Giảm nghĩa vụ nợ dự phòng để tránh gây áp lực lên nợ công
Giảm nghĩa vụ nợ dự phòng để tránh gây áp lực lên nợ công
Từ ngày 1-1-2019 đến nay, Chính phủ không cấp bảo lãnh cho bất cứ dự án vay vốn nước ngoài nào nhằm giảm nghĩa vụ nợ dự phòng từ bảo lãnh Chính phủ lên nợ công; nghĩa vụ trả nợ Chính phủ từ năm 2015 đến nay cũng đã giảm dần đi.
Bởi từ 2010-2015, tình hình cấp bảo lãnh Chính phủ, vay về cho vay lại tăng đột biến, gây áp lực mạnh lên nợ công. Bộ Tài chính cho biết, tình hình cấp bảo lãnh của Chính phủ đối với doanh nghiệp nhà nước (DNNN) cụ thể như sau:Năm 2018, Thủ tướng Chính phủ ban hành Chỉ thị số 31/CT-TTg về việc chấn chỉnh, tăng cường kỷ luật, kỷ cương trong việc chấp hành pháp luật về ngân sách Nhà nước. Trong đó, giao Bộ Tài chính chủ trì, phối hợp với các bộ, cơ quan trung ương, địa phương kiểm soát chặt chẽ các khoản vay; hạn chế tối đa việc cấp bảo lãnh Chính phủ cho các khoản vay mới; không chuyển vốn vay về cho vay lại, bảo lãnh Chính phủ thành vốn cấp phát ngân sách nhà nước.
Trong giai đoạn 2011-2015, Bộ Tài chính đã cấp bảo lãnh vay trong và ngoài nước cho 35 chương trình, dự án, với tổng số vốn cam kết tương đương 15,6 tỉ đô la Mỹ. Các khoản vay được Chính phủ bảo lãnh hầu hết là vay nước ngoài (14 tỉ đôla /15,6 tỉ đô la), với thời hạn trả nợ trung bình 12 năm. Tổng số tiền Chính phủ cam kết cấp bảo lãnh trong giai đoạn này đã gấp gần 3 lần giai đoạn 2007-2010 (tổng trị giá tương đương 5,75 tỉ đô la). Nghĩa vụ nợ dự phòng từ bảo lãnh Chính phủ là một trong những áp lực lên nợ công và nghĩa vụ trả nợ của Chính phủ trong các năm tiếp theo.
Để đảm bảo thực hiện việc kiểm soát an toàn nợ công trong giai đoạn 2016-2020, từ cuối năm 2015, Bộ Tài chính đã trình Quốc hội phương án giảm mức rút vốn ròng hàng năm của các dự án vay nước ngoài ở mức 1,5 tỉ đô la và trong nước là 5.000 tỉ đồng nhằm giảm dần tác động của vốn vay được bảo lãnh Chính phủ lên nợ công; nhằm đảm bảo mục tiêu đến năm 2020 dư nợ vay được Chính phủ bảo lãnh có thể ở mức 15,6% tổng dư nợ công và trong khoảng 10% GDP theo kịch bản đã trình Quốc hội (với giả định GDP dự kiến tăng 6,5-7%/năm và lạm phát khoảng 5%/năm).
Do đó, từ năm 2016, việc cấp bảo lãnh Chính phủ cho các dự án đầu tư của doanh nghiệp được kiểm soát theo hướng bám sát chủ trương quản lý chặt chẽ bảo lãnh Chính phủ, quản lý nợ công bảo đảm nền tài chính quốc gia an toàn, bền vững và Nghị quyết số 25/2016/QH14 của Quốc hội về kế hoạch tài chính quốc gia 5 năm giai đoạn 2016-2020.
Kể từ năm 2016, Bộ Tài chính chỉ cấp bảo lãnh chính phủ cho một dự án vay nước ngoài với trị giá bảo lãnh là 170 triệu đô la. Năm 2017, không có dự án đầu tư nào được cấp bảo lãnh Chính phủ cho khoản vay mới mặc dù có một số dự án đăng ký từ năm 2016 đã dự kiến chuyển sang năm 2017 do không thể hoàn thành việc thu xếp vốn với các đối tác nước ngoài (tổng trị giá khoảng 2,8 tỉ đô la, hầu hết là các dự án đầu tư nhà máy nhiệt điện).
Năm 2018, Thủ tướng Chính phủ chỉ quyết định cấp bảo lãnh cho hai dự án đầu tư trong lĩnh vực điện (Nhà máy nhiệt điện Vĩnh Tân 4 mở rộng của Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) và Sông Hậu 1 của Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) vay nước ngoài với trị giá là 1.614 triệu đô la. Trong năm này, Bộ Tài chính không thực hiện cấp bảo lãnh Chính phủ cho các dự án vay vốn trong nước.
Năm 2019, công tác cấp và quản lý bảo lãnh Chính phủ tiếp tục bám sát chủ trương quản lý chặt chẽ bảo lãnh Chính phủ. Bộ Tài chính không thực hiện thẩm định và cấp bảo lãnh Chính phủ cho các khoản vay mới trong và ngoài nước để đầu tư các dự án.
Như vậy, việc hạn chế cấp bảo lãnh Chính phủ cho các dự án mới đã dẫn đến tổng dư nợ Chính phủ được bảo lãnh có xu hướng giảm dần qua các năm đến 2020 theo lộ trình dự kiến.
Tính đến nay, tổng giá trị giải ngân các dự án bảo lãnh vay trong nước và nước ngoài dự kiến: 46.000 tỉ đồng. Trong đó, từ nguồn vay nước ngoài là 44.950 tỉ đồng, vay trong nước là 1.050 tỉ đồng.Tổng số trả nợ gốc dự kiến là 42.395 tỉ đồng (trong đó trả nước ngoài là 36.590 tỉ đồng, trong nước là 5.805 tỉ đồng).
Tuy không cấp bảo lãnh mới, nhưng Bộ Tài chính vẫn phải xuất Quỹ tích lũy trả nợ quốc gia để trả nợ thay cho các dự án hạ tầng giao thông mới đây, tiếp tục trả nợ thay cho Dự án nhà máy sản xuất bột giấy Phương Nam thua lỗ, ngừng hoạt động.
Mặt khác, có những khoản như doanh nghiệp (Tổng công ty Đầu tư Phát triển đường cao tốc - VEC) phát hành trái phiếu doanh nghiệp được Chính phủ bảo lãnh để đầu tư các dự án đường cao tốc sau đó không trả được Chính phủ chuyển qua ngân sách cấp phát. Các khoản chuyển ngân sách cấp phát này là vấn đề nhức nhối trong các báo cáo về nợ công của Quốc hội qua nhiều kỳ họp chưa được giải quyết.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận