24HMoney
Install 24HMoneyTải App
copy link
menu
Chu Gia Khánh
24HMoney đã kiểm duyệt 24HMONEY đã kiểm duyệt

Giữ thế chủ động và cẩn trọng trong giao dịch quốc tế

Trước bối cảnh hội nhập ngày càng sâu rộng, thị trường và đối tác kinh doanh ngày càng nhiều là động lực thúc đẩy hoạt động xuất khẩu của Việt Nam tăng trưởng mạnh mẽ và trở thành điểm sáng trong nền kinh tế.

Tuy nhiên, khi sân chơi càng mở rộng sẽ đi liền với với nguy cơ rủi ro, tranh chấp, lừa đảo trong thương mại gia tăng. Do đó, các chuyên gia thương mại khuyến cáo doanh nghiệp cần chủ động và thận trọng trong giao dịch quốc tế.

Nhìn lại câu chuyện 100 container hạt điều của Việt Nam bị vướng mắc về hồ sơ chứng từ khi gửi đến Italy và Thổ Nhĩ Kỳ, dù đây chỉ là vụ việc điển hình nhưng không phải duy nhất. Vì vậy, ông Trần Thanh Hải - Phó Cục trưởng Cục Xuất Nhập khẩu (Bộ Công Thương) chỉ ra rằng, trong trường hợp này doanh nghiệp Việt đã quá tin tưởng vào người môi giới. Hợp đồng do người môi giới soạn thảo rất đơn giản (thiếu nhiều điều khoản quan trọng) nhưng doanh nghiệp vẫn chấp nhận.

Hơn nữa, doanh nghiệp đã bỏ qua khâu kiểm tra đối tác, một yêu cầu bắt buộc khi giao dịch với đối tác mới và không nhận biết được những dấu hiệu rủi ro. Chẳng hạn như Italy vốn là thị trường mua hạt điều rất ít nhưng nay có hợp đồng lớn đột ngột, giao dịch trong thời gian ngắn mà không thấy đó là điều bất thường. Một dấu hiệu rủi ro khác là có nhiều chủ thể tham gia giao dịch hàng hoá đưa đến Italy nhưng thanh toán qua ngân hàng ở Thổ Nhĩ Kỳ.

Ngoài ra, một sơ hở lớn trong vụ việc vừa qua là doanh nghiệp cung cấp cho người mua mã chuyển phát nhanh quốc tế (DHL) gửi chứng từ đến ngân hàng. Với mã này, kẻ gian có thể theo dõi hành trình và can thiệp, đánh tráo, đánh cặp chứng từ ở một khâu nào đó.

Bởi thế, doanh nghiệp cần thận trọng với những đối tác thường thúc ép trong khâu đàm phán, thực hiện. Những đối tác chỉ dùng tin nhắn, không muốn gặp mặt hay nói chuyện trực tiếp, chỉ dùng email miễn phí cũng khó có thể tin tưởng.

Về thanh toán quốc tế, ông Trần Thanh Hải cũng cho rằng trong 3 phương thức thanh toán quốc tế phổ biến, chuyển tiền bằng điện (T/T) thường dùng cho khách hàng mới, nhờ thu chỉ dùng với khách hàng thân thiết và thư tín dụng (L/C) được sử dụng cho hợp đồng trị giá lớn.

Bên cạnh đó, ngân hàng không chỉ đóng vai trò tổ chức thanh toán mà còn có hệ thống đại lý tư vấn cho người bán biết một ngân hàng do người mua chỉ định có tin tưởng được hay không. Nếu không tin tưởng ngân hàng người mua, người bán nên thương lượng, đề nghị người mua chuyển sang ngân hàng khác, hoặc thay đổi phương thức thanh toán, hoặc yêu cầu phải có thêm bảo lãnh ngân hàng.

Đáng lưu ý, dooanh nghiệp nên yêu cầu người mua đặt cọc. Điều này vừa giúp chứng minh người mua thực sự có tài khoản ở ngân hàng, vừa thể hiện cam kết, ý chí thực sự của người mua. Việc yêu cầu đặt cọc là bình thường khi giao dịch với đối tác mới, doanh nghiệp không nên để người mua thuyết phục bỏ qua điều kiện này.

Cũng theo ông Trần Thanh Hải, L/C là phương thức thanh toán an toàn nhất cho người bán dựa trên một chứng từ của bên thứ ba tại nước người mua. Hợp đồng L/C quy định trong bộ chứng từ phải xuất trình có chứng từ do người mua phát hành và có những quy định về vận đơn làm giảm khả năng kiểm soát hàng hóa của người bán.

Hơn nữa, đây cũng một hợp đồng độc lập với hợp đồng bán hàng. Do vậy, khi đàm phán hợp đồng L/C, người bán cần lưu ý để không rơi vào các trường hợp trên.

Để phòng ngừa rủi ro, doanh nghiệp có thể yêu cầu vận đơn theo lệnh của ngân hàng. Như vậy ai có vận đơn trong tay mà chưa có lệnh của ngân hàng cũng chưa thể nhận được hàng.

Trong trường hợp cước phí trả tại Việt Nam (người bán thuê tàu và trả cước, như trường hợp các container điều vừa qua), người bán không nên trả hết tiền cho hãng tàu ngay, mà lấy bảo lãnh ngân hàng để đàm phán với hãng tàu cho thanh toán trả chậm. Nếu người mua chưa thanh toán tiền hàng, người bán chưa trả hết cước thì hãng tàu cũng không thể giao hàng cho người mua.

Đặc biệt, doanh nghiệp có thể chọn sử dụng các phương thức phòng tránh rủi ro của ngân hàng, ví dụ xác nhận L/C, bảo lãnh thanh toán, bảo lãnh thực hiện hợp đồng... Sẽ mất thêm một khoản phí, nhưng giảm bớt rủi ro.

Các phương thức phòng ngừa rủi ro khác bao gồm mua bảo hiểm thanh toán, sử dụng dịch vụ giám định của bên thứ ba, sử dụng dịch vụ tư vấn pháp lý của các công ty luật, mua thông tin từ các trang thông tin uy tín để xác minh độ tin cậy của đối tác...

Cũng theo ông Trần Thanh Hải, trước những vấn đề này, doanh nghiệp logistics không chỉ là người giúp doanh nghiệp xuất nhập khẩu thực hiện các thủ tục vận chuyển, giao nhận hàng hóa với người bán, người mua mà còn đóng vai trò như một "van" an toàn cho doanh nghiệp xuất nhập khẩu.

Nếu người mua yêu cầu vận đơn đích danh, nên sử dụng nghiệp vụ 2 bộ vận đơn. Trên vận đơn chủ (vận đơn của hãng tàu, master bill of lading) ghi tên người nhận hàng là đại lý của doanh nghiệp logistics.

Đối với vận đơn thứ cấp (vận đơn do doanh nghiệp logistics phát hành, house bill of lading), tên người nhận hàng chính là tên người mua hàng. Vận đơn chủ được gửi cho đại lý của doanh nghiệp logistics, còn vận đơn thứ cấp gửi cho ngân hàng người mua.

Khi thanh toán tiền cho ngân hàng, người mua nhận được vận đơn thứ cấp, còn đại lý của doanh nghiệp logistics sẽ dùng vận đơn chủ để nhận hàng từ hãng tàu và sau đó giao cho người mua. Như vậy, nếu người mua hay ai đó có trong tay bộ vận đơn thứ cấp cũng không thể trực tiếp nhận hàng từ hãng tàu.

Một số doanh nghiệp nhập khẩu phản ánh tình trạng nhận hàng không đúng chất lượng như hợp đồng, thậm chí hợp đồng nhập khẩu đồ dùng gia đình nhưng mở container ra là rác. Trường hợp này sẽ khó xảy ra nếu sử dụng dịch vụ của doanh nghiệp logistics có đại lý giao nhận ở nước người bán.

Đặc biệt, doanh nghiệp đừng coi việc đào tạo nguồn nhân lực chuyên nghiệp là chi phí mà hãy xem như là khoản đầu tư. Bởi khoản đầu tư đó sẽ rẻ hơn nhiều so với chi phí phải bỏ ra để khắc phục hậu quả rủi ro từ tranh chấp, lừa đảo trên thị trường quốc tế.

Theo dõi 24HMoney trên GoogleNews

Từ khóa liên quan

Bấm vào mỗi từ khóa để xem bài cùng chủ đề

Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?

Liên hệ 24HMONEY ngay

Cảnh báo Nhà đầu tư lưu ý
Cảnh báo
Cơ quan chủ quản: Công ty TNHH 24HMoney. Địa chỉ: Tầng 5 - Toà nhà Geleximco - 36 Hoàng Cầu, P.Ô Chợ Dừa, Quận Đống Đa, Hà Nội. Giấy phép mạng xã hội số 203/GP-BTTTT do BỘ THÔNG TIN VÀ TRUYỀN THÔNG cấp ngày 09/06/2023 (thay thế cho Giấy phép mạng xã hội số 103/GP-BTTTT cấp ngày 25/3/2019). Chịu trách nhiệm nội dung: Phạm Đình Bằng. Email: support@24hmoney.vn. Hotline: 038.509.6665. Liên hệ: 0908.822.699

Điều khoản và chính sách sử dụng



copy link
Quét mã QR để tải app 24HMoney - Giúp bạn đầu tư an toàn, hiệu quả