Gỡ vướng pháp lý - giải pháp giúp kéo giảm giá nhà
Theo Hiệp hội Bất động sản TP HCM, gỡ vướng pháp lý cho các dự án bị đình trệ giúp tăng nhanh nguồn cung nhà ở, từ đó hạ giá nhà đang leo thang.
Hiệp hội Bất động sản TP HCM (HoREA) vừa công bố báo cáo bổ sung kiến nghị của doanh nghiệp bất động sản về tình trạng vướng mắc pháp lý kéo dài dẫn đến bế tắc nguồn cung nhà ở, nguyên nhân chính khiến giá nhà trên địa bàn thành phố leo thang. Theo HoREA để kéo giảm giá nhà cần khẩn cấp gỡ vướng pháp lý để khơi thông nguồn cung tất cả các phân khúc càng sớm càng tốt.
Ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch HoREA cho biết, trong nhóm dự án xếp hàng chờ gỡ vướng pháp lý, ước tính đến quý II/2022 có hàng chục nghìn căn hộ thuộc các dự án quy mô lớn bị đình trệ nhiều năm. Nguồn cung nhà ở bị treo này bao gồm cả loại nhà ở thương mại (chào bán không giới hạn đối tượng) lẫn nhà ở xã hội (chỉ chào bán cho người có thu nhập thấp theo quy định của Nhà nước), nhà tái định cư (phục vụ cho người bị giải phóng mặt bằng). Đây là nguồn cung tiềm năng cho thị trường nhà ở nhưng đã bị gián đoạn trong thời gian dài, thậm chí có nhiều dự án đóng băng 5-10 năm, dẫn đến chi phí đội lên, cộng thêm tình trạng khan hiếm hàng hóa càng đẩy giá nhà hình thành trong tương lai leo thang.
Do đó, theo ông Châu, để kéo giảm giá nhà ở, việc đầu tiên cần làm là tăng nguồn cung. Trong 2 năm gần đây, nguồn cung nhà ở toàn thị trường TP HCM liên tục sụt giảm mạnh. Đỉnh điểm là năm 2022, khi dịch bệnh bùng phát, nguồn cung nhà ở mới giảm hơn 50%, dẫn đến khan hiếm hàng hóa, là thực trạng đáng báo động. Ngoài ra, thị trường nhà ở còn bị lệch về phân khúc cao cấp chiếm đến 74% rổ hàng trong khi loại nhà giá rẻ (phân khúc bình dân) chỉ chiếm 1% trong năm 2020 và biến mất trong năm 2021 (0%).
Do thiếu hụt nguồn cung nhà ở trong lúc tổng nhu cầu toàn thị trường TP HCM rất lớn nên theo quy luật cung - cầu đã dẫn đến tình trạng giá nhà đất tăng liên tục trong hơn 5 năm qua. Ông Châu dẫn chứng, chỉ số giá nhà ở của Việt Nam đang cao hơn gấp hơn 20 lần so với thu nhập trung bình của xã hội, làm cho nhiều hộ gia đình và cá nhân khó tạo lập được nhà ở, so với các nước công nghiệp phát triển thì chỉ số giá nhà chỉ cao gấp 6-7 lần thu nhập.
Ông Ngô Quang Phúc, Tổng giám đốc Phú Đông Group cùng quan điểm cho rằng, nguồn cung bị nghẽn là một trong những lý do khiến giá nhà tăng cao thời gian qua. Nếu kịp thời khơi thông điểm nghẽn này có thể góp phần giảm áp lực tăng giá nhà.
Ông Phúc phân tích, đa số các doanh nghiệp là nhà phát triển dự án (chủ đầu tư) đều mong muốn tăng nguồn cung nhà ở, thực hiện các dự án càng sớm càng tốt để chào bán với giá phải chăng (vừa túi tiền) phù hợp với nhu cầu của thị trường. Tuy nhiên, khi dự án đi vào thực tiễn, có rất nhiều khó khăn về thủ tục pháp lý dẫn đến thời gian thực hiện dự án kéo dài không thể dự toán được, dẫn đến phát sinh nhiều chi phí, khiến giá thành nhà ở khi đủ điều kiện chào bán đã đội lên cao.
Nhiều doanh nghiệp phản ánh, tại TP HCM, trung bình thời gian hoàn thiện thủ tục pháp lý dự án đủ điều kiện bán ra thị trường phải mất 5 năm thậm chí lâu hơn. Điều này dẫn đến phát sinh rất nhiều chi phí tài chính cũng như thay đổi dự toán vật tư, nhân công, trượt giá. Vì vậy, doanh nghiệp không thể bán nhà với giá cũ cách đây 5 năm mà buộc phải cập nhật giá bán mới đã bị đội thêm nhiều chi phí, dẫn đến giá thành bán ra cũng leo thang.
Chủ tịch HoREA cho biết thêm, để hỗ trợ việc kéo giảm giá nhà, cần có bàn tay của Nhà nước can thiệp vào việc xây dựng hoàn thiện cơ chế chính sách hỗ trợ phát triển nhà ở xã hội và loại nhà ở giá phù hợp với thu nhập của đa số người dân trong xã hội. Đây là phân khúc nhà giá rẻ phục vụ những người có thu nhập trung bình và thấp gồm cán bộ, công chức, viên chức nhà nước, cán bộ lực lượng vũ trang, người mới lập nghiệp, mới lập gia đình, công nhân lao động và người nhập cư.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận