Góc nhìn chuyên gia tuần mới: Cổ phiếu ngân hàng, dầu khí có giữ được phong độ?
Sau 6 phiên liên tiếp giảm điểm, thị tròng đã hồi phục nhờ sự hỗ trợ tích cực của nhóm cổ phiếu ngân hàng và dầu khí. Liệu hai nhóm cổ phiếu này có giữ được phong độ khi mà một số mã đã ghi nhận mức tang 20-30% từ đầu năm đến nay. Cùng Báo Đầu tư chứng khoán tìm câu trả lời từ một số chuyên gia chứng khoán trong chuyên mục Bàn tròn tuần này.
Phiên cuối tuần đã ghi nhận sự hồi phục trở lại của cả 3 chỉ số, nhưng khả năng để thị trường quay lại xu hướng tăng là khá mong manh. Liệu thị trường có tiếp tục phải đối diện với áp lực điều chỉnh trong tuần tới không, theo các ông/bà?
Ông Trần Đức Anh, Giám đốc Kinh tế Vĩ mô và chiến lược thị trường, CTCK KB Việt Nam (KBSV)
Diễn biến hồi phục của thị trường trong phiên cuối tuần với thanh khoản thấp, theo tôi đánh giá, phần nhiều mang tính kỹ thuật sau các phiên giảm “sốc” trước đó.
Với việc thị trường trong nước đang thiếu vắng các thông tin tích cực hỗ trợ, trong khi các tin quốc tế phần nhiều mang màu sắc tiêu cực, tôi cho rằng nhiều khả năng thị trường sẽ cần thêm 1 nhịp giảm điểm nữa để phản ánh hết các rủi ro hiện tại trước khi cho phản ứng hồi phục tại những điểm hỗ trợ mạnh ở vùng giá thấp hơn của chỉ số VNIndex.
Ông Vũ Minh Đức, Trưởng phòng Cao cấp, Phòng Nghiên cứu và Phân tích, CTCK Bản Việt (VCSC)
Theo quan sát của tôi thì dù VN-Index đang ở phía dưới hỗ trợ M200 tại 955 điểm nhưng áp lực bán ra không mạnh, ngược lại thị trường thể hiện sự do dự với sự phân định xu hướng. Do đó, trong tuần tới khả năng mốc 955 sẽ được kiểm định lại.
Ông Hoàng Thạch Lân, Trưởng phòng Phân tích khối khách hàng cá nhân CTCK Rồng Việt
Ông Hoàng Thạch Lân
Tôi nghĩ là có. Một phiên tăng điểm thứ Sáu chưa nói được rằng tin xấu đã ra xong và thị trường sẽ hồi. các chỉ báo kỹ thuật của tôi mang lại kết luận tổng thể là vẫn tiêu cực, vẫn có rủi ro giảm tiếp. Áp lực từ những thông tin liên quan đến cuộc chiến Mỹ - Trung vẫn còn đó.
Cuối cùng, Mỹ đã chính thức nâng thuế quan từ 10% lên 25% đối với 200 tỷ USD hàng hóa Trung Quốc. TTCK nhìn chung không có nhiều phản ứng mạnh với thông tin này, thậm chí cổ phiếu đồng loạt “xanh”. Tuy nhiên, về lâu dài, điều này sẽ tác động như thế nào đến TTCK, theo cảm nhận của ông/bà?
Ông Trần Đức Anh, Giám đốc Kinh tế Vĩ mô và chiến lược thị trường, CTCK KB Việt Nam (KBSV)
Đánh giá tác động của việc Mỹ nâng thuế từ 10% lên 25% đối với 200 tỷ USD hàng hóa Trung Quốc đến TTCK Việt Nam về lâu dài, theo tôi cần nhìn vào 2 tác động chính.
Tác động đầu tiên, khá nhanh và trực tiếp, là tác động lên tỷ giá. Như chúng ta đã biết trong các giai đoạn căng thẳng chiến tranh thương mại gia tăng, đồng USD có xu hướng mạnh lên, trong khi đồng CNY yếu đi, tạo áp lực kép lên chính sách điều hành, ổn định tỷ giá của NHNN. Thống kê các giai đoạn trong quá khứ cũng cho thấy mỗi khi tỷ giá căng thẳng, khối ngoại cũng có xu hướng rút ròng vốn khỏi TTCK Việt Nam, qua đó tác động xấu đến biến động VNIndex.
Tác động thứ hai là các tác động đến dòng chảy thương mại toàn cầu. Đây là tác động tương đối phức tạp đến kinh tế Việt Nam, cả về mặt tích cực và tiêu cực, qua đó có nhiều tác động khó lường đến diễn biến TTCK trong dài hạn.
Về mặt tích cực, chúng ta có thể kỳ vọng chiến tranh thương mại là cơ hội để thu hút vốn FDI, cơ hội để hàng hóa Việt Nam trở thành các sản phẩm thay thế để thâm nhập vào thị trường Mỹ, Trung Quốc…
Ngược lại, các ảnh hưởng tiêu cực có thể kể đến việc tốc độ tăng trưởng kinh tế thế giới sụt giảm, kéo theo sụt giảm hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam, doanh nghiệp Việt Nam nằm trong chuỗi giá trị sản phẩm của doanh nghiệp thuộc Mỹ hoặc Trung Quốc sẽ chịu ảnh hưởng trực tiếp, hay việc hàng hóa Trung Quốc có thể tìm cách lách thuế qua việc mượn danh sản xuất tại Việt Nam…
Ông Vũ Minh Đức, Trưởng phòng Cao cấp, Phòng Nghiên cứu và Phân tích, CTCK Bản Việt (VCSC)
Ông Vũ Minh Đức
Chiến tranh thương mại leo thang tôi cho rằng trong dài hạn làm kinh tế Mỹ và Trung Quốc suy yếu đi và ảnh hưởng đến đà tăng trưởng kinh tế toàn cầu. Điều này không phải là yếu tố tích cực cho các TTCK.
Ông Hoàng Thạch Lân, Trưởng phòng Phân tích khối khách hàng cá nhân CTCK Rồng Việt
Thực tế báo chí đã đồng loạt nêu đích danh các quỹ đầu tư có vốn nhà nước Trung quốc đã đỡ giá cổ phiếu và chỉ số nước đó khi Mỹ chính thức áp thuế và đàm phán đổ bể. Đây là hành động cố ý, và tôi chưa rõ là họ có thể làm nhiều ngày nữa được không.
Phiên thứ Sáu nhiều chỉ số chứng khoán châu Á bỗng tăng, trong đó có Việt Nam, và tôi nói đùa là tâm lý bầy đàn đã ở tầm châu lục. Tuy nhiên, cuộc chiến Mỹ - Trung càng kéo dài càng ảnh hưởng tiêu cực lên chứng khoán thế giới, trong đó có Việt Nam.
Nhóm cổ phiếu nhóm ngân hàng (HDB, BID, CTG, TCB…) và dầu khí (GAS, PVS..) bật tăng mạnh trong phiên cuối tuần qua 10/5 và là một phần nhân tố quan trọng giữ đà tăng của các chỉ số. Đây cũng là nhóm cổ phiếu nhận được nhiều quan tâm từ phía nhà đầu tư. Ông/bà đánh giá như thế nào về hai nhóm cổ phiếu này ở thời điểm hiện tại, khi mà một số cổ phiếu cũng đã ghi nhận tăng 20% - 30% từ đầu năm đến nay?
Ông Trần Đức Anh, Giám đốc Kinh tế Vĩ mô và chiến lược thị trường, CTCK KB Việt Nam (KBSV)
Ngành ngân hàng là 1 trong số ít các ngành vẫn duy trì được đà tăng trưởng tích cực trong kết quả kinh doanh quý I vừa qua được công bố. Mặc dù vậy, tôi cũng nhận thấy đã có sự phân hóa mạnh trong con số tăng trưởng giữa các ngân hàng trong quý I, điều này sẽ tạo nên sự phân hóa trong diễn biến giá cổ phiếu của từng ngân hàng, khiến diễn biến tăng/giảm đồng pha của cả ngành ngân hàng sẽ khó xảy ra.
Ở thời điểm hiện tại, tôi duy trì đánh giá cao đối với triển vọng các cổ phiếu ngân hàng ở top đầu, chất lượng tài sản tốt và tiềm năng tăng trưởng về kết quả kinh doanh được đảm bảo trong các quý tiếp theo.
Đối với ngành dầu khí, các cổ phiếu ngành này được hưởng lợi từ xu hướng hồi phục của giá dầu từ đầu năm đến nay. Tuy nhiên để diễn biến tăng của giá dầu phản ánh đầy đủ vào kết quả kinh doanh cốt lõi của các doanh nghiệp trong ngành sẽ cần 1 độ trễ nhất định (kéo dài 1 vài quý), trong khi giá cổ phiếu các doanh nghiệp đã tăng trưởng mạnh từ đầu năm đến nay (20%-30%).
Ông Trần Đức Anh
Do đó, mặc dù vẫn đánh giá cao triển vọng các doanh nghiệp trong ngành trong dài hạn, tôi không cho rằng đây là cơ hội đầu tư thực sự hấp dẫn trong ngắn hạn, đặc biệt trong bối cảnh giá dầu có khả năng xuất hiện các biến động khó lường thời gian tới.
Ông Vũ Minh Đức, Trưởng phòng Cao cấp, Phòng Nghiên cứu và Phân tích, CTCK Bản Việt (VCSC)
Trong giai đoạn gần đây nhím dầu khí diễn biến khá tích cực, hỗ trợ bởi đà tăng của giá dầu và kỳ vọng cải thiện và mở rộng các hoạt động dịch vụ dầu khí trong năm nay. Tuy vậy, theo tôi định giá nhóm này đã không còn rẻ. Ngược lại, mặt bằng giá của nhiều cổ phiếu ngân hàng sau nhịp điều chỉnh giảm vừa qua đang khá hấp dẫn.
Ông Hoàng Thạch Lân, Trưởng phòng Phân tích khối khách hàng cá nhân CTCK Rồng Việt
Nhiều mã ngân hàng đã giảm từ giữa tháng 3 đến nay, gần 2 tháng và “xuyên qua” 2 kỳ ra tin là ĐHCĐ và báo cáo kết quả quý I mà hầu như không được hỗ trợ, do đó tôi nghĩ phiên thứ Sáu qua, hoặc tuần qua là nhịp hồi. Cũng có những mã đã tạo ra dạng biểu đồ đẹp để kỳ vọng nhịp hồi còn kéo dài, tức là vẫn có thể đánh cược lướt sóng với nhóm này.
Đối với dầu khí tôi nghĩ cẩn trọng hơn. Giá dầu tuần qua giảm, và còn có thể giảm thêm. Điều này sẽ tạo áp lực lên giá cổ phiếu nhóm này.
Trong bối cảnh áp lực bán vẫn đang ghi nhận gia tăng thì nên chọn chiến lược đầu tư nào?
Ông Trần Đức Anh, Giám đốc Kinh tế Vĩ mô và chiến lược thị trường, CTCK KB Việt Nam (KBSV)
Trong ngắn hạn, tôi giữ quan điểm thận trọng với biến động thị trường trong tuần tới. Trong kịch bản thị trường tiếp tục điều chỉnh sâu, nhà đầu t có thể trải lệnh từng phần đối với nhóm cổ phiếu mang tính cơ bản, hoạt động sản xuất kinh doanh ổn định và đã giảm về vùng giá hấp dẫn.
Ông Vũ Minh Đức, Trưởng phòng Cao cấp, Phòng Nghiên cứu và Phân tích, CTCK Bản Việt (VCSC)
Hiện tại, các tín hiệu xu hướng ngắn và trung hạn của thị trường đều chưa rõ ràng dù yếu tố định giá là hấp dẫn. Vì vậy, việc quan sát nên tiếp tục được áp dụng.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận