Tìm mã CK, công ty, tin tức


Đọc nhiều
Bình luận nhiều
Các chuyên gia cho rằng việc nới lỏng cơ chế huy động và thoái vốn, đặc biệt qua IPO, sẽ giúp dòng vốn lưu thông mạnh mẽ hơn, tạo bệ phóng cho các startup công nghệ vươn tầm "kỳ lân".
Ngày 19/3, Viện Chiến lược phát triển kinh tế số (IDS) tổ chức tọa đàm “Tạo đòn bẩy thị trường vốn để các công ty công nghệ Việt Nam bứt phá trong kỷ nguyên số.”
Sự kiện tập trung thảo luận về vai trò của thị trường vốn trong việc thúc đẩy đổi mới sáng tạo, hỗ trợ doanh nghiệp công nghệ phát triển, cùng xu hướng đầu tư mạo hiểm và tư nhân tại Việt Nam và Đông Nam Á. Các chuyên gia cũng bàn luận về những rào cản hiện tại trong huy động vốn và kỳ vọng của nhà đầu tư đối với các startup công nghệ.
Startup Việt khó bứt phá vì thiếu vốn và vướng cơ chế
Tại tọa đàm, nhiều chuyên gia nhấn mạnh rằng trong kỷ nguyên số, khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo không chỉ là động lực mà còn là chìa khóa giúp Việt Nam tăng tốc phát triển. Tuy nhiên, để hiện thực hóa tiềm năng này, cần có một hệ thống tài chính mạnh mẽ, trong đó thị trường vốn đóng vai trò trung tâm, cung cấp nguồn lực cho doanh nghiệp và củng cố niềm tin của nhà đầu tư.
TS. Nguyễn Đức Kiên - Chủ tịch Hội đồng Khoa học Viện IDS cho biết, theo Nghị quyết số 57-NQ/TW ngày 22/12/2024, Việt Nam đặt mục tiêu nằm trong top 3 ASEAN về năng lực cạnh tranh số và nghiên cứu trí tuệ nhân tạo vào năm 2030, đồng thời kinh tế số chiếm 30% GDP. Một trong những mục tiêu quan trọng là có ít nhất 10 doanh nghiệp kỳ lân, tức những công ty công nghệ được định giá trên 1 tỷ USD. Hiện Việt Nam mới có 4 kỳ lân, tức vẫn thiếu 6 doanh nghiệp nữa để đạt mục tiêu này.
Tuy nhiên, các doanh nghiệp công nghệ đang gặp nhiều trở ngại trong huy động vốn để mở rộng quy mô. Việc thiếu kênh thoái vốn, đặc biệt là IPO, khiến các nhà đầu tư e dè, trong khi nhiều công ty có tiềm năng không thể phát triển vì không tiếp cận được nguồn lực tài chính đủ lớn.
Bà Nguyễn Ngọc Anh - Tổng Giám đốc SSI Asset Management (SSIAM) nhận định, dòng vốn đầu tư vào startup công nghệ Việt Nam đang có dấu hiệu suy giảm, với tổng số vốn huy động trong ngành chỉ còn 372 triệu USD, trong khi số giao dịch cũng giảm mạnh. Điều này đặt ra bài toán về việc làm thế nào để hấp dẫn nguồn vốn quay trở lại thị trường Việt Nam.
Gỡ rào cản, mở đường cho startup công nghệ IPO
Một trong những vấn đề nổi bật được đề cập tại tọa đàm là quy định IPO tại Việt Nam yêu cầu doanh nghiệp phải có lợi nhuận trong hai năm liên tiếp trước khi niêm yết và không có lỗ lũy kế. Quy định này vô hình trung trở thành rào cản đối với startup công nghệ, bởi giai đoạn đầu tư ban đầu thường kéo theo thua lỗ do chi phí nghiên cứu và phát triển cao.
TS. Trần Văn - Viện trưởng Viện IDS cho rằng, để thúc đẩy các doanh nghiệp đổi mới sáng tạo, cần có chính sách linh hoạt hơn trong quy trình niêm yết. Thực tế, nhiều sàn chứng khoán lớn trên thế giới như NASDAQ (Mỹ), KOSDAQ (Hàn Quốc) hay Acceleration Board (Indonesia) đã cho phép các công ty công nghệ chưa có lợi nhuận nhưng giàu tiềm năng tăng trưởng được IPO. Điều này không chỉ giúp doanh nghiệp tiếp cận nguồn vốn dồi dào mà còn tạo điều kiện cho nhà đầu tư tham gia vào thị trường công nghệ đầy hứa hẹn.
Từ thực tế đó, các chuyên gia đề xuất Việt Nam cần nghiên cứu và điều chỉnh các cơ chế pháp lý để mở rộng cánh cửa IPO cho các startup công nghệ tiềm năng. Một hệ thống thị trường vốn linh hoạt hơn sẽ giúp Việt Nam không chỉ thu hút dòng tiền đầu tư mà còn tạo ra những kỳ lân công nghệ, góp phần thúc đẩy nền kinh tế số phát triển bứt phá.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bàn tán về thị trường