Giá xăng cao kỷ lục, siêu thị bật chế độ 'kềm giá'
Chiều 1-3, giá xăng dầu tiếp tục tăng thêm 540-550 đồng/lít, lên cao nhất từ trước tới nay, đã tạo áp lực lớn hơn lên mặt bằng giá cả thị trường hàng hóa.
Nhiều hệ thống phân phối, nhà bán lẻ cho biết trước đó đã nhận được đề nghị điều chỉnh giá bán từ nhà cung cấp, nhưng tâm lý chung là nhà bán lẻ cố gắng trì hoãn việc tăng giá, thậm chí hệ thống Saigon Co.op đã bật chế độ "kềm" giá bình ổn để giữ chân khách hàng.
Chúng tôi đang cố gắng trì hoãn việc tăng giá nhằm chia sẻ áp lực chi tiêu của người tiêu dùng. Hiện tại chúng tôi đang làm việc với nhà cung cấp để giữ mức giá bình ổn và hợp lý nhất trong bối cảnh thị trường đang dưới sức ép tăng giá mới.
Đại diện nhà bán lẻ Thuần Việt
Nhiều áp lực tăng giá
Đợt xăng tăng chiều 1-3 là lần tăng thứ 6 liên tiếp và đợt tăng thứ 5 trong năm nay.
Giám đốc một doanh nghiệp ngành chế biến thực phẩm cho biết giá xăng dầu tăng kéo theo chi phí vận chuyển, chi phí bao bì tăng, khiến đầu vào sản xuất của doanh nghiệp đội lên ít nhất 20% so với trước.
"Xăng dầu là nguyên liệu cơ bản để vận hành quá trình sản xuất nên có thể nói tất cả các ngành hàng đều bị ảnh hưởng về giá bởi điều chỉnh này", vị này cho biết.
Trong đợt tăng giá này, các nhà sản xuất còn phải "gánh" thêm giá nguyên vật liệu như bột mì, dầu ăn, hương liệu... cũng tăng mạnh.
Đến nay, rất nhiều nhà sản xuất cho biết vẫn cố gắng cầm cự chưa thông báo giá mới vì lượng hàng tồn trong Tết vẫn còn, trong khi sức mua khá bấp bênh vì diễn tiến mới của dịch bệnh vẫn khó lường. Tuy nhiên, với một số ngành hàng thực phẩm khô, thực phẩm chế biến, thức uống giải khát... nhà cung cấp đã đề nghị điều chỉnh giá.
Với trường hợp tăng giá, các nhà bán lẻ cho biết đang tiếp tục làm việc với các nhà cung cấp, tình hình đến nay vẫn ổn định, chưa nhiều biến động. Trong trường hợp nếu có điều chỉnh tăng cũng sẽ không có đợt tăng đồng loạt hay tăng quá cao.
Đại diện Liên hiệp Hợp tác xã thương mại TP.HCM (Saigon Co.op) khẳng định đến thời điểm này các hệ thống bán lẻ trực thuộc đơn vị vẫn thực hiện tốt sứ mệnh bình ổn giá để đem đến bữa ăn đầy đủ, chất lượng, tiết kiệm cho người tiêu dùng do đã có kế hoạch dự trữ từ sớm.
Nhiều mặt hàng thiết yếu vẫn được giảm giá
Cũng theo đại diện Saigon Co.op, với ngành hàng hóa mỹ phẩm, chất tẩy rửa, thông thường các đơn hàng chốt ổn định giá từ 2-3 tháng. Nhiều nhóm hàng nhà cung cấp muốn tăng thì phải thông báo trước ít nhất một tháng nên biến động giá cả trước mắt là chưa lớn.
Riêng với nhóm hàng tươi sống, hệ thống Co.opmart và Co.opXtra hiện đang thực hiện các chương trình khuyến mãi, trong đó phần lớn là các mặt hàng lương thực thực phẩm thiết yếu nhằm chia sẻ áp lực chi tiêu cùng người tiêu dùng.
Cụ thể, từ nay đến hết ngày 16-3, Co.opmart/Co.opXtra sẽ thực hiện giảm giá từ 10% đến 50% cho hàng ngàn sản phẩm nhu yếu gồm thịt heo, thủy hải sản, rau củ quả, trái cây, một số loại sữa, dầu ăn, mì ăn liền, gạo, đường, nước mắm, đồ dùng gia đình...
Các sản phẩm giảm giá rất đa dạng, như thịt heo xay, cốtlết, nạc đùi vai, chân giò... hay thịt gà gồm đùi gà góc tư, má đùi gà, cánh gà chiên, má đùi gà chiên....
Nhóm hàng thủy hải sản như tôm thẻ, lườn cá hồi, cá điêu hồng làm sạch, cá lóc đen làm sạch, đầu cá hồi đông lạnh, philê cá basa, cá trứng đông lạnh, cá cam đông lạnh cũng được thiết kế giảm giá luân phiên, nhằm giảm gánh nặng chi phí bữa cơm gia đình.
Trong đó, mặt hàng được quan tâm là rau củ quả, nông sản, nhờ thực hiện chính sách ký hợp đồng và cam kết với các đơn vị sản xuất và cung ứng hàng hóa tại nhiều địa phương trong cả nước lâu dài nên nguồn cung các nhóm hàng này vẫn đang ổn định.
Các chương trình này cũng góp phần hỗ trợ sản xuất lâu dài cho nông dân cũng như ổn định tiêu thụ, chất lượng, vì thế rất được bà con hợp tác. Hiện giá các mặt hàng rau củ quả như bí đỏ tròn, dưa leo, su su, cải caron, bí ngòi xanh, bí đỏ giống Mỹ, khoai mỡ, củ dền, bắp cải thảo, dưa leo baby Co.op Select... vẫn rất tốt, một số còn giảm nhẹ vì đang vào thời điểm thu hoạch.
Sức bật từ khuyến mãi cho các dịp lễ
Dù ghi nhận nỗ lực giữ giá của các nhà bán lẻ, nhưng nhiều chuyên gia cho rằng để giữ sức mua, các nhà bán lẻ cần những đợt "kích cầu" đánh trúng tâm lý người mua thông qua các chương trình khuyến mãi, lễ hội mua sắm ý nghĩa.
Theo Công ty nghiên cứu thị trường Nielsen, ngay khi dịch dần ổn định, các nhà bán lẻ và công ty sản xuất cần đầu tư rất nhiều vào hoạt động khuyến mãi và giảm giá cho các lễ hội lớn kéo sức mua. Mặc dù chi tiêu của người dân sẽ eo hẹp hơn nhưng người tiêu dùng vẫn sẵn sàng đối đãi tốt với bản thân trong mùa lễ hội bằng cách tìm kiếm các sản phẩm cao cấp mà họ nhận thấy có giá trị.
Ngoài mặt hàng thiết yếu, nhiều nhà bán lẻ cũng không bỏ qua dịp lễ 8-3 để kéo sức mua. Saigon Co.op cho biết đã phối hợp với các nhãn hàng hóa mỹ phẩm có tiếng như Pantene, Ôliv, Enchanteur, Double Rich, Olay... cho ra mắt các hộp quà phiên bản đặc biệt với thiết kế tươi tắn và bắt mắt để chào mừng Ngày quốc tế phụ nữ 8-3 sắp tới.
Cũng tại hệ thống này, các chương trình khuyến mãi nổi bật đặc biệt còn được kể đến là chương trình "Mua nhiều ưu đãi lớn" giảm giá tốt khi khách hàng mua các sản phẩm thứ 2, 4, 6 cùng loại của một số sản phẩm thuộc ngành hàng hóa phẩm, đồ dùng và may mặc.
Chương trình "Giá sốc giảm tận gốc", giảm giá sốc lên đến 50% cho một số sản phẩm đồ dùng, hóa phẩm và may mặc. Chương trình "Siêu ưu đãi" với hóa đơn trị giá 300.000 đồng được mua sản phẩm với giá ưu đãi lên đến 50%.
"Các chương trình được thiết kế để người tiêu dùng cảm thấy họ được chia sẻ gánh nặng chi tiêu và quan trọng hơn là mua sắm hợp lý, đúng giá trị", đại diện Saigon Co.op bày tỏ.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận