Giữa vòng xoáy căng thẳng với phương Tây, Nga thúc đẩy kế hoạch “hướng Đông”
Trong bối cảnh cuộc khủng hoảng Ukraine và quan hệ với phương Tây ở thời kỳ tồi tệ nhất kể từ Chiến tranh Lạnh, Nga đang điều chỉnh chiến lược hướng nhiều hơn tới khu vực châu Á-Thái Bình Dương.
Điều này được thể hiện rõ qua chuyến thăm hồi đầu tháng 4 này của Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov tới Trung Quốc và Ấn Độ, hay mới đây nhất là kế hoạch chuyển hướng xuất khẩu sang châu Á - Thái Bình Dương nhằm đối phó với sức ép trừng phạt ngày càng tăng của Mỹ và châu Âu.
Chính phủ Nga hôm qua (8/4) cho biết, nước này có thể sẽ chuyển hướng xuất khẩu than từ Liên minh châu Âu sang các nước châu Á- Thái Bình Dương thông qua các cảng biển ở khu vực châu Âu của Nga. Liên minh châu Âu trước đó hồi tuần này đã quyết định cấm nhập khẩu than từ Nga, đánh dấu lần đầu tiên trừng phạt nhằm vào lĩnh vực năng lượng của nước này.
Phản ứng trước bước đi của châu Âu, Thủ tướng Nga Mijkhail Mishutin tuyên bố, nền kinh tế Nga vẫn đứng vững và mọi ý định hòng cô lập, thậm chí phá hủy nền kinh tế đất nước đều sẽ chỉ đi tới thất bại: “Những biện pháp trừng phạt như vậy đã không được áp dụng ngay cả trong những năm đen tối nhất của Chiến tranh Lạnh. Họ đang làm bất cứ điều gì có thể để đẩy nhanh mức độ lạm phát, để tạo ra sự thiếu hụt hàng hóa tiêu dùng, cuối cùng là tạo ra bất ổn xã hội và sự bất bình của người dân. Điều đó đã được lên kế hoạch một cách cẩn thận hòng phá hủy nền kinh tế Nga. Tuy nhiên kế hoạch của họ đã không thành công ”.
Tờ Vedomosti nhận định trừng phạt của phương Tây có thể tạo cơ hội cho các nhà cung cấp khác chiếm vị trí của Nga ở thị trường cận biên châu Âu, song lại gây ra sự khan hiếm ở châu Á. Những quốc gia như Ấn Độ, Trung Quốc và các nước Đông Nam Á khác đang tìm kiếm năng lượng giá rẻ và Nga chắc chắn sẽ không bỏ qua cơ hội cạnh tranh. Trong bối cảnh cuộc khủng hoảng Ukraine, quan hệ giữa Nga với phương Tây ở thời kỳ tồi tệ nhất kể từ Chiến tranh Lạnh, việc chuyển hướng sang châu Á - Thái Bình Dương được kỳ vọng trở thành giải pháp đột phá chiến lược, giúp Nga phá vỡ cục diện bị chèn ép của phương Tây.
Trên thực tế không chỉ đến cuộc khủng hoảng Ukraine, mà từ năm 2010 Nga đã bắt đầu thực hiện chính sách “hướng Đông”, với kinh tế là một trụ cột. Với lợi thế là địa chính trị nằm giữa hai lục địa Á – Âu, Nga thời gian qua đã không ngừng xây dựng cơ sở hạ tầng giao thông thống nhất, tạo điều kiện thuận lợi cho tự do hóa thương mại trong khu vực Á - Âu, thúc đẩy tự do lưu động hàng hóa và dịch vụ, đồng thời tăng cường hợp tác thương mại giữa các nước dọc tuyến.
Phát biểu trong chuyến thăm Ấn Độ hồi cuối tháng 3 vừa qua, Ngoại trưởng Nga Lavrov cũng một lần nữa khẳng định mục tiêu thúc đẩy quan hệ với các quốc gia châu Á thông qua các dự án đầu tư và phát triển: “Mối quan hệ giữa Nga và Ấn Độ luôn dựa trên sự tôn trọng mong muốn và lợi ích của nhau. Và đây cũng là ý nghĩa các cuộc thảo luận của chúng tôi, bao gồm tất cả các lĩnh vực hợp tác song phương và tất nhiên là cả các vấn đề quốc tế và khu vực. Chúng tôi ủng hộ nỗ lực Ấn Độ nhằm củng cố các quốc gia trong khu vực, cũng như thúc đẩy các dự án cùng có lợi ở khu vực Nam Á nói riêng".
Trong thông điệp liên bang năm 2016, Tổng thống Putin cũng nêu rõ, mục đích “chính sách hướng Đông tích cực” của Nga không chỉ là những tính toán ngắn hạn do khủng hoảng quan hệ với Mỹ và Liên minh châu Âu mà có cả “những lợi ích quốc gia dài hạn và xu hướng phát triển toàn cầu”. Do đó, triển khai chính sách với châu Á - Thái Bình Dương, Nga đánh giá cao sự phát triển năng động của khu vực này đối với công cuộc chấn hưng kinh tế đất nước./.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận