Gỗ An Cường có gì trước khi lên sàn?
Với bề dày lịch sử hơn 27 năm hình thành và phát triển, đến nay, Gỗ An Cường là doanh nghiệp lớn tại Việt Nam với doanh thu ở mức hàng nghìn tỷ đồng mỗi năm.
Ngày 4/8 tới đây, 87,6 triệu cổ phiếu ACG của CTCP Gỗ An Cường bắt đầu được giao dịch trên sàn UPCoM. Giá tham chiếu phiên giao dịch đầu tiên là 90.000 đồng/cổ phiếu, tương ứng định giá công ty là 7.884 tỷ đồng.
Ra đời từ năm 1994 với xuất phát điểm là đơn vị phân phối về nội thất, sau 27 năm, Gỗ An Cường trở thành một trong nhiều nhà sản xuất lớn tại Việt Nam về vật liệu, giải pháp và nội thất từ gỗ công nghiệp. Đơn vị này đang nắm chi phối tại thị trường nội địa với hơn 55% thị phần các thương hiệu ván MFC và hơn 70% thị phần các thương hiệu ván Laminate, ván Acrylic và các phụ phẩm. Song song đó, Gỗ An Cường còn được biết đến với việc sở hữu thương hiệu thiết bị bếp cao cấp Malloca (từ 2004) và hàng nội thất rời Aconcept (từ 2017), đồng thời là nhà cung cấp vật liệu bề mặt cho hơn 100 dự án tại Việt Nam và xuất khẩu sang Nhật Bản, Mỹ, Úc.
Bên cạnh đó, doanh nghiệp đang sở hữu hai cụm nhà máy, hệ thống kho bãi với tổng diện tích hơn 240.000 m2 tại Bình Dương. Tại báo cáo thường niên năm 2020, Gỗ An Cường cho biết đang sản xuất hơn 1.000 cánh cửa gỗ công nghiệp mỗi ngày và là một trong những nhà cung cấp cửa gỗ công nghiệp hàng đầu tại thị trường nội địa.
Về tình hình tài chính, trong giai đoạn 2019 - 2020, doanh thu của Gỗ An Cường luôn duy trì ở mức hàng nghìn tỷ đồng. Cụ thể, doanh thu thuần gỗ An Cường đạt 4.434,5 tỷ đồng năm 2019 trước khi giảm nhẹ về 3.753,6 tỷ đồng năm 2020 do ảnh hưởng bởi COVID-19. Lãi ròng tương ứng đạt 485,3 tỷ đồng năm 2019 và 492 tỷ đồng trong năm ngoái.
Nửa đầu năm 2021, doanh thu hợp nhất của công ty đạt 1.710 tỷ đồng, tăng 5,8% so với cùng kỳ năm trước và lợi nhuận hợp nhất đạt 237 tỷ đồng. Năm 2021, công ty đặt kế hoạch doanh thu thuần và lợi nhuận sau thuế lần lượt đạt 4.872 tỷ đồng và 551 tỷ đồng. Như vậy, sau 6 tháng đầu năm, Gỗ An Cường đã hoàn thành 35,1% và 43,1 kế hoạch doanh thu và lợi nhuận đề ra.
Về dài hạn, Gỗ An Cường định hướng doanh thu đến 2025 sẽ gấp đôi so với năm 2020, thời điểm Công ty chạy tối đa công suất 2 nhà máy. Tuy nhiên, việc biến thể Delta COVID-19 bùng phát trên diện rộng vào đầu tháng 7/2021 khiến nhiều tỉnh thành phía Nam và một số tỉnh phía Bắc (trong đó có Hà Nội), là các thị trường chính của Gỗ An Cường - đã phải thực hiện việc giãn cách xã hội, được dự báo ảnh hưởng tới công tác sản xuất của doanh nghiệp.
Bên cạnh đó, “bão” giá nguyên vật liệu xây dựng tăng mạnh, ảnh hưởng tới tiến độ nhiều dự án bất động sản (phần lớn phải lùi lại) và kế hoạch triển khai của các nhà thầu xây dựng sẽ là thách thức lớn cho các kế hoạch sản xuất - kinh doanh của Gỗ An Cường.
Về cơ cấu cổ đông, từ 2014 đến nay, Gỗ An Cường đã 9 lần tăng vốn điều lệ, từ 120 tỷ đồng lên tới hơn 876,5 tỷ đồng hiện nay. Vốn điều lệ tăng mạnh vào giai đoạn 2015 - 2016, theo cùng sự xuất hiện của các cổ đông chiến lược trong nước và nước ngoài. Trong đó, 2 khoản đầu tư lớn nhất là 28 triệu USD từ liên doanh giữa VinaCapital - DEG (Đức) và 58 triệu USD từ Tập đoàn Sumitomo Forestry (Nhật Bản).
Tính đến 30/6/2021, cổ đông lớn của Gỗ An Cường là Whitlam Holding Pte. Ltd. (18,13%); Sumitomo Forestry Ltd (19,68%) và Công ty TNHH Đầu tư NC Việt Nam, đang nắm giữ 50,04%. NC Việt Nam là công ty thuộc sở hữu của ông Lê Đức Nghĩa - Chủ tịch Gỗ An Cường. Như vậy, sau khi ACG chính thức giao dịch, ước tính giá trị cổ phiếu trong tay vị chủ tịch này tương đương gần 4.000 tỷ đồng.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận