Giao Long Thành cho ACV: Nhà nước vẫn phải có trách nhiệm với khoản vay hơn 2 tỷ USD
Kỳ vọng Long Thành cạnh tranh được với các sân bay lớn khác như Hồng Kông, Singapore, Kuala Lumpur, Bangkok.. còn là "câu chuyện ở thì tương lai"...
Dù ACV huy động vốn dưới hình thức nào trên thị trường vốn quốc tế thì mặc nhiên Chính phủ Việt Nam, dù không cấp bảo lãnh đối với khoản vay, vẫn phải có trách nhiệm và nghĩa vụ tài chính chủ yếu trong trường hợp ACV không trả được nợ vay.
Thảo luận tại hội trường về báo cáo nghiên cứu khả thi dự án Cảng hàng không quốc tế Long Thành (sân bay Long Thành) giai đoạn 1 sáng 12/11, nhiều đại biểu bày tỏ quan tâm đến đề xuất của Chính phủ, giao dự án này cho Tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam (ACV).
Cụ thể về phương án huy động vốn của ACV, Phó trưởng đoàn đại biểu Quốc hội Quảng Trị, Uỷ viên Uỷ ban Tài chính - Ngân sách của Quốc hội, đại biểu Hà Sỹ Đồng nêu, trong tổng số 4,194 tỷ USD vốn của ACV đầu tư vào dự án, dự kiến ACV phải đi vay khoảng 2,628 tỷ USD trên thị trường vốn quốc tế hoặc trong nước, giải ngân trong giai đoạn 2021-2025.
Đại biểu Đồng phân tích, ACV là doanh nghiệp do nhà nước chi phối (chiếm 95,4% vốn chủ sở hữu), nên dù doanh nghiệp này huy động vốn dưới hình thức nào trên thị trường vốn quốc tế thì mặc nhiên Chính phủ Việt Nam, theo con mắt của nhà đầu tư quốc tế, dù không cấp bảo lãnh đối với khoản vay, vẫn phải có trách nhiệm và nghĩa vụ tài chính chủ yếu trong trường hợp ACV không trả được nợ vay.
Tuy nhiên, do tầm quan trọng quốc gia của dự án đầu tư, cũng như do vị thế và tiềm lực của ACV ở Việt Nam, khả năng vay thương mại nước ngoài của ACV (cụ thể là vay kỳ hạn 15 năm, ân hạn 5 năm, với lãi suất tầm 5 tới 5,5%/năm) là có tính khả thi, đại biểu nhận định.
Vị uỷ viên Uỷ ban Tài chính - Ngân sách, sau đó cũng nêu những cơ sở của nhận định nói trên.
Một, tham chiếu mức lợi suất trái phiếu Kho bạc Mỹ kỳ hạn 20 năm do Bộ Tài chính Mỹ công bố, hiện chỉ khoảng 2,27%/năm; loại kỳ hạn 10 năm chỉ cỡ 1,93%/năm, tương đối thấp.
Hai, tham chiếu chỉ số hoán đổi rủi ro vỡ nợ tín dụng CDS loại hợp đồng 10 năm của Việt Nam do Reuters công bố, hiện là 163,78 điểm cơ bản, tức gần 1,64%/năm.
Ba, Cục Dự trữ liên bang Mỹ FED đã có 3 lần hạ lãi suất điều hành trong năm nay và phát tín hiệu khả năng sẽ giữ nguyên mức lãi suất hiện hành cho tới cuối năm 2020, sau đó có thể điều chỉnh tăng dần trở lại.
Bốn, theo báo cáo của Bộ Tài chính, nợ nước ngoài của quốc gia ước đến cuối năm 2019 vào khoảng 45,8% GDP, cỡ 124 tỷ USD (dưới khá xa mức trần cho phép tầm 135 tỷ USD). Dự kiến năm 2020 tăng trưởng GDP đạt kế hoạch 6,8% so năm 2019, thì hạn mức nợ nước ngoài của quốc gia tối đa có thể tới cỡ 144 tỷ USD.
Như vậy dư địa nợ nước ngoài của khối doanh nghiệp, tổ chức tín dụng theo phương thức tự vay tự trả cũng được nới rộng, bảo đảm cho phương án huy động vốn quốc tế của ACV có điều kiện thực hiện, ông Đồng nhìn nhận.
Một dự án quan trọng quốc gia được ACV làm chủ đầu tư do Chính phủ chỉ định thầu, giúp thu hút sự quan tâm của các nhà đầu tư quốc tế. Bên cạnh đó, ACV cũng đang thực hiện công tác đánh giá xếp hạng tín nhiệm bởi các tổ chức xếp hạng uy tín nhất trên thế giới nhằm thực hiện công tác huy động vốn một cách tối ưu cho dự án, phù hợp với các thông lệ quốc tế, vị đại biểu Quảng Trị nhấn mạnh.
Nhưng, điều quan ngại, theo đại biểu Đồng, nằm ở chỗ: do kỳ vọng sân bay Long Thành sớm trở thành cảng hàng không tầm khu vực, cạnh tranh được với các sân bay lớn khác đang đóng vai trò này, như Hồng Kông, Singapore, Kuala Lumpur, Bangkok.. còn là "câu chuyện ở thì tương lai".
Bởi vậy, phương án tài chính trong báo cáo được tính toán dựa trên cơ sở dự kiến khả năng khai thác dự án khi đưa vào sử dụng, chứa đựng nhiều yếu tố bất định và rủi ro cho ACV. Măt khác nếu tiến độ thực hiện không đảm bảo sẽ ảnh hưởng đến hiệu quả và kế hoạch hoàn vốn đầu tư, vì thế cần được xem xét kỹ lưỡng và cẩn trọng hơn, đại biểu Đồng góp ý.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận