Giá xăng dầu tăng dựng đứng đe dọa đà phục hồi kinh tế sau COVID-19
Nhiều chuyên gia, doanh nghiệp lo ngại việc giá xăng dầu không ngừng leo thang sẽ tác động tiêu cực đến quá trình phục hồi của nền kinh tế sau dịch COVID-19.
Liên bộ Công Thương - Tài chính vừa công bố điều chỉnh giá xăng dầu, trong đó xăng E5RON92 tăng thêm 1.430 đồng/lít, lên mức 23.110 đồng/lít; xăng RON95-III tăng thêm 1.460 đồng/lít, lên mức 24.330 đồng/lít.
Đây là kỳ tăng giá lần thứ tư liên tiếp từ 10/9 đến nay khiến giá xăng RON 95 đã lên mức cao nhất kể từ tháng 9/2014.
Xăng dầu là đầu vào của hầu hết các ngành, lĩnh vực sản xuất và đời sống của người dân. Do đó, giới chuyên gia lo ngại, việc giá xăng dầu tăng mạnh sẽ hình thành mặt bằng giá mới, không chỉ ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp mà còn gây khó khăn cho quá trình hồi phục kinh tế sau đại dịch.
Đang ngắc ngoải vì dịch, nay “chết hẳn” vì giá xăng
Trả lời VTC News chiều 26/10, ông Ông Đỗ Văn Bằng, Giám đốc Công ty TNHH Minh Thành Phát, đơn vị sở hữu thương hiệu vận tải Sao Việt, cho biết doanh nghiệp gần như “chết đứng” giữa hai gọng kìm COVID-19 và giá nhiên liệu xăng, dầu tăng phi mã.
Trong khi đó, ông Khúc Hữu Thanh Hải, Giám đốc Công ty cổ phần Vận tải và thương mại dịch vụ Đất Cảng, thông tin, giá xăng dầu tăng cao đã tác động mạnh đến hoạt động vận tải nói chung và tình hình kinh doanh của công ty Đất Cảng nói riêng.
Ông Tô Quang Học, Giám đốc Công ty TNHH Phiệt Học Số 5, than thở doanh nghiệp đang chưa biết tính sao khi giá nhiên liệu liên tục tăng chóng mặt. Theo ông Học, giá xăng dầu chiếm 30 – 40% đơn giá vận chuyển nên việc xăng dầu tăng giá ngay lập tức ảnh hưởng đến chi phí. Nhưng khó khăn là doanh nghiệp không thể ngay lập tức tăng giá cước vì mỗi chuyến chỉ lèo tèo vài khách.
Cản trở phục hồi kinh tế sau COVID-19
Nhiều chuyên gia đánh giá, giá xăng tăng quá cao sẽ thúc đẩy lạm phát, tác động tiêu cực đến tình hình kinh tế vĩ mô và phục hồi sản xuất sau dịch COVID-19.
Theo chuyên gia Nguyễn Bích Lâm, nguyên Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê (Bộ Kế hoạch và Đầu tư), kinh tế Việt Nam phụ thuộc nhiều vào nguyên vật liệu nhập khẩu từ bên ngoài, với tỷ lệ chi phí nguyên vật liệu nhập khẩu trong tổng chi phí nguyên vật liệu của toàn nền kinh tế là 37%. Khi giá xăng dầu thế giới tăng sẽ làm tăng giá nguyên vật liệu nhập khẩu và nguyên vật liệu trong nước.
Trong hoạt động sản xuất hàng hoá và dịch vụ, tuỳ theo quy trình sản xuất của mỗi ngành, có thể thấy hầu hết các ngành dù nhiều hay ít đều sử dụng xăng dầu. Chi phí xăng dầu chiếm khoảng 3,52% trong tổng chi phí sản xuất của toàn nền kinh tế. Điều này cho thấy xăng dầu chiếm tỷ trọng khá cao và tác động mạnh vào giá thành sản phẩm sản xuất.
Giá xăng dầu tăng cũng tác động rất mạnh tới các ngành sử dụng nhiều xăng dầu như đánh bắt thủy sản, vận tải hàng hoá và hành khách đường bộ, đường thuỷ và đường hàng không.
Bên cạnh tác động trực tiếp làm tăng giá thành sản phẩm, giá xăng dầu tăng còn làm tăng giá hàng hóa trong khâu lưu thông, tạo áp lực lên lạm phát, giảm sức cạnh tranh của hàng hoá sản xuất trong nước, tác động xấu đến tăng trưởng kinh tế.
PGS.TS Ngô Trí Long, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu thị trường giá cả (Bộ Tài chính), nhìn nhận Việt Nam đang mở cửa trở lại nền kinh tế, việc giá xăng tăng cao sẽ ảnh hưởng đến quá trình hồi phục sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp sau thời gian dài ngưng trệ.
Khi giá xăng dầu tăng, đồng nghĩa với chi phí sản xuất tăng và kéo theo giá cả các mặt hàng từ lương thực, thực phẩm, vật liệu xây dựng... sẽ tăng theo, ảnh hưởng đến chi tiêu của người dân. Đơn cử với ngành vận tải, chi phí xăng, dầu chiếm 40% giá cước vận tải, nên giá xăng dầu tăng chắc chắn cước vận tải tăng theo.
Theo ông Bùi Danh Liên, Phó Chủ tịch Hiệp hội Vận tải Hà Nội, giá xăng dầu chiếm khoảng 35 - 40% chi phí đầu vào của ngành vận tải nên khi giá xăng, dầu biến động tăng cao sẽ ảnh hưởng rất lớn đến hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp.
“Giá nhiên liệu đầu vào tăng liên tục tăng và tăng cao như thời gian qua đã ảnh hưởng rất xấu đến hoạt động kinh doanh vận tải. Trong khi dịch bệnh diễn biến phức tạp, doanh nghiệp trong lĩnh vực vận tải đau đầu vì phải tính toán các phương án cân đối chi phí phát sinh để không lỗ, không mất khách hàng”, ông Liên nói.
Ngoài ra, giá xăng dầu tăng còn kéo theo chi phí sản xuất tăng, khiến giá cả các mặt hàng từ lương thực, thực phẩm, vật liệu xây dựng... sẽ tăng theo, ảnh hưởng đến chi tiêu của người dân.
“Việc giá xăng dầu tăng sẽ có nguy cơ đẩy giá các mặt hàng theo kiểu “té nước theo mưa”, khiến hầu hết các mặt hàng đều tăng giá, ảnh hưởng rất lớn đến đời sống người dân", ông Liên nhấn mạnh.
Kìm giá xăng dầu cách nào?
Theo chuyên gia Ngô Trí Long, Việt Nam hiện nhập khẩu khẩu xăng dầu để chế biến và lượng lớn cho tiêu dùng nên diễn biến giá xăng dầu thế giới tăng mạnh chắc chắn tác động đến giá bán lẻ xăng dầu trong nước.
Từ nay đến cuối năm, giá xăng dầu trong nước sẽ có nhiều biến động, nhất là khi sản xuất, giao thông vận tải đang dần được mở cửa trở lại.
Trong bối cảnh quỹ bình ổn không còn dư dả thì cần cân nhắc, xem xét giảm thuế và phí trong cơ cấu giá xăng dầu để kìm đà tăng phi mã của mặt hàng thiết yếu này, giảm chi phí đầu vào cho doanh nghiệp.
Tuy vậy, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu thị trường giá cả nhấn manh việc giảm thuế sẽ rất khó khăn do ngân sách không nhiều trong khi nguồn thu từ xăng dầu là cân đối lớn của nhà nước.
Còn ông Bùi Danh Liên cho rằng, về lâu dài, ngoài tính toán sử dụng quỹ bình ổn cho linh hoạt, hợp lý thì cần tiến tới xây dựng thị trường xăng dầu cạnh tranh, cho nhiều doanh nghiệp vào tham gia, để thị trường tự điều tiết giá xăng dầu.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận