Giá xăng dầu trong nước ngày mai có thể giảm nhẹ
Giá dầu thế giới biến động theo chiều hướng đi xuống, tạo cơ hội để giá xăng dầu trong nước có thể được điều chỉnh giảm nhẹ trong kỳ điều hành ngày mai 14/11.
Theo đó, nếu các cơ quan quản lý không trích hay chi quỹ bình ổn thì giá xăng được dự báo có thể giảm 100 - 250 đồng/lít, còn giá dầu giảm từ 80 - 300 đồng/lít,kg.
Trong khi đó, mô hình dự báo giá xăng dầu của Viện Dầu khí Việt Nam (VPI) cho thấy, tại kỳ điều hành ngày mai 14/11, giá xăng dầu có thể giảm 0,5 - 2%.
Cụ thể, VPI dự báo giá bán lẻ xăng E5 RON92 có thể giảm 101 đồng, tương đương 0,5%, về mức 19.639 đồng/lít, còn xăng RON95 có thể giảm 183 đồng, tương đương 0,9%, về mức 20.667 đồng/lít. Trong khi đó giá dầu mazut có thể giảm 2% về mức 16.057 đồng/kg, dầu diesel dự báo giảm 1,4% về mức 19.079 đồng/lít và dầu hỏa có thể giảm 1,1% về mức 19.079 đồng/lít.
VPI cũng cho rằng liên bộ Tài chính - Công Thương kỳ này sẽ tiếp tục không trích lập hay chi sử dụng Quỹ bình ổn giá xăng dầu.
Ở kỳ điều hành ngày 7/11, giá xăng E5 RON92 tăng 336 đồng/lít, không cao hơn 19.744 đồng/lít; giá xăng RON95 tăng 351 đồng/lít, không cao hơn 20.854 đồng/lít.
Trong khi đó, giá nhiều loại dầu cũng tăng: giá dầu diesel tăng 769 đồng/lít, lên 18.917 đồng/lít; giá dầu hỏa tăng 461 đồng/lít, lên 19.294 đồng/lít. Ngược lại, giá dầu mazut giảm 67 đồng/kg, không cao hơn 16.394 đồng/kg.
Trên thị trường thế giới lúc đầu giờ sáng nay (13/11), giá dầu WTI giảm 0,15 USD, tương đương 0,22 %, xuống mức 67,97 USD/thùng. Giá dầu Brent tăng 0,06 USD, tương đương 0,08%, lên mức 71,89 USD/thùng.
Giá dầu đứng ở ngưỡng thấp do các nhà đầu tư tiếp nhận thông tin OPEC cắt giảm dự báo về tăng trưởng nhu cầu, đồng USD mạnh và sự thất vọng về kế hoạch kích thích mới nhất của Trung Quốc.
OPEC cho biết, nhu cầu dầu thế giới sẽ tăng 1,82 triệu thùng/ngày trong năm nay, giảm so với dự báo tăng trưởng 1,93 triệu thùng/ngày vào tháng trước. Tổ chức này cũng cắt giảm ước tính tăng trưởng nhu cầu toàn cầu năm 2025 từ 1,64 triệu thùng/ngày xuống 1,54 triệu thùng/ngày.
Đầu tháng, OPEC và các đồng minh (OPEC+) đã quyết định hoãn kế hoạch tăng sản lượng vào tháng 12 trong bối cảnh giá giảm.
Gaurav Sharma, nhà phân tích dầu mỏ độc lập tại London nhận xét: Nhu cầu của Trung Quốc vẫn ảm đạm. Thêm vào đó, việc OPEC can thiệp vào nguồn cung không mang lại tác động mong muốn.
Theo các nhà phân tích, các biện pháp kích thích kinh tế của Trung Quốc hồi cuối tuần trước không đủ mạnh để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, trong bối cảnh Mỹ có thể sẽ áp thuế nhập khẩu tới 60% đối với hàng hóa xuất khẩu từ Trung Quốc khi Tổng thống Mỹ đắc cử Donald Trump chính thức nắm quyền.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận