Giới phân tích nói gì về nguy cơ EVN lỗ kỷ lục hơn 31.000 tỷ đồng?
Theo các chuyên gia, việc để các mặt hàng có tác động lớn đến xã hội như xăng dầu, điện… bị kìm giá, không được tính đúng tính đủ sẽ khiến tình hình nghiêm trọng hơn và ảnh hưởng đến an ninh năng lượng của quốc gia.
Trao đổi với PV Tiền Phong, ông Hà Đăng Sơn - Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu năng lượng và Tăng trưởng xanh - cho rằng, việc EVN dự báo sẽ lỗ kỷ lục hơn 30.000 tỷ đồng dù đã rất tiết giảm chi phí, xuất phát từ giá điện thấp kéo dài nhiều năm qua và khiến EVN gặp khó khăn về tài chính. Nếu tình trạng lỗ này diễn ra sẽ ngày càng nghiêm trọng hơn khi giá nhiên liệu tăng, nguồn cung thiếu dẫn đến ảnh hưởng an ninh năng lượng của quốc gia.
Theo ông Sơn, vấn đề đặt ra bây giờ là có nên tiếp tục giữ cho giá điện cố định khi tất cả chi phí đầu vào đang tăng mạnh. Để giải bài toán về thu hút đầu tư cho ngành điện thời gian tới, phía nhà đầu tư sẽ muốn thấy Nhà nước phải cam kết một mức giá nào đó để yên tâm đầu tư.
“Đây là vấn đề cực kì khó khi giá điện cứ giữ như hiện nay, không tạo ra động lực đầu tư cho bất kì một bên nào. EVN liên tục phải bù lỗ thì làm sao có được giá điện mới cho các nguồn năng lượng tái tạo?”, ông Sơn nói.
Theo ông Sơn, cần phải có những tính toán để điều chỉnh giá điện ở mức chấp nhận được. Như muốn có tư nhân làm truyền tải nhưng giá điện truyền tải chúng ta trả cho 1 kWh quá thấp nên nếu phải làm các dự án kéo dài 70-80 năm mới hoàn vốn thì không ai đầu tư.
“Việc giữ cho giá điện thấp quá lâu như vậy kéo theo rủi ro rất cao cho EVN đi kèm với mất uy tín về mặt tài chính, chưa kể dẫn đến việc mất vốn, không thể trả tiền mua điện cho các nhà đầu tư. Trường hợp có điều chỉnh giá, với vai trò quản lý nhà nước, Cục Điều tiết Điện lực, Bộ Công Thương sẽ phải giám sát các chi phí, phải cùng với EVN tính toán lại cụ thể’, ông Sơn nói.
Ông Sơn cũng cho rằng, điều chắc chắn là không thể tăng giá điện quá nhiều vì sẽ tác động ngược lại với nền kinh tế nhưng cũng phải đủ để cho EVN và các nhà đầu tư tư nhân ‘sống sót’ được. Còn nếu để như hiện nay, EVN chắc chắn không có khả năng vay vốn để đầu tư một loạt các dự án hạ tầng. Như vậy, vài năm sau cả nền kinh tế sẽ chịu thiệt hại rất lớn khi không đáp ứng đủ nguồn.
PGS TS. Ngô Trí Long - chuyên gia tài chính - cho rằng, cùng với giá xăng dầu biến động, thời gian qua câu chuyện giá điện bị kìm quá lâu cũng đang là vấn đề cần sớm giải quyết nếu không sẽ dẫn đến chuyện thiếu nguồn như với xăng dầu vừa qua. Đây cũng là bài học xương máu cho việc điều tiết giá hàng hóa thiết yếu, có sức ảnh hưởng lớn đến toàn xã hội. Nếu các chi phí cấu thành giá thành không được tính đúng, tính đủ, hợp lý sẽ khiến cho thị trường méo mó, doanh nghiệp không mặn mà kinh doanh.
Theo ông Long, giá điện đang chịu tác động kép từ việc dầu và giá than thế giới liên tục tăng vọt thời gian qua. “Từ góc độ người tiêu dùng, không ai muốn tăng giá hàng hóa, nhất là những hàng hóa thiết yếu như điện, xăng dầu. Nhưng, giá điện đã bị nén quá lâu, lần điều chỉnh tăng gần đây nhất vào tháng 3/2019, trong khi các chi phí đầu vào tăng chóng mặt. Chính phủ và Bộ Công Thương cần rà soát lại chi phí giá điện để có giải pháp phù hợp ", ông Long nói.
Ông Long dẫn Quyết định 24/2017 của Thủ tướng về cơ chế điều chỉnh giá bán điện bình quân đã quy định rất rõ, nếu các thông số chi phí đầu vào làm giá thành điện tăng tương ứng thì giá điện sẽ được điều chỉnh. EVN cũng đã nỗ lực giảm chi phí, giảm lương nhân viên để cân đối tài chính, giảm lỗ vì vậy giảm gánh nặng cho doanh nghiệp là việc cần làm.
Chia sẻ với PV Tiền Phong, một đại diện EVN cho hay, từ đầu năm 2022, do biến động giá nhiên liệu (than, dầu, khí) thế giới làm cho chi phí sản xuất điện và mua điện của tập đoàn tăng rất cao.
Theo diễn biến giá nhiên liệu các tháng đầu năm 2022 và nếu căn cứ kế hoạch vận hành hệ thống điện đã được Bộ Công Thương phê duyệt từ đầu năm, kết quả hoạt động sản xuất kinh doanh năm 2022 của EVN có thể lỗ lên tới gần 65.000 tỷ đồng.
Đại diện EVN cho biết đơn vị đã quyết liệt tiết kiệm và cắt giảm các chi phí, tiết kiệm 10% các chi phí thường xuyên; cắt giảm từ 20-30% chi phí sửa chữa tài sản cố định; tạm chi lương cho cán bộ, công nhân viên bằng 80% mức lương bình quân năm 2020, tăng cường quản trị các khoản giảm giá thành điện...nhưng vẫn không thể bù đắp được chi phí mua điện đầu vào tăng quá lớn. Kết quả sản xuất kinh doanh 10 tháng của năm 2022 của Công ty mẹ EVN lỗ gần 16.000 tỷ đồng, dự kiến ước tính cả năm 2022 có thể lỗ ở mức hơn 31.000 tỷ đồng.
Trong bối cảnh tình hình tài chính như vậy sẽ dẫn tới nguy cơ các năm tiếp theo sẽ không cân đối được dòng tiền để thanh toán chi phí mua điện cho các đơn vị phát điện, ảnh hưởng đến khả năng hoạt động liên tục của các nhà máy điện, ảnh hưởng đến việc đảm bảo cung cấp điện,
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận