24HMoney
Install 24HMoneyTải App
copy link
menu
Quang Hưng
24HMoney đã kiểm duyệt 24HMONEY đã kiểm duyệt

Giấc mơ 6 năm trước của Trung Quốc sắp biến thành ác mộng

Giống như nhiều ngành công nghiệp khác của Trung Quốc, ngành sữa đang bị ảnh hưởng bởi tình trạng dư thừa công suất.

Ngành công nghiệp sữa Trung Quốc, từng là nơi các nhà đầu tư chắc thắng trong bối cảnh thu nhập và mức sống ngày càng tăng, đang dần đi đến hồi kết của thời kỳ bùng nổ kéo dài. Đà tăng trưởng kinh tế chậm lại, dân số già hóa cùng tỷ lệ sinh giảm đang gây ra nhiều hệ lụy, theo báo cáo do cơ quan xếp hạng tín nhiệm S&P Global Ratings.

Theo SCMP, doanh số của các công ty sữa hàng đầu của đất nước đã giảm từ 9 đến 13% trong nửa đầu năm 2024. Trong số đó, China Mengniu Dairy ghi nhận doanh thu giảm 12,6% xuống còn 44,7 tỷ nhân dân tệ (6,2 tỷ USD) trong 6 tháng đầu năm. Doanh số của đối thủ Inner Mongolia Industrial Group cũng giảm 9,5% xuống còn 59,9 tỷ nhân dân tệ trong bối cảnh nhu cầu của người tiêu dùng giảm sút.

Các nhà phân tích, bao gồm bà Flora Chang, cho biết: “Doanh thu của ngành sữa Trung Quốc giảm mạnh cho thấy thời kỳ bùng nổ kéo dài nhiều thập kỷ cuối cùng cũng sắp kết thúc. Điều này có thể thúc đẩy các công ty mở rộng sang các danh mục sản phẩm mới hoặc khai thác thị trường nước ngoài”.

Tuy nhiên, báo cáo cũng cho biết thêm, sự suy thoái này có thể chỉ là tạm thời và thị trường sữa của Trung Quốc sẽ tiếp tục tăng trưởng, mặc dù với tốc độ chậm hơn. S&P cho biết: “Dân số giảm và tăng trưởng kinh tế chậm lại sẽ dẫn đến tốc độ tăng trưởng kép hàng năm [CAGR] về doanh số bán hàng trong 2 thập kỷ tới chỉ đạt 2-3%, tức bằng một nửa tốc độ của 2 thập kỷ trước”.

Theo số liệu chính thức, tỷ lệ sinh của Trung Quốc đã giảm xuống mức thấp kỷ lục là 6,4 ca sinh trên 1.000 người vào năm ngoái, trong khi tỷ lệ tăng trưởng dân số tự nhiên giảm xuống mức -1,48 trên 1.000 người. Đây là năm thứ hai liên tiếp tỷ lệ này giảm.

Trong khi đó, dân số Trung Quốc từ 60 tuổi trở lên tăng lên gần 300 triệu người vào năm ngoái. Khi tuổi thọ tăng lên và tỷ lệ sinh giảm, nhóm nhân khẩu này dự kiến ​​sẽ đạt 402 triệu người vào năm 2040, tức chiếm 28% dân số, theo Tổ chức Y tế Thế giới.

S&P cho biết dân số già hóa không hoàn toàn là tin xấu đối với ngành công nghiệp sữa bởi chúng có thể tác động “tích cực lên tăng trưởng sản lượng trong 10 đến 15 năm tới”.

Sự thay đổi đã thúc đẩy các nhà sản xuất sữa trong nước và quốc tế, từ Danone đến Yili, phát triển các sản phẩm phục vụ cho người tiêu dùng trưởng thành. Cơ quan xếp hạng đã trích dẫn ví dụ về sữa công thức.

“Mặc dù tổng lượng tiêu thụ sữa công thức hàng ngày của người lớn sẽ luôn thấp hơn trẻ sơ sinh, nhưng số lượng người già ngày càng tăng có thể sẽ bù đắp cho lượng tiêu thụ trẻ em đang giảm”, S&P nói nhưng cảnh báo rằng, người tiêu dùng thường không sẵn sàng chi nhiều tiền cho các sản phẩm sữa bột cho người lớn.

Theo một nghiên cứu vào tháng 11 năm ngoái của GlobalData, một nhà cung cấp dịch vụ phân tích có trụ sở tại London, doanh số bán sữa trẻ em dự kiến ​​sẽ giảm từ năm 2023 đến năm 2029. Giám đốc điều hành China Mengniu Dairy trước đó cũng đã cảnh báo rằng ngành này đang phải đối mặt với thách thức nghiêm trọng nhất kể từ năm 2008, năm mà sữa nhiễm khuẩn đã khiến hàng trăm nghìn người mắc bệnh và tàn phá danh tiếng của ngành.

Giống như nhiều ngành công nghiệp khác của Trung Quốc, ngành sữa đang bị ảnh hưởng bởi tình trạng dư thừa công suất. Sản lượng sữa nội địa đã tăng 40% trong 10 năm qua, vậy nên chính phủ đang xem xét hạn chế nhập khẩu từ EU để giảm bớt áp lực.

Trước đây, sữa là “một phần không thể thiếu để tạo dựng một Trung Quốc khỏe mạnh và hùng mạnh”. Đó là lời phát biểu của các quan chức Trung Quốc vào năm 2018, khi khởi động chiến dịch thúc đẩy ngành công nghiệp sữa của đất nước với mục tiêu tăng cường an ninh lương thực bằng cách giảm sự phụ thuộc vào sữa nhập khẩu, đồng thời, cải thiện sức khỏe người dân. Nhiều khoản trợ cấp đã được đưa ra để hỗ trợ nông dân tăng số lượng đàn bò, trong khi các cơ quan truyền thông nhà nước thúc đẩy thói quen tiêu thụ sữa.

Kể từ khi bắt đầu chiến dịch, sản lượng sữa của Trung Quốc đã tăng thêm 30%. Năm 2023, đàn bò trong nước cung cấp 42 triệu tấn sữa, vượt mục tiêu của chính phủ trước 2 năm.

Tuy nhiên, người dân vẫn chưa mặn mà với sữa và nguyên nhân chính đầu tiên là do cơ địa không dung nạp được lactose. Trung bình mỗi người Trung Quốc chỉ tiêu thụ khoảng 40kg sản phẩm sữa mỗi năm, thấp hơn 30% mức trung bình toàn cầu và chỉ bằng 40% so với khuyến nghị của cơ quan y tế.

Do sản lượng vượt xa nhu cầu tiêu thụ, các trang trại sữa ở Trung Quốc tràn ngập với lượng sữa dư thừa. Kết quả, giá sữa đã giảm 28% từ tháng 8/2021. Hầu hết các trang trại đều thua lỗ kể từ nửa cuối năm ngoái, theo tính toán của StoneX Group.

Ông Li Yifan, Giám đốc Bộ phận Sữa khu vực Châu Á của StoneX, cho biết: “Không chỉ sữa, mà cả việc bán thịt cũng đang khiến các nhà chăn nuôi lao đao”.

Theo công ty A2 Milk, thị trường sữa công thức tại Trung Quốc đã giảm mạnh 8,6% về số lượng và 10,7% về giá trị trong năm 2024. Xu hướng này dự kiến sẽ tiếp tục trong năm tới.

“Hạn chế nhập khẩu sữa từ EU chỉ là giải pháp tạm thời, không thể giải quyết căn bản tình trạng dư thừa và nhu cầu trì trệ của ngành sữa Trung Quốc”, Tanya Bhatia, nhà phân tích nghiên cứu hàng tiêu dùng tại Economist Intelligence Unit, nhận định.

Theo dõi 24HMoney trên GoogleNews

Từ khóa liên quan

Bấm vào mỗi từ khóa để xem bài cùng chủ đề

Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?

Liên hệ 24HMONEY ngay

Cảnh báo Nhà đầu tư lưu ý
Cảnh báo
Cơ quan chủ quản: Công ty TNHH 24HMoney. Địa chỉ: Tầng 5 - Toà nhà Geleximco - 36 Hoàng Cầu, P.Ô Chợ Dừa, Quận Đống Đa, Hà Nội. Giấy phép mạng xã hội số 203/GP-BTTTT do BỘ THÔNG TIN VÀ TRUYỀN THÔNG cấp ngày 09/06/2023 (thay thế cho Giấy phép mạng xã hội số 103/GP-BTTTT cấp ngày 25/3/2019). Chịu trách nhiệm nội dung: Phạm Đình Bằng. Email: support@24hmoney.vn. Hotline: 038.509.6665. Liên hệ: 0908.822.699

Điều khoản và chính sách sử dụng



copy link
Quét mã QR để tải app 24HMoney - Giúp bạn đầu tư an toàn, hiệu quả