Giăng 'thiên la địa võng' khi cổ phần hoá: Cách nào tránh thất thoát 'đất vàng'?
Ông Lưu Bình Nhưỡng, Phó Trưởng Ban Dân nguyện thuộc Uỷ ban Thường vụ Quốc Hội, cho rằng hiện vẫn còn nhiều hạn chế trong quá trình cổ phần hóa (CPH) doanh nghiệp nhà nước (DNNN) nên cần tục hoàn thiện chính sách, có giải pháp “thúc” tiến độ, ngăn ngừa trục lợi, lãng phí tài sản đất đai trong thời gian tới.
Một số DNNN sau CPH đã làm ăn có lãi, đóng góp cho ngân sách và tạo nhiều việc làm, đồng thời tạo ra được một “làn sóng” thu hút đầu tư xã hội hóa từ khu vực tư nhân. Tuy nhiên, bên cạnh những mảng màu tươi sáng, vẫn có những “góc tối” trong bức tranh CPH khi còn xảy ra sai phạm, gây thất thoát lãng phí tài sản của nhà nước. Quan điểm của ông như thế nào về điều này?
Đơn cử về câu chuyện CPH của ngành giao thông vận tải, cụ thể là câu chuyện CPH Tổng Công ty vận tải thủy (VIVASO). Giá trị hàng hoá của VIVASO khi CPH ước tính khoảng 327 tỷ đồng, chỉ tương đương một ngôi nhà ở phố cổ. Trong 327 tỷ đồng đó, gồm toàn bộ hệ thống tài sản rất quý giá, có cả cụm 10 cảng và những cầu tàu xây mới, hay cầu tàu tồn tại từ thời Pháp. Để xây dựng một cầu tàu như thế rất khó khăn, tốn kém hàng trăm tỷ đồng. Đấy là chưa kể đến giá trị thương hiệu. Vậy mà sau Kết luận Thanh tra từ năm 2022 đến nay, tình hình thực tế vẫn rất bi đát, toàn bộ hệ thống vận tải thuỷ được xây dựng từ nhiều thế hệ đã không còn tồn tại.
Mục tiêu khi CPH luôn đặt vấn đề hiệu quả lên đầu, trong đó không chỉ có vấn đề hiệu quả kinh tế, mà còn là vấn đề giải quyết công việc cho người lao động, tăng cường đóng góp cho xã hội, hoạt động công đoàn được đổi mới... nhưng tại VIVASO thì ngược lại.
Không riêng gì ở lĩnh vực đường thủy nội địa, mà ở một số lĩnh vực khác như dược, hạ tầng… dường như cũng đã được chuẩn bị sẵn “thiên đa địa võng” để tiến hành CPH. Rõ là không có miếng nào “ngon” hơn là CPH và cũng có thể thấy đó là sự thất bại của CPH.
- Ví dụ vừa nêu theo ông là sự thất bại của CPH, ông có thể cho biết cụ thể hơn?
Về việc triển khai CPH trong ngành giao thông vận tải, có thể nói rằng, ban đầu từ năm 2011 xác định CPH 70 doanh nghiệp, nhưng không hiểu sao Bộ Giao thông Vận tải (GTVT) rất hăng hái, muốn đi đầu CPH nên báo cáo trước Quốc hội thì là tiến hành CPH tới 137 doanh nghiệp, trong đó có VIVASO. Với số lượng CPH lớn như vậy thì đúng là không biết nên cười hay khóc?
Chỉ vài năm sau CPH VIVASO, đã có tố cáo sai phạm từ nguyên Giám đốc Cảng Hà Nội (thành viên của VIVASO), liên quan quá trình CPH doanh nghiệp tại đây. Theo đó, quá trình CPH tại VIVASO thiếu khách quan, minh bạch; làm thất thoát tài sản nhà nước giá trị lớn (việc xác định giá trị đất đai, diện tích, lợi thế địa tô, việc định giá tài sản doanh nghiệp khi CPH…), có dấu hiệu móc ngoặc tham nhũng, làm bần cùng hóa người lao động… Đáng chú ý khi đó, riêng về phần tài sản đất đai VIVASO đang quản lý và sử dụng lên đến gần 50ha tại nhiều tỉnh thành phía Bắc, nhiều vị trí thực sự là đất vàng.
Tại kỳ họp thứ 5 Quốc hội khóa XIV, tôi đã có văn bản chất vấn đối với Bộ trưởng GTVT về nội dung liên quan đến việc CPH VIVASO. Bộ GTVT khi đó có đưa vụ việc này ra để thanh tra nội bộ, sau đó kết luận là không có vấn đề. Khi đó, tôi thật sự không đồng tình với kết luận này.
Chỉ đến lúc kiến nghị của tôi đến với Ủy ban Kiểm tra Trung ương, Thủ tướng Chính phủ sau đó đã giao cho Thanh Tra Chính phủ vào cuộc và chỉ ra nhiều sai phạm. Ủy ban Kiểm tra Trung ương đã họp để xem xét, xử lý một số các cá nhân, tập thể có liên quan đến quá trình CPH này. Sau 10 năm CPH thực trạng ngày càng xấu đi, gần 1.700 cán bộ, người lao động bơ vơ, mất việc làm. Hàng chục ha đất rất giá trị của Nhà nước đều rơi vào tay tư nhân.
- Vậy làm thế nào để quản lý tài sản đất công và trả về đúng giá trị của nó, thưa ông?
Sơ hở lớn nhất của chúng ta là thất thoát tài sản công trong vấn đề CPH, mà cụ thể là thất thoát đất đai, mất đất đai là rất lớn. Ví dụ mười mấy ha đất cảng Hà Nội khi CPH VIVASO có giá trị rất lớn, hãy thử tính giá thuê xem! Hay hàng trăm mét đất mặt đường Nguyễn Văn Cừ là trụ sở của VIVASO là rất giá trị, CPH xong thì tư nhân họ chỉ cần cho thuê là ăn đủ, đâu cần làm gì.
Tôi muốn nhấn mạnh là chúng ta không thể nói đơn giản CPH chỉ là CPH, không chỉ là vấn đề thoái vốn là thoái vốn, tôi muốn nhấn mạnh việc bám sát mục tiêu, chủ trương ban đầu, quy hoạch ban đầu và giám sát xem đã thực hiện đúng quy hoạch không? Vậy thì đòi hỏi vai trò quản lý của Nhà nước, nhất là về vấn đề đất đai rất quan trọng.
Có hai vấn đề cần xem xét khi CPH là quy hoạch phát triển lĩnh vực đó và quy hoạch phát triển kinh tế xã hội, kế hoạch sử dụng. Ví dụ đối với CPH ngành đường thủy thì phải rõ ràng quy hoạch đó, khu đất đó phải phát triển cảng hay ở một khía cạnh khác. Không thể CPH một hãng phim truyện mà để tư nhân nhảy vào mua xưởng phim chỉ để “nhăm nhe” xây dựng một cái nhà chung cư ở đấy. Bởi vậy, chúng ta phải công khai, minh bạch. Đồng thời cần có nhiều phương án khác nhau, khi đã bị lợi dụng bởi câu chuyện CPH rồi thì phải có giải pháp chuyển đổi ngay.
Riêng nói về đất đai thì phải sử dụng đúng quy hoạch. Khi áp dụng sai thì có Luật đất đai, Luật thực hành tiết kiệm chống lãng phí. Quy hoạch rồi mà không xây dựng thì chúng ta thu hồi. Nếu quản lý tốt thì tôi nghĩ rằng chuyện thất thoát ít xảy ra.
Chúng ta cần phải xác định không chỉ là xem xét những vấn đề pháp luật mà còn xem xét cả quá trình thực thi pháp luật, và cũng phải xem xét cả người tham mưu, người quyết định chính sách đã đúng hay chưa. Nếu làm được một cách đầy đủ như thế thì sẽ có biện pháp xử lý. Còn nếu chúng ta cứ ngồi đánh giá đắt rẻ dựa theo cảm tính thì không được, mà phải dựa trên cơ sở các tiêu chuẩn, các quy định, các nguyên tắc để chống thất thoát hậu CPH.
Tóm lại, theo tôi, có 5 giải pháp quan trọng nhất để nâng cao hiệu quả CPH DNNN. Thứ nhất, phải kiểm soát được mục tiêu CPH, tiến trình CPH được giao đúng người, đúng việc.
Thứ hai, bám sát quy hoạch kinh tế xã hội và quy hoạch sử dụng đất, nếu chúng ta xa rời thì thất bại hoàn toàn. Đặc biệt là đất đai, phải quy hoạch và bám sát quy hoạch.
Thứ ba, phải công khai minh bạch quy trình CPH, câu chuyện CPH phải được đặt lên "bàn tròn", nhưng không phải là "bàn tròn có nhiều ngăn kéo".
Thứ tư, không thể không thực hiện giám sát thanh tra kiểm tra, đồng hành ngay từ quá trình xây dựng chính sách, đừng để đến khi sai rồi mới thanh tra thì quá muộn. Đồng thời, chúng ta cũng cần kiếm soát việc có hay không có việc tham nhũng chồng tham nhũng, nghĩa là thanh tra thông đồng với cái sai để kéo dài cái sai.
Thứ năm, truyền thông phải thường xuyên đi kèm quá trình CPH và xem đó là kênh giám sát, công khai mang tính xã hội. Truyền thông báo chí là bạn đồng hành cùng quá trình CPH nhưng chúng ta chưa phát huy được vai trò của kênh giám sát quan trọng này.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận