24HMoney
Install 24HMoneyTải App
copy link
menu
Phạm Học
24HMoney đã kiểm duyệt 24HMONEY đã kiểm duyệt

Giảm một nửa thuế nhập khẩu không giúp giảm giá xăng dầu trong nước

Theo ông Trịnh Quang Khanh, việc giảm 10% thuế nhập khẩu ưu đãi mặt hàng xăng chỉ có ý nghĩa đa dạng nguồn cung, còn để giảm giá thì không.

Chính phủ mới ban hành Nghị định 51 sửa đổi mức suất thuế nhập khẩu ưu đãi đối với mặt hàng xăng thuộc nhóm tại biểu thuế nhập khẩu ưu đãi (MFN). Theo đó, điều chỉnh giảm mức thuế suất thuế nhập khẩu đối với mặt hàng xăng động cơ, không pha chì từ 20% xuống 10%.

Theo Bộ Tài chính, so với nhiều nước, tỉ trọng thuế trong giá cơ sở xăng dầu của nước ta hiện nay vẫn thấp hơn mức bình quân chung trong khoảng 40 - 55% đối với xăng và 33-50% đối với dầu (ngoại trừ một số quốc gia có trữ lượng dầu mỏ lớn thì có tỉ trọng thấp hơn).

“Trong khi đó, ở nước ta, với mức thuế bảo vệ môi trường đang được giảm về mức sàn theo nghị quyết đã được Ủy ban Thường vụ Quốc hội thông qua thì tỉ trọng thuế trong giá cơ sở xăng dầu vào khoảng 19,39% đối với xăng E5 RON 92; 21,95% đối với xăng RON 95 và khoảng 11,05% đối với dầu diesel”, cơ quan này cho biết.

Giảm một nửa thuế nhập khẩu không giúp giảm giá xăng dầu trong nước

Với chính sách này, khi trao đổi với Người Đưa Tin, ông Trịnh Quang Khanh – Phó Chủ tịch thường trực Hiệp hội Xăng dầu Việt Nam (VINPA) nói rằng – việc giảm thuế suất thuế nhập khẩu đối với mặt hàng xăng động cơ, không pha chì từ 20% xuống 10% “sẽ không có tác động đến việc giảm giá xăng dầu trong nước”.

Theo phân tích của ông Khanh, hiện Việt Nam đang nhập khẩu xăng dầu chủ yếu từ thị trường Đông Nam Á như Singapore, Malaysia, Thái Lan hay các nước khu vực như Hàn Quốc, Trung Quốc. Đây chính là những thị trường Việt Nam có thể tận dụng ưu đãi thuế nhập khẩu từ các hiệp định thương mại tự do (FTA) và Hiệp định Thương mại hàng hóa ASEAN (ATIGA) đã ký, với ngưỡng thuế suất nhập khẩu xăng là 8%.

“Do đó, việc giảm thuế nhập khẩu của các nước với mức 20% xuống 10% trong khi doanh nghiệp trong nước vẫn đang nhập khẩu từ các thị trường có mức thuế 8% thì sẽ không có ý nghĩa cho việc giảm giá xăng trong nước. Và cũng sẽ chẳng có một thương nhân đầu mối nào đang mua với ưu đãi 8% lại chuyển sang mua với mức 10% cả”, ông Khanh bày tỏ.

Giảm một nửa thuế nhập khẩu không giúp giảm giá xăng dầu trong nước
​Ông Trịnh Quang Khanh – Phó Chủ tịch thường trực Hiệp hội Xăng dầu Việt Nam (VINPA).​

Thực tế, năm 2021, tổng kim ngạch nhập khẩu có thuế mặt hàng xăng dầu của nước ta là 475,26 triệu USD. Trong đó nhập khẩu từ các nước có ký kết Hiệp định FTA với nước ta là 474,1 triệu USD (chiếm 99,7%) và trong 5 tháng đầu năm 2022, tổng kim ngạch nhập khẩu có thuế mặt hàng xăng là 826,53 triệu USD, cơ bản cũng được nhập khẩu từ các nước có ký kết hiệp định FTA với nước ta. Điều này để thấy, tỉ trọng xăng nhập khẩu theo thuế suất thuế nhập khẩu MFN hiện nay là thấp.

Tuy nhiên, đánh giá ở một khía cạnh khác, ông Khanh nói rằng, việc giảm thuế không khuyến khích cho doanh nghiệp mở rộng nhập khẩu từ thị trường MFN để hưởng ưu đãi giảm thuế, nhưng sẽ là cơ hội mở ra thêm cho doanh nghiệp đầu mối tiếp cận các thị trường mới, đa dạng hoá được nguồn cung xăng dầu trong nước.

Khi Chính phủ ban hành Nghị định 51, cũng có ý kiến cho rằng, cách làm tốt hơn là giảm thuế từ mức 20% về mức 8% nhưng có thời hạn, ví dụ là đến hết năm 2022. Điều này sẽ giúp doanh nghiệp nhập khẩu có cơ hội mua xăng từ đa dạng nguồn hàng hơn. Từ đó vừa giúp bảo đảm an ninh năng lượng trong bối cảnh thế giới khó lường, vừa giúp tăng sức mạnh của doanh nghiệp Việt Nam trên bàn đàm phán và có thể giúp giảm giá.

Trước ý kiến này, ông Khanh cũng cho biết, thời điểm Bộ Tài chính lấy ý kiến về Nghị định 51, Hiệp hội Xăng dầu Việt Nam cũng đã có đóng góp phương án về giảm thuế nhập khẩu, trong đó Hiệp hội cũng cho rằng nên giảm thuế từ mức 20% về 8% thì mới có ý nghĩa.

Việc giảm thuế bảo vệ môi trường với xăng dầu chỉ kéo dài đến hết năm 2022. Trong khi đó, giá xăng dầu luôn biến động bất thường và ảnh hưởng lớn tới đời sống người dân, sản xuất của doanh nghiệp, do đó, ông Khanh nhấn mạnh việc tiếp tục nghiên cứu, tính toán để giảm thêm các sắc thuế khác với xăng dầu trong nước như thuế tiêu thụ đặc biệt, thuế VAT là rất cần thiết.

Giảm một nửa thuế nhập khẩu không giúp giảm giá xăng dầu trong nước

Hiện, giá dầu thế giới giảm mạnh, dưới ngưỡng 90 USD/thùng, mức thấp nhất trong 6 tháng qua. Đây là yếu tố giúp giá xăng dầu thành phẩm trên thế giới giảm, kéo theo giảm giá xăng dầu trong nước.

Theo dữ liệu từ Bộ Công Thương, giá xăng thành phẩm nhập từ Singapore chỉ giao động quanh ngưỡng 100 USD/thùng nhiều ngày qua. Đây là mức giá thấp nhất trong 7 tháng.

Tại kỳ điều hành gần nhất (ngày 1/8), giá xăng E5 RON 92 trong nước giảm 450 đồng/lít còn 24.620 đồng/lít, xăng RON 95 giảm 470 đồng/lít còn 25.600 đồng/lít. Từ đầu năm đến nay, giá xăng dầu trong nước đã trải qua 20 lần điều chỉnh, cụ thể có 13 lần tăng và 7 lần giảm. Sau kỳ điều hành vừa qua, các mặt hàng xăng đã xuống mức 24.500 - 25.600 đồng/lít, tương đương mức giá vào thời điểm tháng 2.

Theo dõi 24HMoney trên GoogleNews

Từ khóa liên quan

Bấm vào mỗi từ khóa để xem bài cùng chủ đề

Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?

Liên hệ 24HMONEY ngay

Cảnh báo Nhà đầu tư lưu ý
Cảnh báo
Cơ quan chủ quản: Công ty TNHH 24HMoney. Địa chỉ: Tầng 5 - Toà nhà Geleximco - 36 Hoàng Cầu, P.Ô Chợ Dừa, Quận Đống Đa, Hà Nội. Giấy phép mạng xã hội số 203/GP-BTTTT do BỘ THÔNG TIN VÀ TRUYỀN THÔNG cấp ngày 09/06/2023 (thay thế cho Giấy phép mạng xã hội số 103/GP-BTTTT cấp ngày 25/3/2019). Chịu trách nhiệm nội dung: Phạm Đình Bằng. Email: support@24hmoney.vn. Hotline: 038.509.6665. Liên hệ: 0908.822.699

Điều khoản và chính sách sử dụng



copy link
Quét mã QR để tải app 24HMoney - Giúp bạn đầu tư an toàn, hiệu quả