triển khai Nghị quyết, cơ quan này đang tiến hành lấy ý kiến xây dựng Dự thảo Nghị định về hỗ trợ lãi suất từ ngân sách nhà nước đối với khoản vay của doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh và Thông tư hướng dẫn Nghị định.
Nội dung của dự thảo Nghị định nêu rõ: Hỗ trợ lãi suất 2%/năm trong 2 năm 2022-2023 thông qua hệ thống các ngân hàng thương mại đối với các khoản vay thương mại cho doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh có khả năng trả nợ, có khả năng phục hồi trong các ngành, lĩnh vực: Hàng không, vận tải kho bãi; du lịch, dịch vụ lưu trú, ăn uống, giáo dục và đào tạo; nông nghiệp, lâm nghiệp và thuỷ sản; công nghiệp chế biến, chế tạo (đã bao gồm máy móc, trang thiết bị, thuốc, hoá dược, dược liệu); xuất bản phần mềm; lập trình máy vi tính và hoạt động liên quan; hoạt động dịch vụ thông tin; cho vay cải tạo chung cư cũ, xây dựng nhà ở xã hội, nhà cho công nhân mua, thuê và thuê mua.
Điều kiện hỗ trợ thuộc đối tượng thụ hưởng, đã được vay vốn hoặc đáp ứng các điều kiện vay vốn, được ngân hàng thương mại chấp thuận. Thời hạn vay được hỗ trợ lãi suất tính từ ngày giải ngân khoản vay theo thỏa thuận giữa ngân hàng thương mại và khách hàng nhưng không vượt quá ngày 31/12/2023.
Về trình tự, thủ tục tạm cấp bù lãi suất, Chính phủ giao dự toán ngân sách nhà nước số tiền 40.000 tỷ đồng chi đầu tư phát triển cho Bộ Tài chính để thực hiện cấp bù lãi suất, quyết toán cấp bù lãi suất cho các ngân hàng thương mại.
Ngân sách Nhà nước (Bộ Tài chính) tạm cấp bù lãi suất đối với ngân hàng thương mại theo định kỳ hàng quý; số tiền tạm cấp bù lãi suất bằng 90% số tiền ngân hàng thương mại đã thực hiện hỗ trợ lãi suất cho khách hàng trong quý. Ngân hàng Nhà nước, Bộ Tài chính theo dõi kết quả thực hiện hỗ trợ lãi suất và tạm cấp bù lãi suất của ngân hàng thương mại.
Ngay sau khi thông tin này được đưa ra, cộng đồng doanh nghiệp đã rất mong mỏi gói hỗ trợ sớm được triển khai đến doanh nghiệp bởi họ vốn đang gặp rất nhiều khó khăn do tác động của dịch COVID-19.
Hiện dịch bệnh vẫn diễn biến phức tạp, còn nhiều ca nhiễm mới, trong khi giá xăng dầu tăng cao khiến chi phí sản xuất lưu thông hàng hóa bị đội lên… Vì vậy, mức lãi suất giảm 2%/năm sẽ giúp doanh nghiệp tiết giảm chi phí và có thêm nguồn tài chính để duy trì cũng như đầu tư hoạt động sản xuất kinh doanh.
Ông Mạc Quốc Anh - Phó Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa Hà Nội, chia sẻ trong bối cảnh dịch COVID-19, Chính phủ đã có phản ứng rất nhanh nhạy, kịp thời hỗ trợ doanh nghiệp thông qua các giải pháp tạo điều kiện thuận lợi cho sản xuất, kinh doanh, lưu thông hàng hóa cùng với cơ cấu lại nợ, giãn, hoãn, miễn giảm tiền thuế, phí, lệ phí, gia hạn thời gian nộp tiền thuê đất, giảm tiền điện, giá điện...
Vì vậy, với việc gói hỗ trợ lãi suất được triển khai, doanh nghiệp sẽ có thêm cơ hội tiếp cận được dòng vốn rẻ, qua đó đẩy mạnh sản xuất và nâng cao năng lực cạnh tranh.
Trong khi đó, bà Lê Thị Hương Giang, Giám đốc điều hành khách sạn 5 sao Sen Trắng (Công ty trách nhiệm hữu hạn Sen Trắng - Thừa Thiên Huế) cũng cho hay du lịch là một trong những nhóm ngành quan trọng và đóng góp rất lớn cho tăng trưởng kinh tế trong nhiều năm qua. Tuy nhiên, trong 2 năm qua, lĩnh vực này đã bị ảnh hưởng nặng nề do dịch bệnh. Do đó, việc được giảm lãi suất 2%/năm sẽ giúp doanh nghiệp có thêm nguồn tài chính để khôi phục lại hoạt động sản xuất kinh doanh...
Đối tượng phải cụ thể
Tuy nhiên, lãnh đạo một số doanh nghiệp cũng lo lắng về điều kiện để được hưởng cấp bù lãi suất. Hiện rất nhiều doanh nghiệp bị ảnh hưởng bởi dịch đang vướng nợ xấu, nếu không được hạ chuẩn tín dụng thì những doanh nghiệp gặp khó khăn do dịch sẽ khó có cơ hội tiếp cận.
Đại diện nhiều ngân hàng cũng cho hay bản thân ngân hàng luôn xác định đồng hành cùng doanh nghiệp nhưng nếu chính sách không rõ ràng thì ngân hàng sẽ không dám cho vay bởi sợ trách nhiệm sau này.
Vì thế theo các chuyên gia, mục tiêu của chương trình cấp bù lãi suất là làm giảm chi phí tài chính cho những doanh nghiệp gặp khó khăn vì dịch, giúp phục hồi hoạt động kinh doanh, cho nên điều quan trọng nhất là phải đúng đối tượng.
Để đảm bảo công khai minh bạch và khoản cấp bù lãi suất đúng địa chỉ, đúng đối tượng được thụ hưởng, tiến sỹ Lê Xuân Nghĩa, chuyên gia ngân hàng đề xuất Bộ Tài chính nên là cơ quan phê duyệt đối tượng được cấp bù lãi suất bởi Bộ Tài chính hiểu rõ nhất tình trạng sức khỏe của doanh nghiệp qua tình hình nộp thuế. Doanh nghiệp sẽ mang hồ sơ sang Bộ Tài chính để nhận phần cấp bù lãi suất nếu thuộc đối tượng được hưởng lợi từ chính sách này.
Từ bài học của gói cấp bù lãi suất 4%/năm trước đó, ông Nguyễn Quốc Hùng, Tổng thư ký Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam, cho hay năm 2009 đã sử dụng 1 tỷ USD, tương đương 17.000 tỷ đồng thời điểm đó để cấp bù lãi suất cho doanh nghiệp. Nguồn lấy từ quỹ dự trữ ngoại hối, nhưng đến nay nhiều ngân hàng vẫn chưa được quyết toán hết. Vì vậy, gói hỗ trợ lãi suất lần này cần tính toán cẩn trọng trên mọi phương diện.
Một giảng viên Trường Đại học Fulbright Việt Nam cũng đánh giá gói hỗ trợ quan trọng nhất là khả năng hấp thụ vốn, không để bài học năm 2009 tái hiện bằng việc nhìn dòng tiền rẻ chạy vào các thị trường khác như chứng khoán, bất động sản gây nên hiện tượng bong bóng.
Một vấn đề quan trọng nữa, theo vị giảng viên này là chính sách thiết kế phải đơn giản, rõ ràng vì nguồn lực còn hạn chế nên không thể hỗ trợ “dàn trải” được.
Một vấn đề cũng được các ngân hàng quan tâm, đó là thủ tục quyết toán cấp bù lãi suất. Theo đó, các ngân hàng kiến nghị Bộ Tài chính nâng mức tạm ứng từ 90% lên 95% đồng thời đề nghị điều kiện, thủ tục quyết toán phải chi tiết, rõ ràng.
Trước loạt lo lắng về gói hỗ trợ lãi suất, lãnh đạo Ngân hàng Nhà nước cho rằng lãi suất hỗ trợ từ nguồn ngân sách nhưng tiền cho vay là tiền huy động của các tổ chức tín dụng, từ người dân. Vì vậy, Ngân hàng Nhà nước sẽ điều tiết để tạo thuận lợi cho các tổ chức tín dụng, có nguồn cung tín dụng, đáp ứng được nhu cầu của gói hỗ trợ này.
Ngoài ra, nhà điều hành chính sách tiền tệ cũng sẽ phối hợp với các bộ, ngành liên quan để triển khai cấp bù lãi suất vào đúng đối tượng, có trọng tâm trọng điểm, khắc phục hạn chế của các gói hỗ trợ trước.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận