Giới đầu tư lấy lại niềm tin với cổ phiếu công nghệ lớn của Trung Quốc
Big Tech, tức là các công ty công nghệ lớn, là lĩnh vực của Trung Quốc được các nhà đầu tư tổ chức và cá nhân yêu thích nhất, theo kết quả khảo sát mới nhất của MLIV Pulse. 42% trong 244 nhà đầu tư tham gia khảo sát của MLIV Pulse cho biết họ có kế hoạch tăng tỷ trọng cổ phiếu của Trung Quốc trong năm 2023.
Giới đầu tư có kế hoạch tăng tỷ trọng cổ phiếu vào Big Tech Trung Quốc
Theo lý thuyết, khoảng cách giữa giá cổ phiếu và các chỉ số tài chính, như thu nhập và doanh số, càng lớn, thì tiềm năng tăng giá khi xuất hiện tin tốt càng lớn. Và đó là những gì đang diễn ra trên thị trường cổ phiếu Trung Quốc trong tháng 11/2022, khi có một số dấu hiệu cho thấy Bắc Kinh có thể đã bắt đầu nới lỏng chính sách Zero COVID. Các cổ phiếu được giới đầu tư theo dõi nhiều, như Alibaba Group Holdings, chứng kiến giá tăng 20% trong một phiên.
Có rất nhiều dư địa để cổ phiếu Big Tech của Trung Quốc phục hồi. Hang Seng Tech Index và Nasdaq Golden Dragon China Index, chỉ số theo dõi các doanh nghiệp Trung Quốc niêm yết tại Mỹ, đã giảm khoảng 70% kể từ đỉnh hồi tháng 02/2021. Đây là hai chỉ số giảm mạnh nhất trong 92 chỉ số được Bloomberg theo dõi. Riêng trong tháng 09/2022, các quỹ đầu tư bán một lượng cổ phiếu công nghệ Trung Quốc trị giá 33 tỷ USD, theo một báo cáo gần đây của Morgan Stanley.
Tuy nhiên, hiện các yếu tố cơ bản của ngành công nghệ Trung Quốc không có gì thay đổi. Có rất ít bằng chứng cho thấy Chủ tịch Tập Cận Bình sẽ đảo ngược chiến dịch áp chế những “gã khổng lồ” công nghệ của nước này, trong khi những nỗ lực ngăn chặn việc doanh nghiệp Trung Quốc bị huỷ niêm yết trên các sàn giao dịch của Mỹ cũng đang tiến triển chậm. Lệnh phong toả tại các thành phố trọng điểm, như Quảng Châu, như một lời nhắc nhở rằng quyết tâm loại bỏ dịch COVID-19 vẫn đang kìm hãm tiêu dùng và tác động xấu đến nền kinh tế lớn thứ hai thế giới.
Nhưng khi thị trường cổ phiếu Trung Quốc tăng điểm, giới đầu tư lại rất thích thú. Bán khống và tâm lý sợ bỏ lỡ cơ hội là hai động lực chính của thị trường cổ phiếu Trung Quốc trong 3 tuần qua. Trong đó, các nhà đầu tư tại đại lục tích cực “bắt” cổ phiếu giá rẻ ở Hồng Kông (Trung Quốc), dù những nhà đầu tư nước ngoài lớn như Tiger Global Management cũng phải thừa nhận thất bại và giảm phân bổ vốn vào cổ phiếu Trung Quốc.
Ngày 14/11, cổ phiếu Trung Quốc và đồng nhân dân tệ đồng loạt tăng giá sau khi cơ quan tài chính nước này ban hành chỉ thị gồm 16 điểm để hỗ trợ ngành bất động sản. Đây là dấu hiệu cho thấy các nhà chức trách đang nghiêm túc giải quyết khủng hoảng bất động sản, vốn là lực cản chính đối với thị trường cổ phiếu và đà tăng trưởng kinh tế trong thời gian qua.
Không có gì ngạc nhiên khi cổ phiếu Trung Quốc đang được định giá là rẻ. Hệ số P/E của Nasdaq Golden Dragon China Index chưa tới 15, giảm 34% so với mức trung bình của 10 năm qua. Các nhà đầu tư sẽ hiểu rõ hơn về tình hình tài chính của các doanh nghiệp Trung Quốc trong tuần tới, với những công ty dẫn đầu như Alibaba, JD.com Inc. và Pinduoduo Inc. sẽ báo cáo kết quả kinh doanh quý 3/2022.
Gần một nửa nhà đầu tư tham gia khảo sát MLIV Pulse kỳ vọng giá cổ phiếu Trung Quốc niêm yết tại Mỹ vào cuối năm nay sẽ lấy lại được phần nào những gì đã mất. Chưa tới 1/5 trong số đó dự báo đà giảm sẽ tiếp diễn.
Dự báo của giới đầu tư về chỉ số Nasdaq Golden Dragon China Index tới cuối năm nay
Thị trường cổ phiếu Trung Quốc đang đánh giá thấp khả năng nước này sẽ gỡ bỏ chính sách Zero Covid, theo 48% người tham gia khảo sát. Trong khi đó, khoảng 46% cho biết thị trường đang quá hào hứng với việc mở cửa lại.
Chính sách Zero COVID của Trung Quốc được xem vừa là chất xúc tác lớn nhất cho thị trường tăng điểm vừa là rủi ro lớn mà cổ phiếu Trung Quốc sẽ phải đối mặt trong năm 2023. Goldman Sachs cho biết việc mở cửa lại sẽ giúp cổ phiếu nước này tăng 20%.
Uỷ ban Y tế Quốc gia Trung Quốc vào ngày 11/11 ban hành một tài liệu gồm 20 biện pháp mới nhằm hướng dẫn các quan chức và chính quyền trong việc kiểm soát dịch COVID-19 trong tương lai. Trong đó, thời gian cách ly bắt buộc đối với du khách tới Trung Quốc giảm xuống còn 5 ngày trong khách sạn hoặc cơ sở do chính phủ sắp xếp, sau đó họ phải tiếp tục cách ly 3 ngày tại nhà. Trước khi thay đổi, thời gian cách ly bắt buộc là 10 ngày, trong đó một tuần ở khách sạn và 3 ngày sau đó ở nhà.
Thời gian cách ly bắt buộc mới này cũng sẽ được áp dụng với những người tiếp xúc gần với người bị nhiễm COVID-19 ở Trung Quốc. Liên quan tới du lịch quốc tế, quy định phạt các hãng hàng không vì đưa các ca nhiễm COVID-19 vào Trung Quốc cũng sẽ bị loại bỏ.
Theo phần lớn nhà đầu tư, lãi suất cao vẫn sẽ là rủi ro chính đối với thị trường tài chính quốc tế trong năm 2023, sau đó là tình trạng trì trệ của kinh tế Trung Quốc. Suy thoái toàn cầu cũng là một trong những lo ngại của giới đầu tư.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận