24HMoney
Install 24HMoneyTải App
copy link
menu
Lê Long
24HMoney đã kiểm duyệt 24HMONEY đã kiểm duyệt

Giải quyết điểm tắc nghẽn về hạ tầng giao thông các vùng kinh tế trọng điểm

Tiếp tục Chương trình Kỳ họp thứ 3, đầu giờ sáng 10/6, Quốc hội thảo luận về Chủ trương đầu tư Dự án đường Vành đai 4 vùng Thủ đô Hà Nội và Dự án đường Vành đai 3 TP Hồ Chí Minh.

Giải quyết điểm tắc nghẽn về hạ tầng giao thông các vùng kinh tế trọng điểm
Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải Nguyễn Văn Thể phát biểu giải trình, làm rõ một số vấn đề đại biểu Quốc hội nêu. Ảnh: Doãn Tấn/TTXVN

Dự án đường Vành đai 4 vùng Thủ đô Hà Nội có tổng chiều dài khoảng 112,8km, qua địa phận thành phố Hà Nội; Hưng Yên; Bắc Ninh. Sơ bộ tổng mức đầu tư giai đoạn phân kỳ đầu tư (giai đoạn 1) khoảng 85.813 tỷ đồng, sử dụng nguồn vốn ngân sách nhà nước và vốn BOT của nhà đầu tư để thực hiện đầu tư Dự án. Dự án đường Vành đai 3 Thành phố Hồ Chí Minh có tổng chiều dài tuyến là 76,34km, đi qua TP Hồ Chí Minh; Đồng Nai; Bình Dương; Long An 6,81km. Sơ bộ tổng mức đầu tư giai đoạn phân kỳ đầu tư (giai đoạn 1) khoảng 75.378 tỷ đồng, sử dụng nguồn vốn ngân sách nhà nước để thực hiện đầu tư. Dự kiến thời gian thực hiện 2 dự án này từ năm 2022-2027.

Với tính chất là các dự án quan trọng quốc gia, để bảo đảm tiến độ đầu tư, tạo thuận lợi trong quá trình triển khai, Chính phủ đề xuất áp dụng các nhóm cơ chế, chính sách đặc biệt triển khai đầu tư dự án.

Thảo luận tại hội trường, đại biểu Nguyễn Phi Thường (Hà Nội) nhất trí cao với Tờ trình của Chính phủ về chủ trương đầu tư dự án đường Vành đai 3 TP Hồ Chí Minh, đường Vành đai 4 vùng Thủ đô. Đại biểu cho rằng, quy hoạch và hình thái đô thị vùng Thủ đô, vùng TP Hồ Chí Minh đều chưa phát huy được hiệu quả với hạt nhân hai siêu đô thị đang có dấu hiệu phát triển chậm lại, hụt hơi với những điểm nghẽn.

Đại biểu nhấn mạnh, một trong những sứ mệnh quan trọng mang tầm chiến lược của dự án Vành đai 4 vùng Thủ đô là tái cấu trúc lại hình thái đô thị của Hà Nội và định hình sự phát triển của vùng Thủ đô với 10 tỉnh, thành phố. Đây không phải là bài toán riêng của vùng Thủ đô hay vùng Thành phố Hồ Chí Minh gặp phải. Đây là vấn đề của rất nhiều siêu đô thị trên thế giới, đều phải hình thành nên vùng Thủ đô, phát triển ra đô thị vệ tinh, đưa sản xuất, tạo việc làm, hút dân cư ra ngoài.

Đại biểu đặt vấn đề làm sao để hai dự án tránh đi vào lối mòn của các siêu đô thị trong việc cạnh tranh, thu hút tài nguyên và không gian tắc nghẽn, để trở thành những đô thị hiện đại có chức năng dẫn dắt, tạo hiệu ứng lan tỏa, phát triển cả nước.

Đại biểu Hoàng Văn Cường (Hà Nội) cho rằng cần có cơ chế đặc thù khai thác quỹ đất hai bên đường vành đai. Đường Vành đai 4 vùng Thủ đô và đường Vành đai 3 TP Hồ Chí Minh đều là đường cao tốc nhưng khác hoàn toàn với các tuyến đường cao tốc khác, đây là cao tốc của vành đai. Khi tuyến đường này hình thành, quanh đường sẽ hình thành các trung tâm đô thị, trung tâm thương mại, trung tâm phân phối. Đại biểu nhấn mạnh, đây chính là một nguồn lực rất lớn cho quá trình phát triển ở các vùng, Nếu không có biện pháp khai thác, nguồn lực này sẽ bị lãng phí. Đại biểu đề nghị Chính phủ nên đề xuất với Quốc hội có một cơ chế đặc thù để khai thác nguồn lực này.

Đồng tình cao với việc đầu tư ba dự án xây dựng công trình đường bộ cao tốc

Thời gian còn lại của phiên họp sáng và đầu giờ chiều, Quốc hội thảo luận về chủ trương đầu tư các dự án xây dựng công trình đường bộ cao tốc Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng (giai đoạn 1); Khánh Hòa - Buôn Ma Thuột (giai đoạn 1); Biên Hòa - Vũng Tàu (giai đoạn 1).

Theo Tờ trình của Chính phủ, Dự án đường cao tốc Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng dài 188,2 km qua bốn tỉnh/thành phố, kết nối thành phố Châu Đốc với cảng biển Trần Đề; đầu tư giai đoạn 1 với quy mô 4 làn xe. Dự án đường cao tốc Khánh Hòa - Buôn Ma Thuột dài 117,5 km qua hai tỉnh, kết nối thành phố Buôn Ma Thuột với cảng biển Nam Vân Phong; đầu tư giai đoạn 1 với quy mô 4 làn xe. Dự án đường cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu dài 53,7 km qua hai tỉnh, kết nối thành phố Biên Hòa với cảng biển Cái Mép - Thị Vải; đầu tư giai đoạn 1 với quy mô 4 - 6 làn xe. Sơ bộ tổng mức đầu tư các dự án trên khoảng 84.463 tỷ đồng.

Thảo luận tại hội trường, các đại biểu Quốc hội bày tỏ thống nhất cao với Tờ trình, Báo cáo của Chính phủ và Báo cáo thẩm tra của Ủy ban Kinh tế của Quốc hội và dự thảo Nghị quyết về chủ trương đầu tư đường bộ cao tốc giai đoạn 1 tuyến Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng; Khánh Hòa - Buôn Ma Thuột; Biên Hòa - Vũng Tàu. Việc đầu tư xây dựng 3 dự án nói trên phù hợp với chủ trương, đường lối của Đảng và các nghị quyết của Quốc hội đã ban hành, đảm bảo cơ sở chính trị và thực tiễn trước yêu cầu cấp thiết hiện nay.

Đại biểu Triệu Thị Ngọc Diễm (Sóc Trăng) đồng tình cao với việc đầu tư ba dự án xây dựng công trình đường bộ cao tốc nêu trên nhằm cụ thể hóa Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 10 năm 2021 - 2030 đã được Đại hội lần thứ XIII của Đảng thông qua. Việc đầu tư các tuyến cao tốc này sẽ thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của các vùng có tuyến cao tốc đi qua, giúp tăng cường việc bảo đảm quốc phòng, an ninh.

Cho rằng cần tách riêng việc bồi thường hỗ trợ tái định cư, giải phóng mặt bằng thành dự án độc lập, theo đề nghị của đại biểu Triệu Thị Ngọc Diễm, tổng thời gian thực hiện giải phóng mặt bằng còn khá dài, thủ tục còn phức tạp, Quốc hội sớm thống nhất chủ trương tách riêng việc bồi thường hỗ trợ tái định cư, giải phóng mặt bằng thành dự án độc lập trong quyết định đầu tư để giao cho các địa phương thực hiện như đã cam kết về mặt tiến độ cũng như bố trí vốn.

Đối với việc phân cấp, phân quyền cho các địa phương, đại biểu cho biết, hiện nhiều địa phương có đủ năng lực, kinh nghiệm quản lý, thi công các dự án thi công lớn. Đại biểu đề nghị Quốc hội cho phép chia dự án thành các dự án thành phần theo địa giới hành chính của các tỉnh, thành phố. Chính phủ cần xem xét giao cho một số địa phương làm chủ quản đầu tư dự án thành phần, thực hiện các đoạn tuyến đường cao tốc theo hình thức đầu tư công.

Đại biểu Văn Thị Bạch Tuyết (TP Hồ Chí Minh) kiến nghị Chính phủ và các địa phương quan tâm đến chính sách bồi thường, hỗ trợ, tái định cư cho các hộ dân bị ảnh hưởng bởi các dự án, đảm bảo đời sống của người dân có cuộc sống bằng hoặc tốt hơn sau khi thu hồi đất. Ngoài ra, Chính phủ có giải pháp để đảm bảo tiến độ của dự án và chất lượng các công trình sau khi hoàn thành.

Về việc bố trí nguồn vốn đầu tư cho dự án, đại biểu Nguyễn Thị Lan Anh (Lào Cai) đề nghị Chính phủ cần quan tâm và rà soát kỹ lại các dự án cao tốc trước, để có thể rút kinh nghiệm cho các dự án này, từ đó có cơ cấu vốn phù hợp theo thời gian thi công, tránh tình trạng thời gian kéo dài gây lãng phí nguồn lực. Bên cạnh đó, Chính phủ chỉ đạo các cơ quan chuyên môn ban hành các tiêu chí, nguyên tắc và hướng dẫn cụ thể cho các địa phương, đảm bảo hiệu quả sự phối hợp đầu tư từ ngân sách trung ương và ngân sách địa phương.

Về phương án giải phóng mặt bằng, tái định cư, đại biểu đồng ý với phương án tách công tác giải phóng mặt bằng, tái định cư thành dự án độc lập trong quyết định đầu tư. Ngoài ra, đại biểu đề nghị cân nhắc thành lập Ban Chỉ đạo chung cho 3 dự án để có cơ chế thống nhất mức giá đền bù giải phóng mặt bằng, đồng thời sớm bàn giao cột mốc giải phóng mặt bằng cho địa phương thực hiện.

Về thời gian thực hiện cơ chế, chính sách triển khai dự án, ba dự án đường cao tốc áp dụng các chính sách đặc thù được Quốc hội chấp thuận tại Nghị quyết 43/2022/QH15 về chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội. Như vậy, thời gian thực hiện chỉ áp dụng trong 2 năm. Đại biểu Nguyễn Minh Tâm (Quảng Bình) bày tỏ băn khoăn quy định như vậy, khó có tính khả thi để hoàn thành đảm bảo tiến độ. Do đó, đại biểu đề nghị Quốc hội cân nhắc và xem xét quy định này đảm bảo phù hợp hơn. Băn khoăn về hình thức đầu tư dự án Biên Hòa - Vũng Tàu, đại biểu cho biết, dự án này trước đây Chính phủ đã có chủ trương đầu tư theo hình thức đối tác công tư.

Tán thành ý kiến của các đại biểu trong việc chuyển đổi nhưng đại biểu Nguyễn Minh Tâm cho rằng, chỉ vì rút ngắn thời gian mà chuyển sang đầu tư công, cũng nên cân nhắc, nếu không sẽ tăng thêm gánh nặng cho ngân sách nhà nước.

Phần cuối của phiên thảo luận, Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải Nguyễn Văn Thể đã phát biểu giải trình, làm rõ một số vấn đề đại biểu Quốc hội nêu.

Về sự cần thiết, Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải khẳng định, ngoài việc tạo đột phá về giao thông, tạo điều kiện để phát triển kinh tế - xã hội, tuyến cao tốc Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng có ý nghĩa xã hội rất lớn là giữ người lao động ở khu vực Đồng bằng sông Cửu Long không phải lên TP Hồ Chí Minh, hoặc Bình Dương, bởi hiện nay các tỉnh đang đối mặt với vấn đề di cư.

Với cao tốc là Khánh Hòa - Buôn Mê Thuột, theo Bộ trưởng, đây là một vùng có nhiều tiềm năng. Người dân địa phương gặp nhiều khó khăn trong phát triển kinh tế. Vì vậy, hai dự án trên không chỉ tạo đột phá phát triển kinh tế, mà còn đảm bảo quốc phòng, an ninh. Riêng cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu, Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể nhấn mạnh: “Chúng ta không chần chừ được nữa, bởi không có tuyến đường này, sắp tới mở rộng cảng Cái Mép - Thị Vải cũng không vận chuyển hàng xuống được. Bởi chỉ có con đường độc đạo là quốc lộ 51, với 8 làn xe nhưng quá tải nghiêm trọng. Cảng Cát Lái TP Hồ Chí Minh cũng quá tải, nếu không triển khai dự án này sẽ không tạo sự đột phá về cảng biển”.

Về nguồn vốn, Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể cho biết, đối với cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu, 10 năm qua, Bộ Giao thông vận tải phối hợp với tỉnh Đồng Nai, Bình Dương tổ chức một số hội nghị xúc tiến đầu tư nhưng không thành công. Do vậy, đến thời điểm này, hình thức đầu tư công là hợp lý nhất, bởi nếu chậm trễ, TP Hồ Chí Minh và Đồng Nai không phát triển được.

Về quy mô đầu tư, ý kiến đại biểu đề nghị, đường Khánh Hòa - Buôn Mê Thuột nên làm cao tốc hai làn xe. Giải trình vấn đề này, Bộ trưởng đề nghị tiếp tục giữ phương án như Chính phủ trình, đoạn Bình Thuận làm 4 làn xe hạn chế, còn hầm và cầu làm theo 4 làn xe đầy đủ, đúng theo quy hoạch. Theo Bộ trưởng, nếu triển khai hai làn xe, sau khi dự án hoàn thành và kết nối với các khu công nghiệp, sẽ không đáp ứng yêu cầu. Bộ trưởng mong Quốc hội ủng hộ theo phương án trình, 4 làn xe hạn chế và những đoạn đặc thù làm 4 làn xe đầy đủ.

Giải trình về tiến độ giải ngân, Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải cho biết, Bộ đã tính toán theo cao tốc Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2. Sau khi Quốc hội thông qua, Chính phủ sẽ ban hành nghị quyết để tiến hành song song cả công tác giải phóng mặt bằng và lập dự án đầu tư. Bộ Giao thông Vận tải dự tính đến giữa năm 2023 hoặc quý IV năm 2023 có thể khởi công và cho nhà đầu tư tạm ứng một phần triển khai theo quy định của pháp luật.

Liên quan đến công tác giải phóng mặt bằng, tái định cư của dự án, Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể cho rằng, địa phương phải quyết tâm, không có mặt bằng, không khởi công được. Do đó, trách nhiệm của địa phương được giao cần xem như đây là một dự án trọng điểm của địa phương và phải triển khai quyết liệt để thực hiện.

Giải quyết điểm tắc nghẽn về hạ tầng giao thông các vùng kinh tế trọng điểm
Đại biểu Quốc hội TP Hà Nội Nguyễn Phi Thường phát biểu. Ảnh: Doãn Tấn/TTXVN

Đối với cơ chế đặc thù, Bộ trưởng nhận định là rất cần thiết và đang kiến nghị áp dụng cả Nghị quyết số 43/2022/QH15, một phần của Nghị quyết số 44/2022/QH15 và một số cơ chế đặc thù để khi phân cấp cho các địa phương sẽ thực hiện được hiệu quả.

Về phân cấp, Bộ trưởng cho hay đã trình bày trong Tờ trình của Chính phủ, mặc dù địa phương sẽ lúng túng trong triển khai, nhưng đối với 3 dự án này, Bộ Giao thông Vận tải sẽ làm đầu mối cùng các địa phương tiến hành kiểm tra tiến độ, tháo gỡ khó khăn. Dự kiến, Chính phủ sẽ tổ chức họp thường xuyên, kịp thời tháo gỡ khó khăn trong thực tế…

Tạo điều kiện, động lực để Khánh Hòa phát triển bứt phá

Thời gian còn lại của phiên làm việc chiều, Quốc hội thảo luận về dự thảo Nghị quyết về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển tỉnh Khánh Hòa.

Qua thảo luận, đa số ý kiến nhất trí ban hành Nghị quyết thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển tỉnh Khánh Hòa để thể chế hóa Nghị quyết của Đảng, tạo thêm nguồn lực và điều kiện phát triển tỉnh Khánh Hòa thành một cực tăng trưởng trung tâm của khu vực duyên hải Nam Trung Bộ, Tây Nguyên và cả nước về kinh tế biển công nghiệp công nghệ cao, khoa học và công nghệ đổi mới sáng tạo và có ý nghĩa quan trọng về quốc phòng, an ninh. Bên cạnh đó, các đại biểu đề nghị tổng kết, đánh giá các chính sách đang thí điểm trước khi ban hành Nghị quyết và tập trung vào ba nội dung tài chính, ngân sách đầu tư và đẩy mạnh phân cấp, phân quyền; việc áp dụng các nhóm chính sách cho Khánh Hòa; mở rộng nội dung hỗ trợ huyện Khánh Sơn, Khánh Vĩnh; kiểm soát chặt chẽ việc phân cấp điều chỉnh quy hoạch; việc chuyển đổi mục đích đất trồng lúa; thời gian thực hiện việc tách bồi thường, hỗ trợ, tái định cư, giải phóng mặt bằng ra khỏi dự án đầu tư công...

Phần cuối của phiên thảo luận, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng đã phát biểu giải trình, làm rõ một số vấn đề đại biểu Quốc hội nêu.

Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng khẳng định, việc thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển tỉnh Khánh Hòa nhằm cụ thể hóa chủ trương của Bộ Chính trị; phù hợp với yêu cầu thực tiễn của Khánh Hòa tạo điều kiện động lực để tỉnh phát triển bứt phá trong thời gian tới; khai thác phát huy hết tiềm năng, lợi thế để phát huy thế mạnh của mình trở thành cực tăng trưởng của Nam Trung Bộ, Tây Nguyên và cũng là đảm bảo mục tiêu phấn đấu để trở thành thành phố trực thuộc Trung ương vào năm 2030.

Theo dõi 24HMoney trên GoogleNews

Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?

Liên hệ 24HMONEY ngay

Cảnh báo Nhà đầu tư lưu ý
Cảnh báo
Cơ quan chủ quản: Công ty TNHH 24HMoney. Địa chỉ: Tầng 5 - Toà nhà Geleximco - 36 Hoàng Cầu, P.Ô Chợ Dừa, Quận Đống Đa, Hà Nội. Giấy phép mạng xã hội số 203/GP-BTTTT do BỘ THÔNG TIN VÀ TRUYỀN THÔNG cấp ngày 09/06/2023 (thay thế cho Giấy phép mạng xã hội số 103/GP-BTTTT cấp ngày 25/3/2019). Chịu trách nhiệm nội dung: Phạm Đình Bằng. Email: support@24hmoney.vn. Hotline: 038.509.6665. Liên hệ: 0908.822.699

Điều khoản và chính sách sử dụng



copy link
Quét mã QR để tải app 24HMoney - Giúp bạn đầu tư an toàn, hiệu quả