Giảm gánh nặng hàng chục nghìn tỷ đồng đầu tư nhờ tiết kiệm điện
Theo ước tính của các chuyên gia và ngành điện, việc các Công ty Điện lực đã làm việc và vận động được các sở, ban, ngành địa phương, các khách hàng sử dụng điện để triển khai một loạt các giải pháp tiết kiệm điện đã giúp ngành điện trong đợt cao điểm mùa khô 2023 tiết kiệm hàng nghìn tỷ đồng tiền chạy dầu để phát điện.
Tiết kiệm hàng chục nghìn tỷ đồng đầu tư nguồn
Nói về tình hình cung ứng điện đang rất căng thẳng và việc phải triệt để tiết kiệm điện trong các tháng 6, 7 và 8/2023 vừa qua, Tổng giám đốc EVN Trần Đình Nhân cho hay, cùng với nắng nóng kéo dài ở nhiều địa phương trên toàn quốc, hiện có tới 17/47 hồ thủy điện lớn trên cả nước có mực nước đã về mực nước chết hoặc gần mực nước chết, tần suất nước về nhiều hồ thấp nhất trong 100 năm qua. Việc hàng loạt hồ chứa thiếu nước kéo theo các nhà máy thuỷ điện tiếp tục bị suy giảm công suất do mực nước thấp, các dự án năng lượng tái tạo chỉ phát được sản lượng rất thấp cộng với việc các sự cố liên tiếp của nhiều nhà máy nhiệt điện than trên toàn quốc và tình trạng suy giảm công suất do nắng nóng đã đặt hệ thống điện quốc gia vào tình trạng vận hành ở mức đáng báo động. Việc thiếu nguồn điện phát đã khiến miền Bắc phải cắt điện ở nhiều địa phương.
“Để đảm bảo cung ứng điện, tập đoàn đã phải huy động các nguồn nhiệt điện chạy dầu DO và FO với giá thành rất đắt đỏ. Hiện hệ thống điện đã không còn công suất dự phòng”, ông Nhân cho hay.
Tổng giám đốc EVN cũng cho biết, trước việc thời tiết nắng nóng gay gắt trên toàn quốc, phụ tải toàn hệ thống điện quốc gia liên tục lập kỷ lục mới, đã khiến EVN phải khẩn cấp làm việc với các UBND tỉnh trên toàn quốc để ban hành các văn bản chỉ đạo đảm bảo cung ứng điện, tiết kiệm điện trên địa bàn.
Theo ước tính, chỉ riêng việc thực hiện tiết kiệm điện tại trụ sở, cơ quan làm việc của các đơn (tiết kiệm 10%, đặc biệt trong các tháng 5 đến tháng 7 sẽ tiết kiệm 15%). Tại các cơ quan hành chính sự nghiệp (tiết kiệm 10%); chiếu sáng công cộng (tiết kiệm 50%); chiếu sáng quảng cáo trang trí ngoài trời (tiết kiệm 50%); các cơ sở sử dụng năng lượng trọng điểm (tiết kiệm 2%).
“Kết quả trung bình mỗi ngày các biện pháp trên đã góp phần giảm nhu cầu sử dụng điện khoảng hơn 5,9 triệu kWh/ngày. Trong đó chiếu sáng công cộng tiết kiệm được khoảng 900 nghìn kWh/ngày và mức tiết kiệm có xu hướng tăng thêm trong thời gian tới”, Tổng giám đốc EVN Trần Đình Nhân cho hay.
Theo lãnh đạo EVN, bên cạnh các giải pháp về tiết kiệm điện, các Tổng công ty Điện lực và các đơn vị thành viên cũng đã phối hợp với các doanh nghiệp thực hiện chương trình điều chỉnh phụ tải (DR) với gần 11.000 khách hàng tham gia, giúp công suất cao điểm tiết giảm được hơn 400MW.
Có thể tiết kiệm hàng chục nghìn tỷ đồng đầu tư mỗi năm nhờ tiết kiệm điện. Ảnh: Như Ý
Theo các số liệu thống kê từ Tập đoàn Điện lực Việt Nam, ngành công nghiệp nắm giữ hơn 50% tổng tiêu thụ năng lượng của cả nước. Hiện nay, Việt Nam có 3.068 cơ sở công nghiệp sử dụng năng lượng trọng điểm, với mức tiêu thụ điện bình quân đạt 80 tỉ kWh/năm.
Theo tính toán, tổng tiết kiệm điện hàng năm của cả nước có thể lên đến khoảng 1,6 tỉ kWh nếu mỗi cơ sở này tiết kiệm ít nhất 2% điện năng tiêu thụ trong một năm, tương đương hơn 3.200 tỉ đồng tiền điện sẽ được tiết kiệm. Tương tự, với 27 triệu hộ gia đình, toàn quốc có thể tiết kiệm được 630 triệu kWh, tương đương 1.174 tỉ đồng, nếu mỗi hộ tiết kiệm 1% điện năng sử dụng hàng năm.
Với ngành xây dựng, nghiên cứu cho thấy, tại Việt Nam, lãng phí năng lượng trong các công trình xây dựng cũng đang gây ra nhiều tác động tiêu cực. Theo Bộ Xây dựng, tiềm năng tiết kiệm năng lượng ước tính có thể đạt từ 30% đến 35%, đặc biệt khi tỉ lệ gia tăng diện tích sàn mới được sử dụng hàng năm là trên 40%.
Có thể tiết kiệm hàng chục nghìn tỷ đồng đầu tư mỗi năm
Nghiên cứu mới đây của Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam (WB), cho thấy, tình trạng sử dụng năng lượng ở Việt Nam còn rất lãng phí, cường độ sử dụng năng lượng trên GDP của nước ta rất cao so với bình quân trên thế giới, cao hơn cả Trung Quốc. Vì vậy, cần chấm dứt sử dụng năng lượng lãng phí và cần cải thiện hơn chất lượng sử dụng năng lượng, hướng đến sử dụng năng lượng hiệu quả và thông minh hơn.
Nghiên cứu của WB cũng cho thấy, nếu Việt Nam thực hiện toàn diện các giải pháp pháp tiết kiệm năng lượng có thể tránh không phải xây dựng khoảng 12GW các nguồn phát mới, tương đương với số tiền đầu tư hàng chục nghìn tỷ đồng mỗi năm. Cùng với đó, việc áp dụng các giải pháp tiết kiệm năng lượng là các giải pháp có chi phí thấp nhất, chỉ bằng 1/4 chi phí xây dựng các nguồn phát mới.
Theo nghiên cứu sơ bộ của WB, chỉ cần áp dụng các biện pháp hợp lý hoá quy trình sản xuất; thay thế, cải tạo, nâng cấp các thiết bị cũ, sử dụng hệ thống chiếu sáng hiệu suất cao… là đã có thể tiết kiệm từ 15-30% nguồn năng lượng hiện hữu tại các phân xưởng, nhà máy sản xuất. Nếu đầu tư công nghệ đồng bộ, tiêu tốn ít điện năng thì khả năng tiết kiệm năng lượng còn cao hơn nhiều.
Tuy nhiên, để thúc đẩy tiết kiệm năng lượng trong các ngành công nghiệp Việt Nam, cần có những khuyến khích ưu đãi về tài chính, những chính sách để doanh nghiệp có thể tiếp cận được các nguồn vốn giá rẻ hơn.
Số liệu của EVN cho thấy, hiện cả nước có gần 3.000 cơ sở sử dụng năng lượng trọng điểm, hầu hết là các cơ sở sản xuất công nghiệp. Mức tiêu thụ điện bình quân của các cơ sở này lên tới 72 tỷ kWh/năm, chiếm tới 33% tổng lượng tiêu thụ điện trên toàn quốc. Chỉ cần các doanh nghiệp sản xuất công nghiệp trọng điểm trên cả nước tiết kiệm tối thiểu 2% điện năng tiêu thụ thì bình quân mỗi năm cả nước tiết kiệm được khoảng 1,4 tỷ kWh, tương ứng số tiền tiết kiệm lên tới hơn 2.600 tỷ đồng.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận