24HMoney
Install 24HMoneyTải App
copy link
menu
Thu Miên
24HMoney đã kiểm duyệt 24HMONEY đã kiểm duyệt

Góc nhìn chuyên gia chứng khoán tuần mới: Hạn chế chạy đuổi theo thị trường

Với diễn biến dòng tiền xoay vòng nhanh, thay vì tham gia mua đuổi, nhà đầu tư nên chọn cổ phiếu tốt và chờ mua khi giá vẫn ở vùng tích lũy hay trong nhịp điều chỉnh. Trong một năm, chỉ cần tận dụng một vài cơ hội tốt sẽ hơn là luôn chạy theo thị trường.

Thị trường đã khép lại một tuần tăng điểm, thanh khoản cũng tích cực hơn so với tuần trước nhưng chỉ số VN-Index vẫn chưa dứt điểm được ngưỡng cản tâm lý 1.400. Tuy nhiên, áp lực bán trên thị trường đã bắt đầu gia tăng ở phiên cuối tuần, điều này có tác động như thế nào đến xu hướng thị trường trong tuần tới?

Ông Nguyễn Hữu Bình, Giám đốc đầu tư, CTCP Bảo hiểm SHB

Nhìn chung, thị trường có sự tích cực hơn những tuần trước đó khi nhóm cổ phiếu lớn và Ngân hàng tăng trở lại. Nếu quan sát thị trường trong khoảng 1 - 2 tháng trước đó chúng ta sẽ thấy nhóm này vô cùng kém, đặc biệt nhóm bank do lo ngại nợ xấu và lợi nhuận sụt giảm. Vậy tại sao tuần qua nhóm bank lại sôi động?

Cá nhân tôi cho rằng, nhà đầu tư đang kỳ vọng vào gói kích thích kinh tế lớn đang được dự kiến tung ra sau khi dịch được kiểm soát. Chúng ta đều thấy nợ xấu vẫn chưa thể giải quyết, nhưng nhà đầu tư tin rằng, dòng tiền từ gói kích thích này sẽ đi quan ngân hàng và giúp cho doanh nghiệp hồi sinh, nợ xấu được kiểm soát.

Kỳ vọng này tôi cho rằng vẫn còn nguyên và nó sẽ tiếp tục duy trì thị trường ổn định nhưng cũng chưa tạo ra nhiều hiệu ứng hơn. Tuy nhiên, thị trường lúc này đang vận động có lợi hơn cho những doanh nghiệp hưởng lợi với biến động từ thế giới như giá điện tăng, giá nguyên liệu hay giá khí, giá dầu.

Ông Vũ Minh Đức, Trưởng phòng Cao cấp, Phòng Nghiên cứu và Phân tích, CTCK Bản Việt (VCSC)

Tuần trước, chỉ số VN-Index có một phiên bứt phá mạnh qua kháng cự 1.375 điểm sau đó giằng co đi ngang dưới mốc 1.400 điểm. Mặc dù chỉ số đi ngang nhưng dòng tiền vẫn chạy luân phiên giúp thị trường vẫn xuất những phân lớp cổ phiếu tăng giá. Tôi cho rằng, xu hướng này sẽ tiếp tục duy trì trong tuần này.

Ông Dương Hoàng Linh, Trưởng phòng phân tích CTCK Sacombank (SBS)

Góc nhìn chuyên gia chứng khoán tuần mới: Hạn chế chạy đuổi theo thị trường

Ông Dương Hoàng Linh

Về cơ bản, sau khi VN-Index vượt qua được vùng kháng cự tại ngưỡng 1.370 điểm thì xu thế tăng ngắn hạn của thị trường (ít nhất về mặt chỉ số) đã chính thức quay trở lại. Việc thị trường gặp khó tại vùng tâm lý 1.400 điểm cũng không phải vấn đề đáng lo ngại, bởi thực tế sự thận trọng vẫn luôn duy trì trong suốt thời gian qua.

Một lý do nữa khiến đợt tăng điểm lần này diễn ra khá chậm (theo dạng bò dần lên) là vì thiếu sự đồng hành của các nhóm cổ phiếu dẫn dắt, mà chủ yếu lại đến từ các mã vừa và nhỏ. Do vậy, để xu thế trở nên thực sự thuyết phục, chúng tôi cần sự trở lại của các nhóm cổ phiếu thị trường như Ngân hàng, Chứng khoán… trong tuần tới.

Ông Phan Dũng Khánh, Giám đốc Tư vấn đầu tư CTCK Maybank Kim Eng (​MBKE)

Với vùng kháng cự quan trọng 1.380 đã vượt qua được dù các yếu tố hỗ trợ không thực sự quá lớn nhưng dòng tiền và thanh khoản đều kém, nhà đầu tư nước ngoài miệt mài bán ròng nhưng cho thấy lực mua từ nhà đầu tư nội cũng đủ "cân" thị trường trong lúc này.

Tuy vậy, với thanh khoản chỉ ở mức trung bình khá nên thị trường cho thấy có sự phân hóa khi nhiều nhà đầu tư lâm vào tình trạng "sàn lên mà danh mục thì lỗ", "vẫn còn xa bờ" nên thị trường lên không có sự đồng thuận của hàng loạt cổ phiếu và với Index cao phần nào sẽ bị ngăn cản bớt đà tăng. Tuy vậy, nếu chỉ xét riêng Index thì thị trường vẫn khó có thể tiêu cực trong ngắn hạn, có chăng chỉ là một vài phiên điều chỉnh trong khi vẫn tiến lên phía trước.

Quan sát dòng tiền cho thấy, nhóm cổ phiếu vừa và nhỏ đang hoạt động sôi động hơn, trong khi đó nhóm VN30 vẫn chưa giao dịch bứt phá đang là lực cản cho thị trường chung. Tuy nhiên, hiện tượng thao túng cổ phiếu lại đang khá phổ biến trong thời gian qua, đặc biệt ở nhóm cổ phiếu vừa và nhỏ. Điều này đang và sẽ gây nhiều rủi ro cho nhà đầu tư. Cần có sự cảnh báo như thế nào, theo các ông/bà?

Ông Nguyễn Hữu Bình, Giám đốc đầu tư, CTCP Bảo hiểm SHB

Góc nhìn chuyên gia chứng khoán tuần mới: Hạn chế chạy đuổi theo thị trường

Ông Nguyễn Hữu Bình

Thực tế vấn đề này được nói quá nhiều rồi, chỉ có điều bản thân mỗi nhà đầu tư họ bỏ qua điều đó mà thôi. Họ chấp nhận cuộc chơi này với mong muốn kiếm tiền nhanh hơn, đặc biệt với những người đã bị thua lỗ luôn có mong muốn gỡ. Chính những nhà đầu tư này tự biến TTCK thành cuộc đỏ đen với niềm tin mong manh mà không liên quan nhiều đến doanh nghiệp mà họ mua cổ phần. Hiện nay, có không ít những lời khuyên trên các phương tiện và nhà đầu tư nên tham khảo và học hỏi.

Ông Vũ Minh Đức, Trưởng phòng Cao cấp, Phòng Nghiên cứu và Phân tích, CTCK Bản Việt (VCSC)

Tôi cho rằng, từ "thao túng" giá một cổ phiếu nào đó chỉ có thể được kết luận hoặc cảnh báo bởi cơ quan quản lý có thẩm quyền. Còn trong khi chờ đợi, nhà đầu tư có thể tự bảo vệ mình bằng cách bỏ qua các mã mà mình thất nghi vấn.

Ông Dương Hoàng Linh, Trưởng phòng phân tích CTCK Sacombank (SBS)

Đặc tính của nhóm cổ phiếu nhỏ mang tính đầu cơ cao khi lên thường rất nhanh và mạnh, nhưng ngược lại sự đảo chiều cũng diễn ra nhanh và bất ngờ do đó nhà đầu tư cần phản ứng linh hoạt khi tham gia. Với những người đã lỡ sóng thì không nên mua đuổi và đặc biệt không nên dùng tỉ lệ đòn bẩy cao.

Với bối cảnh hiện tại, tôi cho rằng, nên hạn chế tham gia các hoạt động lướt sóng mang tính chất “đánh bạc” như vậy, bởi rủi ro đảo chiều luôn ở mức rất cao.

Ông Phan Dũng Khánh, Giám đốc Tư vấn đầu tư CTCK Maybank Kim Eng (​MBKE)

Bản thân việc đầu tư vốn đã có rủi ro chứ không thì nhà đầu tư đã đem tiền gửi hết ở trong ngân hàng. Tuy nhiên, độ biến động của các cổ phiếu penny mạnh hơn các nhóm còn lại. Do đó, các nhà đầu tư tham gia vào nhóm này luôn phải có cái đầu lạnh, hạn chế margin, biết khi nào là đủ cũng như kinh nghiệm dày dặn trên thị trường mới nên theo nhóm này.

Thực tế, dòng tiền hướng đến cổ phiếu các doanh nghiệp phục hồi sau dịch, cụ thể là nhóm doanh nghiệp có khả năng sớm hồi phục hoạt động sản xuất kinh doanh và đặc biệt là giá cổ phiếu đã giảm mức chiết khấu đủ lớn. Nếu nhìn vào chỉ báo này, cộng với tính chu kỳ thì nhóm ngành bất động sản, đầu tư công đang có lợi thế và thực tế nhiều cổ phiếu bất động sản đã phát tín hiệu trong tuần qua. Trong ngắn hạn, ông/bà đánh giá như thế nào về nhóm cổ phiếu này?

Ông Nguyễn Hữu Bình, Giám đốc đầu tư, CTCP Bảo hiểm SHB

Tuần qua, nhóm cổ phiếu bất động sản thực sự ấn tượng với khá nhiều cổ phiếu tăng mạnh. Dòng tiền chảy vào nhóm cổ phiếu này với niềm tin rằng, gói kích thích lớn sẽ xuất hiện và dòng tiền từ TTCK dịch chuyển sang. Hoặc thậm chí, nhà đầu tư tin rằng, sau đại dịch thì sóng lớn sẽ xuất hiện trên thị trường bất động sản.

Tuy nhiên, với cá nhân tôi lại không nghĩ như vậy và nếu đầu tư hãy xem xét kỹ từng doanh nghiệp thật cụ thể. Nói về doanh nghiệp bất động sản, có thể nhiều người tin rằng, giá đất cứ để đó rồi nó sẽ tăng mạnh theo thời gian như những gì nó đã diễn ra nhiều năm nay, như từng diễn ra trên thế giới. Tuy nhiên, trước khi nhìn điều đó nhà đầu tư hãy xem lại câu chuyện của doanh nghiệp bất động sản lớn nhất Trung Quốc là Evergrade vào lúc này.

Người Trung Quốc chưa bao giờ nghĩ đến kịch bản doanh nghiệp này có thể phá sản và bản thân các dự án của doanh nghiệp này khi đi vào hoat động cũng chưa tạo ra bất cứ phản ứng nào của dân cư. Tài sản của doanh nghiệp này đang sở hữu cho các dự án bất động sản là vô cùng lớn. Vậy tại sao họ lại lâm vào tình cảnh này và câu trả lời đơn giản là lý do tài chính.

Thực tế, giá bất động sản luôn tăng theo thời gian nhưng thực tế hưởng lợi từ điều này có lẽ chỉ dành riêng cho ông chủ của doanh nghiệp hơn là với những nhà đầu tư.

Hãy ví dụ một doanh nghiệp bất động sản cụ thể, họ có 1 dự án đang triển khai và dự kiến sẽ thu được khoản lợi nhuận lớn theo kế hoạch. Nhưng để có dự án này, họ bỏ ra rất nhiều chi phí trước đó như thủ tục cấp phép cho đến khi thực hiện.

Nhiều dự án từ lúc bắt đầu đến khi triển khai kéo dài vài năm thậm chí lâu hơn. Nếu như khi họ mua dự án đó bằng tiền đi vay thì giá vốn cho dự án trên không còn quá lợi thế. Chưa kể. thời gian thực hiện để lâu trong bối cảnh giá nguyên vật liệu như sắt thép, nhân công cũng tăng đẩy giá vốn lên.

Trong kịch bản tích cực với dự án này thì khi đó doanh nghiệp lại phải tìm kiếm một dự án khác gối đầu và lúc này chi phí cho dự án mới cũng không hề rẻ khi giá bất động sản tăng. Nhiều doanh nghiệp bất động sản vì câu chuyện này họ phải vay nợ rất nhiều, phát hành trái phiếu rất lớn và có thể mắc kẹt nếu như dòng tiền không thuận lợi. Vì thế nếu thống kê, chúng ta sẽ thấy những doanh nghiệp bất động sản thường có dòng tiền âm và ít khi trả cổ tức bằng tiền mặt.

Công ty bất động sản Evergnade của Trung Quốc chính là điển hình của vấn đề này, khi chính phủ Trung Quốc kiểm soát chặt nợ vay dẫn tới doanh nghiệp này bị mất thanh khoản và chuỗi đổ vỡ xuất hiện.

Hai năm gần đây, các doanh nghiệp bất động sản phát hành trái phiếu với con số rất rất lớn với lãi suất không hề nhỏ. Điều này khiến cho nhiều cơ quan quản lý là Bộ Tài chính, NHNN, Bộ Kế hoạch và Đầu tư lên tiếng cảnh báo.

Rủi ro từng xuất hiện nữa là nhiều Dự án bất động sản còn làm thế chấp cho các Ngân hàng vay vốn, và nhiều cư dân không thể nhận được sổ hồng bởi vì doanh nghiệp chưa trả hết nợ tại dự án đó. Vì thế, để đầu tư vào doanh nghiệp này nhà đầu tư cần thận trọng bởi giá cổ phiếu với giá đất là hoàn toàn khác nhau.

Ông Vũ Minh Đức, Trưởng phòng Cao cấp, Phòng Nghiên cứu và Phân tích, CTCK Bản Việt (VCSC)

Góc nhìn chuyên gia chứng khoán tuần mới: Hạn chế chạy đuổi theo thị trường

Ông Vũ Minh Đức

Nếu tính về hồi phục sản xuất thì không chỉ các ngành bất động sản hay liên quan đến đầu tư công được kỳ vọng hồi phục mà theo tôi còn rất nhiều ngành khác. Tôi không thấy lý do thuyết phục những cổ phiếu hạ tầng, bất động sản sẽ hồi phục tốt hơn cổ phiếu các ngành bán lẻ, công nghiệp hay dịch vụ tiện ích. Vì thế, những chuyển động tích cực của một số mã bất động sản gần đây theo tôi không mang tính đại diện cho xu hướng.

Ông Dương Hoàng Linh, Trưởng phòng phân tích CTCK Sacombank (SBS)

Nhà đầu tư cần có sự phân tích đánh giá kỹ càng hơn về yếu tố “hưởng lợi từ đầu tư công”, bởi trong nhiều doanh nghiệp được cho là hưởng lợi từ đầu tư công đang tạo sóng trên sàn hiện tại, không phải doanh nghiệp nào cũng nhận được lợi ích từ yếu tố này. Tôi nhận thấy với không ít cổ phiếu, đó chỉ là cái cớ để tạo sóng.

Bên cạnh đó, nhóm cổ phiếu bất động sản và các cổ phiếu được cho là hưởng lợi từ đầu tư công thực ra đã tăng mạnh từ nhiều tuần trước đây. Do đó, nhóm này cũng được cho là không còn nhiều dư địa tăng giá, dòng tiền hiện nay có sự dịch chuyển nhanh và linh hoạt nên theo tôi nhà đầu tư cần giữ sự thận trọng đối với các cổ phiếu đã tăng mạnh.

Ông Phan Dũng Khánh, Giám đốc Tư vấn đầu tư CTCK Maybank Kim Eng (​MBKE)

Các cổ phiếu doanh nghiệp hưởng lợi từ phục hồi kinh tế sẽ có lợi thế, đặc biệt trong dài hạn, cổ phiếu bất động sản cũng là một trong các nhóm này. Tuy nhiên, có sự đặc thù khi nhóm này có thêm yếu tố đầu cơ nhiều hơn các nhóm sản xuất kinh doanh.

Bên cạnh đó, việc giá bất động sản vẫn duy trì tốt trong mùa dịch, thậm chí nhiều khu vực còn tăng giá dữ dội nên về ngắn hạn nhóm này là triển vọng nhưng trung hạn dòng tiền có thể sẽ tập trung nhiều hơn vào các nhóm ngành sản xuất kinh doanh vốn bị vùi dập trong mùa dịch và được hưởng lợi nhiều hơn khi kinh tế mở cửa.

Góc nhìn chuyên gia chứng khoán tuần mới: Hạn chế chạy đuổi theo thị trường

Ông Phan Dũng Khánh

Thực tế thì nhà đầu tư đang dần không dành nhiều quan tâm đến biến động chỉ số mà thay vào đó là cơ hội cụ thể tại các cổ phiếu. Khác với giai đoạn trước, dòng tiền không tập trung vào một vài ngành cụ thể hay sóng cổ phiếu ngành cũng không còn duy trì đủ dài mà dòng tiền liên tục quay vòng luân phiên ở các nhóm cổ phiếu, đòi hỏi sự nhanh nhạy, linh hoạt nhiều hơn từ phía nhà đầu tư. Với chuyển động của thị trường như vậy, chiến lược nào là phù hợp, theo các ông/bà?

Ông Nguyễn Hữu Bình, Giám đốc đầu tư, CTCP Bảo hiểm SHB

Dòng tiền quá nhiều cùng lượng nhà đầu tư không ít trên thị trường vẫn luôn cố gắng kiếm tìm cơ hội đầu tư ngắn hạn. Vì thế, khi có bất cứ thông tin nào xuất hiện là dòng tiền này ngay lập tức chảy vào. Chúng ta thấy nhóm cổ phiếu dầu khí tăng mạnh với GAS, CNG, PVD; hay nhóm cổ phiếu cổ phiếu bất động sản như L18, L14, NLG, HDC..., hay câu chuyện thiếu điện dòng tiền cũng đẩy giá nhiều cổ phiếu dòng này tăng lên.

Thực tế, không phải doanh nghiệp nào cũng được hưởng lợi từ những thông tin trên, thậm chí sự logic này còn sai bởi có doanh nghiệp chịu thiệt hại như cổ phiếu nhiệt điện. Thậm chí, để hưởng lợi từ những điều trên cũng cần thời gian và sự nỗ lực của doanh nghiệp nữa và nhiều yếu tố ngoại quan như thị trường tiêu thụ, logistic...

Thế nên, cá nhân tôi luôn xem xét cụ thể từng doanh nghiệp, đánh giá rõ ràng những tác động của các yếu tố mới xuất hiện. Doanh nghiệp nào thực sự hưởng lợi và có tiềm năng tăng trưởng thì mới đầu tư, còn nếu không nên đứng ngoài quan sát và tìm kiếm cơ hội mới. Trong một năm, nếu chỉ cần tận dụng một vài cơ hội còn hơn là luôn chạy theo với thị trường.

Ông Vũ Minh Đức, Trưởng phòng Cao cấp, Phòng Nghiên cứu và Phân tích, CTCK Bản Việt (VCSC)

Khi dòng tiền xoay vòng nhanh thì rủi ro ngắn hạn sẽ đến với nhà đầu tư mua đuổi theo giá khi quan sát được những tín hiệu tăng về giá và thanh khoản. Thay vào đó, sẽ hiệu quả hơn nếu nhà đầu tư lựa chọn được cổ phiếu tốt và chờ mua khi giá vẫn ở vùng tích lũy hay trong nhịp điều chỉnh.

Ông Dương Hoàng Linh, Trưởng phòng phân tích CTCK Sacombank (SBS)

Đúng vậy, sự chuyển động của dòng tiền ngắn hạn thời gian gần đây (đẩy mạnh vào nhóm ngành nào) là rất khó phán đoán, đôi khi nhà đầu tư cần phải có sự kiên trì đồng thời là may mắn để có hiệu quả trong hoạt động lướt sóng.

Thay vì chạy theo dòng tiền (mua đuổi), tôi chọn chiến lược mua đón đầu ở các cổ phiếu đầu ngành, có yếu tố cơ bản tốt (được dự báo có kết quả kinh doanh quý III tốt), có thị giá chưa tăng và đang tích lũy hợp lý.

Ông Phan Dũng Khánh, Giám đốc Tư vấn đầu tư CTCK Maybank Kim Eng (​MBKE)

Rõ ràng, với sự xoay vòng nhanh như vậy có vẻ phù hợp với các nhà đầu tư lướt sóng nhưng việc đón đúng sóng, ra vào nhịp nhàng vốn chưa bao giờ là dễ dàng. Do đó, nhà đầu tư chỉ nên tham gia khi có nhiều kinh nghiệm lướt sóng phù hợp cũng như tâm lý vững vàng, hạn chế tối đa đòn bẩy và vẫn nên có một tỷ trọng nhất định vào những cổ phiếu chiến lược không lướt sóng nhỏ mà ăn ở những con sóng lớn.

Theo dõi 24HMoney trên GoogleNews

Từ khóa liên quan

Bấm vào mỗi từ khóa để xem bài cùng chủ đề

Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?

Liên hệ 24HMONEY ngay

Cảnh báo Nhà đầu tư lưu ý
Cảnh báo
Cơ quan chủ quản: Công ty TNHH 24HMoney. Địa chỉ: Tầng 5 - Toà nhà Geleximco - 36 Hoàng Cầu, P.Ô Chợ Dừa, Quận Đống Đa, Hà Nội. Giấy phép mạng xã hội số 203/GP-BTTTT do BỘ THÔNG TIN VÀ TRUYỀN THÔNG cấp ngày 09/06/2023 (thay thế cho Giấy phép mạng xã hội số 103/GP-BTTTT cấp ngày 25/3/2019). Chịu trách nhiệm nội dung: Phạm Đình Bằng. Email: support@24hmoney.vn. Hotline: 038.509.6665. Liên hệ: 0908.822.699

Điều khoản và chính sách sử dụng



copy link
Quét mã QR để tải app 24HMoney - Giúp bạn đầu tư an toàn, hiệu quả