Giám đốc Sở Công Thương: 'TP HCM chưa chủ động được nguồn điện'
Nhu cầu năng lượng chiếm khoảng 10% cả nước nhưng TP HCM đang không chủ động được nguồn cung điện, theo Giám đốc Sở Công thương Bùi Tá Hoàng Vũ.
Tại phiên thảo luận kỳ họp thứ 8, HĐND TP HCM khoá X, sáng 8/12, vấn đề làm thế nào để tự chủ năng lượng được các đại biểu quan tâm.
Về vấn đề này, Giám đốc Sở Công Thương Bùi Tá Hoàng Vũ cho biết, mỗi năm TP HCM tiêu thụ 25 tỷ MW điện nhưng nguồn lấy từ Công ty Nhiệt điện Phú Mỹ (Bà Rịa - Vũng Tàu) và khu vực xung quanh "nên không chủ động được nguồn cung".
Theo ông Vũ, để giải quyết, tháng 8, UBND TP HCM được phê duyệt đưa vào quy hoạch Nhà máy điện khí LNG Hiệp Phước (huyện Nhà Bè) với công suất giai đoạn 1 là 1.200 MW; đồng thời kiến nghị Chính phủ bổ sung giai đoạn 2 của Nhà máy Điện khí LNG Hiệp Phước (công suất 1.500 MW) vào Quy hoạch điện VIII. Dự kiến hoàn thành trong giai đoạn 2026-2030.
Nhu cầu công suất cực đại của ngành điện thành phố hiện là 4.300 MW. Nếu Hiệp Phước vận hành cả hai giai đoạn, ông Vũ nói, TP HCM có thể tự chủ hơn 60% nguồn điện.
Tương tự, công trình lưới điện 500 kV-220 kV cũng được thành phố kiến nghị đưa vào quy hoạch điện VIII để giải tỏa toàn bộ công suất 2.700 MW của Nhà máy Điện khí LNG Hiệp Phước.
Một nguồn khác là điện mặt trời. TP HCM đang làm điện áp mái tại 14.100 hộ gia đình, cơ quan, xí nghiệp với tổng công suất 386 MW. Tuy nhiên, Quyết định 13/2020 của Thủ tướng về cơ chế hỗ trợ phát triển các dự án điện mặt trời tại Việt Nam đã hết hiệu lực từ năm 2021. Bộ Công Thương đang tính toán lại giá mua điện mặt trời nên thành phố cũng đang gặp khó khăn trong duy trì nguồn này.
Theo tính toán của World Bank, công suất cực đại của điện mặt trời có thể đạt khoảng 6.300 MW. Do đó, Sở đã đề xuất Thủ tướng cho phép có cơ chế đặc thù để phát triển điện áp mái. Trong cơ cấu tiêu thụ điện của TP HCM, 45% cho tiêu dùng, 35% cho sản xuất. Nếu các hộ gia đình có điều kiện làm điện áp mái thì sẽ là nguồn tự chủ cho thành phố.
TP HCM kiến nghị Chính phủ chỉ đạo các bộ, ngành sớm ban hành cơ chế nhằm khuyến khích khai thác điện mặt trời mái nhà từ các tòa nhà công sở, sau đó sẽ áp dụng sang khu vực tư nhân. Khi có cơ chế, địa phương này sẽ tập trung phát triển điện mặt trời mái nhà tại các cơ sở hành chính sự nghiệp, các khu công nghệp, khu chế xuất, và vận động người dân lắp đặt hệ thống điện mặt trời mái nhà với mục đích tự sản xuất, tự tiêu thụ.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận