Giá xăng tăng cao, hơn một nửa số tàu cá 'tê liệt'
Theo Bộ NN&PTNT, từ đầu năm đến nay, giá xăng dầu liên tục tăng tác động mạnh đến hoạt động sản xuất, kinh doanh, đời sống của người dân. Cộng đồng ngư dân ven biển và ngành khai thác thủy sản phải chịu áp lực lớn khiến ngày càng nhiều tàu cá nằm bờ, tê liệt.
Tính đến 31/12/2021 cả nước có 91.716 tàu cá hoạt động trên các vùng biển, trong đó tàu cá khai thác vùng ven bờ là 42.642 chiếc; tàu cá khai thác vùng lộng là 18.683 chiếc; tàu cá khai thác vùng biển khơi (xa bờ) là 30.391 chiếc. Làm các nghề chủ yếu như nghề lưới kéo; nghề lưới vây; nghề lưới rê; nghề câu; nghề chụp; nghề lồng bẫy và dịch vụ hậu cần khai thác thủy sản.
Theo Bộ NN&PTNT, nhu cầu xăng, dầu cho hoạt động khai thác thủy sản trung bình khoảng 330 triệu lít/tháng. Tuy nhiên, tính từ đầu năm, giá dầu diesel 0.05S, nhiên liệu chính cho tàu khai thác thủy sản đã tăng lên 65%. Riêng chi phí nhiên liệu để đảm bảo cho hoạt động khai thác thủy sản bình thường hiện đã tăng thêm khoảng 3.776 tỷ đồng/tháng. Ngoài ra, do giá nhiên liệu tăng nên giá các mặt hàng khác phục vụ cho hoạt động khai thác thủy sản tăng theo khoảng từ 10 đến 15%, kéo theo chi phí đầu vào tăng từ 35 đến 48%. Trong khi, giá bán hải sản tăng không đáng kể.
Những khó khăn trên dẫn đến tình trạng nhiều tàu cá ngừng hoạt động khai thác thủy sản do thu không đủ bù chi phí đầu vào. Tính chung cả nước, đến thời điểm này, có tới 40-55% số tàu cá ngừng hoạt động.
Tình trạng tàu cá nằm bờ chờ xăng dầu giảm giá vẫn tiếp tục diễn ra tại Thanh Hóa. Trao đổi với PV Tiền Phong, ông Lê Văn Thăng, Giám đốc Ban quản lý Cảng cá Hòa Lộc (huyện Hậu Lộc), Phụ trách Ban quản lý Cảng cá Lạch Hới (TP Sầm Sơn cho biết): Số tàu cá của địa phương nằm bờ do giá xăng dầu tăng quá cao, thực trạng này diễn ra ngày càng nghiêm trọng hơn. Hiện nay, có khoảng 30% số tàu (công suất từ 250CV trở lên) của các địa phương ra khơi. Số còn lại phải neo đậu lâu dài ở các âu tránh trú, chờ xăng dầu giảm giá. Đặc biệt các tàu lớn (tàu đóng theo Nghị định 67) với công suất trên 800CV phần lớn là nằm bờ vì chi phí mua dầu quá cao, các chủ tàu không thể bù lỗ. Hiện nay, chỉ có các tàu công suất nhỏ, hoạt động ở khu vực gần bờ.
“Mặc dù các chủ tàu có tăng giá bán hải sản khai thác được, song việc tăng giá này cũng không thể bù lỗ do chi phí xăng dầu tăng liên tục. Nhiều chủ tàu cá trong tình trạng tiến thoái lưỡng nan, chưa có phương hướng giải quyết tình trạng này nếu giá xăng dầu không giảm. Theo một số chủ tàu đang có tàu nằm bờ thì trong những ngày tới, để giữ chân người lao động, dù phải bù lỗ, họ vẫn phải cố cho tàu ra khơi”- ông Lê Văn Thăng cho biết thêm.
Thực tế tàu đánh cá và cả ngư dân đều phải “nằm bờ” gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến thu nhập, đời sống và an sinh xã hội của cộng đồng ngư dân. Đa số ngư dân ở các tỉnh ven biển đã phải ngừng sản xuất, không tìm được việc làm phù hợp trên bờ, không có thu nhập, tác động tiêu cực đến chuỗi cung ứng thủy sản cho tiêu dùng trong nước và xuất khẩu.
Mặt khác, số lượng tàu cá ngừng sản xuất, không thường xuyên hiện diện trên các vùng biển còn phần nào ảnh hưởng đến vấn đề bảo vệ chủ quyền biển đảo.
Để kịp thời hỗ trợ cho ngư dân đảm bảo đời sống, Bộ NN&PTNT đã kiến nghị Bộ Công Thương và Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội xem xét, đề xuất Chính phủ có chính sách hỗ trợ an sinh xã hội cho thuyền viên tàu cá. Cụ thể, đối tượng hỗ trợ gồm các thuyền viên làm việc trên tàu cá đang phải tạm ngừng hoạt động sản xuất do giá nhiên liệu tăng. Thời gian hỗ trợ trước mắt là 6 tháng.
Mức hỗ trợ theo mức lương tối thiểu theo vùng áp dụng đối với người lao động quy định tại Nghị định số 90/2019/NĐ-CP ngày 15/11/2019 của Chính phủ.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận