Giá vàng vẫn còn 'cửa' tăng
Tính đến thời điểm này, giá vàng trên thị trường quốc tế đã tăng khoảng 15%. Hội đồng vàng thế giới dự báo, trong nửa năm tới, giá vàng sẽ dao động trong các biên độ hiện tại nhưng cũng có thể tăng tiếp nếu lãi suất giảm, rủi ro kinh tế suy thoái tăng lên và bất ổn địa chính trị dai dẳng.
Trung Quốc tiếp tục dừng mua vàng
Theo dữ liệu của PBoC, công bố vào hôm qua (7-7), khối lượng vàng nắm giữ của ngân hàng này vào cuối tháng 6 không thay đổi so với một tháng trước đó. Trong tháng 5, PBoC lần đầu tiên dừng bổ sung thêm vàng vào kho dự trữ ngoại hối sau 18 tháng mua liên tiếp. Như vậy, PBoC đã không mua vàng trong 2 tháng qua sau khi giá lên mức cao kỷ lục.
Tuy nhiên, các nhà phân tích vẫn tin rằng, PBoC sẽ mua vàng trở lại khi nền kinh tế lớn thứ hai thế giới tiếp tục đa dạng hóa tài sản dự trữ và phòng ngừa rủi ro đồng nhân dân tệ mất giá hơn nữa. Theo cuộc khảo sát mới đây của Hội đồng vàng thế giới (WGC), khoảng 20 ngân hàng trung ương có kế hoạch tăng nắm giữ vàng trong 12-18 tháng tới.
Tuy nhiên, WGC cảnh báo, động thái dừng mua vàng tháng thứ hai liên tiếp của Trung Quốc có thể kích thích hoạt động chốt lời của nhà đầu tư trong ngắn hạn. Hồi đầu tháng 6, khi PBoC thông báo dữ liệu cho thấy, ngân hàng này không mua thêm vàng trong tháng 5, vàng trải qua phiên giao dịch giảm giá mạnh nhất trong gần 3 năm.
Ngược lại với Trung Quốc, Ấn Độ đang đẩy mạnh mua vàng. Dựa vào dữ liệu hàng tuần của RBI, nhà phân tích Krishan Gopaul của WGC, ước tính Ấn Độ đã mua thêm hơn 9 tấn vàng trong tháng Sáu. Đây là khối lượng vàng mua hàng tháng lớn của RBI kể từ tháng 7-2022. Trong năm nay, RBI đã bổ sung tổng cộng 38 tấn vàng vào kho dự trữ ngoại hối, đưa tổng lượng vàng nắm giữ lên 841 tấn.
Lực mua của khu vực ngân hàng trung ương là động lực chính đẩy giá vàng lên mức cao nhất mọi thời đại, hơn 2.400 đô la Mỹ/ounce trong tháng 5. Trong những năm gần đây, Ấn Độ là một trong nước mua vàng lớn nhất, bên cạnh Trung Quốc và Thổ Nhĩ Kỳ.
Giá vàng vẫn có thể tăng
Tính đến thời điểm này, giá vàng trên thị trường quốc tế đã tăng khoảng 15% nhờ nhu cầu của các ngân hàng trung ương, nhà đầu tư và người tiêu dùng ở châu Á cũng như bất ổn địa chính trị dai dẳng. Trái lại, nhu cầu của nhà đầu tư của phương Tây vẫn yếu ớt. Trong phần lớn thời gian của quí 2, giá vàng giao dịch trên mức 2.300 đô la Mỹ/ounce bất chấp lãi suất duy trì ở các mức cao trên toàn cầu và đồng đô la mạnh lên.
WGC cho rằng, trong những tháng tới, xu hướng tăng giảm của giá vàng sẽ phụ thuộc vào mức độ thay đổi của các yếu tố lớn: lãi suất, rủi ro suy thoái kinh tế, căng thẳng địa chính trị, hoạt động chốt lời và nhu cầu của khu vực ngân hàng trung ương.
Báo cáo của WGC lưu ý, lực mua suy yếu của khu vực ngân hàng trung ương trong nửa cuối năm nay là rủi ro chính, có thể kìm hãm đà tăng của giá vàng. Nhu cầu vàng của khu vực này chiếm ít nhất 10% mức tăng của giá vàng trong năm 2023 và ước tính đóng góp khoảng 5% trong mức tăng giá của kim loại quí này trong năm nay.
Nhà đầu tư ở châu Á tiếp tục mua vàng sau khi giá giảm từ mức cao kỷ lục. WGC ghi nhận, giá trị tài sản quản lý ở các các quỹ hoán đổi danh mục (ETF) vàng ở Trung Quốc và Ấn Độ tăng lên đáng kể trong thời gian gần đây.
WGC lưu ý, ngành trang sức và công nghệ chiếm hơn 40% nhu cầu vàng toàn cầu hàng năm. Lực mua của người tiêu dùng đóng vai trò quan trọng cho hiệu suất tăng giá của vàng. Tuy nhiên, nhu cầu vàng đang chậm lại ở Trung Quốc và Ấn Độ khi giá tăng cao. WGC hy vọng, triển vọng tăng trưởng kinh tế tích cực có thể làm giảm bớt sự thận trọng này.
Về cơ bản, WGC dự báo, trong nửa cuối năm, giá vàng sẽ dao động trong các biên độ hiện tại nhưng cũng có thể tăng tiếp nếu lãi suất giảm, rủi ro kinh tế suy thoái tăng lên và bất ổn địa chính trị dai dẳng. Theo WGC, dù giá vàng đạt mức cao kỷ lục trong nửa đầu năm nhưng nhu cầu toàn cầu chưa bão hòa. Nhà đầu tư phương Tây vẫn chưa nhập cuộc. Dữ liệu cho thấy, các quỹ ETF vàng ở phương Tây chứng kiến vốn bị rút ròng trong nửa đầu năm nay.
Theo Juan Carlos Artigas, giám đốc nghiên cứu của WGC, nếu lãi suất giảm vào cuối năm và bất ổn kinh tế tăng lên, điều này sẽ thu hút nhà đầu tư phương Tây quay trở lại thị trường vàng.
Ông cho rằng, thị trường vàng đang chờ đợi một chất xúc tác. “Giống như nền kinh tế cầu, thị trường vàng đang chờ đợi một chất xúc tác để đẩy giá tăng lên. Điều này có thể diễn ra dưới dạng dòng tiền đầu tư của nhà phương Tây hoặc các thước đo rủi ro tăng lên. Dù triển vọng của thị trường vàng vẫn đối mặt nhiều thách thức, chắc chắn vàng ngày càng được yêu thích trong các chiến lược phân bổ bổ tài sản”, Artigas nói.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận