menu
24hmoney
Install 24HMoneyTải App
copy link
Lê Kiều Trang

Góc nhìn chứng khoán: Áp lực điều chỉnh ngày càng tăng

Dòng tiền thận trọng khiến thanh khoản suy yếu, bên cạnh đó là sức ép đến từ một số mã lớn khiến cho VNI giảm điểm.

VN-Index tiếp tục có một phiên giảm điểm nữa ngày hôm nay khiến nguy cơ tạo đỉnh trở nên rõ ràng hơn. Sau khi đạt đỉnh cao nhất hôm 20/4 vừa qua, chỉ số này đã không thể kiểm định lại đỉnh cao đó mà quay đầu đi xuống.

Về mặt kỹ thuật, diễn biến như vậy được xem là có rủi ro tạo đỉnh sau thấp hơn. Đây là tín hiệu cảnh báo sự suy yếu của thị trường. Nếu so sánh với chỉ số đại diện các cổ phiếu vốn hóa lớn là VN30-Index cũng như các blue-chips trong chỉ số này, sự suy yếu có thể thấy rõ hơn nhiều.

VN30-Index cũng tạo đỉnh cùng ngày với VN-Index nhưng mức thoái lui tính từ đỉnh nhẹ hơn. Chỉ số này giảm khoảng 2,79% so với đỉnh cao nhất vừa qua trong khi VN-Index giảm 3,49%.

Vấn đề nằm ở chỗ cổ phiếu đang sụt giảm nhiều hơn. Trong 6 phiên rời đỉnh, VN30 chỉ có 6 cổ phiếu là đi ngược dòng, tăng so với chỉ số. Đó là POW, CTD, HPG, NVL, MSN và VNM. Tuy nhiên chỉ có 2 mã tăng được hơn 1% là POW (+9,57%) và CTD (+3,4%). Ngược lại 23 cổ phiếu đã rời đỉnh và suy giảm, trong đó 19 cổ phiếu giảm mạnh hơn VN30-Index. GAS, VCB, VNM, VHM, VRE, BID nằm trong số các mã giảm mạnh nhất.

Các cổ phiếu lớn đã tạo đỉnh rõ ràng hơn so với các chỉ số trong khi thanh khoản ở các mã này cũng đang giảm dần. Giao dịch khớp lệnh của nhóm VN30 lớn nhất là các phiên 20-21/4, đặc biệt là phiên ngày 21/4 với 2.902 tỷ đồng. Đến hôm nay giá trị khớp lệnh chỉ còn 1.728 tỷ đồng, tức là giảm hơn 40% so với đỉnh.

Giá giảm và thanh khoản giảm thể hiện các giao dịch chốt lời đã được thực hiện, sau đó nhà đầu tư hạn chế quay lại mua. Dòng tiền hôm qua và tuần trước đã chuyển sang các mã vốn hóa nhỏ và đẩy nhiều mã trong nhóm này tăng, nhưng đó cũng không phải là các giao dịch lớn do hạn chế về thanh khoản cũng như chất lượng cổ phiếu. Đến hôm nay giao dịch ở các nhóm cổ phiếu vừa và nhỏ cũng đã suy yếu, thanh khoản nhóm này giảm xuống cộng với số cổ phiếu tăng giá rất ít.

Thanh khoản suy giảm cũng có thể đến từ nguyên nhân thị trường chuẩn bị có kỳ nghỉ dài 4 ngày, nhà đầu tư muốn tránh các rủi ro thông tin trong giai đoạn này. Tuy vậy xu hướng giảm thanh khoản đã có từ các phiên tuần trước.

Về mặt thông tin, thị trường đang đi đến giai đoạn cuối của đợt công bố kết quả kinh doanh quý 1/2020. Nhóm ngân hàng công bố sớm nhất và nhiều mã đã suy yếu ngay sau đó. VCB, BID, CTG, TCB, MBB – những cổ phiếu ngân hàng dẫn dắt nhóm đều đã đạt đỉnh và đang điều chỉnh giảm. VHM hôm nay báo cáo lợi nhuận tốt, giá cũng không tăng được nhiều, thậm chí bị nhà đầu tư tranh thủ xả mạnh ngay đầu phiên. Trong vài ngày tới, kết quả kinh doanh sẽ xuất hiện hết, sau đó thị trường sẽ quay lại với các thông tin cũ như dịch bệnh, tái khởi động các nền kinh tế, giá dầu...

Sức ép của nhà đầu tư nước ngoài đối với toàn thị trường cổ phiếu nói chung và blue-chips VN30 nói riêng vẫn chưa hề suy giảm. Không đề cập đến chuyện thời điểm bán hay lời lỗ, việc dòng vốn ngoại rút đi triền miên có khả năng trở lại thành tâm điểm của thị trường. Ở nhịp phục hồi tạo đáy đầu tháng 4, thanh khoản chung của thị trường tăng mạnh nên áp lực bán của nhà đầu tư nước ngoài có phần bớt ảnh hưởng.

Nhưng lúc này, tổng thể thanh khoản thị trường bắt đầu giảm xuống nhiều và giao dịch của nhà đầu tư trong nước cũng giảm. Ví dụ tại đỉnh 20-21/4, giao dịch khớp lệnh của VN30 trên 5.000 tỷ đồng, hôm hay còn 3.229 tỷ đồng, cũng giảm hơn 35%. Tuần trước thị trường tạo đỉnh, do thanh khoản tăng nên giá trị bán ra của nhà đầu tư nước ngoài tại nhóm VN30 chỉ chiếm chưa tới 20% tổng giá trị giao dịch. Dù mức bán vẫn duy trì hai ngày đầu tuần này nhưng do thanh khoản giảm nên khối ngoại bán đã chiếm 25,8%. Đây là điều đáng ngại hơn vì không biết lúc nào khối ngoại dừng bán và khi còn bán nghĩa là còn cần nhiều tiền để đỡ lượng bán đó, nếu không giá sẽ chịu áp lực giảm tiếp.

Thị trường đang có khả năng rơi vào nhịp điều chỉnh giảm cũng không phải là điều gì khác thường vì tăng mạnh thì cũng cần giảm để giá cổ phiếu trở nên hấp dẫn hơn, chiết khấu thêm các thông tin mới. Điểm quan trọng chính là thị trường đã tạo được đáy cuối tháng 3, đầu tháng 4 ở thời điểm dịch bệnh căng thẳng nhất. Nếu dịch bệnh không bùng phát mạnh hơn thì nguy cơ giảm xuống thấp hơn đáy này cũng được loại trừ.

Theo dõi 24HMoney trên GoogleNews
Cảnh báo Nhà đầu tư lưu ý
24HMoney đã kiểm duyệt 24HMoney đã kiểm duyệt

Từ khóa (bấm vào mỗi từ khóa để xem bài cùng chủ đề)

Bạn có muốn trở thành VIP/Pro trên 24HMoney? Hãy liên hệ với chúng tôi SĐT/ Zalo: 0981 935 283.

Để truyền thông cho doanh nghiệp, vui lòng liên hệ SĐT/ Zalo: 0908 822 699.

Hòm thư: phuongpt@24hmoney.vn
Cơ quan chủ quản: Công ty TNHH 24HMoney. Địa chỉ: Tầng 5 - Toà nhà Geleximco - 36 Hoàng Cầu, P.Ô Chợ Dừa, Quận Đống Đa, Hà Nội. Giấy phép mạng xã hội số 203/GP-BTTTT do BỘ THÔNG TIN VÀ TRUYỀN THÔNG cấp ngày 09/06/2023 (thay thế cho Giấy phép mạng xã hội số 103/GP-BTTTT cấp ngày 25/3/2019). Chịu trách nhiệm nội dung: Phạm Đình Bằng. Email: support@24hmoney.vn. Hotline: 038.509.6665. Liên hệ: 0908.822.699

Điều khoản và chính sách sử dụng



copy link
Quét mã QR để tải app 24HMoney - Giúp bạn đầu tư an toàn, hiệu quả