Góc nhìn chuyên gia chứng khoán tuần mới: Sóng bất động sản đã chấm dứt?
Sau chuỗi ngày dài tăng nóng, nhóm cổ phiếu bất động sản đã giảm trong tuần qua. Liệu sóng bất động sản đã chấm dứt? Cùng Đầu tư Chứng khoán tìm câu trả lời từ các chuyên gia chứng khoán.
Lực bán rũ bỏ xảy ra trong phiên cuối tuần qua khiến thị trường có phiên giảm mạnh nhất kể từ ngày 20/8 (VN-Index giảm 38,73 điểm). Có thể lý giải về phiên giảm mạnh này như thế nào, theo các ông/bà. Liệu điều này có tác động như thế nào đến xu hướng thị trường trong tuần tới?
Ông Nguyễn Anh Khoa, Trưởng phòng Phân tích và Tư vấn đầu tư CTCK Agriseco
Phiên giảm mạnh cuối tuần vừa rồi theo tôi do tổng hòa của nhiều yếu tố. Trong đó, tác nhân đầu tiên lo ngại biến thể mới Omicron lây lan, đặc biệt được cộng hưởng bởi thông tin đã có những ca nhiễm biến thể mới đầu tiên tại một số nước Đông Nam Á.
Trường hợp biến thể mới lan tới Việt Nam sẽ là một đòn đánh bồi thêm với nền kinh tế khi chúng ta mới ở giai đoạn đầu hồi phục sau khi quý III sụt giảm nặng nề. Bên cạnh đó, Fed đang phát đi thông điệp sẽ đẩy nhanh quá trình cắt giảm chương trình mua tài sản và nâng lãi suất sớm hơn dự kiến. Chính những điều này khiến không chỉ VN-Index mà các kênh tài sản khác trên thế giới đều bị bán khá mạnh, nhất là kênh tiền ảo với mức sụt giảm 2 chữ số cuối tuần qua.
Ông Nguyễn Hồng Khanh, Trưởng phòng Phân tích, Công ty Chứng khoán Quốc tế Việt Nam (VIS)
Tâm lý thị trường Việt Nam đã bị dao động mạnh sau khi biến chủng Omicron gây chao đảo nhiều thị trường quốc tế lớn trong những ngày qua. Việc lo ngại thị trường tài chính thế giới quay lại giai đoạn khó khăn như năm ngoái cùng với việc chứng khoán trong nước đã có chuỗi tăng rất mạnh trong tuần trước đó đã dẫn đến hoạt động bán tháo ồ ạt nhằm hạn chế rủi ro và chốt lời của nhà đầu tư.
Thị trường tuần tới sẽ vẫn còn trạng thái tâm lý nặng nề và nhiều khả năng xu hướng điều chỉnh còn tiếp tục vài phiên trước khi chạm các vùng hỗ trợ mạnh.
Ông Nguyễn Thế Minh, Giám đốc phân tích Khối khách hàng cá nhân, CTCK Yuanta Việt Nam
Tôi cho rằng, nguyên nhân tác động trực tiếp gây ra phiên giảm mạnh này chủ yếu là do rủi ro đã liên tục gia tăng lên nhóm cổ phiếu vốn hóa vừa và nhỏ trong xuyên suốt 2 tuần qua. Đồng thời, các cổ phiếu “đầu cơ” đã có hiện tượng giảm kịch sàn và mất thanh khoản trong ba phiên giao dịch gần đây, điều này đã khiến xuất hiện hiệu ứng bán tháo “domino” trong phiên thứ 6 khi xuất hiện tình trạng giải chấp ở nhóm cổ phiếu đầu cơ.
Ngoài ra, nguyên nhân gián tiếp đến từ biến chủng Omicron và đà bán ròng mạnh của khối ngoại cũng khiến tâm lý nhà đầu tư thận trọng hơn trong ngắn hạn.
Chỉ số VN-Index đã xuyên thủng các mức hỗ trợ quan trọng trong ngắn hạn, tôi cho rằng điều này đã khiến xu hướng ngắn hạn của chỉ số này trở nên tiêu cực hơn cho nên thị trường có thể sẽ còn giảm trong tuần tới và kiểm định lại các ngưỡng hỗ trợ kế tiếp 1.420 – 1.425 điểm.
Áp lực bán diễn ra trên diện rộng, trong đó nhóm cổ phiếu vừa và nhỏ bị chốt lời mạnh mẽ cho thấy dòng tiền đầu cơ có dấu hiệu suy yếu. Ông/bà có góc nhìn như thế nào về xu hướng dòng tiền trong thời gian tới?
Ông Nguyễn Anh Khoa, Trưởng phòng Phân tích và Tư vấn đầu tư CTCK Agriseco
Xu thế dòng tiền theo tôi tiếp tục diễn ra theo hướng rút khỏi dòng penny và quay trở lại dòng cổ phiếu cơ bản, trong đó có thể kể tới nhóm ngân hàng, bất động sản.
Tôi dự báo thị trường có thể hồi phục ngay trong phiên đầu tuần, tuy nhiên thanh khoản sẽ thấp hơn mức trung bình. Các phiên sau đó sẽ tích lũy dần chờ đợi các thông tin mới về biến thể Covid mới cũng như thị trường quốc tế và chính sách của FED.
Ông Nguyễn Hồng Khanh, Trưởng phòng Phân tích, Công ty Chứng khoán Quốc tế Việt Nam (VIS)
Nhiều cổ phiếu mang tính đầu cơ cao đã tăng gấp 2, 3 lần trong thời gian vừa qua vì vậy việc chốt lời là điều hiển nhiên. Dòng tiền sau khi đã tạo sóng ở nhóm này sẽ rút bớt dần và có thể gây hụt dòng tiền về mặt ngắn hạn và rủi ro margin có thể gia tăng với những nhà đầu tư chưa kịp rút chân.
Tuy nhiên, khi dòng tiền vào nhóm đầu cơ giảm bớt sẽ tự động chuyển sang nhóm cơ bản và tăng trưởng. Dòng tiền có thể chững lại một thời gian trước khi tìm cơ hội ở những nhóm cổ phiếu mới.
Ông Nguyễn Thế Minh, Giám đốc phân tích Khối khách hàng cá nhân, CTCK Yuanta Việt Nam
Dòng tiền hiện nay vẫn chưa có dấu hiệu thoát khỏi thị trường mà vẫn tìm kiếm các cơ hội ngắn hạn. Tuy nhiên, với bối cảnh rủi ro ngắn hạn đang gia tăng, tôi cho rằng nhà đầu tư có thể chọn giải pháp tạm thời là quan sát ở tuần giao dịch tới cho nên dòng tiền ngắn hạn có thể còn suy yếu.
Trong các nhóm dẫn dắt, bất động sản là nhóm ấn tượng nhất thời gian qua với đà tăng khá dài với kỳ vọng về điểm rơi lợi nhuận quý IV. Tuy nhiên, trong tuần qua, sắc đỏ đã chiếm ưu thế ở nhóm này. Dường như quy định siết phát hành trái phiếu doanh nghiệp (trong đó nhóm doanh nghiệp bất động sản đang chiếm ưu thế) đang ít nhiều tác động. Liệu sóng cổ phiếu bất động sản đang tạm dứt?
Ông Nguyễn Anh Khoa, Trưởng phòng Phân tích và Tư vấn đầu tư CTCK Agriseco
Đối với bất kỳ nhóm cổ phiếu nào sau khi trải qua giai đoạn tăng giá tốt mà phải đối mặt với thông tin bất lợi sau đó, thì có áp lực chốt lời cũng là điều dễ hiểu. Mặc dù vậy, tôi không cho rằng sóng cổ phiếu bất động sản đã chấm dứt, thay vào đó chỉ là nhịp nghỉ chân để phân phối lại dòng tiền giúp đà đi lên bền vững hơn.
Các doanh nghiệp bất động sản đã vào mùa bàn giao và ghi nhận kết quả kinh doanh cao điểm trong năm. Ngoài ra, nhiều doanh nghiệp cũng có thể sử dụng các bút toán đánh giá lại tài sản khi giá đất đang trong xu thế tăng tốt, giúp lợi nhuận có thể cải thiện mạnh. Xét về trung dài hạn, tôi vẫn đánh giá rất tích cực đối với ngành này nhờ kế hoạch đầu tư công mạnh mẽ các năm tới của Chính phủ.
Mặc dù vậy, cần lưu ý cơ hội không đến với tất cả các doanh nghiệp trong ngành. Ngay bản thân việc siết trái phiếu doanh nghiệp cũng sẽ tạo ra sự phân hóa, những doanh nghiệp có quỹ đất và khả năng triển khai dự án và tình hình tài chính tốt cơ bản không ảnh hưởng, thậm chí hưởng lợi. Ngược lại, những doanh nghiệp phụ thuộc quá nhiều vào trái phiếu để đảo nợ sẽ gặp khó khăn.
Ông Nguyễn Hồng Khanh, Trưởng phòng Phân tích, Công ty Chứng khoán Quốc tế Việt Nam (VIS)
Thông tin siết quy định về phát hành trái phiếu doanh nghiệp rõ ràng có tác động rất lớn đến nhiều doanh nghiệp bất động sản nhưng ít nhất cũng giúp thị trường bất động sản và cả ngân hàng trở nên lành mạnh, hạn chế những rủi ro nợ xấu trong tương lai.
Ít nhất trong ngắn hạn, nhóm bất động sản sẽ giảm bớt sự hấp dẫn mà một trong những lý do nữa là nhiều cổ phiếu đã tăng vượt giá trị khá xa.
Ông Nguyễn Thế Minh, Giám đốc phân tích Khối khách hàng cá nhân, CTCK Yuanta Việt Nam
Tôi cho rằng, nhóm bất động sản đã có chuỗi tăng nóng kéo dài thời gian qua thường mang tính chất làn sóng “đầu cơ” do chưa có nhiều lý do tích cực tác động lên nhóm cổ phiếu này trong ngắn và trung hạn.
Đồng thời, việc thắt chặt mạnh về dòng tín dụng chảy vào bất động sản cũng là yếu tố khiến các doanh nghiệp bất động sản có sức khỏe tài chính yếu gặp khó khăn trong giai đoạn tới, điều này sẽ tạo ra rủi ro gia tăng trên nhóm cổ phiếu này.
Tuy nhiên, các doanh nghiệp có quỹ đất lớn và vị trí tốt có thể sẽ thuận lợi hơn trong việc huy động vốn trên TTCK trong giai đoạn tới cho nên tôi cho rằng sóng bất động sản có thể tạm thời dừng ở giai đoạn này sau chuỗi tăng mạnh vừa qua, nhưng tôi cho rằng sóng bất động sản có thể sẽ quay trở lại trong đầu năm 2022.
Cũng là nhóm được dự báo có kết quả kinh doanh sẽ rất tích cực khi thanh khoản thị trường chứng khoán bùng nổ, nhưng nhóm cổ phiếu của các công ty chứng khoán lại liên tục giảm, thậm chí nhiều cổ phiếu giảm sàn trong phiên cuối tuần. Các ông/bà có thể lý giải nguyên nhân vì sao và nhận định xu hướng sắp tới với nhóm cổ phiếu này?
Ông Nguyễn Anh Khoa, Trưởng phòng Phân tích và Tư vấn đầu tư CTCK Agriseco
Nguyên nhân chính theo tôi vẫn là câu chuyện định giá. Nhóm cổ phiếu chứng khoán đã tăng rất mạnh, có cổ phiếu tăng gấp vài lần trong thời gian ngắn. Chính điều này đã đẩy mặt bằng giá tại một số cổ phiếu trở nên quá đắt đỏ, khiến áp lực chốt lời tăng cao khi thị trường có diễn biến xấu.
Thay vì nhìn vào con số P/E có thể chưa phản ánh được mức độ đắt rẻ do nhiều công ty có lợi nhuận đột biến năm 2021, chỉ số P/B đưa cho chúng ta góc nhìn rõ nét hơn. Tôi lưu ý là đặc thù nhóm cổ phiếu chứng khoán có mức tương quan chặt với thị trường, nhưng có độ biến động cao. Điều này nghĩa là nếu thị trường tăng thì nhóm này sẽ tăng mạnh hơn thị trường và ngược lại.
Ông Nguyễn Hồng Khanh, Trưởng phòng Phân tích, Công ty Chứng khoán Quốc tế Việt Nam (VIS)
Cổ phiếu chứng khoán biến động có sự tương đồng với nhịp lên xuống của thị trường. Khi chỉ số VN-Index giảm mạnh, lập tức nhà đầu tư sẽ liên tưởng dòng tiền sẽ rút ra và công ty chứng khoán sẽ ảnh hưởng lợi nhuận từ hoạt động margin và môi giới. Chưa kể hoạt động tự doanh cũng có thể gây thua lỗ nếu thị trường đi vào downtrend.
Có thể xu hướng điều chỉnh của nhóm chứng khoán còn kéo dài thêm thời gian ngắn nhưng không quá bi quan vì nhóm ngành này sẽ sớm hồi phục trở lại bởi hoạt động đầu tư chứng khoán vẫn đang tăng trưởng không ngừng.
Ông Nguyễn Thế Minh, Giám đốc phân tích Khối khách hàng cá nhân, CTCK Yuanta Việt Nam
Nhóm chứng khoán đã tăng mạnh trong thời gian qua và hiện nay, mức P/B trung bình của nhóm chứng khoán đang đạt mức 3.5x cho thấy mức định giá không còn quá hấp dẫn.
Đồng thời, số lượng cổ phiếu phát hành tăng mạnh ở nhiều doanh nghiệp trong nhóm này có thể sẽ ảnh hưởng đến hiệu quả sinh lời trong ngắn hạn và sẽ tạo ra áp lực cung cổ phiếu rất lớn trong trung hạn cho nên tôi cho rằng sóng nhóm cổ phiếu chứng khoán có thể tạm dừng đà tăng trong ngắn hạn.
Với nhận định về thị trường như trên, đâu là chiến lược đầu tư phù hợp trong tuần tới, theo các ông/bà?
Ông Nguyễn Anh Khoa, Trưởng phòng Phân tích và Tư vấn đầu tư CTCK Agriseco
Do thị trường hiện đang bị ảnh hưởng bởi nhiều yếu tố, trong đó yếu tố bên ngoài là chủ yếu. Vì vậy, theo tôi nên cơ cấu lại danh mục theo hướng tăng tỷ trọng tiền mặt, giảm tỷ trọng cổ phiếu để có vị thế chủ động trước các diễn biến bất thường của thị trường, cụ thể tỷ trọng tôi khuyến nghị là 30% tiền mặt và 70% cổ phiếu.
Nhà đầu tư không nên sử dụng margin giai đoạn này. Tôi vẫn duy trì triển vọng tích cực trong tháng 12, sẽ quay lại vượt mốc 1.500 điểm và tiếp tục chinh phục những đỉnh cao mới. Vì vậy, những phiên giảm điểm sắp tới sẽ là cơ hội tốt để tích lũy những cổ phiếu bluechip, đầu ngành.
Ông Nguyễn Hồng Khanh, Trưởng phòng Phân tích, Công ty Chứng khoán Quốc tế Việt Nam (VIS)
Thị trường đã tạo đỉnh trong ngắn hạn và có dấu hiệu phân phối. Việc giữ danh mục an toàn và hạ thấp tỷ lệ margin là ưu tiên hàng đầu giai đoạn hiện tại. Tuy nhiên, thị trường sẽ không đi vào giai đoạn downtrend dài hạn mà sẽ còn giằng co và tích lũy dần. Vì vậy, khi thị trường giảm mạnh là cơ hội để nhà đầu tư lựa chọn và tích lũy dần với nhóm cổ phiếu tăng trưởng và tiềm năng cho năm sau.
Ông Nguyễn Thế Minh, Giám đốc phân tích Khối khách hàng cá nhân, CTCK Yuanta Việt Nam
Tôi cho rằng, xu hướng ngắn hạn của thị trường đã chuyển sang giảm, điều này cho thấy chiến lược phù hợp giai đoạn này là ưu tiên giảm tỷ trọng cổ phiếu, đặc biệt là các nhà đầu tư không nên canh bắt đáy ngắn hạn vì mức chiết khấu ngắn hạn chưa đủ hấp dẫn.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận