Góc nhìn chuyên gia tuần mới: Dòng bank có tiếp tục dẫn sóng?
Sự trở lại của dòng bank đã phần nào tác động tích cực giúp thị trường giao dịch khởi sắc sau nhiều tuần liên tiếp giảm điểm. Liệu nhóm cổ phiếu ngân hàng có tiếp tục hấp dẫn trong tuần tới, hay sẽ được ""thay thế"" bởi nhóm cổ phiếu khác? Cùng Báo Đầu tư Chứng khoán tìm câu trả lời từ một số chuyên gia chứng khoán trong chuyên mục Bàn tròn tuần này.
Tuần qua, thị trường trong nước và khu vực tiếp tục có sự hồi phục, cùng với sự cải thiện thanh khoản. Xu hướng này có tiếp tục duy trì trong tuần tới?
Ông Nguyễn Hữu Bình, chuyên gia chứng khoán
Có thể nói rằng thị trường tương đối tích cực trong một vài phiên gần đây khi điểm số và thanh khoản gia tăng. Tuy nhiên, sự hồi phục mạnh của thị trường khiến nhà đầu tư ngạc nhiên và hoài nghi về một nhịp tăng. TTCK Việt Nam hiện tại đang vận hành không đồng hành với thế giới nên việc nhà đầu tư hoài nghi cũng là dễ hiểu. Có giả thiết cho rằng, thị trường hồi phục nhờ đón nhận thông tin về đàm phán thương mại và cuối cùng là NAV của các quỹ khi báo cáo 6th đã tới gần.
Theo đánh giá và thống kê, chỉ số VN-Index tăng nhẹ so vơi đầu năm nhưng giá nhóm cổ phiếu vốn hóa lớn như VIC, VHM, SAB... lại tăng rất mạnh. Đống nghĩa là có nhiều nhóm cổ phiếu khác đang liên tục phá đáy mà điển hình là nhóm cổ phiếu Ngân hàng. Chính vì thế cơ hội đầu tư là không ít nhưng dòng tiền lại không đồng đều và lựa chọn nhóm cổ phiếu.
Với nhịp tăng vừa qua, cơ hội tăng điểm tiếp theo là vẫn rất lớn nhưng cũng cần lưu ý rằng nếu như tại cuộc gặp G20 mọi thứ có thể vận hành không như ý muốn khi không có tiến triển gì từ cuộc hội đàm Mỹ - Trung.
Ông Nguyễn Hồng Khanh, Trưởng phòng Phân tích, Công ty Chứng khoán Quốc tế Việt Nam (VIS)
Sự phục hồi của thị trường chứng khoán tuần qua là kết quả bởi nhiều yếu tố hợp lại mà quan trọng nhất chính là trong khi thị trường quốc tế đang gia tăng mạnh mẽ thì chỉ số VN-Index đã có chuỗi thời gian bị đè nén khá lâu gần 3 tháng liên tục. Sau khi đã điều chỉnh gần 8% từ mức đỉnh giữa tháng 3 thì hiện tại yếu tố phân kỳ tăng của chỉ báo RSI đã xuất hiện cho thấy dòng tiền đang gia tăng dần và có thể thấy nhà đầu tư đã mạnh dạn tham gia giao dịch hơn trước.
Ngoại trừ những yếu tố bất thường từ quốc tế có thể tác động không lường trước thì nhìn chung thị trường đang có nhiều cơ hội tăng trưởng trong tuần tới. Đặt biệt là cuối tháng hoạt động của sản phẩm mới CW ra mắt sẽ còn có sự tương tác mạnh hơn với thị trường cơ sở.
Ông Phan Dũng Khánh, Giám đốc Tư vấn Đầu tư, CTCK Maybank KimEng (MBKE)
Vùng 940-950 được thử thách rất nhiều lần nhưng vẫn giữ vững được.
Tuần qua cũng thế kèm với thanh khoản cải thiện nhờ nhiều thông tin tích cực nên ủng hộ một xu hướng thị trường tích cực trong tuần mới. Mục tiêu tiếp theo là 980 điểm và xa hơn là 1.000.
Đối với diễn biến thị trường thế giới đến TTCK trong nước, ông/bà đánh giá như thế nào về mức độ tác động trước thông tin FED có nhiều khả năng hạ lãi suất sớm nhất vào tháng 7 năm nay?
Ông Nguyễn Hữu Bình, chuyên gia chứng khoán
Tôi chưa nghĩ rằng FED sẽ sớm hạ lãi suất bởi hiện nay đây đang là một công cụ lớn để điều hành. Việc sớm đưa ra quyết định hạ lãi suất trong khi những dữ kiện kinh tế khác chưa đươc công bố hoặc vẫn có sự tích cực là điều FED sẽ không làm.
Ông Nguyễn Hữu Bình
Hiện tại, nhiều quốc gia đã thay đổi chính sách tiền tệ từ thắt chặt sang duy trì nới lỏng nhưng biên độ điều hành không còn. Do đó, với biên độ 2,25-2,5% đang là lợi thế lớn của Mỹ vào lúc này trong bối cảnh chiến tranh thương mại vẫn rất khó lường. Chính vì lẽ đó mà ngay trong thăm dò gần đây, số người tin rằng FED hạ lãi suất là khá thấp.
Giả như FED sẽ quyết định hạ lãi suất vào tháng 7 này thì ngắn hạn, TTCK sẽ có tích cực nhưng cơ bản FED đang cho thấy nền kinh tế Mỹ có vấn đề. Vì thế, dài hạn chưa hẳn đã mang đến sự tích cực cho giới đầu tư.
Ông Nguyễn Hồng Khanh, Trưởng phòng Phân tích, Công ty Chứng khoán Quốc tế Việt Nam (VIS)
Nếu FED có thể thay đổi chính sách bằng việc hạ lãi suất trở lại thì đây sẽ là thông tin hỗ trợ mạnh không những cho thị trường Mỹ mà còn cho thị trường trong nước khi Việt Nam sẽ bớt đi sự lo ngại dòng vốn quốc tế rút đi. Ngoài ra, xu hướng chính sách một đồng USD yếu hơn của Donald Trump sẽ đỡ áp lực với tình hình tỷ giá đồng VND mà hiện nay Việt Nam đang chịu căng thẳng do hoạt động phá giá của đồng CNY.
Tuy nhiên, do mối tương tác quá lớn và hoạt động kinh tế Việt Nam chịu ảnh hưởng lớn không những từ Mỹ mà còn Trung Quốc. Vì vậy, nếu kinh tế Trung Quốc bất lợi cũng sẽ có sự tác động không nhỏ về chiều hướng tiêu cực đối với kinh tế Việt Nam.
Ông Phan Dũng Khánh, Giám đốc Tư vấn Đầu tư, CTCK Maybank KimEng (MBKE)
Thông tin này rõ ràng là tích cực, nhưng khả năng chỉ là tích cực trong ngắn hạn chứ chưa thể là trung dài hạn bởi các ý sau:
- Thương chiến không thể được giải quyết nhanh vì Fed, thậm chí Tổng thống Mỹ đã tuyên bố Mỹ sẽ chiến thắng cuộc chiến nếu Fed làm vậy. Nghĩa là sẽ phải có một bên hoặc nhiều bên thua. Dù kết quả thế nào kinh tế thế giới vẫn sẽ bị tổn thương, nhất là cuộc chiến đã lan rộng ở phạm vi toàn cầu chứ không chỉ còn là Mỹ - Trung nữa.
Ông Phan Dũng Khánh.
- Dòng tiền vẫn đang đổ mạnh vào các kênh đầu tư trú ẩn như vàng khi dù chứng khoán Mỹ tăng, nhưng vàng tăng còn mạnh hơn, cùng với thị trường tiền số dậy sóng khi Bitcoin vượt 10.000 USD một cách đơn giản. Với mức tăng nhiều như thế trong khi lợi suất trái phiếu chính phủ Mỹ tiếp tục suy giảm cho thấy dòng tiền đổ vào kênh đầu tư an toàn vẫn rất lớn khiến triển vọng tăng trưởng của TTCK còn rất mong manh.
Xu hướng dài hạn của TTCK chỉ trở nên tích cực hơn một khi dòng tiền phải quay trở lại, kinh tế thế giới tăng trưởng thật sự chứ không phập phù như hiện nay và nỗi lo về cuộc chiến tiền tệ giảm đi vì động thái của Fed có thể thúc đẩy các ngân hàng trung ương khác chạy đua cho một cuộc chiến tiền tệ và như thế thì dù có giảm lãi suất thật sự cũng sẽ khó làm yên lòng giới đầu tư khi thương chiến chưa kết thúc, thì cuộc chiến khác lại tới mà cuộc chiến tiền tệ bao giờ cũng nguy hiểm hơn nhiều.
Về chuyển động các nhóm ngành, các cổ phiếu ngân hàng và dầu khí đang bước vào nhịp hồi ngắn như dự báo. Liệu đà tăng này có duy trì được trong tuần tới, hay sẽ được “thay thế”bởi nhóm cổ phiếu khác, theo ông/bà?
Ông Nguyễn Hữu Bình, chuyên gia chứng khoán
Nhóm Bank đang định giá ở mức rất thấp nhưng chưa có bất cứ tín hiệu nào cho thấy nó sẽ mang đến cơ hội. Nhà đầu tư vẫn e ngại bởi thắt chặt tín dụng, giảm cho vay tiền mặt tiêu dùng và hạn chế dòng chảy tín dụng vào bất động sản. Rất nhiều Ngân hàng đang gặp khó khăn tăng vốn khiến họ không thể đẩy mạnh tín dụng. Hàng loạt các yếu tố này là rào cản lớn với cổ phiếu Ngân hàng.
Thực tế, tâm lý nhà đầu tư hiện nay khá yếu, dòng tiền chảy vào thị trường rất thấp nên thực sự khó để nói rằng thị trường sẽ vận hành tích cực. Tâm lý nhà đầu tư đang nghĩ rằng, giá tăng do chốt NAV nên họ sẽ sớm chốt lời và đó là câu hỏi với dòng tiền. Nếu như dòng tiền mạnh có thể chảy mạnh vào rất nhiều cổ phiếu có mức giá thấp và phá đáy hiện nay đủ hấp dẫn dòng tiền. Chỉ cần như vậy đủ để kích thích dòng tiền quay lại thị trường.
Còn xét theo ngành, năm 2019, nhiều người vẫn tin tưởng vào nhóm Dầu khí, bất động sản khu công nghiệp, Thủy sản, Dệt may..., nhưng những cổ phiếu nhóm này giá vẫn khá cao và nhiều cổ phiếu không còn hấp dẫn. Do đó, xét theo ngành vào lúc này, có lẽ Bank lại là nhóm hấp dẫn hơn cả nếu như dòng tiền chảy mạnh.
Ông Nguyễn Hồng Khanh, Trưởng phòng Phân tích, Công ty Chứng khoán Quốc tế Việt Nam (VIS)
Nhóm ngành ngân hàng ngoài VCB luôn giữ phong độ ổn định thì nhiều cổ phiếu đang trở về vùng giá thấp nhất trong gần 1 năm qua và với bối cảnh chung ngân hàng vẫn giữ tăng trưởng khá trong năm nay thì nhóm ngành này vẫn có nhiều cơ hội hơn những nhóm ngành khác. Riêng nhóm dầu khí dao động theo giá dầu và hiện tại giá dầu đang dần ổn định vì vậy nhóm cổ phiếu dầu khí sẽ khó biến động dài như kỳ vọng.
Ông Nguyễn Hồng Khanh
Thị trường sẽ có sự luân phiên dẫn dắt bởi các nhóm cổ phiếu và trong đó một số cổ phiếu đầu ngành thuộc nhóm thương mại, bán lẻ, bất động sản khu công nghiệp, điện, nên ưu tiên đầu tư. Nhà đầu tư cũng lưu ý một số cổ phiếu trong rổ giao dịch CW sắp tới cũng sẽ có nhiều dao động mạnh.
Ông Phan Dũng Khánh, Giám đốc Tư vấn Đầu tư, CTCK Maybank KimEng (MBKE)
Đà tăng này có thể vẫn duy trì chung với một số bluechip khác chưa thật sự mạnh tuần qua cũng có thể được hỗ trợ. Tuy nhiên, nhà đầu tư cần lưu ý kỹ các mức kháng cự (980) và hỗ trợ (940-950), vì nếu thị trường không vượt được kháng cự, mà thử thách hỗ trợ một lần nữa thì con sóng này sẽ sớm kết thúc. Ngược lại, vùng kháng cự mạnh 1.000 sẽ được thử thách.
Ở thời điểm này, việc gia tăng tỷ trọng cổ phiếu ngắn hạn từ mức thấp lên mức trung bình trong danh mục có phù hợp? Ông/bà chọn chiến lược nào?
Ông Nguyễn Hữu Bình, chuyên gia chứng khoán
Thông kê của tôi nhận thấy VN-Index giữ được đà tăng là do cổ phiếu lớn và một số cp thuộc ngành thuận lợi. Ngược lại, có vô số cổ phiếu đang tạo đáy 1-2 năm nên cơ hội đầu tư rất nhiều.
Xét về ngắn hạn, nếu như có 1 thảo thuận thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc thì không loại trừ có một sóng tăng trong tháng 7. Khi đó, việc gia tăng tỷ trong lúc này là thuận lợi lớn. Nhưng ngược lại, TTCK toàn cầu có thể đảo chiều khi nhiều chỉ số đã tăng mạnh tuần qua. Vì thế mọi người cần đưa ra kế hoạch cụ thể và cần duy trì sự an toàn với khoản đầu tư lúc này.
Thật sự khó để nhận định cơ hội, nhưng tôi quan sát trong hơn 1 năm qua, khi dòng tiền của khối ngoại chảy mạnh vào cổ phiếu HPG thì sẽ có sóng tăng ngắn hạn và điều này đang diễn ra.
Ông Nguyễn Hồng Khanh, Trưởng phòng Phân tích, Công ty Chứng khoán Quốc tế Việt Nam (VIS)
Thị trường hiện tại vẫn ở vùng giá thấp với nhiều cổ phiếu vì vậy nhà đầu tư ngắn hạn có thể gia tăng dần tỷ trọng trong tuần tới và có thể tận dụng các đợt sóng ngắn của thị trường để tăng cường lướt sóng.
Thị trường có thể đứng trước một cơn sóng phục hồi dài sắp tới và nhà đầu tư cần tận dụng thật nhanh để kiếm cơ hội. Một số cổ phiếu lớn hiện đang có giá khá hấp dẫn để nắm giữ an toàn và ít nhất nhà đầu tư có thể kiếm lợi 5%-15% khi thị trường phục hồi.
Ông Phan Dũng Khánh, Giám đốc Tư vấn Đầu tư, CTCK Maybank KimEng (MBKE)
Theo tôi, một khi vùng hỗ trợ trên được giữ vững, việc gia tăng tỷ trọng cổ phiếu trong danh mục đầu tư là hợp lý, nhưng cần phải lưu ý rằng, tỷ trọng này chỉ là danh mục ngắn hạn mà thôi, hiện xu hướng thị trường ngắn hạn dù được cải thiện, nhưng xu hướng này còn rất phập phù đừng nói chi là trung hạn.
Do đó, mọi hành động cần "đánh nhanh, rút gọn" chứ chưa thể "ăn dày" vào những thời điểm thị trường có xu hướng rõ nét hơn (trừ chứng khoán phái sinh).
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận