Gỡ vướng cho đầu tư điện mặt trời mái nhà
Cơ chế phát triển điện mặt trời mái nhà đang phát sinh nhiều khó khăn, vướng mắc do các chính sách, thủ tục liên quan không theo kịp với tốc độ phát triển bùng nổ của thị trường điện mặt trời mái nhà khiến nhà đầu tư khá lo lắng, quan ngại.
Sử dụng điện mặt trời mái nhà (ĐMTMN) không chỉ góp phần tiết kiệm điện mà còn được xem là giải pháp về bài toán kinh tế và bảo vệ môi trường. Tuy nhiên, trên thực tế việc áp dụng lắp đặt hệ thống ĐMTMN tại khu công nghiệp vẫn còn nhiều khó khăn, vướng mắc, thiếu các thủ tục cần thiết để hướng dẫn nhà đầu tư thi công, lắp đặt nâng cao hiệu quả sản xuất, kinh doanh, đồng thời bảo vệ môi trường, ứng phó biến đổi khí hậu.
Ông Phạm Trọng Quý Châu - Phó Trưởng ban Thường trực Ban Năng lượng tái tạo Hiệp hội các Doanh nghiệp Khu công nghiệp TP. Hồ Chí Minh (HBA) cho biết, hiện nhiều khó khăn, vướng mắc tồn tại về chính sách cũng như thủ tục đầu tư, lắp đặt và vận hành hệ thống điện mặt trời từ góc nhìn và phản ánh của các doanh nghiệp. Cụ thể, tháng 6/2020, HBA chính thức phát động Chương trình phát triển ĐMTMN tại các khu chế xuất, khu công nghiệp, khu công nghệ cao trên địa bàn thành phố. Kết thúc năm 2020, đã có tổng cộng 118 công trình được đầu tư lắp đặt mới với tổng công suất trên 76MWp, trong đó có những công trình lớn trên 8MWp được lắp đặt trên mái của một nhà máy, thậm chí có doanh nghiệp mạnh dạn đầu tư đến gần 15MWp trên mái của hệ thống kho bãi trong 4 khu công nghiệp khác nhau đều ở TP. Hồ Chí Minh.
Việc lắp đặt điện mặt trời trong khu công nghiệp được đánh giá sẽ giúp giảm chi phí tiền điện tương ứng với sản lượng điện sinh ra cung cấp cho khu công nghiệp. Lấy dẫn chứng từ Công ty VNG, ông Châu cho biết, cuối tháng 9/2019, doanh nghiệp này đã hoàn thành lắp đặt hệ thống điện năng lượng mặt trời lắp đặt trên mái tòa nhà có công suất thiết kế 620,73KWp và đưa vào sử dụng từ tháng 10/2019. Thực tế năm đầu tiên đi vào hoạt động đã đạt sản lượng 859,039 KWh, đáp ứng được khoảng 20% nhu cầu sản lượng điện cần cho tòa nhà, giúp giảm chi phí tương đương 1,5 tỷ đồng.
Tuy nhiên, cơ chế phát triển ĐMTMN đang phát sinh nhiều khó khăn, vướng mắc do các chính sách, thủ tục liên quan không theo kịp với tốc độ phát triển bùng nổ của thị trường ĐMTMN khiến nhà đầu tư khá lo lắng, quan ngại. Đó là đến thời điểm hiện tại, dù đã trải qua hơn 9 tháng kể từ khi chính sách giá FIT 2 đã hết thời hạn áp dụng, nhưng Chính phủ chưa ban hành quyết định thay thế quy định mức giá mua điện mới từ hệ thống ĐMTMN. Cùng với đó, Bộ Công thương và Tập đoàn Điện lực Việt Nam cũng chưa có hướng dẫn tiếp theo về thủ tục xin và chấp thuận đấu nối, hợp đồng mua bán điện, thanh toán tiền điện mua từ các hệ thống ĐMTMN gây những khó khăn rất lớn đối với doanh nghiệp và nhà đầu tư.
Trả lời trước những vướng mắc này, ông Phạm Nguyên Hùng - Phó cục trưởng Cục Điện lực và Năng lượng tái tạo (Bộ Công thương) cho biết, Bộ Công thương đánh giá cao về việc các nhà đầu tư, doanh nghiệp có hạ tầng tham gia phát triển loại hình năng lượng này. Hiện nay, Bộ Công thương và Cục Điện lực và Năng lượng tái tạo đang nghiên cứu các chính sách tiếp tục phát triển điện năng lượng tái tạo nói chung, trong đó có ĐMTMN nói riêng để tiếp tục khai thác các loại hình năng lượng sạch này.
"Trong định hướng chiến lược chính sách sắp tới, ĐMTMN tiếp tục đi theo hướng tận dụng được 2 yếu tố có sẵn là mái của các công trình xây dựng và lưới điện có sẵn", ông Hùng cho biết.
Đại diện Cục Điện lực và Năng lượng tái tạo cũng cho biết, hiện Bộ Công thương đang xây dựng dự thảo khung của Thủ tướng Chính phủ về cơ chế chính sách phát triển điện năng lượng tái tạo nói chung (bao gồm cả điện mặt trời mặt đất, điện mặt trời mái nhà, điện mặt trời nổi…).
Dự thảo sẽ được xây dựng theo hướng không hạn chế công suất, nhưng với ĐMTMN sẽ đưa ra tỷ lệ tự dùng. Mục đích để không phải đầu tư thêm lưới điện, đảm bảo hệ thống điện mặt trời áp mái có tính phân tán, hạn chế phải truyền tải, tránh tổn thất điện năng và tăng đầu tư xã hội. Với quan điểm phát triển điện mặt trời áp mái phục vụ tự dùng là chính, dự thảo xây dựng giá điện theo hướng không duy trì giá cố định mà dựa trên khung giá phát điện hàng năm được Bộ Công thương ban hành.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận