Góc nhìn chuyên gia tuần mới: Chốt lời sớm hay tiếp tục “gồng lãi”
Nhiều nhà đầu tư nắm cổ phiếu đã có lãi nhưng vẫn băn khoăn nên chốt ngay với mức lợi nhuận mỏng hay “gồng lãi” trong bối cảnh thị trường hiện tại?
Dòng tiền tuần qua ghi nhận sự gia tăng tại nhóm cổ phiếu vốn hóa lớn và sụt giảm nhẹ với nhóm mid-caps. Điều này đã hỗ trợ cho chỉ số VN-Index bứt phá thành công kháng cự cứng 1.125 điểm. Đâu là góc nhìn của ông bà về xu hướng của thị trường trong tuần giao dịch cuối cùng của tháng 6?
Ông Trương Thái Đạt, Giám đốc phân tích, CTCK DSC
Tại nhịp thử thách 1.12x lần thứ hai, dòng tiền có dấu hiệu chuyển dịch khỏi nhóm bluechips dẫn dắt chỉ số như ngân hàng, sang nhóm cổ phiếu có tính chất midcap đầu cơ cao hơn.
Tâm lý hưng phấn đang thể hiện rõ, nhưng sức mạnh vượt cản của VN-Index không còn ấn tượng như trước không chỉ bởi sự chuyển dịch của dòng tiền, mà do còn do chỉ số liên tục mở gap cùng mức thanh khoản giảm dần.
Quan trọng nhất là cơ hội giao dịch trên thị trường đang thu hẹp dần với số lượng cổ phiếu nằm trong xu hướng tăng trung hạn đã lên tới 83%. Chỉ số có thể tiếp tục đà vượt đỉnh, nhưng với đà tăng ngày càng phân hóa, hoặc xuất hiện nhịp điều chỉnh/tích lũy trong tuần tới sẽ giúp thị trường duy trì trạng thái lành mạnh hơn và mở ra nhiều cơ hội giao dịch hơn.
Ông Lê Đức Khánh, Giám đốc Phát triển năng lực đầu tư, Công ty Chứng khoán VPS
Diễn biến tăng điểm của một nhóm cổ phiếu lớn và trạng thái phân hoá các nhóm ngành đang khiến cho thị trường chưa thể điều chỉnh ngay, mà khả năng tích cực tăng điểm có thể kéo dài thêm cho đến tuần giao dịch cuối cùng của tháng. VN-Index vẫn có dư địa tăng điểm lên khu vực 1.140 - 1.150 điểm trong tuần giao dịch tới.
Ông Dương Hoàng Linh, Giám đốc phân tích, CTCK Sacombank (SBS)
Về cơ bản, xu thế tăng được đánh giá khá bền bỉ và chưa xuất hiện tín hiệu đảo chiều xu thế (mới chỉ có các nhịp điều chỉnh xen kẽ). Đồng thời, dòng tiền ngắn hạn vẫn liên tục xoay vòng giữa các nhóm ngành, tín hiệu tích cực là việc sau các phiên tăng mạnh của mỗi cổ phiếu thường chỉ xuất hiện các phiên điều chỉnh giảm nhẹ.
Ngưỡng kháng cự gần nhất ở 1.130 - 1.140 đang ở rất gần, đồng thời xuất hiện thông tin tiêu cực (khởi tố vụ án thao túng TTCK), do vậy áp lực bán sẽ tăng mạnh đầu tuần, tuy nhiên việc nền tảng giá cổ phiếu tăng dần vẫn đang ủng hộ cho xu thế ngắn hạn tích cực.
Ông Lâm Gia Khang, Phụ trách chiến lược thị trường Chứng khoán VietinBank (CTS)
Trong tuần qua thị trường đã đối diện với áp lực chốt lãi gia tăng đáng kể, đặc biệt là tại nhóm cổ phiếu midcap sau nhịp tăng mạnh từ nửa cuối tháng 5. Tuy vậy, vùng hỗ trợ 1.100 điểm tiếp tục phát huy tốt vai trò khi dòng tiền liên tục đổ vào mạnh, đặc biệt là tại nhóm VN30 giúp thị trường đảo chiều và áp sát mốc 1,130 điểm vào cuối tuần.
Với việc áp lực chốt lãi đã giảm đi đáng kể và dư địa tăng điểm tại các cổ phiếu vốn hóa lớn vẫn còn, VN-Index được dự báo sẽ tiếp tục duy trì xu hướng tăng điểm và chinh phục kháng cự 1.150 điểm trong tuần tới.
Hệ thống giao dịch trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ dự kiến sẽ vận hành chính thức vào tháng 7 tới. Hiện đã có 63 công ty chứng khoán sẵn sàng kết nối hệ thống để tham gia thị trường này và dự kiến có hơn 1.600 trái phiếu sẽ tham gia giao dịch trên hệ thống. Ông/bà kỳ vọng như thế nào đối với hệ thống này, ở cả khía cạnh giải quyết được bức tranh ảm đạm của thị trường trái phiếu cũng như tác động liên quan đến thị trường chứng khoán?
Ông Trương Thái Đạt, Giám đốc phân tích, CTCK DSC
Phát triển thị trường trái phiếu là xu hướng tất yếu và việc đưa hệ thống giao dịch trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ vào hoạt động là bước đi cần thiết để phục hồi thị trường trái phiếu vốn đang ảm đạm. Cùng với đó, đây có thể là cú huých giúp thu hẹp khoảng cách giữa lãi suất cho vay và lãi suất tiền gửi tại các ngân hàng thương mại, nhờ xuất hiện kênh huy động vốn có tính cạnh tranh cao. Tuy nhiên, tương tự như thị trường chứng khoán, niềm tin của nhà đầu tư trái phiếu sẽ cần thời gian để phục hồi sau những cú “sốc” trong năm 2022.
Ông Lê Đức Khánh, Giám đốc Phát triển năng lực đầu tư, Công ty Chứng khoán VPS
Cần thêm nhiều những giải pháp hỗ trợ cho TTCK, cải thiện tâm lý thị trường, tháo gỡ các nút thắt thanh khoản - đây là những hướng đi thiết thực để TTCK Việt Nam phát triển lành mạnh và trở thành kênh dẫn vốn quan trọng cho nền kinh tế.
Ông Dương Hoàng Linh, Giám đốc phân tích, CTCK Sacombank (SBS)
Việc đưa vào vận hành hệ thống giao dịch trái phiếu doanh nghiệp thể hiện mục tiêu tạo môi trường minh bạch, ổn định của cơ quan quản lý. Tất nhiên, điều này sẽ giúp cải thiện bức tranh ảm đạm vừa qua khi tính công khai, minh bạch, chuyên nghiệp được đề cao, cũng như thanh khoản của thị trường trái phiếu doanh nghiệp được thúc đẩy.
Tuy nhiên, tôi nghĩ tác động tới thị trường chứng khoán sẽ rất nhỏ (đặc biệt trong tương lai gần), bởi sẽ không nhiều nhà đầu tư chứng khoán nhảy sang thị trường này.
Ông Lâm Gia Khang, Phụ trách chiến lược thị trường Chứng khoán VietinBank (CTS)
Việc đưa vào vận hành hệ thống giao dịch trái phiếu riêng lẻ góp phần tạo cơ sở pháp lý vững chắc hơn cho các nhà đầu tư tham gia thị trường. Bên cạnh đó, việc niêm yết trái phiếu lên hệ thống mới cũng đòi hỏi sự minh bạch thông tin cao hơn từ các doanh nghiệp, góp phần khôi phục lại niềm tin trên thị trường trái phiếu doanh nghiệp – một trong các kênh huy động vốn quan trọng của hệ thống tài chính.
Liên quan đến việc tháo gỡ bức tranh ảm đạm đối với thị trường trái phiếu, hệ thống mới vẫn có tác động tích cực; tuy vậy vẫn cần thêm nhiều biện pháp khác nhằm tạo dòng tiền ổn định để doanh nghiệp có thể xử lý các trái phiếu phát hành trong giai đoạn trước.
Các biện pháp hỗ trợ có thể đến từ các chính sách nhằm tháo gỡ pháp lý tại các dự án bất động sản, cho phép các ngân hàng có thêm thời gian cơ cấu các khoản nợ xấu hoặc đến từ chính doanh nghiệp thông qua các cuộc đối thoại với các trái chủ nhằm giãn thời gian trả lãi, sử dụng các tài sản khác không phải tiền mặt làm tài sản đảm bảo cho khoản trái phiếu đã phát hành...
Trong một diễn biến khác, cuối tuần qua, thông tin từ UBCKNN cho thấy, cơ quan này đã nhận được thông báo của Cơ quan an ninh điều tra khởi tố vụ án hình sự “Thao túng thị trường chứng khoán” đối với cổ phiếu API, IDJ, APS. Liệu thông tin này có tác động nhiều đến tâm lý thị trường trong tuần tới, theo các ông/bà?
Ông Trương Thái Đạt, Giám đốc phân tích, CTCK DSC
Mức vốn hóa, giá trị giao dịch và sức ảnh hưởng của các cổ phiếu có liên quan tới điều tra và xử lý đều không lớn, do đó nếu xét ảnh hưởng trực tiếp là không đáng kể.
Tuy nhiên, nếu xét trong quá khứ, khi dòng tiền đầu cơ vận động mạnh mà xuất hiện thông tin về động thái xử lý thao túng cổ phiếu, sức ảnh hưởng đến thị trường là đáng kể. Do đó, nhà đầu tư vẫn nên lưu ý điều chỉnh tỷ trọng ở các nhóm cổ phiếu có tính chất đầu cơ cao và đã tăng nóng trong 1-2 tháng qua.
Ông Lê Đức Khánh, Giám đốc Phát triển năng lực đầu tư, Công ty Chứng khoán VPS
Đây chắc chắn là thông tin khiến niềm tin nhà đầu tư được cải thiện hơn sau những giai đoạn khó khăn 2022. Điều mà các cơ quan quản lý và các CTCK cần làm không chỉ đào tạo hướng dẫn, trấn an nhà đầu tư cá nhân về các kênh đầu tư chứng khoán hạn chế các tin đồn thất thiệt, mà còn hướng đến mang lại sự minh bạch, niềm tin của nhà đầu tư đối với CTCK để hướng tới giai đoạn nâng hạng thị trường trong tương lai.
Ông Dương Hoàng Linh, Giám đốc phân tích, CTCK Sacombank (SBS)
Chắc chắn sẽ có những tác động tiêu cực tới nhóm cổ phiếu này cũng như có sự ảnh hưởng tới thị trường chung. Tuy nhiên, tôi cho rằng, ảnh hưởng này sẽ chỉ diễn ra trong thời gian ngắn, hoặc phần nào đáng kể với những cổ phiếu nhỏ mang tính đầu cơ. Thậm chí, đây còn có thể là cơ hội để nhà đầu tư ngắn hạn tích lũy cổ phiếu với giá tốt.
Ông Lâm Gia Khang, Phụ trách chiến lược thị trường Chứng khoán VietinBank (CTS)
Với tỷ trọng tham gia của nhà đầu tư cá nhân vẫn ở mức cao, việc cơ quan điều tra khởi tố hình sự vụ án thao túng thị trường chứng khoán tại các cổ phiếu API, IDI, APS có thể gây tác động tiêu cực đến diễn biến thị trường trong giai đoạn đầu tuần tới. Tuy vậy, về trung dài hạn thị trường không bị tác động nhiều bởi thông tin này.
Trên thực tế, dòng tiền mới đã liên tục đổ vào thị trường từ đầu tháng 6, đẩy thanh khoản và giá trị giao dịch trung bình mỗi phiên lên mức cao nhất từ đầu năm. Chuyển động trên của dòng tiền diễn ra trong bối cảnh các ngân hàng thương mại tiếp tục duy trì xu hướng hạ nhiệt lãi suất huy động khi NHNN có 4 lần hạ lãi suất điều hành tính từ tháng 3.
Đối với chuyển động dòng tiền, nhóm bluechips, nổi bật là VNM, HPG và các mã thuộc ngành ngân hàng khi thu hút dòng vốn ngoại và dòng tiền lớn vào mạnh mẽ. Ở nhóm vốn hóa vừa cho thấy sự chốt lời gia tăng khi hầu hết các nhóm ngành.. .Có thể thấy dòng tiền như đã “xoay tua” một vòng ở nhiều nhóm cổ phiếu. Ở thời điểm hiện tại, ông bà nhìn nhận cơ hội “nổi trội” hơn đang thuộc nhóm cổ phiếu nào?
Ông Trương Thái Đạt, Giám đốc phân tích, CTCK DSC
Ngành bán lẻ nói chung và bán lẻ không thiết yếu nói riêng đã chịu ảnh hưởng nặng nề từ đại dịch Covid-19 trong năm 2022 và sự sụt giảm lớn về nhu cầu tiêu dùng kéo dài tới tận đầu năm 2023. Tuy nhiên, với việc kiểm soát chi phí doanh nghiệp và các chính sách kích cầu sắp tới từ Chính phủ, ngành bán lẻ được kỳ vọng tích cực hơn trong nửa cuối năm 2023.
Nhìn lại kết quả kinh doanh quý 1 năm nay, hầu hết các doanh nghiệp trong ngành tiếp tục phản ánh mức tăng trưởng doanh thu, lợi nhuận sau thuế ảm đạm và tiêu cực so với cùng kỳ (giảm từ 10-40%). Điều này đến từ nhu cầu về các mặt hàng tiêu dùng không thiết yếu như điện thoại di động, máy tính xách tay, ô tô và xe máy vẫn ở mức yếu. Bối cảnh vĩ mô khó khăn do lo ngại suy thoái, xuất khẩu giảm, tỷ lệ thất nghiệp và lãi suất đều tăng cao là những yếu tố ảnh hưởng lên sức mua của người dân.
Các doanh nghiệp hoạt động chính mảng ICT có thêm áp lực gia tăng lên doanh thu khi phải cạnh tranh về giá bán và mức tồn kho cao từ cuối năm 2022 . Tuy nhiên, DSC cho rằng, những gì tồi tệ nhất của ngành bán lẻ cũng đã qua và kỳ vọng càng về cuối năm 2023 và đầu năm 2024, nhu cầu tiêu dùng sẽ hồi phục trở lại mạnh mẽ hơn.
Hỗ trợ cho kỳ vọng của chúng tôi là chính sách tiền tệ đang trong giai đoạn mở rộng của chính phủ khi NHNN đã hạ lãi suất điều hành tới 4 lần kể từ tháng 3 cho tới nay, định hướng cho các ngân hàng thương mại hạ lãi suất huy động và đặc biệt là lãi suất cho vay. Điều này là chìa khóa giúp dòng vốn được lưu thông hơn trong nền kinh tế, doanh nghiệp và người dân cũng có điều kiện để mở rộng sản xuất, kinh doanh và chi tiêu hơn. Bên cạnh đó, chìa khóa để kích cầu tiêu dùng trong nước là chính sách giảm thuế VAT (thuế giá trị gia tăng) từ 10% xuống 8%. Sắp tới còn có giảm thuế trước bạ tới 50% giúp cho các doanh nghiệp sản xuất và bán lẻ ô tô hưởng lợi trực tiếp.
Các doanh nghiệp thuộc ngành bán lẻ cũng đã và đang có những chiến lược thích ứng với tình hình kinh tế khi sử dụng mô hình kinh doanh nhẹ vốn, giảm bớt chi phí cố định để cải thiện lợi nhuận, nỗ lực mở rộng mô hình kinh doanh, kết hợp với nhiều nhãn hàng mới (như DGW) và tập trung tận dụng vị thế cạnh tranh trong mảng phân phối (như PET với Samsung), mảng sản phẩm thiết yếu (như FRT với chuỗi nhà thuốc Long Châu).
Cổ phiếu yêu thích của DSC trong ngành bán lẻ là FRT và DGW. Nhà đầu tư có thể tham gia giải ngân theo tỷ trọng khi thị trường có những nhịp điều chỉnh về mặt chỉ số, cùng với kỳ vọng chúng tôi có giải thích bên trên.
Ông Lê Đức Khánh, Giám đốc Phát triển năng lực đầu tư, Công ty Chứng khoán VPS
Hiện tượng tăng điểm luân phiên ở nhiều nhóm cổ phiếu đã thu hút sự quan tâm của các nhà đầu tư giai đoạn vừa qua và có thể câu chuyện của các cổ phiếu riêng lẻ lại tiếp tục là chủ đề trao đổi của các nhà đầu tư cá nhân giai đoạn tới.
Nhà đầu tư không chỉ lưu ý về hoạt động chốt lời cổ phiếu ngắn hạn, mà còn có thể linh hoạt chuyển hướng nguồn tiền sang các cổ phiếu có nhiều tiềm năng và có nhiều dư địa tăng giá. Có lẽ một số cổ phiếu đặc thù nhóm ngành tài chính, hoá chất, bất động sản khu công nghiệp, dầu khí, công nghệ, thép, xây dựng xây lắp... vẫn sẽ thu hút dòng tiền đầu tư giai đoạn tới, thậm chí là trong giai đoạn cuối năm 2023.
Ông Dương Hoàng Linh, Giám đốc phân tích, CTCK Sacombank (SBS)
Không có nhóm ngành nào thực sự nổi trội so với mặt bằng chung của thị trường, khi xu hướng hiện tại là giằng co đi lên dần theo sự xoay vòng của dòng tiền. Lần lượt các nhóm ngành sẽ nhận được sự quan tâm của dòng tiền. Do vậy, nhà đầu tư nên quan tâm tới việc “mua thời điểm nào” để tối ưu hóa hiệu quả, tránh việc mua đuổi mà nên ưu tiên các nhịp điều chỉnh của thị trường hoặc của cổ phiếu mục tiêu.
Ông Lâm Gia Khang, Phụ trách chiến lược thị trường Chứng khoán VietinBank (CTS)
Một trong các nhóm cổ phiếu được hưởng lợi lớn nhất là nhóm cổ phiếu chứng khoán. Việc dòng tiền dịch chuyển sang thị trường chứng khoán giúp cải thiện giá trị giao dịch trung bình mỗi phiên, từ đó đẩy mạnh hiệu quả hoạt động mảng môi giới. Cùng với đó, lợi nhuận từ hoạt động cho vay margin và tự doanh cũng dự kiến cải thiện đáng kể khi xu hướng tăng điểm của thị trường bắt đầu được xác nhận rõ nét từ đầu tháng 6.
Bên cạnh đó, việc NHNN hạ lãi suất điều hành lần thứ 4 liên tiếp từ đầu năm dự kiến sẽ khiến mặt bằng lãi suất cho vay hạ nhiệt trong nửa cuối năm 2023, tạo điều kiện thuận lợi cho sự hồi phục của thị trường bất động sản. Trên thực tế, giai đoạn thị trường đóng băng vào nửa cuối năm 2022 đã khiến nhiều doanh nghiệp bất động sản tiến hành chiết khấu sâu giá bán sản phẩm, với mức chiết khấu phổ biến là 30 – 50%.
Việc giá bán giảm mạnh và khả năng được tiếp cận nguồn vốn rẻ hơn dự kiến khiến nhu cầu mua bất động sản gia tăng trong thời gian tới, từ đó giúp cải thiện đáng kể các khó khăn về tình hình tài chính và dòng tiền của các doanh nghiệp. Tuy vậy, nhà đầu tư cũng cần lưu ý chỉ nên giải ngân vào các doanh nghiệp bất động sản có nền tảng tài chính tốt, các dự án có pháp lý rõ ràng và có tiềm năng tăng trưởng từ việc bàn giao các sản phẩm ngay trong năm 2023.
Ngoài ra, nhà đầu tư cũng có thể cân nhắc giải ngân vào nhóm cổ phiếu đầu tư công. Trong tháng 6 vừa qua, đã có thêm ba dự án cao tốc chính thức được khởi công là tuyến cao tốc Châu Đốc – Cần Thơ – Hậu Giang – Sóc Trăng, cao tốc Biên Hòa – Vũng Tàu và tuyến đường Vành đai 3 của Thành phố Hồ Chí Minh.
Ngoài ra, công tác lựa chọn nhà thầu thực hiện gói 5.10 tại dự án Cảng Hàng không quốc tế Long Thành cũng đang được khẩn trương thực hiện. Các gói thầu mới này sẽ tiếp tục tạo nguồn việc lớn và góp phần cải thiện kết quả kinh doanh của các doanh nghiệp cung cấp vật liệu xây dựng (xi măng, đá, thép, nhựa đường) và xây dựng hạ tầng.
Nhiều nhà đầu tư nắm cổ phiếu đã có lãi nhưng vẫn băn khoăn nên chốt ngay với mức lợi nhuận mỏng hay “gồng lãi”, nếu bán thì lo ngại “mất hàng” mà giữ thì lại lo thị trường điều chỉnh lại bay hết thành quả. Đâu là lời khuyên của ông/bà?
Ông Trương Thái Đạt, Giám đốc phân tích, CTCK DSC
Có thể thấy, yếu tố tích cực nhất trong ngắn hạn có lẽ là yếu tố tâm lý khi nhà đầu tư trong nước có xu hướng tự tin hơn. Tuy nhiên, những dấu hiệu hồi phục của nền kinh tế là chưa có, thậm chí còn nhiều dấu hiệu suy yếu hơn. Điều này được thể hiện rất rõ qua số liệu PMI tháng 5.
Chính sách tiền tệ, tài khóa đã có những động thái hỗ trợ nền kinh tế, nhưng chưa thể có hiệu quả ngay mà cần thời gian (ít nhất 4-6 tháng) để thẩm thấu. Chúng ta cần khách quan là đà phục hồi của nền kinh tế có thể chậm hơn kỳ vọng. Do đó, thị trường có vẻ đang trả hơi nhiều cho những kỳ vọng của tương lai trung - dài hạn. Điều này chưa bao giờ là tốt cả, như xây một lâu đài trên cát vậy.
Khi dòng tiền khỏe, FOMO thì các ngưỡng chỉ là tương đối. Nền kinh tế xấu thì ai cũng biết, do đó trong ngắn hạn chứng khoán vẫn có thể tăng. Tuy nhiên, cần hiểu rằng nếu chúng ta trả quá nhiều cho kỳ vọng cho những kỳ vọng tương lai thì rủi ro khi đặt cược là rất lớn, đặc biệt là khi giá cổ phiếu đã tăng lên một mặt bằng mới.
Khi các lá bài chính sách đã ra gần như hết, việc quyết định xu hướng thị trường sẽ dựa trên chuyển động nền kinh tế. Hiện tại, chúng tôi vẫn nghiêng về kịch bản cần thêm thời gian và đà tăng dài hạn của thị trường có thể chưa được xác lập.
Ông Lê Đức Khánh, Giám đốc Phát triển năng lực đầu tư, Công ty Chứng khoán VPS
Trong quá trình đầu tư, nhà đầu tư cũng nên ưu tiên quản lý danh mục và rà soát tỷ trọng vị thế cổ phiếu hàng tuần để có cổ phiếu đạt mục tiêu lợi nhuận, cổ phiếu chỉ tăng giá ít hơn kỳ vọng..., thì việc chốt lời ngắn hạn là cần thiết.
Việc chủ động kiểm soát danh mục ngắn hạn để chốt lãi ngay và sau đó tái đầu tư vào các cổ phiếu khác chưa tăng hoặc có nhiều triển vọng hơn, trong khi vẫn có thể giữ một số cổ phiếu dài hơn dự kiến cũng là cần thiết. Dù thế nào đi nữa, nếu khéo lựa chọn và linh hoạt giao dịch các cổ phiếu vừa ngắn hạn lại có thể chốt lời hợp lý cũng sẽ giúp nhà đầu tư có hiệu quả sinh lời tốt và sau đó nếu có tái đầu tư thì việc điều chỉnh cơ cấu danh mục thường xuyên sẽ giúp họ đầu tư vào các cổ phiếu diễn biến vận động giá tốt trong thời gian ngắn.
Ông Dương Hoàng Linh, Giám đốc phân tích, CTCK Sacombank (SBS)
Điều này phụ thuộc vào chiến lược đầu tư của nhà đầu tư: Dài hạn hay lướt sóng. Với nhà đầu tư ngắn hạn, việc chốt lời và đảo danh mục sang nhóm cổ phiếu khác chưa lên cũng là việc hợp lý, phù hợp với chiến lược “mua đỏ bán xanh” trong một thị trường giằng co lên dần.
Còn với nhà đầu tư dài hạn, không cần quá quan tâm tới việc tăng/giảm của thị giá cổ phiếu trong ngắn hạn.
Ông Lâm Gia Khang, Phụ trách chiến lược thị trường Chứng khoán VietinBank (CTS)
Nhà đầu tư ngắn hạn được khuyến nghị duy trì tỷ trọng cổ phiếu/tiền mặt ở mức 60/40 nhằm sẵn sàng cho các biến động mạnh của thị trường. Việc giải ngân được khuyến nghị nên thực hiện trong các giai đoạn giảm điểm của thị trường và tại các vùng hỗ trợ mạnh, với hai ngưỡng hỗ trợ gần nhất trong giai đoạn hiện nay lần lượt là 1.120 và 1.100 điểm.
Nhà đầu tư dài hạn được khuyến nghị áp dụng chiến lược tích sản cổ phiếu thuộc các ngành có triển vọng tăng trưởng trong các phiên điều chỉnh của thị trường, với kỳ vọng các chính sách hỗ trợ của NHNN thông qua các lần giảm lãi suất điều hành sẽ góp phần cải thiện kết quả kinh doanh năm 2023 của doanh nghiệp, đồng thời tuyệt đối không sử dụng margin.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận