Giải ngân đầu tư công chậm: Tiền 'kẹt' vì đâu?
5 tháng đầu năm 2022, giải ngân vốn đầu tư công mới đạt hơn 22% kế hoạch, trong khi, năm nay, cả nước cần giải ngân số vốn lớn, mục tiêu còn để phục hồi kinh tế xã hội.
Địa phương loay hoay, nhà thầu chờ bù giá
Theo Bộ Tài chính, giải ngân kế hoạch vốn đầu tư công 5 tháng đầu năm 2022 ước đạt 22,3% kế hoạch, trong đó, có tới 41/51 bộ và 21/63 địa phương có tỷ lệ giải ngân đạt dưới 20%. Đà Nẵng, Hải Dương, Bắc Ninh, Hà Nam giải ngân dưới 15% kế hoạch giao, thấp hơn bình quân cả nước. Những địa phương này đến nay chưa thực hiện giải ngân vốn ODA.
Trước thực tế này, Thủ tướng liên tục có chỉ đạo và đã thành lập 6 đoàn công tác ở các bộ, ngành và địa phương để nắm bắt kịp thời, tại sao chưa giải ngân được, tiến độ chậm. Tổng hợp báo cáo từ các địa phương, tổ công tác số 5 của Thủ tướng đã chỉ ra nhiều vướng mắc lớn cản trở giải ngân: Thời gian hoàn thành các thủ tục bị kéo dài, khan hiếm nguồn vật liệu xây dựng, nhân lực, giá nguyên vật liệu, nhiên liệu tăng cao đột biến, vướng mắc giải phóng mặt bằng, công tác chỉ đạo, điều hành chưa tập trung, quyết liệt… lần lượt được nhắc đến.
Giải phóng mặt bằng là điểm nghẽn “muôn thuở” tại nhiều địa phương. Ông Trương Quốc Huy, Chủ tịch UBND tỉnh Hà Nam cho biết, với dự án giao thông đi qua nhà dân, phải giải phóng cho cả khu tái định cư, làm hạ tầng, kéo dài gần một năm.
Bên cạnh đó, theo ông Huy, cách tính giá đất để đền bù hiện nay còn có bất cập, nếu không sớm ban hành, tất cả các tỉnh đều bị tắc. “Vướng mắc về giải phóng mặt bằng do chính sách giá đất có sự chênh lệnh lớn giữa giá thực tế ngoài thị trường và giá của địa phương ban hành; mất nhiều thời gian, thủ tục để xác định nguồn gốc đất…, do đó làm chậm tiến độ thực hiện và giải ngân”, ông Huy nói.
Theo ông Huy, có tới 2 thông tư của Bộ Tài nguyên và Môi trường đang gây khó khăn cho quá trình thực hiện. Bên cạnh đó, đấu thầu mất tới 30 ngày; giá sắt thép, xi măng tăng cao cũng gây ảnh hưởng đến nhà thầu. Càng làm càng lỗ, nên họ chờ để bù giá.
Giá thành vật liệu tăng cao, chủ đầu tư chần chừ chờ chính sách hỗ trợ cũng là thực tế gây “nghẽn” giải ngân đầu tư công tại Hải Dương. Ông Triệu Thế Hùng, Chủ tịch UBND tỉnh Hải Dương cũng thừa nhận, đầu tư công chậm còn vì địa phương chưa tích cực triển khai; chủ đầu tư chưa tập trung, đôn đốc nhà thầu.
Chưa quyết liệt,
Trong buổi làm việc với tổ công tác số 5 của Thủ tướng về giải ngân vốn đầu tư công diễn ra mới đây, Bộ trưởng KH&ĐT Nguyễn Chí Dũng nhận định, việc giải ngân chậm vốn đầu tư công có nhiều nguyên nhân. Ông nói: Chúng ta chưa quyết liệt, chưa tập trung, nghiêm túc. Giá cả nguyên vật liệu đầu vào tăng cao, tổ chức giải phóng mặt bằng, năng lực nhà thầu, năng lực tư vấn đều là vấn đề có vướng mắc. Với đặc thù của đầu tư công, chúng ta phải làm theo trình tự thủ tục.
Năm 2022 nhiệm vụ rất nặng nề khi số vốn cần giải ngân rất lớn, bao gồm cả vốn của chương trình phục hồi kinh tế xã hội. Ông Nguyễn Chí Dũng nhấn mạnh rằng, nếu không đẩy nhanh giải ngân sẽ ảnh hưởng đến mục tiêu, kế hoạch của chương trình phục hồi kinh tế xã hội.
Bộ trưởng KH&ĐT đề nghị các địa phương, bộ, ngành thời gian tới cần đặc biệt tập trung chỉ đạo thực hiện tốt công tác giải phóng mặt bằng, tăng cường tuyên truyền, vận động người dân có đất bị thu hồi hiểu rõ chủ trương, chính sách của Nhà nước về giá đất bồi thường, sớm bàn giao mặt bằng cho đơn vị thi công. “Kiên quyết cắt giảm, điều chuyển vốn từ các dự án chậm tiến độ sang dự án có nhu cầu đẩy nhanh tiến độ thực hiện, để đảm bảo hiệu quả sử dụng vốn đầu tư”, Bộ trưởng nhấn mạnh.
Đánh giá cán bộ qua kết quả giải ngân vốn
Ông Đinh Gia Dũng, Chủ tịch UBND thành phố Thái Bình cho biết, năm 2022, thành phố Thái Bình có kế hoạch phân bổ vốn đầu tư công 600 tỷ đồng cho hơn 70 dự án về giao thông, thủy lợi, hạ tầng kỹ thuật, giáo dục, công trình công cộng, trụ sở cơ quan, đơn vị... Do đó, để đảm bảo giải ngân vốn năm 2022, cùng với chỉ đạo, thực hiện quyết liệt, đồng bộ các giải pháp…, thành phố Thái Bình yêu cầu các ban quản lý dự án phải có kế hoạch tiến độ theo từng tháng, từng tuần. Đặc biệt, để gắn trách nhiệm của cán bộ với kết quả giải ngân vốn đầu tư công, thành phố Thái Bình đã lập tiêu chí thi đua về nội dung này. Theo đó, năm 2022, kết quả giải ngân vốn đầu tư công là một tiêu chí quan trọng để đánh giá mức độ hoàn thành nhiệm vụ trong năm của người đứng đầu và tập thể, cá nhân liên quan.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận