24HMoney
Install 24HMoneyTải App
copy link
menu
Hà Diệu Thu
24HMoney đã kiểm duyệt 24HMONEY đã kiểm duyệt

Giá xăng dầu phi mã, chuyên gia nêu bốn kiến nghị giảm tác động tiêu cực

Từ đầu năm đến nay (3/3), Việt Nam đã có 5 lần tăng giá xăng, với mức tăng khoảng 12-13%, tùy loại và có thể còn tăng. Điều này có tác động đáng kể đến nền kinh tế...

Trong năm 2021, giá năng lượng, trong đó có giá dầu tăng mạnh (67%) và đến nay (3/3/2022), giá dầu vẫn tiếp tục tăng mạnh (36,8% so với đầu năm) và có thể còn tăng trong thời gian tới chủ yếu do quan hệ cung-cầu và yếu tố địa chính trị (căng thẳng Nga - Ukraine). Trong khi Chính phủ các nước sản xuất và xuất khẩu dầu khí; các doanh nghiệp ngành dầu khí được hưởng lợi thì đối với hầu hết các nền kinh tế, doanh nghiệp và người dân bị ảnh hưởng nghiêm trọng.

Giá dầu bình quân năm 2021 đạt 69,07 USD/thùng, tăng 67,3% so với năm 2020. Trong đó, giá dầu Brent thế giới tăng mạnh và đạt mức 79,2 USD/thùng vào ngày cuối năm. Từ giữa tháng 2/2022, giá dầu tiếp tục tăng do căng thẳng giữa Nga và Ukraine ngày càng leo thang; trong đó, so với ngày 23/2/2022, trước khi căng thẳng Nga-Ukraine xảy ra, giá dầu thô ngọt nhẹ của Mỹ (WTI) giao tháng 4 đã có thời điểm (ngày 03/03) tăng 26%, giao dịch ở mức 115,76 USD/thùng; còn giá dầu thô Brent tăng 28,1%, lên mức 119,71 USD/thùng - là mức cao nhất trong vòng 10 năm qua.

NGUYÊN NHÂN GIÁ XĂNG DẦU TĂNG CAO

Nhìn chung, theo chúng tôi, ba nguyên nhân chủ yếu khiến giá xăng dầu tăng là quan hệ cung – cầu, rủi ro địa chính trị (nhất là chiến sự Nga – Ukraine) và khả năng điều tiết dự trữ xăng dầu.

Về phía cầu, nhu cầu về dầu đạt kỷ lục trong năm 2022. Theo dự báo của Cơ quan Thông tin Năng lượng Mỹ (EIA), nhu cầu sử dụng dầu trên thế giới năm 2022 sẽ đạt mức trung bình 100,63 triệu thùng/ngày, tăng 3,5 triệu thùng/ngày (tăng khoảng 3,5%) so với năm 2021 và cao hơn mức 100,3 triệu thùng/ngày vào năm 2019 (trước dịch Covid-19). Về trung và dài hạn, nhu cầu dầu sẽ tăng lên khi dịch bệnh được kiểm soát và tác động của đại dịch Covid-19 không còn mạnh mẽ như trước. Cụ thể, nhu cầu tiêu thụ dầu sẽ tăng dần lên từ tháng 7 và đạt đỉnh khoảng 100,63 triệu thùng/ngày vào tháng 12/2022.
Giá xăng dầu phi mã, chuyên gia nêu bốn kiến nghị giảm tác động tiêu cực
Về phía cung, nguồn cung dầu trên thế giới bị giảm sút và có thể đứt gãy do các yếu tố chính trị, nhất là chiến sự Nga - Ukraine. Cụ thể:
Thứ nhất, các quốc gia trong OPEC chưa đưa ra được thống nhất về việc nâng sản lượng khai thác dầu mỏ ở mức 600 nghìn thùng/ngày vào cuộc họp cuối năm 2021. Theo đó, do những tác động của dịch Covid-19 và vấn đề môi trường, chỉ có 3 thành viên OPEC là Saudi Arabia, UAE và Iraq có đủ lực để tăng nhanh nguồn cung. Thậm chí, kế hoạch tăng 400 nghìn thùng/ngày của OPEC cũng bị ảnh hưởng do nguyên nhân kể trên, nên cũng chỉ mới tăng được 250 nghìn thùng/ngày và tại cuộc họp vừa qua, khối này thống nhất giữ nguyên kế hoạch tăng 400 nghìn thùng/ngày.

Nga là nhà cung cấp khí đốt lớn cho EU, việc xuất khẩu khí đốt tự nhiên của Nga sang Châu Âu bị gián đoạn có thể buộc một số công ty tiện ích phải sản xuất nhiều điện hơn bằng cách đốt dầu chứ không phải khí đốt. Điều đó sẽ làm tăng nhu cầu và giá dầu trên toàn thế giới. Rủi ro này là khó dự báo nhất do Tổng thống Nga V.Putin vốn dĩ là người khó đoán.

Ông Andy Lipow - Chủ tịch của Lipow Oil Associates

Thứ hai, chiến sự Nga – Ukraine và các biện pháp trừng phạt lẫn nhau có thể khiến chuỗi cung ứng dầu toàn cầu bị đứt gãy. Năm 2021, Nga là nhà cung cấp dầu và khí tự nhiên lớn nhất của Liên minh châu Âu - EU (khoảng 40%). Căng thẳng với Ukraine leo thang, khó lường và kéo dài khiến giá mặt hàng này tăng cao hơn. Dự báo, nguồn cung có thể bị thiếu hụt bởi căng thẳng địa chính trị Nga, Ukraine và phương Tây. Năm 2021, Nga xuất khẩu 4,3 triệu thùng/ngày ra thị trường thế giới (không bao gồm các nước thuộc Liên Xô cũ) và dự kiến cung cấp khoảng 4,5 triệu thùng/ngày (chiếm khoảng 4,5% tổng lượng cung) trong năm 2022.

Theo ông Andy Lipow - Chủ tịch của Lipow Oil Associates, giá dầu có thể tăng lên 110 USD/thùng khi Nga cắt đứt 3 triệu thùng dầu/ngày cho Châu Âu. Việc gián đoạn tuyến vận chuyển từ Nga qua Ukraina hoặc sự phá hoại các đường ống khác ở Bắc Âu, sẽ làm tê liệt phần lớn lục địa và làm biến dạng chuỗi cung ứng năng lượng toàn cầu. Ngoài ra, việc Mỹ và EU áp dụng các biện pháp trừng phạt đối với Nga, kiểm soát nhập khẩu đối với Nga, hạn chế khả năng tiếp cận máy móc và thiết bị, công nghệ khai thác…v.v. khiến giảm dần sản lượng dầu khai thác tại Nga.

Thứ ba, chưa đạt được thỏa thuận mới về hạt nhân giữa Mỹ và Iran. Mỹ đã ban hành một số lệnh trừng phạt đối với ngành dầu mỏ của Iran, khiến nguồn cung dầu mỏ bị thiếu hụt. Việc Mỹ và Iran khôi phục thỏa thuận hạt nhân từ ngày (08/02/2022) được hy vọng sẽ góp phần chặn đà tăng giá của giá dầu.

Đối với nguồn cung trong nước của Việt Nam, việc nhà máy lọc dầu Nghi Sơn (chiếm 35% thị phần thị trường) cắt giảm công suất 40-45% khiến nguồn cung trong nước bị thiếu hụt, buộc phải tăng cường nhập khẩu xăng dầu từ nước ngoài cũng khiến giá xăng dầu trong nước chịu áp lực tăng giá.

Về khả năng điều tiết dự trữ xăng dầu, theo Tổ chức Năng lượng Quốc tế (IEA), hiện nay tổng dự trữ dầu chiến lược của tất cả các nước thành viên IEA cuối năm 2021 khoảng 4,16 tỷ thùng (trong đó, của Mỹ là 582,4 triệu thùng, chiếm 14%). Ngày 1/3/2022, Mỹ cùng với 30 quốc gia thuộc khối này đã cam kết bổ sung 60 triệu thùng trong 30 ngày, trong đó riêng Mỹ sẽ bổ sung 30 triệu thùng. Đây là lần thứ 4 Tổ chức IEA này thực hiện bổ sung chiến lược kể từ khi thành lập (năm 1974 khi khủng hoảng dầu xảy ra). Tháng 11/2021, Mỹ cũng đã bổ sung 50 triệu thùng nhằm giảm giá xăng dầu. Lượng dầu bổ sung khá nhỏ so với tổng dự trữ, nhưng rõ ràng đây chỉ là giải pháp tình thế, không phải là giải pháp lâu dài bù đắp thiếu hụt nguồn cung từ Nga.

DỰ BÁO GIÁ DẦU TRONG NĂM 2022

Về triển vọng giá dầu đến hết năm 2022, hầu hết các tổ chức quốc tế đều dự báo giá dầu sẽ còn tăng, dựa trên một số nhận định: (i) Chiến sự Nga - Ukraine và các biện pháp trừng phạt lẫn nhau ảnh hưởng tới chuỗi cung ứng dầu toàn cầu và khả năng chấm dứt còn khó đoán; (ii) Dịch bệnh được kiểm soát tốt hơn, các hoạt động kinh tế - xã hội tiếp tục phục hồi, kinh tế thế giới dự báo tăng trưởng 3-3,5% năm 2022 (đã tính đến tác động của chiến sự Nga – Ukraine), trước khi trở về quỹ đạo tăng trưởng 2,5-3%/năm giai đoạn 2023-2025, khiến nhu cầu về xăng dầu tiếp tục tăng; (iii) Khả năng tăng cung ứng của các nước thuộc khối OPEC+ chưa thể làm ngay được như nêu trên; và (iv) Khả năng sử dụng quỹ dự trữ dầu chiến lược cũng chỉ có thể tiến hành 2-3 lần.

Như vậy, có thể thấy hiện nay giá dầu đang chịu áp lực kép tiếp đà tăng, do phía cầu tăng lên trong khi phía cung chưa tăng tương ứng, thậm chí có thể bị giảm do đứt gãy nguồn cung. Hệ quả là giá dầu được dự báo sẽ duy trì ở mức cao trong năm 2022.

Sau khi căng thẳng giữa Nga và Ukraine diễn ra, JPMorgan đã nâng mức dự báo giá dầu Brent năm 2022 có thời điểm sẽ ở mức 150 USD/thùng (đối với kịch bản xấu nhất) - đây sẽ là mức giá cao nhất trong lịch sử.

Theo Goldman Sachs (2/2022), giá dầu sẽ tiếp tục tăng và sẽ đạt mức giá trung bình năm 2022 là 96 USD/thùng. Tuy nhiên, Cơ quan Thông tin Năng lượng Mỹ (2/2022) lại cho rằng giá dầu sẽ giảm xuống mức trung bình 87 USD/thùng trong quý 2/2022 và 75 USD/thùng vào quý 4/2022 với kỳ vọng sản lượng dầu từ OPEC +, Mỹ và các nước ngoài OPEC khác đẩy nhanh tốc độ tăng trưởng tiêu thụ dầu toàn cầu, và giá dầu bình quân cả năm chỉ khoảng 82 USD/thùng. Như vậy, có thể thấy các dự báo giá dầu năm 2022 rất khác nhau, nhưng đều có nhận định chung là sẽ tăng khá mạnh, từ 20% đến gần 40% so với bình quân năm 2021.

Giá xăng dầu phi mã, chuyên gia nêu bốn kiến nghị giảm tác động tiêu cực

TÁC ĐỘNG ĐỐI VỚI KINH TẾ THẾ GIỚI

Việc giá dầu tăng mạnh sẽ có tác động tích cực nhất định (chủ yếu là cục bộ) đến những quốc gia có nguồn thu ngân sách lớn từ dầu mỏ. Theo ước tính của Moody’s, các quốc gia như Nga, Canada và các quốc gia Trung Đông (75-90% ngân sách chính phủ của Ả Rập Xê Út đến từ dầu mỏ) là các quốc gia được hưởng lợi nhiều nhất.

Về tác động tiêu cực (là chủ yếu), chúng tôi nhận định có ít nhất 3 tác động tiêu cực.

Thứ nhất, ảnh hưởng tiêu cực đến hoạt động sản xuất - kinh doanh, đầu tư, tiêu dùng, giảm đà phục hồi kinh tế sau đại dịch Covid-19. Tại đa số các nền kinh tế, năng lượng (xăng dầu, khí đốt) là chìa khóa quan trọng đối với mọi tổ chức, doanh nghiệp, người dân.
Thứ hai, giá xăng dầu tăng kéo theo áp lực tăng giá đối với các hàng hóa khác, từ đó gây lên áp lực lạm phát toàn cầu. Goldman Sachs và 1 số tổ chức khác (2/2022) ước tính việc giá dầu bình quân tăng lên 30-40% sẽ nâng mức lạm phát toàn cầu lên 0,4-0,5 điểm phần trăm.
Thứ ba, làm giảm tốc độ tăng trưởng kinh tế toàn cầu. Khi giá xăng dầu tăng lên, quỹ chi tiêu của người dân cũng bị giảm xuống và nhu cầu đối với các hàng hóa khác giảm xuống, làm giảm chi tiêu của toàn xã hội. Theo Moody’s, khi giá dầu cứ tăng 10 USD, tăng trưởng toàn cầu sẽ giảm 0,1 điểm % năm sau đó. Với dự báo giá dầu bình quân tăng 30-40%, có thể khiến kinh tế thế giới giảm 0,2-0,3 điểm % tăng trưởng.

TÁC ĐỘNG ĐỐI VỚI KINH TẾ VIỆT NAM

Căng thẳng địa chính trị giữa Nga, Ukraine và phương Tây dẫn đến việc giá dầu trên thế giới đã tăng mạnh trong tháng 2 năm 2022. Từ đầu năm đến nay (3/3), Việt Nam đã có 5 lần tăng giá xăng, với mức tăng khoảng 12-13% (tùy loại) và có thể còn tăng, có tác động đáng kể đến nền kinh tế.

Về mặt tích cực (chủ yếu là cục bộ), các tác động này chỉ mang lại lợi cho một số bộ phận của nền kinh tế.
Thứ nhất, làm tăng nguồn thu ngân sách nhà nước từ dầu thô. Năm 2021, trong bối cảnh kinh tế gặp phải nhiều khó khăn khi đối mặt với đại dịch Covid-19, nguồn thu thực tế từ dầu thô đã đạt 35,2 nghìn tỷ đồng (tăng 51% so với dự toán năm 2021), góp phần giúp thu ngân sách Nhà nước vượt dự toán 16,4%. Trong giai đoạn 2017-2021, thu từ dầu thô đóng góp cho ngân sách Nhà nước khoảng 2-4%. Ngoài ra, các loại thuế từ xăng, dầu (như thuế xuất - nhập khẩu, thuế VAT, thuế tiêu thụ đặc biệt…) cũng tăng lên làm tăng nguồn thu ngân sách, góp phần giảm thâm hụt ngân sách, nợ công.
Giá xăng dầu phi mã, chuyên gia nêu bốn kiến nghị giảm tác động tiêu cực

Do đó, dầu thô tăng giá sẽ góp phần làm tăng nguồn thu ngân sách (khoảng 10.000-16.000 tỷ đồng, nếu giá dầu tăng bình quân 30-40% năm 2022 so với năm trước).

Thứ hai, tác động tích cực đến ngành khai khoáng, hiện đóng góp khoảng 7,8% trong cơ cấu GDP. Đối với một số doanh nghiệp khai thác dầu khí là hoạt động cốt lõi như PVN, PVD, GAS… thì giá dầu tăng sẽ làm tăng nguồn doanh thu; từ đó thúc đẩy các kế hoạch khai thác, thăm dò của năm 2022, cũng như các năm tiếp theo. Theo đó, tiền nộp thuế thu nhập từ cổ tức của những doanh nghiệp này vào NSNN cũng tăng tương ứng.

Về mặt tiêu cực (là chủ yếu), chúng tôi nhận diện có bốn tác động tiêu cực chính sau đây.

Một là, giá xăng dầu tăng làm tăng chi phí nhập khẩu xăng dầu, qua đó làm tăng nhập siêu, đặc biệt là trong bối cảnh Việt Nam nhập siêu xăng, dầu từ năm 2015 đến nay. Theo Tổng cục Hải quan, tổng giá trị nhập khẩu xăng dầu năm 2021 của Việt Nam là 9,4 tỷ USD, tăng 2,7 tỷ USD so với năm 2020; dẫn đến thâm hụt 6,3 tỷ USD. Việc giá xăng dầu tăng lên trong năm 2022 sẽ khiến giá trị nhập siêu xăng dầu tăng.

Đối với kịch bản giá dầu năm 2022 trung bình tăng 30% so với năm 2021 cùng dự báo nhu cầu xăng dầu tăng khoảng 10% do các hoạt động kinh tế xã hội được phục hồi khi đó ước tính nhập siêu xăng dầu sẽ thâm hụt khoảng 9 tỷ USD (trong đó: giá trị xuất khẩu dầu thô và xăng dầu ước đạt 4,4 tỷ USD, giá trị nhập khẩu ước đạt 13,4 tỷ USD).

Hai là, giá xăng dầu tăng tác động tiêu cực đối với tiêu dùng của người dân và hoạt động của doanh nghiệp. Năm 2021, giá xăng sau đợt điều chỉnh cuối cùng (25/12/2021) đã tăng 40% so với đầu năm.

Từ đầu năm 2022 đến nay, giá xăng đã tăng 5 lần, với mức tăng khoảng 12%. Do giá xăng dầu tăng, người dân phải chi tiêu nhiều hơn cho sinh hoạt hàng ngày (nhất là giao thông). Đồng thời, việc giá xăng dầu tăng cũng là áp lực khiến các mặt hàng tiêu dùng tăng giá theo gây ảnh hưởng đến cuộc sống của người dân. Chi tiêu cho xăng dầu chiếm 1,5% trong tổng tiêu dùng cuối cùng của hộ gia đình. Khi giá xăng dầu tăng cao, hộ gia đình sẽ cơ cấu lại và cắt giảm một phần chi tiêu, điều này sẽ làm giảm tổng cầu của nền kinh tế.

Giá xăng dầu phi mã, chuyên gia nêu bốn kiến nghị giảm tác động tiêu cực

Đồng thời, giá dầu tăng cũng ảnh hưởng đến hoạt động của các doanh nghiệp. Kinh tế Việt Nam phụ thuộc nhiều vào nguồn nguyên vật liệu nhập khẩu từ bên ngoài, với tỷ lệ chi phí nguyên vật liệu nhập khẩu trong tổng chi phí nguyên vật liệu toàn nền kinh tế khoảng 37% (theo Tổng cục Thống kê). Khi giá dầu tăng làm tăng giá nguyên vật liệu đầu vào làm tăng chi phí sản xuất (chi phí xăng dầu chiếm khoảng 3,52% trong tổng chi phí sản xuất năm 2021). Một số ngành sẽ chịu ảnh hưởng lớn hơn do có chi phí xăng dầu chiếm tỉ trọng lớn như: vận tải, hóa chất, phân bón, sản xuất nhựa...

Ba là, giá dầu duy trì ở mức cao sẽ làm giảm đà phục hồi kinh tế của Việt Nam nói chung và hiệu quả của Chương trình phục hồi, phát triển kinh tế xã hội 2022-2023 của Chính phủ nói riêng. Khi đó, các mục tiêu tăng trưởng 6-6,5% và duy trì ổn định kinh tế vĩ mô, đặc biệt là kiểm soát lạm phát sẽ gặp nhiều thách thức hơn.

Theo ước tính từ Tổng cục Thống kê, GDP Việt Nam có thể giảm 0,5 điểm % nếu giá xăng dầu tăng 10%. Đối với năm 2022, nếu giá xăng dầu tăng bình quân 30-40%, GDP cả năm sẽ giảm khoảng 1,2-1,5 điểm phần trăm.

Giá xăng dầu tăng cao sẽ tác động cả trực tiếp và gián tiếp: (i) sẽ tác động trực tiếp và mạnh tới giá thành sản phẩm khi chi phí xăng dầu chiếm 3,52% tổng chi phí sản xuất của toàn nền kinh tế; (ii) Gián tiếp làm tăng giá hàng hoá và dịch vụ trong khâu lưu thông, tạo áp lực lạm phát, giảm sức cạnh tranh của hàng hoá, dịch vụ trong nước, giảm sức mua và nhu cầu tiêu dùng của nền kinh tế; từ đó, tác động tiêu cực tới tăng trưởng kinh tế. Theo ước tính từ Tổng cục Thống kê, GDP Việt Nam có thể giảm 0,5 điểm % nếu giá xăng dầu tăng 10%. Đối với năm 2022, nếu giá xăng dầu tăng bình quân 30-40%, GDP cả năm sẽ giảm khoảng 1,2-1,5 điểm %; (iii) sẽ làm giảm hiệu quả của Chương trình phục hồi, phát triển kinh tế xã hội 2022-2023 mà Chính phủ đang triển khai (nhất là chính sách tài khóa cắt giảm 2% thuế GTGT nhằm kích cầu tiêu dùng, kích thích tăng trưởng và giảm áp lực lạm phát, khiến giảm thu ngân sách, mục tiêu tăng trưởng khó khăn hơn trong khi lạm phát vẫn tăng cao).

Bốn là, giá xăng dầu tăng cao khiến áp lực lạm phát tăng cao. Giá xăng dầu tăng mạnh tác động sẽ tác động trực tiếp đến nhóm giao thông, nhóm nhà ở, điện nước, chất đốt và vật liệu xây dựng (các nhóm này chiếm đến 28,5% trong rổ hàng hóa tính CPI), đồng thời tác động vòng 2, vòng 3… đến các nhóm hàng hóa khác và gây áp lực lên CPI tổng thể.

Theo tính toán của Viện Đào tạo và Nghiên cứu BIDV, nếu giá xăng dầu bình quân năm 2022 tăng 30%-40% so với năm 2021, CPI sẽ tăng thêm 0,3-0,4 điểm %, khiến CPI bình quân cả năm tăng lên mức khoảng 3,8-4,2%.

BỐN KIẾN NGHỊ

Để giảm thiểu những tác động tiêu cực của việc giá xăng dầu tăng mạnh, hỗ trợ tích cực cho ổn định kinh tế vĩ mô, thúc đẩy phục hồi, tăng trưởng của Việt Nam trong năm 2022 và sau này, chúng tôi có 4 kiến nghị chính như sau:

Thứ nhất, Bộ Tài chính phối hợp với Ngân hàng Nhà nước, bộ, ngành liên quan tăng cường theo dõi sát diễn biến giá dầu, trong đó cần tính toán tác động của kịch bản giá dầu ở mức 90-100 USD/thùng, tăng bình quân 30-40% so với năm 2021 để có những biện pháp ứng phó phù hợp. Phát huy và tiếp tục nâng cao hiệu quả phối hợp chính sách tài khóa, chính sách tiền tệ và chính sách giá cả (bao gồm cả việc cân nhắc thời điểm điều chỉnh giá hàng hóa do Nhà nước quản lý), đảm bảo hiệu quả Chương trình phục hồi, đạt mục tiêu tăng trưởng GDP 6-6,5%, kiềm chế lạm phát ở mức khoảng 4%.
Thứ hai, nâng cao và đa dạng hóa nguồn cung xăng dầu dài hạn. Bộ Công thương chủ trì, có giải pháp tổng thể đảm bảo đầy đủ nguồn cung xăng dầu lâu dài hơn cho nền kinh tế. Đặc biệt, Chính phủ sớm cho phép mở rộng, nâng cao năng lực dự trữ xăng dầu đáp ứng nhu cầu của nền kinh tế, giảm bớt lệ thuộc và tác động của giá xăng dầu thế giới tăng cao đến sự ổn định và phát triển kinh tế trong nước. Đồng thời, đa hóa hóa nguồn cung cả trong và ngoài nước; nghiên cứu nguồn cung thay thế, đảm bảo ổn định hơn nguồn cung trong nước, nhất là trong bối cảnh căng thẳng Nga - Ukraine leo thang.
Thứ ba, các cơ quan chức năng cần phân tích những yếu tố về cơ sở giá, thuế và phí xăng dầu để đề xuất điều chỉnh phù hợp; đồng thời, rà soát, đánh giá và phối hợp nhịp nhàng để sử dụng Quỹ bình ổn giá xăng dầu sát thị trường, hiệu quả hơn nữa, nhất là về tần suất, thời điểm và mức độ bình ổn một cách linh hoạt, phù hợp.

Về lâu dài, Chính phủ chỉ đạo cân nhắc phương án tối ưu (giữa việc có duy trì hay không duy trì Quỹ bình ổn này) trên cơ sở rà soát, đánh giá khoa học, thực tiễn, phù hợp bối cảnh Việt Nam.

Thứ tư, về quản lý giá xăng dầu. Chính phủ chỉ đạo rà soát, đánh giá và có phương án quản lý gia xăng dầu phù hợp, căn cơ hơn nữa. Cần có giải pháp tổng thể, đồng bộ trong cung ứng, điều tiết hệ thống phân phối, tránh đứt đoạn nguồn cung, tăng cường công khai minh bạch, hiệu quả của hệ thống kiểm tra, giám sát, hạn chế trục lợi, ảnh hưởng tới đời sống người dân và hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp.
Theo dõi 24HMoney trên GoogleNews

Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?

Liên hệ 24HMONEY ngay

Cảnh báo Nhà đầu tư lưu ý
Cảnh báo
Cơ quan chủ quản: Công ty TNHH 24HMoney. Địa chỉ: Tầng 5 - Toà nhà Geleximco - 36 Hoàng Cầu, P.Ô Chợ Dừa, Quận Đống Đa, Hà Nội. Giấy phép mạng xã hội số 203/GP-BTTTT do BỘ THÔNG TIN VÀ TRUYỀN THÔNG cấp ngày 09/06/2023 (thay thế cho Giấy phép mạng xã hội số 103/GP-BTTTT cấp ngày 25/3/2019). Chịu trách nhiệm nội dung: Phạm Đình Bằng. Email: support@24hmoney.vn. Hotline: 038.509.6665. Liên hệ: 0908.822.699

Điều khoản và chính sách sử dụng



copy link
Quét mã QR để tải app 24HMoney - Giúp bạn đầu tư an toàn, hiệu quả