GMD: Đẩy mạnh đầu tư các dự án mới
Doanh thu 6T.2021 đạt 1.439 tỷ đồng (+19,0% yoy), được thúc đẩy chủ yếu bởi doanh thu lĩnh vực khai thác cảng nhờ sự hồi phục đà tăng trưởng của hoạt động xuất nhập khẩu. Sản lượng hàng container thông qua hệ thống cảng của GMD trong nửa đầu năm đạt 1,2 triệu TEU, tăng trưởng 55% so với cùng kì – gấp đôi mức tăng trưởng của toàn ngành.
LNST đạt 350 tỷ đồng, tăng trưởng 39,4% so với cùng kì. Biên lợi nhuận cải thiện tích cực nhờ:
(1) Giảm thiểu trong chi phí lãi vay và chi phí quản lý doanh nghiệp;
(2) Lãi từ các doanh nghiệp liên kết trong mảng vận tải tăng trưởng mạnh nhờ môi trường kinh doanh thuận lợi.
Kỳ vọng giai đoạn tăng trưởng mới đối với nhóm cảng tại Hải Phòng
Tại khu vực Hải Phòng, GMD hiện đang vận hành 3 cảng sông là cảng Nam Hải, Nam Hải Đình Vũ và Nam Đình Vũ. Trong đó cảng Nam Đình Vũ với vị trí địa lý thuận lợi nằm sát cửa biển, độ sâu luồng nước lớn kỳ vọng là động lực tăng trưởng quan trọng của GMD với tổng công suất thiết kế lên đến 1,5 triệu TEU (chia làm 3 giai đoạn). Trong vài năm gần đây, tốc độ tăng trưởng của nhóm cảng trên chịu áp lực không nhỏ từ tình hình cạnh tranh trong khu vực, đặc biệt khi cảng nước sâu HICT (Lạch Huyện) tăng cường thu hút nhóm tàu cỡ trung và trực tiếp cạnh tranh với các cảng sông.
Tuy vậy, chúng tôi đánh giá áp lực cạnh tranh trong khu vực sẽ được giảm thiểu và nhóm cảng sông của GMD kỳ vọng sẽ ghi nhận xu hướng tăng trưởng trở lại về thị phần trong giai đoạn tới nhờ các yếu tố:
- Đặc điểm địa lý tại khu vực Lạch Huyện khiến vùng nước trước cảng nước sâu đang bị phù sa bồi lắng nặng nề, trong khi công tác nạo vét của chính quyền địa phương khá chậm chạp và không theo kịp tốc độ bồi lắng của luồng nước. Điều này khiến độ sâu luồng nước tại cảng HICT không còn dễ dàng đáp ứng điều kiện để phục vụ tàu có quy mô lớn. Do vậy, nhiều hãng tàu đang nhanh chóng tái cơ cấu lại tuyến đường và cỡ tàu, trong đó ưu tiên sử dụng tàu cỡ trung cho các tuyến vận tải tới Hải Phòng. Đây là cơ hội cho các cảng sông trong khu vực để thu hút nguồn hàng và gia tăng thị phần.
- Quy hoạch khu cảng nước sâu Lạch Huyện dự kiến sẽ có những thay đổi lớn. Cụ thể theo dự thảo quy hoạch mới, số lượng cầu bến và công suất thiết kế được điều chỉnh giảm mạnh so với quy hoạch năm 2014. Trong trường hợp dự thảo được thông qua, cảng HICT và các bến cảng tiếp theo tại Lạch Huyện sẽ không còn nhiều áp lực cạnh tranh với các cảng sông, và qua đó giúp giảm thiểu cạnh tranh về giá trong khu vực.
Với việc môi trường kinh doanh tại Hải Phòng được cải thiện tích cực, GMD đang đẩy mạnh trở lại kế hoạch đầu tư trong khu vực. Cụ thể, giai đoạn 2 cảng Nam Đình Vũ dự kiến sẽ được khởi công ngay từ cuối năm 2021 và hoàn thành vào cuối năm 2022. Với công suất thiết kế 500.000 TEU/ năm, dự án kỳ vọng mang đến dư địa tăng trưởng dồi dào cho nhóm cảng của công ty tại Hải Phòng trong ít nhất 2-3 năm tới.
Cảng Gemalink bắt đầu đem về lợi nhuận trong nửa cuối năm
Được đưa vào vận hành từ đầu năm 2021, cảng Gemalink tại Cái Mép (Vũng Tàu) đã đạt được kết quả hoạt động rất tích cực nhờ:
(1) Sản lượng khai thác hàng hóa tại Cái Mép tăng mạnh nhờ tăng trưởng trong hoạt động xuất khẩu tới Mỹ & châu Âu và xu hướng dịch chuyển nguồn hàng từ cụm cảng nội thành TP.HCM;
(2) Phần lớn các cảng trong khu vực đã hoạt động vượt công suất thiết kế. Cụ thể, sản lượng hàng container tại Gemalink trong 8T.2021 đạt gần 500.000 TEU và cảng đã bắt đầu có lãi từ tháng 05.2021 – nhanh hơn 1 năm so với dự kiến ban đầu của doanh nghiệp
Trong nửa cuối năm 2021, cảng Gemalink dự báo sẽ đem về lợi nhuận khoảng 90 tỷ đồng cho GMD – tăng mạnh so với mức lỗ 37 tỷ đồng trong nửa đầu năm, qua đó là nguồn động lực quan trọng đến KQKD Quý 3&4 của doanh nghiệp. Với thành công trên, công ty dự kiến triển khai giai đoạn 2 của dự án ngay từ cuối năm nay với công suất thiết kế 900.000 TEU/ năm và sẽ đi vào hoạt động từ năm 2023.
Tăng cường đầu tư hạ tầng logistics tại Miền Nam
Trong giai đoạn tới, GMD có kế hoạch triển khai mạnh các dự án đầu tư hạ tầng sau cảng và dịch vụ logistics tại khu vực phía Nam. Cụ thể, trong nửa đầu năm 2021, GMD đã hạ thủy 2 tàu vận tải container đường sông với công suất 248 TEU – lớn nhất Đông Nam Á hiện nay. Doanh nghiệp dự kiến sẽ tiếp tục đầu tư thêm 8 tàu mới để gia tăng năng lực vận tải hàng hóa giữa Gemalink tới cảng sông, ICDs, điểm tập kết hàng hóa trong khu vực. Đồng thời, công ty cũng đẩy mạnh kế hoạch đầu tư thêm các bến thủy, ICD và hệ thống trung tâm phân phối gần các khu công nghiệp tại Miền Nam.
Với lợi thế sở hữu cảng nước sâu Gemalink và hệ thống cảng Bình Dương, Phước Long với hiệu quả hoạt động cao, vị trí kết nối thuận lợi và hệ thống logistics đang được đầu tư mạnh, GMD sẽ trở thành một trong những doanh nghiệp logistics có chuỗi dịch vụ đầy đủ và quy mô lớn nhất khu vực phía Nam bên cạnh Tân Cảng Sài Gòn và Vinalines. Điều này mang đến lợi thế cạnh tranh vượt trội cho GMD trong việc điều chỉnh giá cước, thu hút nguồn hàng và giành quyền đầu tư các dự án mới trong khu vực.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận