Giải bài toán nuôi biển: Rất cần sự chỉ đạo của Thủ tướng
Hơn 10 bộ, ngành và 28 địa phương cùng xây dựng cho một đề án nuôi biển sẽ không khả thi.
Thay vì đó, chỉ cần Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Tài nguyên và Môi trường… phối hợp với các địa phương sẽ mang lại hiệu quả cao hơn.
Đó là ý kiến của các chuyên gia, hiệp hội nuôi biển trước nhiều bất cập tại “Đề án phát triển nuôi trồng thủy sản trên biển đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045”, được Thủ tướng Chính phủ ban hành tại Quyết định số 1664/QĐ-TTg.
Cần Thủ tướng chỉ đạo trực tiếp
Theo ông Nguyễn Hoàng Anh – Phó Chủ tịch Hiệp hội Nuôi biển Việt Nam, về ý nghĩa và tầm quan trọng của “Đề án phát triển nuôi trồng thủy sản trên biển đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045”, được Thủ tướng Chính phủ ban hành tại Quyết định số 1664/QĐ-TTg, sẽ không phải bàn cãi nếu không vướng quá nhiều bộ, ngành trong lộ trình xây dựng quy hoạch. Đặc biệt là khâu “trình, xin ý kiến”, thực hiện đề án. Việc có quá nhiều bộ, ngành cùng tham gia sẽ khiến 28 địa phương lúng túng, mặc dù đề án đã phân công nhiệm vụ cụ thể cho từng đơn vị.
“Ninh Thuận đã từng xây dựng cụm công nghiệp với diện tích 168ha, đã hoàn thiện hạ tầng giao thông, nhưng không thể thực hiện được các bước tiếp theo do vướng các quy định, thẩm quyền… là một ví dụ điển hình”, ông Hoàng Anh nêu.
Cũng theo ông Hoàng Anh, vấn đề khó nhất trong thực hiện đề án hiện nay chính là khâu phân cấp, phân quyền trong thực hiện quy hoạch. Quy hoạch nuôi biển chỉ là mảng nhỏ nằm trong quy hoạch tổng thể của các địa phương với nhiều kế hoạch khác và phụ thuộc, chồng chéo bởi các luật khác nhau, như: Luật Đất đai, Luật Đầu tư, Luật Du lịch, Luật Biển, Tài nguyên khoáng sản… Do đó, để hiện thực hoá đề án nuôi biển, góp phần thay đổi phương thức tổ chức sản xuất đưa ngành thuỷ sản Việt Nam phát triển bền vững thì không thể thiếu vai trò của Thủ tướng.
Đồng quan điểm, TS. Lương Công Trung – Viện nuôi trồng Thuỷ sản (Trường ĐH Nha Trang), cho rằng, Việt Nam có một lợi thế là đường bờ biển rất dài, và trải dài từ Móng Cái (Quảng Ninh) tới Cà Mau. Tuy nhiên, để tận dụng được lợi thế này thì việc là đầu tiên phải thực hiện nghiêm nhiệm vụ quy hoạch tổng thể; thống nhất từ Trung ương tới địa phương, đặc biệt là sự chỉ đạo quyết liệt của Thủ tướng.
Cũng theo TS. Lương Công Trung, Quyết định số 1664/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ, là một bước tiến lớn không chỉ tạo điều kiện cho ngành thuỷ sản Việt Nam phát triển bền vững, mà còn hạn chế, giảm khai thác tự nhiên, góp phần chống vi phạm IUU và gỡ thẻ vàng “EC” cho ngành thuỷ sản Việt Nam.
Tuân thủ quy hoạch
Theo TS. Lương Công Trung, trong quá trình nuôi biển người dân và doanh nghiệp gặp rất nhiều trở ngại do nuôi tự phát, thậm chí có những thời điểm người dân phá rừng ngập mặn để nuôi tôm. Nguyên nhân xuất phát từ những bất cập trong quy hoạch và do diễn biến từ biến đổi khí hậu nên người nuôi gặp khá nhiều rủi ro.
“Quá trình thực hiện, xây dựng quy hoạch cần phải tuân thủ các quy định về quy hoạch. Trong đó, việc xây dựng quy hoạch phải gắn liền với trực trạng, thực tiễn để hạn chế những lãng phí do quy hoạch gây ra. Bởi, bài học về tình trạng quy hoạch xong không thực hiện được do thiếu thực tiễn, đồng bộ hay bị vướng bởi các luật khác, chồng chéo thẩm quyền… đã từng xảy ra, do đó, đây là vấn đề hết sức lưu ý”, TS. Lương Công Trung cảnh báo.
Liên quan tới thẩm quyền khi thực hiện quy hoạch, TS. Lương Công Trung, cho rằng quy hoạch là câu chuyện khá phức tạp. Bởi, trên thực tế, sự phối hợp với các bộ, ngành xưa này còn thiếu tính nhất quán, đồng bộ đã kéo theo nhiều vấn đề bất cập. Do đó, trong lộ trình thực hiện quy hoạch cũng cần phải đặt ra là: “trong quy hoạch có nhất thiết phải có địa phương tham gia hay không, hay chỉ cần Trung ương giao xuống là đủ? Nên chăng chỉ cần các bộ ngành chính, như: Bộ NN&PTNN, Bộ TN&MT và 28 tỉnh thành xây dựng quy hoạch để tránh chồng chéo? Tuy nhiên, nếu quy hoạch được gắn với trách nhiệm địa phương sẽ đem lại nhiều thuận lợi hơn, vì: “các địa phương sẽ bám sát với thực tế, theo tuỳ vùng, lợi thế của các địa phương và đạt kết quả cao hơn”.
Phân tích về tầm quan trọng trong quy hoạch nuôi biển, TS. Trương Quốc Thái – Viện Nghiên cứu nuôi trồng thuỷ sản III, cho rằng nuôi biển là một lĩnh vực có nhiều tiềm năng, với diện tích mặt biển lớn, có nhiều đảo, vịnh... đã được hình thành và phát triển tại hầu hết các tỉnh, thành ven biển, trải dài từ miền Bắc vào miền Nam (28 tỉnh, thành phố ven biển). Bên cạnh đó, mỗi vùng, miền đều có những thế mạnh riêng để nuôi biển.
“Tuy nhiên, trong quy hoạch cần tuân thủ tính đồng bộ từ Trung ương tới địa phương. Song, để làm được điều này rất cần những chỉ đạo quyết liệt, và trực tiếp của Thủ tướng. Bởi, thực hiện quy hoạch cho một vùng, một tỉnh đã khó, thì với việc quy hoạch nuôi biển cho 28 tỉnh thành là một vấn đề lớn, mang tính vĩ mô… sẽ hết sức khó khăn nếu không được Thủ tướng chỉ đạo trực tiếp”, TS. Trương Quốc Thái nhấn mạnh.
Theo TS. Trương Quốc Thái nghề nuôi biển của chúng ta đang ở giai đoạn đầu, trình độ còn hạn chế, manh mún, tự phát và đang bộc lộ nhiều bất cập từ sản xuất đến chế biến và thị trường tiêu thụ, từ con giống đến thức ăn, từ công nghệ nuôi đến thiết bị. Vì vậy, việc khẩn trương vào cuộc của các bộ, ngành và 28 địa phương trong thực hiện quy hoạch sẽ là tiền để hướng đến nuôi biển trở thành một ngành có tầm vóc, quy mô lớn mang tầm quốc tế.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận