Góc nhìn chuyên gia tuần mới: Có thể chốt lời một phần
Theo một số chuyện gia, việc thị trường tăng nóng đã lan tỏa đều đến nhiều nhóm cổ phiếu, kể cả cơ bản lẫn đầu cơ, do đó có thể chốt lời một phần nếu đạt kỳ vọng giá.
Thị trường đã trải có một tuần khởi đầu năm 2021 đầy ấn tượng, dòng tiền tiếp tục “hầm hập” đổ vào thị trường, thiết lập những kỷ lục mới về giá trị giao dịch. Chỉ số VN-Index ghi nhận tăng 64 điểm trong tuần qua và đang chốt tuần ở mức 1167,69 điểm. Sức nóng của thị trường còn tiếp diễn trong tuần tới, theo các ông/bà?
Ông Dương Hoàng Linh, Trưởng phòng phân tích công ty chứng khoán Sacombank (SBS)
Số lượng tài khoản giao dịch chứng khoán mở mới lập kỷ lục mới trong tháng 12, giá trị khớp lệnh liên tục lập kỷ lục mới là minh chứng rõ nét cho việc dòng tiền ngắn hạn vẫn đang liên tục đổ vào thị trường bất chấp những cảnh báo rủi ro, điều đó cho thấy sức hút rất lớn từ hiệu quả đầu cơ trong thời gian qua. Với đà này, khó có thể “dập nguội” sức nóng này chỉ trong 1 vài phiên.
Trong quá khứ cũng đã không ít lần chỉ số bước vào đợt cao trào tăng mạnh như thế này. Tuy nhiên để xu hướng lên được bền vững thì chỉ số đang rất cần những nhịp điều chỉnh mang tính kỹ thuật vào thời điểm này. Tuần giao dịch kế tiếp, xu hướng tăng vẫn sẽ là chủ đạo nhưng sẽ có sự phân hóa mạnh mẽ hơn cũng như nhiều khả năng đan xen các phiên tăng giảm.
Ông Vũ Minh Đức, Trưởng phòng Cao cấp, Phòng Nghiên cứu và Phân tích, CTCK Bản Việt (VCSC)
Dòng tiền đổ vào thị trường đang ở mức rất cao và vẫn chưa có dấu hiêu dừng lại. Do đó, chúng tôi cho rằng sự sôi động vẫn sẽ tiếp diễn trong đầu tuần tới, giúp VNI tiệm cận mức đỉnh lịch sử quanh 1.200 điểm.
Ông Đào Tuấn Trung, Giám đốc Trung tâm nghiên cứu, Công ty Chứng khoán VietinBank
Thị trường đã tăng một đoạn khá dài và đang dần áp sát đỉnh cũ được thiết lập vào tháng 4/2018, với dòng tiền bên ngoài được dự báo tiếp tục đổ mạnh vào thị trường. Tuy vậy, áp lực chốt lời theo tôi sẽ có xu hướng tăng dần trong những phiên tới.
Ông Đào Tuấn Trung
Tín hiệu cảnh báo đã được thể hiện trong việc thanh khoản đã có thời điểm đạt đến mức hơn 17.500 tỷ đồng trong hai phiên cuối tuần qua, lực bán đã khiến đà tăng bị ảnh hưởng đáng kể.
Theo tôi, trong tuần tới đà tăng của thị trường sẽ giảm đi đáng kể, chỉ số VN-Index kết tuần trong khoảng 1.175 – 1.180 điểm.
Sự bùng nổ của TTCK Việt Nam đã khiến nhiều nhà đầu tư cá nhân ngỡ ngàng và sự “bán tín bán nghi” trong khi thị trường vẫn lừ lừ đi lên. Sự hứng khởi của nhà đầu tư, dòng tiền mạnh chưa có tiền lệ, khối ngoại tiếp tục mua ròng đang là những yếu tố bổ trợ cho thị trường. Tuy nhiên, ở phiên cuối tuần, trong nhóm VN30, nhiều mã lớn đã quay đầu điều chỉnh nhẹ, đáng kể là bộ 3 cổ phiếu lớn ngành ngân hàng gồm BID, CTG và VCB, trong đó VCB. Điều này có tác động nhiều đến tâm lý thị trường trong những phiên tới?
Ông Dương Hoàng Linh, Trưởng phòng phân tích công ty chứng khoán Sacombank (SBS)
Trong bối cảnh kinh tế toàn cầu nói chung và kinh tế Việt Nam nói riêng đang phải hứng chịu rất nhiều những khó khăn do dịch bệnh Covid-19 gây ra thì việc thị trường chứng khoán bất ngờ tăng mạnh trong thời gian vừa qua rõ ràng là điều khá bất ngờ với nhiều người, đặc biệt là những người thiên về trường phái phân tích cơ bản.
Tuy nhiên thị trường chứng khoán vẫn luôn là vậy, luôn khó đoán định và nhiều bất ngờ. Việc điều chỉnh diễn ra luân phiên sẽ giảm sức nóng cho chỉ số do vậy các mã BID, CTG, VCB... quay đầu giảm nhẹ vào phiên cuối tuần là điều hết sức bình thường và không phải tín hiệu đáng để lo ngại.
Ông Vũ Minh Đức, Trưởng phòng Cao cấp, Phòng Nghiên cứu và Phân tích, CTCK Bản Việt (VCSC)
Ông Vũ Minh Đức
Khi lên dần mức kháng cự mới, sự giằng co sẽ diễn ra manh và với tần suất cao hơn do áp lực chốt lãi ngắn hạn gia tăng. Tuy nhiên, nếu dòng tiền tiếp tục đổ thêm vào thị trường thì khả năng tăng điểm sẽ còn tiếp diễn. Với mức thanh khoản cao chưa có tiền lệ như hiện tại, chúng tôi không đủ căn cứ để ước tính được điểm tới hạn của dòng tiền.
Ông Đào Tuấn Trung, Giám đốc Trung tâm nghiên cứu, Công ty Chứng khoán VietinBank
Ngân hàng là nhóm cổ phiếu có vốn lớn nhất thị trường nên việc 3 cổ phiếu đầu ngành VCB, CTG, BID quay đầu trong phiên cuối tuần góp phần kích hoạt tâm lý chốt lời trên toàn thị trường, khiến chỉ số có thời điểm rơi thẳng đứng từ 1.176 điểm về 1.160 điểm trước khi phục hồi vào cuối phiên. Đây có thể là yếu tố khiến nhà đầu tư có phần e dè hơn khi mua mới cổ phiếu, khác hẳn với tình trạng cứ mua mà không cần căn ke giá như giai đoạn vừa qua.
Giá cổ phiếu đã vượt tương đối xa so với mức đỉnh cũ, trong khi thực tế kết quả kinh doanh năm 2020 về tổng thể là giảm. Điều này chứng tỏ mặt bằng giá hiện tại đã và đang phản ánh tiềm năng tăng trưởng trong năm 2021. Quan điểm của các ông/bà?
Ông Dương Hoàng Linh, Trưởng phòng phân tích công ty chứng khoán Sacombank (SBS)
Giá cổ phiếu về cơ bản thể hiện sự kỳ vọng của nhà đầu tư vào tương lai của doanh nghiệp, do đó việc giá nhiều cổ phiếu vượt đỉnh cũ thậm chí vượt đỉnh lịch sử thường rơi vào nhóm các doanh nghiệp giữ được đà tăng trưởng tốt ngay cả trong bối cảnh dịch bệnh hiện nay (Ngân hàng, Chứng khoán, Thép...), tất nhiên mặt bằng giá hiện tại theo quan điểm của tôi đã phản ánh tiềm năng tăng trưởng của cả tương lai.
Ngoài ra, có một số cổ phiếu cũng tăng nóng nhưng không đi kèm với tiềm năng doanh nghiệp thì thường là các cổ phiếu mang tính đầu cơ cao, đây chính là nhóm tiềm ẩn nhiều rủi ro mà nhà đầu tư cần tránh, đặc biệt khi thị trường đã tăng trưởng rất nhanh, nóng như thời gian qua.
Ông Dương Hoàng Linh
Ông Vũ Minh Đức, Trưởng phòng Cao cấp, Phòng Nghiên cứu và Phân tích, CTCK Bản Việt (VCSC)
Hiện tại, mặt bằng P/E bình quân của VNI đã hơn mức 20 lần so với mức bình quân 14 lần trước đây. Trong bối cảnh kinh tế mới bắt đầu có kỳ vọng hồi phục như hiện tại, khó có thể lý giải một cách thuyết phục cho mức thay đổi định giá của thị trường. Do đó, tôi cho rằng thị trường đang được dẫn dắt bởi dòng tiền và đó không phải yếu tố bền vững.
Ông Đào Tuấn Trung, Giám đốc Trung tâm nghiên cứu, Công ty Chứng khoán VietinBank
Nhận định này tương đối chuẩn xác với đa số nhóm cổ phiếu trên thị trường. Trong giai đoạn vừa qua, hàng loạt tổ chức uy tín quốc tế như HSBC, Fitch Solutions đều đưa ra những dự báo tích cực về triển vọng kinh tế Việt Nam trong năm 2021. Đây là một yếu tố quan trọng góp phần giúp chỉ số tăng mạnh trong tuần vừa qua.
Đà tăng của thị trường đã lan tỏa đều đến nhiều nhóm cổ phiếu, kể cả cơ bản lẫn đầu cơ. Tuy nhiên, khi thị trường vừa trải qua một chuỗi dài tăng điểm, việc chọn và nắm giữ nhóm cổ phiếu nào sẽ phù hợp với tình hình thực tại?
Ông Dương Hoàng Linh, Trưởng phòng phân tích công ty chứng khoán Sacombank (SBS)
Rõ ràng khi thị trường tăng quá nóng thì rủi ro tương ứng sẽ đi kèm với nó khi chỉ số đảo chiều hoặc điều chỉnh mạnh. Do đó theo quan điểm của tôi ở thời điểm hiện tại nhà đầu tư chỉ nên giữ lại danh mục đang nắm giữ, có thể chốt lời một phần nếu đạt kỳ vọng giá. Không nên mua đuổi đặc biệt tại các cổ phiếu mang tính đầu cơ cao, kiên nhẫn đợi các nhịp điều chỉnh cần thiết để có thể giải ngân trở lại.
Ông Vũ Minh Đức, Trưởng phòng Cao cấp, Phòng Nghiên cứu và Phân tích, CTCK Bản Việt (VCSC)
Với một thị trường được dẫn dắt bởi dòng tiền, những nhóm cổ phiếu được dòng tiền lựa chọn sẽ có khả năng tăng trưởng mạnh hơn, trong giai đoạn này là nhóm Tài chính, Bất động sản khu công nghiệp. Tuy nhiên theo chúng tôi, chiến lược nắm giữ nên được ưu tiên hơn là mở các vị thế mua mới.
Ông Đào Tuấn Trung, Giám đốc Trung tâm nghiên cứu, Công ty Chứng khoán VietinBank
Với một số nhóm cổ phiếu, năm 2021 chỉ là giai đoạn mở đầu trong một chu kỳ tăng trưởng mới, rất phù hợp cho chiến lược mua và nắm giữ.
Đầu tiên phải kể đến nhóm cổ phiếu dầu khí. Trong năm 2021, dự án Sao Vàng – Đại Nguyệt sẽ tạo ra động lực tăng trưởng mới cho các công ty thực hiện dịch vụ xây lắp và vận chuyển dầu khí như PVS, PVT. Ngoài ra, việc giá dầu thế giới có xu hướng phục hồi trong dài hạn sẽ hỗ trợ hoạt động cho thuê giàn khoan dầu của PVD.
Tiếp theo là nhóm cổ phiếu bất động sản và xây dựng. Với việc hàng loạt luật có hiệu lực thi hành từ năm 2021 góp phần cởi bỏ khung pháp lý cho các dự án bất động sản, kết hợp với mặt bằng lãi suất thấp, thị trường bất động sản sẽ tiếp tục xu hướng phục hồi mạnh từ quý III/2020.Một số cổ phiếu đang chú ý trong nhóm này bao gồm KDH, TDC, HDC, HDG, CTD, HTN, HBC…
Cuối cùng là nhóm cổ phiếu bất động sản khu công nghiệp (KBC, LHG, SZC, BCM…). Xu hướng dòng vốn ngoại tràn sang Việt Nam đang ngày càng mạnh mẽ trong khi nguồn cung vẫn còn hạn chế khiến giá thuê đất tại các khu công nghiệp được dự báo tiếp tục duy trì xu hướng tăng mạnh trong dài hạn.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận