Giảm lãi suất, tăng khả năng hấp thụ vốn
Bên cạnh giảm lãi suất cho vay, cần chính sách hỗ trợ thị trường, doanh nghiệp để tăng khả năng hấp thụ vốn
Ngày 19-6, Phó Thủ tướng Lê Minh Khái chủ trì hội nghị bàn giải pháp tăng cường khả năng tiếp cận tín dụng của doanh nghiệp (DN) và hấp thụ vốn của nền kinh tế với sự tham dự của lãnh đạo Ngân hàng Nhà nước (NHNN), các bộ, ngành, ngân hàng thương mại...
Khả năng tiếp cận tín dụng thấp
Phó Thủ tướng Lê Minh Khái cho biết những tháng qua, NHNN đã 4 lần giảm lãi suất điều hành song hoạt động sản xuất - kinh doanh của DN còn nhiều khó khăn. Các cân đối lớn của nền kinh tế dù được bảo đảm nhưng một số vấn đề còn thiếu bền vững, trong đó có vấn đề cân đối vốn cho nền kinh tế.
Phó Thủ tướng nêu rõ tăng trưởng tín dụng tính đến ngày 8-6 chỉ đạt 3,15%, thấp hơn nhiều so với mức 8% của cùng kỳ năm ngoái. Từ đó, Phó Thủ tướng đề nghị làm rõ 4 nội dung. Thứ nhất, cơ chế, chính sách có vướng mắc gì, có những vấn đề gì không đi được vào thực tế? Thứ hai, DN - đối tượng tiếp cận vốn - có đáp ứng điều kiện vay vốn hay không? Thứ ba, xem xét lãi suất điều hành ở mức nào là hợp lý để tránh ảnh hưởng đến thị trường ngoại hối, các kênh dẫn vốn khác và quyền lợi của người vay. Thứ tư, tháo gỡ thị trường bất động sản, xuất khẩu... để hỗ trợ DN hấp thụ vốn.
Báo cáo tại hội nghị, Phó Thống đốc Thường trực NHNN Đào Minh Tú cho biết chưa bao giờ NHNN điều hành chính sách tiền tệ trong bối cảnh "rất đặc biệt" như thời gian từ giữa năm 2022 đến nay. Chính phủ, lãnh đạo Chính phủ, NHNN đã đồng hành với DN, kết hợp hài hòa cả lý luận và thực tiễn để điều hành kinh tế vĩ mô, trong đó có chính sách tiền tệ. Sau 4 lần giảm lãi suất điều hành với tổng cộng 0,5-2 điểm %, lãi suất cho vay bình quân của các giao dịch phát sinh mới ở các ngân hàng thương mại đã về mức 8,9%/năm. Dự báo mặt bằng lãi suất tiếp tục giảm trong thời gian tới.
NHNN cho rằng mặc dù các tổ chức tín dụng có điều kiện tăng trưởng tín dụng trong những tháng đầu năm nhưng mức tăng trong toàn hệ thống vẫn thấp là do cầu tín dụng giảm mạnh, sức hấp thụ vốn của DN và nền kinh tế yếu. Ngoài ra, một số nhóm khách hàng có nhu cầu nhưng chưa đáp ứng điều kiện vay vốn hoặc còn vướng mắc về pháp lý.
Tiếp tục giảm lãi suất
Phát biểu kết luận, Phó Thủ tướng Lê Minh Khái yêu cầu NHNN, các bộ, ngành, địa phương tập trung theo dõi sát, phân tích, dự báo tình hình kinh tế, diễn biến thị trường tài chính, tiền tệ thế giới, khu vực, trong nước để có phản ứng chính sách kịp thời, phù hợp.
NHNN chủ trì, phối hợp các bộ, ngành, địa phương khẩn trương thực hiện các biện pháp tăng khả năng hấp thụ vốn của nền kinh tế; điều hành chính sách tiền tệ chắc chắn, linh hoạt, chủ động, kịp thời, hiệu quả, bảo đảm an toàn hệ thống; điều hành tín dụng phù hợp với diễn biến vĩ mô, mục tiêu kiểm soát lạm phát và đáp ứng nhu cầu của nền kinh tế.
Đặc biệt, NHNN tập trung thực hiện các biện pháp hiệu quả để giảm mặt bằng lãi suất cho vay nhằm hỗ trợ DN phục hồi sản xuất - kinh doanh; thông báo hạn mức tăng trưởng tín dụng cả năm cho từng tổ chức tín dụng để chủ động kế hoạch cung ứng vốn cho nền kinh tế. Đồng thời, yêu cầu các ngân hàng thương mại nhà nước tích cực, chủ động hơn nữa, đóng vai trò chủ lực trong cung ứng vốn tín dụng cho nền kinh tế; chỉ đạo các tổ chức tín dụng tiếp tục tiết giảm chi phí, tăng cường chuyển đổi số để giảm mặt bằng lãi suất cho vay...
Phó Thủ tướng cũng giao nhiệm vụ cụ thể cho Bộ Tài chính, các bộ, ngành, địa phương khẩn trương nghiên cứu các biện pháp tăng khả năng hấp thụ vốn của nền kinh tế thông qua chính sách tài khóa hỗ trợ người dân, DN; tính toán cẩn trọng mức độ, thời hạn, hình thức, phương thức huy động vốn để kích thích tăng trưởng kinh tế, bảo đảm hiệu quả sử dụng vốn vay, khả năng trả nợ vay và ổn định, an toàn, bền vững nền tài chính quốc gia.
Phó Thủ tướng đề nghị NHNN và các bộ, ngành, địa phương hết sức khẩn trương, chủ động, quyết liệt, triển khai các nhiệm vụ hiệu quả, kịp thời, đồng bộ, thống nhất; các ngân hàng thương mại phát huy trách nhiệm, tinh thần "lợi ích hài hòa, rủi ro chia sẻ"...
Khó giảm nhanh lãi vay
Theo ghi nhận của phóng viên Báo Người Lao Động, các ngân hàng thương mại đã đồng loạt giảm lãi suất ở nhiều kỳ hạn, trong đó lãi suất kỳ hạn ngắn dưới 6 tháng của một số ngân hàng đã lùi xa so với mức trần 4,75%/năm. Chẳng hạn, tại Ngân hàng TMCP Á Châu (ACB), lãi suất gửi tiết kiệm kỳ hạn 1 tháng chỉ còn 3,9%/năm, 2 tháng còn 4%/năm và 4-5 tháng là 4,3%/năm. Ngân hàng TMCP Kỹ thương Việt Nam (Techcombank) huy động tiền gửi kỳ hạn 1 tháng với lãi suất 3,05%/năm, kỳ hạn 3 tháng là 3,55%/năm... Lãi suất tiền gửi kỳ hạn dài cũng đã giảm trong thời gian gần đây.
Dù vậy, ngày 19-6, phản ánh đến Báo Người Lao Động, một số khách hàng đang vay mua nhà tại các ngân hàng thương mại cho biết vẫn phải chịu lãi suất 13%-14%, thậm chí tới 14,55%/năm. "Lãi suất ưu đãi thời điểm đầu chỉ hơn 8%/năm nhưng gần nửa năm nay, tôi đã phải gồng gánh trả lãi suất cao gần gấp đôi năm ngoái. Dù NHNN 4 lần giảm lãi suất điều hành và ngân hàng nơi vay vốn công bố giảm lãi suất nhưng đến giờ vẫn chưa giảm" - chị Bích Vân (ngụ TP Thủ Đức, TP HCM) bức xúc.
Tại một hội thảo được tổ chức mới đây, ông Nguyễn Xuân Thành, giảng viên Trường ĐH Fulbright, cho biết đang có sự chênh lệch quá lớn về quy mô, chất lượng quản trị, sức khỏe tài chính... giữa ngân hàng tốt và ngân hàng yếu kém trong hệ thống. Thực tế này đòi hỏi một số ngân hàng yếu kém phải huy động vốn đầu vào với lãi suất cao nhằm thu hút nguồn tiền gửi. Bên cạnh đó, có tình trạng ngân hàng tốt cần tăng trưởng nhanh nhưng hết hạn mức tín dụng để cho vay và ngược lại...
Một số ngân hàng thương mại giải thích lãi suất điều hành bắt đầu giảm từ khoảng 3 tháng trở lại đây trong khi cuối năm ngoái và đầu năm nay, các ngân hàng huy động vốn đầu vào với lãi suất rất cao, khoảng 9%-10%/năm thậm chí 11%/năm. Do đó, cần thời gian để thị trường hấp thụ hết lượng vốn lãi suất cao này, không thể giảm nhanh lãi suất cho vay như kỳ vọng.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận