Giá xăng tăng phi mã, giảm thuế BVMT mang lại hiệu quả không đáng kể
Giá xăng đã tăng vượt ngưỡng 30.000 đồng/lít dù đã áp mức giảm thuế BVMT, Quỹ BOG nhưng hiệu quả mang lại không đáng kể, không bù đắp được tỉ lệ phần trăm tăng giá.
Chiều 23/5, liên Bộ Tài chính - Công Thương quyết định điều chỉnh giá bán lẻ xăng dầu do kỳ điều hành ngày 21/5 trùng vào ngày nghỉ.
Theo đó, xăng E5 RON 92 tăng 680 đồng/lít, giá xăng RON 95 được điều chỉnh tăng 670 đồng/lít. Sau khi tăng, mức giá bán lẻ tối đa với xăng E5 RON 92 là 29.630 đồng/lít và xăng RON 95 là 30.650 đồng/lít.
Đây là đợt tăng thứ 4 liên tiếp và là đợt tăng thứ 10 của mặt hàng này chỉ trong hơn 5 tháng đầu năm 2022. Hiện, giá bán lẻ các loại xăng đã lập đỉnh mới, riêng xăng RON 95 vượt mốc 30.000 đồng/lít, cao hơn mức thiết lập kỳ điều hành 11/5 vừa qua.
Ở kỳ điều chỉnh lần này, cơ quan điều hành trích quỹ bình ổn với dầu diesel, dầu hỏa là 300 đồng/lít và chi quỹ bình ổn với xăng 100-300 đồng/lít.
Trên nghị trường Quốc hội, nhiều ĐBQH bày tỏ sự quan tâm sâu sắc đến việc giá xăng dầu ngày càng neo cao, ảnh hưởng lớn đến hoạt động sản xuất, kinh doanh của người dân và doanh nghiệp.
Giảm thuế BVMT giá xăng chưa đủ tầm
Trao đổi với Người Đưa Tin bên hành lang Quốc hội, ĐBQH Lê Thanh Vân - Ủy viên Thường trực Ủy ban Tài chính, Ngân sách của Quốc hội nói rằng, giá xăng dầu từ 1/4/2022 đã được áp dụng mức giảm thuế bảo vệ môi trường và cả việc sử dụng Quỹ bình ổn giá, tuy nhiên “hiệu quả mang lại không đáng kể, không bù đắp được tỉ lệ phần trăm tăng giá”.
“Vừa qua, giá xăng dầu đã tăng lên mức 45%. Vấn đề điều hành giá xăng dầu cần theo cơ chế thị trường”, ĐBQH Lê Thanh Vân đặt vấn đề.
Ông nhìn nhận, giá xăng tăng là do đứt gãy nguồn cung và có nhiều tác động, nhưng tác động lớn nhất vẫn là biến động về địa chính trị giữa hai nước Nga-Ukraine.
“Về bản chất, nguồn cung không khan hiếm, nhưng vì bị đứt chuỗi cung ứng nên trong một giai đoạn nhất định, hàng hoá không chuyển tiếp đến người cần được tiêu dùng, do đó giá bị đẩy lên, tác động đến đầu vào sản xuất và chi phí cuộc sống của người dân”, ông Vân nói.
Trong phiên họp Quốc hội (kỳ họp thứ 3, Quốc hội khoá XV) sáng nay, báo cáo của Chính phủ về tình hình kinh tế -xã hội 4 tháng đầu năm 2022 cho thấy một bức tranh kinh tế có triển vọng rất tốt, các lĩnh vực đều có tăng trưởng. Nhưng ngược lại, chỉ số CPI lại tăng cao so với cùng kỳ năm ngoái, bởi còn nhiều tác động ngoại cảnh như đại dịch, hay xung đột chính trị Nga-Ukraine.
“Điều này, dẫn đến lo ngại về áp lực lạm phát kỳ vọng”, ông Vân nói và lưu ý rằng, tính bền vững trong tăng trưởng là yếu tố cần hết sức lưu ý, và khả năng việc kiểm soát lạm phát dưới mức 4% cho cả năm 2022 là rất khó. Do đó, Chính phủ cần tính đến phương án điều chỉnh các chỉ số, trong đó có chỉ tiêu lạm phát.
Sử dụng công cụ lãi suất sẽ để lại hậu quả
ĐBQH Trần Hoàng Ngân - Ủy viên Ủy ban Kinh tế của Quốc hội cũng nhìn nhận việc giá xăng dầu tiếp tục tăng sẽ tác động đến đời sống người dân, trong khi người dân đã vô cùng khó khăn do hai năm Covid-19, còn doanh nghiệp thì chịu đủ loại chi phí tăng như vận chuyển, lưu thông hàng hoá.
Nhắc lại bài học kinh tế đất nước giai đoạn 2008, khi đó biến động giá xăng dầu lên tới 141 USD/thùng, cộng với giá lương thực thực phẩm làm lạm phát tăng rất nhanh. Khi lạm phát tăng tại Việt Nam lên tới 23% ở thời điểm đó, tất cả chi phí giá cả hàng hoá và đời sống người dân vô cùng khó khăn.
Khi lạm phát cao ở mức hai con số thì liều thuốc người ta buộc phải chọn đó là lãi suất, đó là vấn đề thắt chặt tiền tệ, tài khoá. Thời điểm năm 2008, Việt Nam sử dụng lãi suất rất là cao, lãi suất thị trường có thời điểm lên tới trên 20% khiến nền kinh tế lúc đó đang tăng trưởng 7,5 - 8% xuống chỉ còn 6%. Đến năm 2011-2012, chỉ tăng trưởng hơn 5%.
"Thời kỳ đó chúng ta phải ban hành Nghị quyết 11 của Chính phủ và Kết luận 02 của Bộ Chính trị. Khi đó chúng ta chấp nhận không quan tâm đến tăng trưởng kinh tế mà ưu tiên hàng đầu là ổn định kinh tế vĩ mô và kiểm soát lạm phát, bảo đảm an sinh xã hội", ông nhắc lại.
Ông Ngân đánh giá, hiện lạm phát của Việt Nam tuy ở mức thấp nhưng mới chỉ tác động vòng 1, vòng 2, vòng 3, sắp tới có thể còn cao hơn. Tại Mỹ lạm phát đã lên đến 8,5% (cao gấp 4 lần lạm phát mục tiêu), châu Âu lạm phát cao nhất trong nhiều thập kỷ qua.
“Giá xăng cứ điều chỉnh tăng sẽ tác động đến giá hàng hoá, khi đó rất khó kiểm soát, kiềm chế lạm phát. Khi chúng ta phải sử dụng công cụ lãi suất thì có thể sẽ để lại hậu quả”, ông nói.
Cũng theo chia sẻ Ủy viên Ủy ban Kinh tế của Quốc hội, tại kỳ họp này, ông sẽ có ý kiến, đề nghị Quốc hội, Chính phủ xem xét tiếp tục giảm thuế bảo vệ môi trường với xăng dầu, cùng với đó là xem xét giảm thuế tiêu thụ đặc biệt để kìm hãm đà tăng của giá xăng dầu trong nước.
Sẽ khó để hạ nhiệt giá xăng dầu
Cũng nêu quan điểm trước ý kiến có thể giảm thuế để hạ nhiệt tăng giá xăng dầu trong nước, ĐBQH Hoàng Thị Thanh Thúy, Phó Trưởng Đoàn chuyên trách ĐBQH tỉnh Tây Ninh cho biết, giai đoạn Quốc hội họp kỳ họp bất thường Quốc hội đã cho ý kiến, chủ trương về việc giảm giá thuế thông qua việc thuế bảo vệ môi trường.
“Tôi cho rằng việc cân nhắc giảm thuế bảo vệ môi trường để hạ nhiệt giá xăng dầu khi thời điểm kỳ họp bất thường diễn ra vào cuối năm 2021 đã rất cố gắng cân nhắc trong tất cả các loại thuế để giảm xuống dưới mức hiện tại. Tuy nhiên, giá xăng dầu lại tiếp tục tăng và tăng vượt ngưỡng 30.000 đồng, như vậy rất khó khăn”, bà Thúy nêu.
Việc giá xăng dầu tiếp tục tăng, bà Thúy cho rằng nó có tác động rất lớn đến mọi mặt, đặc biệt là lo đến vấn đề lạm phát.
“Chúng ta có kiềm chế được lạm phát dưới mức 4% hay không? Với mức xăng dầu tiếp tục tăng như hiện nay?”, bà Thúy đặt câu hỏi. Bà cho rằng, vấn đề này sẽ còn “nóng” và nghị trường Quốc hội sẽ còn bàn bạc thêm. Tuy nhiên, bà cho rằng sẽ khó để hạ nhiệt giá xăng dầu, bởi còn phụ thuộc vào cơ chế thị trường.
Trở lại vấn đề giá xăng dầu vượt ngưỡng 30.000 đồng/lít, có những ngành hàng, mặt hàng chịu áp lực đẩy của giá xăng dầu, nhưng cũng có mặt hàng tăng giá kiểu “té nước theo mưa”.
Bình luận về điều này, ĐBQH Hoàng Thị Thanh Thúy đánh giá, cùng với việc có giải pháp để hạ nhiệt giá xăng dầu thì cần phải tăng cường thanh, kiểm tra để bình ổn giá, sàng lọc những tổ chức, doanh nghiệp kinh doanh lợi dụng để kinh doanh, tăng giá xăng dầu.
Đánh giá về vai trò điều hành, điều tiết của Bộ Tài chính, Bộ Công Thương trong việc bình ổn giá hiện nay, bà cho biết nguyện vọng mong muốn của cử tri là mong muốn làm sao hạ nhiệt giá xăng dầu.
“Còn vai trò của các Bộ, ngành liên quan tôi thấy đã rất nỗ lực và cố gắng tìm mọi cách để khắc phục. Bởi, nếu không cố gắng hạ nhiệt giá xăng dầu thì chúng ta sẽ phải xử lý hàng loạt các vấn đề khác liên quan đến lạm phát, bội chi ngân sách, giá cả và ảnh hưởng đến an sinh xã hội”, bà nói.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận