24HMoney
Install 24HMoneyTải App
copy link
menu
Nhật Anh
24HMoney đã kiểm duyệt 24HMONEY đã kiểm duyệt

Giảm nghẽn lệnh sàn HOSE: Giải pháp nào sẽ được chọn?

Để giải quyết hiện tượng nghẽn lệnh giao dịch tại sàn HOSE đã diễn ra từ cuối tháng 12/2020, Ủy ban chứng khoán Nhà nước đã nhiều lần họp với Sở GDCK Tp.HCM và các công ty chứng khoán để đánh giá thực trạng, phân tích nguyên nhân, đề xuất giải pháp khắc phục.

Trong một thông báo phát đi ngày 1/3/2021 trả lời về các vấn đề dư luận quan tâm trong đó có lĩnh vực chứng khoán, Bộ tài chính cho biết về các nguyên nhân của hiện tượng nghẽn lệnh giao dịch tại Sở Giao dịch chứng khoán thành phố Hồ Chí Minh (HOSE).

Theo Bộ tài chính, trong số các nguyên nhân phát hiện được qua khảo sát thực tế, nguyên nhân chính là do năng lực theo thiết kế của hệ thống giao dịch tại HOSE có giới hạn về số lượng lệnh trong một ngày giao dịch, không đáp ứng được nhu cầu giao dịch tăng đột biến ngoài dự đoán của thị trường chứng khoán trong thời gian vừa qua.

NHIỀU GIẢI PHÁP TỪ NGẮN HẠN ĐẾN DÀI HẠN

Trong số các giải pháp mà Uỷ ban chứng khoán Nhà nước đã chỉ đạo HOSE khẩn trương nghiên cứu nhằm đảm bảo hệ thống vận hành an toàn, thông suốt có cả giải pháp từ ngắn hạn, trung hạn và dài hạn.

Trong ngắn hạn, HOSE đã thực hiện các giải pháp để tối ưu hóa lượng lệnh giao dịch nhập vào hệ thống, gồm: nâng lô giao dịch từ 10 lên 100 cổ phiếu/lô từ ngày 04/01/2021 để giảm tải lệnh lô lẻ cho hệ thống; phối hợp và yêu cầu các công ty chứng khoán rà soát, hạn chế lỗi phát sinh từ phía công ty nhằm tránh tác động xấu đến hệ thống; thực hiện rà soát nội bộ, kiểm soát rủi ro, tăng cường trực ca vào thời gian giao dịch cao điểm.

Trong trung hạn, Uỷ ban chứng khoán Nhà nước đã yêu cầu HOSE nghiên cứu đề xuất phương án kỹ thuật đảm bảo hệ thống giao dịch hiện tại vận hành suôn sẻ, thông suốt cho đến khi hệ thống công nghệ thông tin thị trường chứng khoán mới (KRX) chính thức đi vào hoạt động.

Uỷ ban chứng khoán Nhà nước sẽ có cơ chế hướng dẫn cụ thể, tạo điều kiện cho doanh nghiệp tạm thời chuyển giao dịch cổ phiếu niêm yết từ HOSE sang Sở GDCK Hà Nội (HNX) để giảm tải cho hệ thống giao dịch tại HOSE.

Về dài hạn, Uỷ ban chứng khoán Nhà nước tiếp tục yêu cầu HOSE và các đơn vị có liên quan đẩy nhanh tiến độ đưa hệ thống KRX sớm vào hoạt động, thay thế cho hệ thống hiện nay trong thời gian sớm nhất để giải quyết triệt để vấn đề quá tải hệ thống giao dịch. Hiện nay, một số chuyên gia đã thực hiện xong các thủ tục cách ly và có mặt tại Việt Nam để hỗ trợ triển khai dự án.

NÂNG LÔ TỐI THIỂU LÊN 1.000 CHỨNG KHOÁN

Bên cạnh các giải pháp đã thực hiện như: nâng lô tối thiểu từ 10 lên 100 cổ phiếu và tới đây là chuyển sàn một số cổ phiếu, lãnh đạo HOSE cho biết: đang đề xuất giải pháp nâng tiếp lô giao dịch tối thiểu lên mức 1.000 cổ phiếu. Giải thích thêm, lãnh đạo HOSE cho hay: đã tham khảo thông lệ quốc tế và ý kiến các chuyên gia, báo cáo các cơ quan liên quan để đánh giá tác động cũng như hiệu quả. Theo ý kiến của các chuyên gia, việc tăng lô giao dịch 1.000 cổ phiếu là một trong những giải pháp giảm được số lệnh nhỏ vào hệ thống, từ đó trực tiếp làm giảm áp lực lên hệ thống xử lý của HOSE. Các thị trường phát triển hơn Việt Nam như: Nhật Bản, Đài Loan, Singapore... đều đã trải qua lộ trình này.

Tính toán của HOSE cho thấy, việc tăng lô lên 1.000 có thể giảm 40-50% tổng số lượng lệnh giao dịch. Việc tăng lên lô 1.000 có thể mở đường cho những tầm cao mới của thanh khoản thị trường. Bên cạnh đó, các nhà đầu tư nhỏ lẻ cũng được bảo vệ tốt hơn thông qua việc đầu tư vào chứng chỉ quỹ phát hành bởi các công ty quản lý quỹ chuyên nghiệp.

Từ đó sẽ gián tiếp thúc đẩy sự phát triển của các quỹ đầu tư, thúc đẩy ngành quản lý quỹ phát triển, để gia tăng lượng nhà đầu tư chuyên nghiệp trên thị trường theo đúng mục tiêu của Chính phủ. Đây là điều có ý nghĩa dài hạn đối với sự phát triển bền vững của thị trường chứng khoán Việt Nam. HOSE và cơ quan quản lý cũng đã tính tới việc, nếu áp dụng biện pháp nâng lô giao dịch sẽ cần phải giải quyết vấn đề giao dịch cổ phiếu lô lẻ cho nhà đầu tư.

Hiện tại, hệ thống của HOSE không có bảng giao dịch lô lẻ. Cổ phiếu được công ty chứng khoán tổ chức mua lại của khách hàng thường theo giá sàn cộng thêm phí. Giao dịch lô lẻ cũng có thể tạo áp lực đối với công ty chứng khoán khi thị trường trầm lắng, chưa kể thời gian hoàn tất giao dịch kéo dài do phải đảm bảo yếu tố pháp lý, đặc biệt là công ty chứng khoán nước ngoài.

Thay vì xây dựng một bảng giao dịch lô lẻ trên hệ thống giao dịch có thể gây mất ổn định và thời gian, bài toán này có thể được giải quyết một cách hiệu quả bằng những qui định đối với công ty chứng khoán để việc mua lại/bán làm tròn lô của nhà đầu tư sát với giá thị trường hơn, bảo vệ lợi ích của nhà đầu tư nhỏ lẻ.

"Tôi muốn nhấn mạnh rằng, đây có thể chỉ là giải pháp tạm thời để giải quyết tình trạng nghẽn lệnh hiện nay. Trong tương lai, khi hệ thống giao dịch mới đi vào hoạt động, sẽ có bảng giao dịch lô lẻ, và chúng ta cũng hoàn toàn có thể quay trở lại lô 100 như hiện nay.", Tổng giám đốc HOSE cho hay.

Bình luận về giải pháp nâng lô giao dịch lên 1.000, có không ít các ý kiến chưa thật sự đồng tình và cho rằng còn gây phiền phức và bất lợi cho nhà đầu tư và công ty chứng khoán. Tổng giám đốc một Công ty chứng khoán lớn cho rằng khi áp dụng nâng lô lên 1.000 cổ phiếu, nhà đầu tư không những phải có thời gian mua bán sắp xếp lại danh mục cho chẵn số 1.000, mà còn có thể sẽ tăng margin (vì không đủ tiền mua 1.000 cổ phiếu, nhất là với các cổ phiếu có thị giá cao). Hàng loạt các câu hỏi băn khoăn được đặt ra.

Đối với công ty chứng khoán, chưa biết cơ chế mua cổ phiếu lô lẻ của HOSE đưa ra như thế nào nhưng chắc chắn sẽ phát sinh mục tự doanh không nhỏ để dành mua cổ phiếu lô lẻ (trên bảng thống kê tài sản). Đặc biệt, đối với các công ty chứng khoán sở hữu 100% vốn nước ngoài thì làm sao mua cổ phiếu lô lẻ các mã đã hết room?

Đó là chưa kể là mua giá bao nhiêu? Biên độ giá? Nếu mua theo khung biên độ của thị trường lô lớn thì công ty chứng khoán không mua thì sao? Có bắt buộc công ty chứng khoán phải mua hay không? Sau này chia cổ tức bằng cổ phiếu, thưởng cổ phiếu... phát sinh cổ phiếu lô lẻ thì có đặt trách nhiệm tổ chức phát hành mua không? Hay lại để nhà đầu tư tự chịu?

Hơn nữa, nâng lô cổ phiếu lên 1.000, thanh khoản lại đổ dồn về các mã chứng khoán thị giá nhỏ, thế HOSE có chắc là giải quyết được số lượng lệnh giảm đi không?

GIẢI PHÁP ÍT XẤU NHẤT

Thị trường chứng khoán Việt Nam chưa bao giờ đối mặt với bài toán thách thức như hiện tại khi sàn HOSE thường xuyên nghẽn lệnh. Nhiều giải pháp dự kiến đã được nhà quản lý đưa ra, nhưng chưa thuyết phục được công chúng.

Về giải pháp nâng lô lên 1.000 cổ phiếu chỉ là giải pháp bớt xấu hơn và có tính khả thi nhất lúc này. Phải nhìn nhận công bằng rằng, hệ thống giao dịch trên thị trường chứng khoán không đáp ứng được nhu cầu của nhà đầu tư hiện nay là câu chuyện của nhiều thế hệ và có thể còn mất nhiều thời gian nữa nền tảng công nghệ khớp nối toàn thị trường mới có thể đi vào vận hành. Nếu nhìn thẳng vào thực tế này sẽ thấy, thị trường cần giải pháp cho mục tiêu chống tắc trước trong thời gian chờ đợi các giải pháp vì sự phát triển dài hạn.

Nâng bước giá, chuyển một phần giao dịch từ HOSE sang HNX, kể cả nâng lô lên 1.000 cổ phiếu, đều không phù hợp với mục tiêu phát triển thị trường về dài hạn, nhưng "bối cảnh cấp bách cần có giải pháp cấp bách". Thị trường cần giữ được tính thị trường và những giải pháp không hoàn hảo thì cần có các giải pháp kèm theo để giảm thiểu sự tác động tiêu cực của giải pháp phải làm.

Thị trường đang đặt ra yêu cầu ngành chứng khoán phải có giải pháp xử lý tình trạng trên, trong đó, cốt lõi nhất cần giữ là chỉ số chứng khoán phải phản ánh đúng cung – cầu thị trường. Trong khi chờ hệ thống công nghệ thông tin mới vào vận hành, đánh giá về các giải pháp ngắn hạn mà nhà quản lý đưa ra, việc nâng lô từ 100 cổ phiếu lên 1.000 cổ phiếu là bớt xấu nhất và có tính khả thi cao nhất lúc này. Thống kê từ sàn HOSE cho biết, kể từ năm 2018 đến nay, số lệnh dưới 1.000 cổ phiếu vào sàn HOSE dao động từ 40-50% tổng số lệnh. Như vậy, nếu áp dụng giải pháp nâng lô này, sàn HOSE sẽ giảm mạnh áp lực lệnh vào hệ thống.

Giải pháp kèm theo trong câu chuyện nâng lô lên 1.000 cổ phiếu là cần khuyến khích và tạo thuận lợi nhất cho các công ty chứng khoán mua cổ phiếu lô lẻ để bảo vệ lợi ích cho nhà đầu tư. Đây là giải pháp tình huống vì hệ thống lớn không xử lý được phần việc mà đúng ra, đương nhiên phải làm được. Khi chia bớt áp lực về vai công ty chứng khoán, mỗi công ty chứng khoán sẽ phải xử lý bài toán của mình, nhưng ngành chứng khoán cần khuyến khích bằng những chính sách cụ thể về thuế, phí chẳng hạn, để tạo nên sự động viên và góp sức xây dựng, giữ gìn và phát triển của thị trường chứng khoán Việt Nam vì những mục tiêu quốc gia.

Bối cảnh thị trường buộc chúng ta phải có giải pháp khẩn cấp, không thể đi theo trình tự như khi mọi sự bình thường. Tôi mong rằng, nhà quản lý sớm có lời giải ngắn hạn, trung hạn và dài hạn về câu chuyện hệ thống để tránh đi tình trạng xấu hơn nữa là thị trường chứng khoán phải tạm dừng hoạt động một thời gian để chờ hệ thống mới vận hành".

Theo dõi 24HMoney trên GoogleNews

Từ khóa liên quan

Bấm vào mỗi từ khóa để xem bài cùng chủ đề

Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?

Liên hệ 24HMONEY ngay

Cảnh báo Nhà đầu tư lưu ý
Cảnh báo
Cơ quan chủ quản: Công ty TNHH 24HMoney. Địa chỉ: Tầng 5 - Toà nhà Geleximco - 36 Hoàng Cầu, P.Ô Chợ Dừa, Quận Đống Đa, Hà Nội. Giấy phép mạng xã hội số 203/GP-BTTTT do BỘ THÔNG TIN VÀ TRUYỀN THÔNG cấp ngày 09/06/2023 (thay thế cho Giấy phép mạng xã hội số 103/GP-BTTTT cấp ngày 25/3/2019). Chịu trách nhiệm nội dung: Phạm Đình Bằng. Email: support@24hmoney.vn. Hotline: 038.509.6665. Liên hệ: 0908.822.699

Điều khoản và chính sách sử dụng



copy link
Quét mã QR để tải app 24HMoney - Giúp bạn đầu tư an toàn, hiệu quả