Giá vé máy bay tăng "nóng": Hiệp hội doanh nghiệp hàng không nói gì?
Để kích cầu, một số hãng lữ hành giảm giá tour, nhà nghỉ khách sạn, nhà nghỉ giảm giá. Tuy nhiên, giá vé máy bay đang tăng khá cao, khoảng20- 30%. Nhiều than phiền, đi du lịch trong nước hiện đắt hơn đi nước ngoài.
Đi du lịch trong nước đắt hơn đi nước ngoài!
Tại Hội nghị về tình hình và các đề xuất, giải pháp tháo gỡ khó khăn, hỗ trợ sản xuất kinh doanh 6 tháng cuối năm 2022 được Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KH&ĐT) tổ chức sáng nay 27/6 tại Hà Nội, xung quanh chuyện giá vé máy bay tăng "nóng", đại diện Bộ KH&ĐT, Hiệp hội Du lịch Việt Nam, Hiệp hội Doanh nghiệp hàng không đều lên tiếng.
Theo Bộ trưởng Bộ KH&ĐT, có ý kiến của người dân cho rằng hiện nay giá vé máy bay đang tăng mạnh, doanh nghiệp và Cục Hàng không lại đề xuất tăng giá trần, có thể làm giá vé máy bay tăng thêm do các hãng nới giá vé đến trần.
"Nhiều người đang nói là chi phí đi du lịch trong nước đang đắt hơn đi nước ngoài, đặc biệt là sang Thái Lan", Bộ trưởng Nguyễn Chí Đũng nêu vấn đề.
Tại Hội nghị, TS. Bùi Doãn Nề, Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký, Hiệp hội Doanh nghiệp hàng không Việt Nam (VABA) cho biết, đề nghị tăng giá vé máy bay dựa trên tính toán giá trần theo giá nguyên liệu đầu vào.
Tính toán phân bổ giá vé của các doanh nghiệp là từ thấp lên đến cao, chạm trần để từ đó khống chế giá trần. Việc xây dựng giá vé trần được thực hiện khi dầu thô ở mức 80 USD/thùng, nay giá dầu thô đã tăng trên 112 USD/thùng, khiến các loại chi phí về giá xăng dầu cho máy bay tăng cao, là căn cứ để đề xuất nâng giá trần.
Trả lời về lo ngại giá vé máy bay của Việt Nam tăng cao, có thể gây bất lợi trong cuộc cạnh tranh quốc tế với các hãng bay khác, ông Nề khẳng định: "So với giá vé máy bay của các hãng quốc tế, giá vé máy bay bình quân của Việt Nam cạnh tranh. Tuy nhiên, nếu biến động giá thêm, chúng ta sẽ mất cơ hội cạnh tranh vào tay các hãng bay nước ngoài. Chúng tôi khảo sát các doanh nghiệp, các tuyến bay đêm, sáng sớm cần tăng cường để cạnh tranh".
Về chi phí của các hãng bay nước ngoài có thể rẻ hơn trong nước ở các tuyến bay nội địa của họ, ông Nề cho rằng: "Đây là vấn đề liên quan đến chính sách hỗ trợ của Chính phủ các nước".
Theo ông Nề, các doanh nghiệp hàng không tha thiết đề nghị giảm nhanh thuế bảo vệ môi trường về 0%, điều này giúp cho doanh nghiệp giảm bớt gánh nặng chi phí. Nếu các biện pháp hỗ trợ được đưa ra nhanh, mạnh và thị trường hàng không dần ổn định trở lại, bước vào năm 2024 ngành hàng không mới kịp hồi phục.
Tại Hội nghị, ông Vũ Thế Bình, Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Việt Nam cho rằng: Giá cả các tour du lịch, nhà nghỉ, khách sạn sau thời gian doanh nghiệp chịu tác động nặng nề của đại dịch, họ kích cầu số lượng lớn nên giá thành khá rẻ. Tuy nhiên, giá vé máy bay hiện nay đang rất cao, nên việc kích cầu du lịch nội địa khó khăn.
Theo ông Bình, các hãng bay có cung cấp giá rẻ, nhưng chủ yếu là bán theo tour, còn bán ra cho khách hàng mua tại thời điểm hiện nay rất đắt đỏ.
"Quan trọng nhất là ngành du lịch và các hãng vận tải, đặc biệt hãng bay chưa ngồi lại được với nhau, vẫn mạnh ai nấy làm, một mình một phách. Chính vì vậy, hiệu quả của chính sách chưa cao", ông Bình cho hay.
Theo Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng, Việt Nam muốn kích cầu du lịch sau đại dịch, nhưng mỗi ngành nghề làm một kiểu, mạnh ai nấy làm. Nhiều người than phiền với tôi là đi du lịch trong nước còn đắt hơn cả sang nước ngoài, đặc biệt là đi sang các nước ASEAN như Thái Lan.
"Vậy, để hiệu quả chính sách, giữ được chân khách nội địa, phải ngồi cùng lại, bàn lại với nhau để giảm chi phí, kích cầu không nên mạnh ai nấy làm như hiện nay", Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cho hay.
Mới đây, Cục Hàng không Việt Nam đề xuất điều chỉnh mức trần khung giá dịch vụ vận chuyển hành khách nội địa về mức quy định thời điểm năm 2014 (tăng trung bình 3,75% so với khung giá quy định hiện hành). Trong đó, đường bay dưới 500 km giữ nguyên mức giá, từ 500 km đến 850 km tăng từ 2,2 triệu đồng lên 2,25 triệu đồng. Từ 850 km đến dưới 1.000 km tăng từ 2,79 triệu đồng lên 2,89 triệu đồng. Tăng cao nhất là 2 đường bay từ 1.000 km và từ 1.280 km trở lên, với mức tăng lần lượt từ 3,2 triệu lên 3,4 triệu đồng và 3,75 triệu lên 4 triệu đồng.
Cục Hàng không cho rằng giá dịch vụ vận chuyển hành khách nội địa đang được thực hiện theo cơ chế giá linh hoạt, các hãng kê khai dải giá với nhiều mức giá từ thấp đến cao tùy theo điều kiện vé, thời điểm xuất vé, tình hình thị trường... Thông thường, số lượng vé được bán với mức giá cao nhất (giá trần) chiếm tỷ trọng rất nhỏ.
"Việc điều chỉnh khung giá dịch vụ vận chuyển không đồng nghĩa với việc các hãng hàng không đồng loạt tăng giá vé mà ngược lại, chính sách sẽ tạo điều kiện cho các hãng tiếp tục thực hiện chính sách giá vé linh hoạt", Cục Hàng không nêu.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận