Gỡ vướng dự án bất động sản được đẩy mạnh, nhưng hiệu quả đến đâu?
Không ít chuyên gia cho rằng thay vì sa đà quá nhiều vào chuyện đánh thuế lũy tiến bất động sản, thì việc cần được ưu tiên ngay lúc này là đẩy nhanh tiến độ tháo gỡ khó khăn về pháp lý cho các dự án, đảm bảo sự phục hồi của thị trường sau cú “knock out”.
Báo cáo của UBND TP.HCM về tình hình nhà ở và thị trường bất động sản quý III cho biết từ tháng 5/2023 đến nay, thành phố đã xem xét giải quyết cho 30 dự án gặp vướng mắc, trong đó có 8 dự án đã được gỡ vướng hoàn toàn, 22 dự án đang tiếp tục tham mưu xử lý.
Nhiều hướng gỡ vướng
Các dự án được gỡ vướng điển hình như khu phức hợp Sóng Việt của Quốc Lộc Phát, Khu nhà ở xã hội của VTHouse và Tân Giao, dự án của công ty TNHH Nước giải khát Suntory Pepsico Việt Nam, khu chung cư và thương mại Metro Star của Metro Star.
Cùng với đó là dự án khu Liên hợp Thể dục Thể thao và Dân cư Tân Thắng (tên thương mại là Celadon City) của Gumaland, khu đất diện tích hơn 11.000 m2 tại huyện Hóc Môn của Công ty cổ phần Western Sài Gòn, dự án khu nhà ở cao tầng Sông Đà - Thăng Long của Hưng Thịnh Incons, khu giáo dục quận Bình Thạnh của công ty Trí Tuệ.
Thực tế cho thấy công tác gỡ vướng về pháp lý cho các dự án bất động sản tại TP.HCM nói riêng và cả nước nói chung đang được triển khai theo nhiều hướng, trên nhiều mặt trận, mang lại những hiệu quả tích cực, đẩy nhanh tốc độ hồi phục của thị trường địa ốc.
Điển hình, trong thời gian vừa qua, nhiều dự án bất động sản từng bị đình trệ đã có dấu hiệu hồi sinh và trở lại cuộc đua thị trường. Những dự án tiêu biểu tái khởi động ở Hà Nội gồm có dự án Hanoi Melody Residences ở Linh Đàm và dự án QMS Top Tower tại Tố Hữu, dự án The Summit Building ở Trần Duy Hưng.
Bên cạnh Tổ công tác của Thủ tướng về bất động sản, theo Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng, Thủ tướng cũng vừa ký quyết định thành lập ban chỉ đạo của Nhà nước để giải quyết vướng mắc cho các dự án.
Theo ông Nguyễn Chí Dũng, thống kê bước đầu có 160 dự án, với số tiền 59.000 tỉ đang bị vướng mắc. Tuy nhiên nếu tổng rà soát cả nước sẽ có nhiều dự án hơn. Chính phủ đang rất quyết tâm thực hiện việc này.
"Đây là vấn đề rất lớn, nếu giải quyết được sẽ giải phóng được nguồn lực rất lớn, đưa ngay vào đóng góp cho tăng trưởng, cho thu ngân sách, giúp đỡ nhiều doanh nghiệp bị đọng vốn, khó khăn, cũng như giải quyết nhiều vấn đề, việc làm", ông Dũng cho hay.
Vẫn còn nhiều thách thức
Như chia sẻ của “tư lệnh” ngành Kế hoạch và Đầu tư ở trên, Chính phủ đang rất quyết tâm để gỡ vướng về pháp lý cho các dự án bất động sản, tuy nhiên, đây là vấn đề khó bởi đã tồn tại lâu nay, có nhiều sai phạm phức tạp, phạm vi rộng, cùng nhiều yếu tố khách quan và chủ quan khác.
Ở góc nhìn doanh nghiệp, ông Nguyễn Quốc Hiệp, Chủ tịch Hiệp hội nhà thầu xây dựng Việt Nam, cho rằng những vướng mắc về thủ tục hành chính và giải phóng mặt bằng đang là gánh nặng lớn nhất. Pháp luật thì quy định tổng thời gian cho các thủ tục hành chính đối với các dự án đầu tư có sử dụng đất là 310 ngày, nhưng thực tế dài hơn rất nhiều.
Còn khâu giải phóng mặt bằng, có những dự án cần đến 38-40 con dấu, từ thủ tục chấp thuận chủ trương đầu tư, quy hoạch, định giá. Việc điều chỉnh quy hoạch liên quan rất nhiều cấp, sở, ngành, tốn rất nhiều thời gian. Vậy nên, có dự án mất tới 14 năm cho vấn đề mặt bằng.
Về mặt pháp lý, lĩnh vực bất động sản chịu sự điều chỉnh của 15 luật, nhưng các luật với nhau lại thiếu tính đồng bộ. Vừa qua, Chính phủ đã dùng một luật sửa ba luật, gồm Luật Đất đai, Luật Kinh doanh bất động sản và Luật Nhà ở để khắc phục tính thiếu đồng bộ đó.
Tuy nhiên, theo vị đại diện Hiệp hội nhà thầu xây dựng Việt Nam, công tác tham vấn lắng nghe của Bộ, ngành đối với các doanh nghiệp vẫn còn hạn chế, chưa sát vấn đề thực tế.
Để giải quyết bài toán khó đang đặt ra, ông Hiệp cho rằng cần phân cấp cho chủ đầu tư trong một số khâu điều chỉnh quy hoạch để tăng tính chủ động và tiết kiệm thời gian, đồng thời nên có có quy trình kiểm tra, giám sát thủ tục hành chính, có chế tài để đảm bảo quy trình mẫu được thực thi hiệu quả.
Trong khi đó, theo bà Phạm Thị Ngọc Thủy, Giám đốc Văn phòng Ban Nghiên cứu Phát triển kinh tế tư nhân, vướng mắc về thủ tục hành chính luôn nằm trong top 3 vướng mắc doanh nghiệp gặp phải.
Tuy Chính phủ đã có nhiều nỗ lực giải quyết nhưng vẫn còn nhiều nội dung khó, nhất là liên quan đến dự án đầu tư nước ngoài. Vì vậy cần tập trung cao độ giải quyết “bài toán” cải cách thủ tục hành chính cũng như minh bạch thông tin tiến độ của các dự án.
“Điều doanh nghiệp kỳ vọng nhất là sự theo đuổi đến cùng để tháo gỡ những khó khăn pháp lý tạo môi trường thông thoáng”, bà Thúy nhấn mạnh.
Cần phải nhắc lại, sự vào cuộc quyết liệt của Chính phủ cùng các địa phương đã giúp các doanh nghiệp bất động sản tránh được “bàn thua trông thấy”, từ đó tạo đà hồi phục cho thị trường chung.
Tuy nhiên, diễn biến thực tế cho thấy nếu các chính sách không thể ngấm đủ mạnh, đà hồi phục của thị trường địa ốc Việt Nam vẫn còn nguyên nguy cơ bị đứt gãy, bởi nền tảng "sức khỏe" của đa phần doanh nghiệp hiện vẫn rất yếu sau thời gian dài "hứng bão".
Có một thực tế là trong bối cảnh hiện tại, cho đến khi mọi vấn đề, vướng mắc được giải quyết thì thị trường địa ốc vẫn khó có thể vực dậy hoàn toàn. Vì vậy, song song với các biện pháp nhằm tháo gỡ cho thị trường rất cần thêm các cơ chế, chính sách nhằm lấy niềm tin của người dân.
“Thị trường đang giống một ván cờ, chỉ cần một phút lơ là sẽ khiến cho cục diện sụp đổ. Chính bởi vậy, lĩnh vực bất động sản Việt Nam rất cần sự tiếp tục kiên trì và quyết liệt hơn nữa từ phía Chính phủ, các cơ quan ban ngành cho đến khi doanh nghiệp có thể tự đứng vững”, một chuyên gia nhấn mạnh.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bàn tán về thị trường