Gỡ vướng cho doanh nghiệp lên sàn
Hiện nay còn rất nhiều DNNN đã cổ phần hoá (CPH) nhưng không chịu lên sàn niêm yết. Cần có giải pháp gì để buộc các doanh nghiệp này tuân thủ quy định của pháp luật?.
Tính đến đầu tháng 9/2019 có 755 DNNN CPH chưa niêm yết và đăng ký giao dịch trên thị trường chứng khoán. Trong đó, chỉ có 154 doanh nghiệp bổ sung mới.
Vướng từ đâu?
Theo ông Ngô Bá Toản, Tổng giám đốc Tổng Công ty Xây dựng công trình giao thông 1 (Cienco 1), trong quá trình quyết toán CPH vẫn còn nhiều vướng mắc, nhất là các dự án của Bộ Giao thông - Vận tải, nên Cienco 1 chưa thể giải quyết được. Ðây chính là lý lo khiến Cienco 1 tiếp tục gặp khó khăn trong việc đưa cổ phiếu lên sàn niêm yết.
Hay như Tổng Công ty Rau quả nông sản - CTCP (Vegetexco) cũng dính án phạt tới 520 triệu đồng. Ngoài lỗi chậm đưa cổ phiếu lên sàn, Vegetexco còn bị UBCK Nhà nước phát hiện 2 sai phạm khác: Không công bố thông tin theo quy định và vi phạm quy định quản trị công ty về giao dịch với cổ đông.
Do dính án xử phạt, nên đến nay Vegetexco vẫn chưa tổ chức được ĐHCĐ thường niên năm 2019. Theo ông Trần Minh Hiếu-Tổng giám đốc Vegetexco, chính điều này cũng là một trong những nguyên nhân khiến Vegetexco chậm trễ lên sàn.
Ông Đặng Quyết Tiến, Cục trưởng Cục Tài chính- Bộ Tài chính cho biết, việc các doanh nghiệp đã CPH chậm lên sàn xuất phát từ một số nguyên nhân cơ bản như: Việc nhận thức các quy định về niêm yết/đăng ký giao dịch của doanh nghiệp và người đại diện phần vốn tại doanh nghiệp còn hạn chế; việc chậm quyết toán CPH theo quy định dẫn đến việc chưa xác định được chính xác số vốn nhà nước, vốn điều lệ thực góp. Ngoài ra còn một số nguyên nhân khách quan như: doanh nghiệp hoạt động không hiệu quả, thua lỗ, lỗ lũy kế trên vốn điều lệ cao, đang trên bờ vực phá sản, dừng hoạt động... không tổ chức được ĐHCĐ để xin ý kiến về phương án đưa cổ phiếu lên sàn, kiểm toán báo cáo tài chính nên không thực hiện được thủ tục niêm yết, đăng ký giao dịch...
Giải pháp tháo gỡ
Ông Đặng Quyết Tiến cho biết, cơ quan quản lý sẽ báo cáo Thủ tướng Chính phủ công khai danh sách 755 doanh nghiệp không tuân thủ nghĩa vụ đưa cổ phiếu lên sàn; nhắc nhở, phê bình, xem xét kỷ luật đối với người đại diện phần vốn nhà nước, lãnh đạo doanh nghiệp nếu cố tình không chấp hành, trì hoãn đưa doanh nghiệp hậu cổ phần hóa lên sàn niêm yết.
Trong đó, đối với Nghị định số 32/2018/NĐ-CP sẽ được sửa đổi, bổ sung theo hướng trao quyền cho cơ quan đại diện chủ sở hữu quyết định lựa chọn giá khởi điểm theo một số tiêu chí nhất định, không thực hiện thuê đơn vị tư vấn xác định giá trị doanh nghiệp như hiện nay bảo đảm hiệu quả khi giá trị phần vốn Nhà nước thu về so với chi phí bỏ ra, đẩy nhanh tiến độ thoái vốn nhà nước và đưa lên sàn niêm yết.
Trong trường hợp, công ty cổ phần có vốn nhà nước chuyển nhượng không thành công phải bỏ ra chi phí hoặc cơ quan đại diện chủ sở hữu không có nguồn, Bộ Tài chính đề nghị tạm ứng nguồn từ Quỹ Hỗ trợ sắp xếp và phát triển doanh nghiệp với mức tối đa bằng 70% dự toán chi phí thoái vốn nhà nước được duyệt…
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận