"Gieo quẻ" thị trường bất động sản sau Tết Nguyên đán 2024 - Tạp chí Tài chính
Kể từ cuối năm 2023 trở lại đây, sau thời gian dài “đóng băng” tưởng như không có lối thoát, thị trường nhà đất bắt đầu cho thấy những dấu hiệu khởi sắc, đặc biệt là ở các phân khúc phục vụ nhu cầu ở thực như nhà ở xã hội, căn hộ chung cư và bất động sản công nghiệp…
Dễ nhận thấy, dưới góc nhìn đầu tư, một thị trường đã tạo lập xong đáy và đang bắt đầu đi lên (thậm chí đi ngang) là cơ hội tốt để mua vào, vì hội tụ đầy đủ các yếu tố gồm sản phẩm tốt, giá mềm, nhiều ưu đãi, triển vọng biên lợi nhuận cao...
Nhiều chuyên gia cũng cho rằng vào các thời điểm như tháng Chạp, tháng Giêng hay tháng 7 âm lịch, khi thị trường bất động sản trầm lắng, giá nhà đất giảm và chủ đầu tư thực hiện nhiều chính sách khuyến mại lại chính là cơ hội tốt để mua bất động sản, đầu tư sinh lời.
Do đó, nếu có ý định mua bất động sản trong năm nay và đã chuẩn bị một nguồn tài chính nhất định thì sau Tết Nguyên đán sẽ là thời điểm thích hợp để "xuống tiền" mua bất động sản.
Có thể thấy, các kết quả thăm dò và diễn biến từ thực tế chỉ ra thị trường bất động sản đã đi qua giai đoạn khó khăn nhất. Tuy nhiên, đa số chuyên gia nhìn nhận thị trường địa ốc nhiều khả năng sẽ phải đợi đến sau năm 2025, khi các luật sửa đổi chính thức được thông qua, mới có sự hồi phục rõ ràng.
Các chuyên gia của VARS cho rằng các luật sửa đổi như Luật Đất đai, Luật Nhà ở, Luật Kinh doanh bất động sản đến tháng 1/2025 mới có hiệu lực, đồng nghĩa với việc một số vướng mắc pháp lý vẫn còn kéo dài.
Trong khi đó, pháp lý lại là “bài toán” quyết định tới việc phát triển các dự án, trong đó bao gồm chính sách về tín dụng, lãi suất vay ngân hàng, trái phiếu...
Do đó, VARS kiến nghị Chính phủ sớm ban hành các văn bản, nghị định, thông tư quy định chi tiết, hướng dẫn thi hành Luật Đất đai 2024, để đảm bảo Luật có hiệu lực đồng thời với Luật Nhà ở 2023 và Luật Kinh doanh bất động sản 2023.
Về phía cơ quan quản lý, Thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Văn Sinh cho rằng để thị trường tốt hơn, doanh nghiệp bất động sản cần chủ động đa dạng hóa nguồn vốn. Ngoài việc sử dụng tín dụng ngân hàng, doanh nghiệp có thể phát hành trái phiếu, cổ phiếu, quỹ đầu tư, thuê tài chính..., đồng thời huy động vốn liên quan đến mục tiêu sử dụng cụ thể, giảm đòn bẩy tài chính và hạn chế đầu tư dàn trải...
"Doanh nghiệp bất động sản cần tập trung hoàn thành các dự án đang dang dở, nhất là các dự án nhà ở xã hội, nhà ở công nhân, nhà ở phân khúc giá rẻ để tăng tính thanh khoản", ông Sinh nhấn mạnh.
Tựu trung lại, điểm chung của giới phân tích đều nhìn nhận thị trường bất động sản sẽ “ấm” hơn sau Tết Nguyên đán bởi sự cộng hưởng từ nhiều yếu tố tác động tích cực, đặc biệt là hiệu ứng từ các luật mới được thông qua.
Tuy nhiên, để thị trường có thể lấy lại “ánh hào quang” thuở nào, đòi hỏi cả nhà làm luật và doanh nghiệp cần có giải pháp khơi thông các điểm nghẽn, tái cơ cấu sản phẩm theo nhu cầu thực tế của người dân, tăng lượng nhà ở vừa túi tiền... giúp cung - cầu không còn bị “lệch pha”.
Theo Hưng Nguyên/vnbusiness.vn
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận