Giải ngân vốn đầu tư công: Những ách tắc và giải pháp
Nhiều năm nay, năm nào Chính phủ cũng có những văn bản, hội nghị đôn đốc các Bộ, ngành, UBND cấp tỉnh, các chủ đầu tư trong việc giải ngân vốn đầu tư công.
Nhưng tình hình này vẫn cứ tiếp tục trì trệ, mặc dù nhiều Bộ, ngành đã đề xuất những biện pháp để khắc phục tình trạng này, đặc biệt là Bộ Kế hoạch và Đầu tư là cơ quan chủ trì trong việc đề xuất Quốc hội, Chính phủ phê duyệt kế hoạch cấp vốn đầu tư công để thực hiện các dự án đầu tư theo đề xuất của các bộ ngành, UBND cấp tỉnh, nhưng tình hình vẫn chưa được khắc phục một cách có hiệu quả. Vậy, nguyên nhân từ đâu, trách nhiệm thuộc về tổ chức, cá nhân nào?
Giải ngân vốn đầu tư công 4 tháng đầu năm 2023 ước đạt 14,66% kế hoạch.
Theo báo cáo của Bộ Tài chính, tỷ lệ ước giải ngân 4 tháng kế hoạch đầu năm 2023 đạt 14,66% kế hoạch (nguồn của Cổng thông tin Chính phủ). Nếu so với kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao thì tỷ lệ giải ngân đạt 15,65%, thấp hơn so với cùng kỳ năm 2022 (18,48%). Trước tình hình này, Bộ Tài chính đã thành lập các tổ công tác đôn đốc việc giải ngân tại các bộ, ngành và địa phương, và đã có những kiến nghị để giải quyết vướng mắc trong việc giải ngân vốn đầu tư công, gửi Thủ tướng Chính phủ, Bộ Kế hoạch và Đầu tư. Liệu các vướng mắc trên có được giải quyết?
Theo thông tin của Báo Thanh niên ngày 11/5/2023, ông Phan Văn Mãi – Chủ tịch UBND Thành phố Hồ Chí Minh, đã chia sẻ về thông tin rằng: Trong năm 2022, UBND Thành phố Hồ Chí Minh đã gửi 584 văn bản xin ý kiến Bộ Kế hoạch và Đầu tư. Cũng theo ông Phan Văn Mãi, ngày 16/4/2023 khi Đoàn công tác của Thủ tướng Chính phủ làm việc với UBND Thành phố Hồ Chí Minh. Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng đã nói về việc địa phương gửi 584 văn bản hỏi ý kiến và Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã có 604 văn bản trả lời. Từ đây liên hệ tới tình trạng các cơ quan hành chính, công chức, viên chức của Thành phố Hồ Chí Minh không dám làm, dẫn tới trì trệ.
Theo ông Phan Văn Mãi, sau khi có phản ánh, địa phương đã chỉ đạo phân tích các văn bản xin ý kiến và có thể chia ra 4 nhóm xin ý kiến: Nhóm 1 - là các vấn đề thực trạng của Thành phố Hồ Chí Minh phát sinh mà quy định pháp luật chưa có, nên phải xin ý kiến về hướng xử lý. Nhóm 2 - là những vấn đề có quy định nhưng còn khác nhau giữa luật này và luật kia, nên phải hỏi để thống nhất giải quyết. Nhóm 3- là đã có quy định nhưng các hiểu còn khác nhau. Và nhóm 4, đã có quy định nhưng việc nghiên cứu còn nhiều điểm chưa chắc chắn nên phải hỏi.
Chúng tôi cho rằng: 4 điểm phân tích mà Chủ tịch UBND Thành phố Hồ Chí Minh đã nêu là hoàn toàn đúng, trên thực tế hệ thống pháp luật là có vấn đề. Chính những vấn đề thuộc 4 nhóm nêu trên đã gây cản trở cho nhiều lĩnh vực hoạt động, đặc biệt là hoạt động của các nhà đầu tư, chủ đầu tư, trong đó có vấn đề giải ngân vốn đầu tư công.
Pháp luật đã quy định rõ, các Bộ là các cơ quan thuộc Chính phủ có nhiều chức năng, nhiệm vụ, nhưng chức năng và nhiệm vụ chính là soạn thảo các văn bản pháp luật để trình Quốc hội, các cấp có thẩm quyền ban hành mới, sửa đổi, điều chỉnh luật, các văn bản dưới luật, nhằm đưa các quy định của pháp luật vào cuộc sống. Đồng thời, là phổ biến, tuyên truyền giáo dục pháp luật để pháp luật đi vào cuộc sống. Cùng với việc kiểm tra việc thực thi pháp luật để phát hiện những bất cập, những tồn tại của pháp luật để kiến nghị với các cấp có thẩm quyền hoặc sửa đổi, bổ sung theo thẩm quyền.
Nếu làm tốt các vấn đề trên thì chắc chắn tình trạng như tại UBND Thành phố Hồ Chí Minh, các địa phương khác sẽ không phải ban hành quá nhiều văn bản để hỏi các Bộ, ngành. Như vậy, trách nhiệm thuộc về cơ quan nào đã rõ. Trong việc giải ngân vốn đầu tư công, theo kiến nghị của Bộ Tài chính và ý kiến của UBND Thành phố Hồ Chí Minh cho thấy Bộ nào sẽ phải chịu trách nhiệm chính về vấn đề này?
Lấy một vấn đề cụ thể tại tỉnh Thái Nguyên để rõ hơn về những vấn đề phức tạp trong thủ tục hành chính và là nguyên nhân gây ách tắc cho việc giải ngân vốn đầu tư xây dựng.
Theo văn bản của UBND tỉnh Thái Nguyên gửi Thủ tướng Chính phủ với nội dung chính: Hiện tại trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên có 3 dự án thực hiện theo hình thức đối tác công tư (TPPP) – hợp đồng BT. Cụ thể, Dự án đầu tư xây dựng đường Bắc Sơn kéo dài từ km0+00 đến km3+500 (nút giao thông đường Tố Hữu); Dự án đầu tư xây dựng đường Bắc Sơn kéo dài từ km3+500 (nút giao thông Tố Hữu) đến km9+500; Dự án đường nối từ đường Minh Cầu vào dự án nhà ở xã hội TNG.
Với phương thức thanh toán dự kiến là bằng quỹ đất đã giải phóng mặt bằng, các nội dung thanh toán đã được quy định rõ và có hồ sơ pháp lý đảm bảo theo đúng quy định của pháp luật tại thời điểm ký hợp đồng BT.
Nguyên nhân UBND tỉnh Thái Nguyên chưa thanh toán được cho nhà đầu tư là do vướng mắc của một số quy định tại khoản 2 Điều 19 và khoản 3 Điều 1 Nghị định số 69/2019/NĐ-CP ngày 15/8/2019 của Chính phủ (trước thời điểm Nghị định số 35/2021/NĐ-CP ngày 29/3/2021 của Chính phủ có hiệu lực) mà chưa có hướng dẫn của Bộ Kế hoạch và Đầu tư. Mặt khác, tại điểm i khoản 2 Điều 118 Luật Đất đai năm 2013 đã quy định: Nhà nước giao đất không thông qua đấu giá quyền sử dụng đất thuộc các trường hợp khác do Chính phủ quy định cũng chưa được hướng dẫn cụ thể đối với các trường hợp thuộc 3 dự án nêu trên.
UBND tỉnh Thái Nguyên đề nghị Thủ tướng cho phép: Cho phép tỉnh Thái Nguyên được sử dụng quỹ đất đã giải phóng mặt bằng để thanh toán cho các nhà đầu tư đối với 3 dự án nêu trên. Đồng thời, hình thức thanh toán cho nhà đầu tư là thực hiện Nhà nước giao đất không thông qua đấu giá quyền sử dụng đất thuộc thẩm quyền của Thủ tướng Chính phủ cho phép theo quy định tại điểm i khoản 2 Điều 118 Luật Đất đai năm 2013.
Tại Văn bản số 4816/VPCP-CN ngày 17/7/2021, Bộ Tư pháp cho rằng: Theo quy định trên, việc sử dụng quỹ đất đã được Nhà nước hoàn thành giải phóng mặt bằng để thanh toán cho nhà đầu tư đối với các dự án BT mà hợp đồng BT được ký kết theo đúng quy định của pháp luật tại thời điểm ký hợp đồng BT từ ngày 01/01/2018 đến trước ngày 01/01/2019 phải báo cáo Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định. Vì vậy, việc UBND tỉnh Thái Nguyên báo cáo Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định về việc sử dụng quỹ đất đã giải phóng mặt bằng để thanh toán cho nhà đầu tư đối với 3 dự án nêu trên là đúng thẩm quyền.
Như vậy, vấn đề ở đây là do Luật Đầu tư năm 2020 đã quy định trường hợp hợp đồng BT mà thanh toán bằng quỹ đất đã được giải phóng mặt bằng thì phải được Thủ tướng Chính phủ cho phép và trả lời như Bộ Tư pháp là đúng thẩm quyền và trách nhiệm. Ngoài việc hỏi ý kiến Bộ Tư pháp, Văn phòng Chính phủ còn có công văn hỏi Bộ Tài chính, Bộ Tài nguyên và Môi trường, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Xây dựng, Bộ Giao thông Vận tải. Hỏi như vậy là trách nhiệm của các Bộ, ngành phải trả lời cho Chính phủ biết theo chức năng quản lý chuyên ngành của Bộ mình, để làm rõ việc ký hợp đồng BT của 3 dự án nêu trên có đúng pháp luật hay không, việc thanh toán như vậy có đúng quy định của pháp luật không, để Thủ tướng Chính phủ cho phép sử dụng đất đã giải phóng mặt bằng để thanh toán hoặc không thanh toán hợp đồng BT.
Có một điều phức tạp ở đây, từ năm 2020, rồi tiếp đến năm 2021, đến năm 2022 và đến năm 2023, cũng một vấn đề vướng mắc nêu trên mà UBND tỉnh Thái Nguyên đã có 4 lần báo cáo bằng văn bản xin ý kiến của Thủ tướng Chính phủ, Văn phòng Chính phủ cũng 4 lần ban hành các văn bản hỏi các Bộ ngành đã nêu trên. Tính ra, có tới gần 30 văn bản của các Bộ, ngành, UBND tỉnh Thái Nguyên để trả lời về vấn đề này. Cũng trong văn bản do một Phó Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ ký, lúc thì giao cho Bộ Tài chính chủ trì tổng hợp báo cáo Thủ tướng (Văn bản số 6394/VPCP-CN ngày 05/08/2020); lúc thì giao cho Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì tổng hợp báo cáo Thủ tướng (Văn bản 7353/VPCP-CN ngày 11/10/2021).
Cái cần biết để xử lý theo đề nghị của UBND tỉnh Thái Nguyên, là việc ký kết 3 hợp đồng BT nêu trên có đúng pháp luật hay không? Nếu đúng thì Thủ tướng sẽ đồng ý cho sử dụng quỹ đất đã giải phóng mặt bằng để thanh toán theo thẩm quyền, đúng quy định của pháp luật.
Năm 2022, Văn phòng Chính phủ giao cho Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì, rà soát lại 3 hợp đồng BT nêu trên để trả lời Thủ tướng Chính phủ. Ngày 06/05/2022 Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã có Văn bản số 2963/BKHĐT-QNĐT về việc rà soát 3 dự án hợp đồng BT trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên. Trong văn bản này Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã có kiến nghị Thủ tướng, trong đó xác định: “Căn cứ ý kiến của các Bộ và kết quả rà soát, Bộ Kế hoạch và Đầu tư nhận thấy, tuy vẫn còn tồn tại một số thiếu sót nhưng về mặt trình tự, thủ tục, cả 3 dự án đều đã thực hiện cơ bản tuân thủ quy định tại Nghị định số 15/2015/NĐ-CP và Nghị định số 30/2015/NĐ-CP”. Đồng thời, kiến nghị Thủ tướng Chính phủ giao UBND tỉnh Thái Nguyên chịu trách nhiệm toàn diện về quá trình chuẩn bị dự án lựa chọn nhà đầu tư, đàm phán, ký kết hợp đồng và kiểm tra giám sát việc thực hiện các hợp đồng theo đúng quy định của pháp luật và một số kiến nghị khác trong việc thực hiện tiến độ, chất lượng các dự án, thanh toán theo quy định của pháp luật…
Như vậy, ý kiến trả lời của các Bộ và của Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã giải đáp được 2 vấn đề đó là: Việc ký kết hợp đồng BT của 3 dự án nêu trên đã tuân thủ theo các quy định của pháp luật. Việc xin Thủ tướng sử dụng quỹ đất đã giải phóng mặt bằng để thanh toán hợp đồng BT là thuộc thẩm quyền cho phép của Thủ tướng Chính phủ.
Tuy vậy, năm 2023, UBND tỉnh Thái Nguyên lại tiếp tục giải trình về các vấn đề trong việc thực hiện 3 dự án BT nêu trên. Đồng thời, Văn phòng Chính phủ ngày 27/4/2023 lại ban hành Công văn số 2945/VPCP-CN với nội dung tương tự như các văn bản các năm 2020, 2021, 2022, và lại tiếp tục giao cho Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì. Nhưng văn bản này chỉ yêu cầu ngoài Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì thì có Bộ Tài chính, Bộ Tài nguyên và Môi trường nghiên cứu văn bản của UBND tỉnh Thái Nguyên để Bộ Kế hoạch và Đầu tư tổng hợp báo cáo Thủ tướng Chính phủ.
Dù dự án chưa được nghiệm thu bàn giao nhưng các phương tiện lưu thông tấp nập.
Hiện nay, cả 3 dự án BT nêu trên mặc dù chưa được nghiệm thu bàn giao, chưa được thanh toán nhưng các tuyến đường này đã được nhân dân đưa vào sử dụng và xe cộ lưu thông tấp nập. Do thiếu vốn nhà đầu tư chưa hoàn thiện một số vấn đề kỹ thuật như: xây kè chống sạt lở một vài vị trí, khơi thông hệ thống thoát nước, vỉa hè một số đoạn đường và một số yếu tố kỹ thuật khác để đảm bảo nghiệm thu đưa vào sử dụng. Nếu không hoàn thiện kịp thời một số vấn đề kỹ thuật nêu trên thì mùa mưa đến rất dễ ảnh hưởng đến chất lượng của con đường.
Với 3 dự án nêu trên, nhà đầu tư đã bỏ ra hàng nghìn tỷ đồng để thực hiện hợp đồng đã ký kết, nhưng đến giờ nhà đầu tư chưa nhận được kinh phí. Vì vậy, nhà đầu tư phải tự huy động, vay ngân hàng để thực hiện hợp đồng. Nếu tình trạng này kéo dài thì việc “phá sản” đối với 1 doanh nghiệp là rất dễ xảy ra. Không biết Văn phòng Chính phủ còn xin ý kiến các Bộ, ngành đến bao giờ và bao giờ trình Thủ tướng giải quyết các vấn đề mà UBND tỉnh Thái Nguyên đề nghị?
Gần đây, Thủ tướng Chính phủ kêu gọi, khuyến khích những người dám nghĩ, dám làm, cải cách thủ tục hành chính để tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp, nhân dân. Chúng tôi cho rằng, việc này cũng phải được thực hiện ngay tại cơ quan cao nhất của Chính phủ, như Văn phòng Chính phủ và các Bộ, ngành Trung ương.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận