Giá vàng tăng mạnh: Nguyên nhân và dự báo
Với ảnh hưởng từ thị trường chứng khoán ảm đạm, lãi suất tiền gửi thấp, nền kinh tế chưa hoàn toàn phục hồi hậu đại dịch COVID-19, người dân theo đó vẫn có tâm lý tìm đến vàng như một kênh trú ẩn tài sản.
Chỉ trong thời gian ngắn vừa qua, giá vàng thế giới và trong nước liên tục tăng mạnh. Trong khi giá vàng thế giới chính thức vượt mốc 2.000 USD/ounce để quay lại vùng đỉnh lịch sử thì giá vàng SJC trong nước cũng vượt mức 73 triệu đồng/lượng, thậm chí giá vàng nhẫn còn lập kỷ lục mới, lên gần 62 triệu đồng/lượng. Có thể thấy thị trường vàng trong nước thời gian qua có những biến động khó lường khi giá dao động với biên độ lớn. Đặc biệt, vào ngày 28/11, giá vàng đã tăng sốc với mức cao nhất là 1 triệu đồng lên quanh ngưỡng 73.5 triệu đồng/lượng.
Nguyên nhân dẫn tới sự tăng giá chóng mặt của kim loại quý này trong những tháng gần đây xuất phát từ những yếu tố trong nước và quốc tế. Theo đó, thị trường chứng khoán trong nước ảm đạm vào cuối quý III và đầu quý IV, nhu cầu mua vàng trang sức trong dịp cuối năm kết hợp với tình hình xung đột địa chính trị, biến động kinh tế thế giới vẫn tiếp tục xảy ra và chưa có dấu hiệu hạ nhiệt là những nguyên nhân chính khiến giá vàng tăng mạnh.
Các yếu tố trong nước
Yếu tố trong nước đầu tiên có thể kể đến chính là sự suy yếu của các kênh đầu tư trên thị trường. Theo đó, thị trường chứng khoán Việt Nam sau nhịp tăng giá ấn tượng trong quý II và đầu quý III đã sụt giảm nghiêm trọng trong những tháng cuối năm. Cụ thể, trong tháng 9 và tháng 10 năm 2023, chỉ số VN-Index đã ghi nhận mức giảm hơn 15%, từ 1234,98 điểm vào phiên giao dịch ngày 5/9 xuống chỉ còn 1.042,40 điểm khi kết thúc phiên giao dịch ngày 30/10 (tương ứng mức giảm 192,58 điểm). Đặc biệt, chứng khoán Việt Nam trở thành một trong những thị trường có diễn biến tiêu cực nhất trên thế giới trong tháng 10.
Thống kê của trang Stockq.org cho thấy, trong tuần cuối cùng của tháng 10, VN-Index giảm hơn 7%, và là thị trường giảm mạnh nhất thế giới tính riêng tháng 10. Chính sự sụt giảm của thị trường chứng khoán khiến nhiều nhà đầu tư có tâm lý e ngại rủi ro và quyết định không rót vốn vào thị trường này, kết hợp với việc lãi suất tiền gửi đang trong xu hướng giảm mạnh trong khoảng thời gian gần đây khiến một phần dòng tiền dịch chuyển dần sang kim loại quý, điều này khiến giá vàng trong nước tăng giá.
Thứ hai, nhu cầu mua vàng trang sức tại Việt Nam có xu hướng tăng nhanh trong những năm gần đây, và đặc biệt là trong những tháng cuối năm khi nhu cầu đám cưới và lễ Tết có sự gia tăng.
Theo nghiên cứu mới đây của công ty môi giới tài chính Forex Suggest, có trụ sở tại Luxembourg, Việt Nam là quốc gia có nhu cầu vàng trang sức tăng mạnh nhất thế giới năm 2022, với mức tăng 51% so với năm 2021. Nhu cầu vàng nữ trang sức tại Việt Nam bắt đầu tăng nhanh kể từ năm 2005. Theo sau Việt Nam là các tiểu vương quốc Ả Rập thống nhất (UAE) và Australia với mức tăng lần lượt là 38% và 30%.
Trong khi đó, xét về mức tăng nhu cầu vàng nói chung, Việt Nam đứng thứ ba thế giới trong năm 2022 với 37% so với năm 2021, theo sau Ai Cập (55%) và Iran (38%). Mặc dù đại dịch COVID-19 khiến người tiêu dùng Việt Nam có xu hướng dè chừng khi mua hàng hóa giá trị cao như vàng. Tuy nhiên, doanh thu vàng vẫn tăng mạnh vào cuối năm 2022 khi kinh tế Việt Nam phục hồi mạnh mẽ sau đại dịch và niềm tin của người tiêu dùng tăng lên.
Điều này lý giải cho việc giá vàng nhẫn trong nước liên tục lập kỷ lục mới. Theo đó, kết thúc ngày 28/11, giá vàng nhẫn lên cao nhất lịch sử, đang được niêm yết tại mức 60,6-61,7 triệu đồng/lượng (mua vào – bán ra), tăng 300.000 đồng mỗi chiều. Chênh lệch giữa 2 chiều là 1,1 triệu đồng. Đặc biệt, trong tuần trước đó, vàng nhẫn cũng đã tăng 7 phiên liên tiếp. So với mức giá khoảng 54 triệu đồng/lượng hồi đầu năm, vàng nhẫn đã tăng hơn 14%.
Các yếu tố quốc tế
Bên cạnh những yếu tố trong nước, tình hình xung đột địa chính trị, biến động kinh tế thế giới vẫn tiếp tục xảy ra và chưa có dấu hiệu hạ nhiệt là những nguyên nhân chính khiến giá vàng tăng mạnh.
Thứ nhất, xung đột địa chính trị vẫn diễn ra căng thẳng trên phạm vi toàn cầu. Sau gần hai tháng từ thời điểm đầu tháng 10/2023, xung đột Israel - Hamas vẫn đang diễn biến phức tạp và có nguy cơ lan rộng, làm gia tăng hàng loạt thách thức đối với nền kinh tế thế giới vốn chưa thoát khỏi tình trạng bấp ổn sau đại dịch COVID-19 và những hệ lụy từ xung đột giữa Nga-Ukraine. Không chỉ vậy, Hoa Kỳ đang lo ngại Iran có khả năng cung cấp tên lửa đạn đạo phục vụ chiến sự ở Ukraine dẫn đến bất ổn tại khu vực này ngày càng gia tăng. Theo đó, xung đột và căng thẳng địa chính trị có thể gây ảnh hưởng tiêu cực đến tình hình kinh tế toàn cầu. Nếu xung đột kéo dài và lan rộng, có thể gây ra sự không chắc chắn và gia tăng lo ngại cho các nhà đầu tư. Điều này có thể làm tăng nhu cầu mua vàng như một tài sản trú ẩn an toàn và đẩy giá vàng tăng mạnh.
Thứ hai, chỉ số DXY (thước đo sức mạnh của đồng bạc xanh với rổ 6 đồng tiền chủ chốt) đã bắt đầu suy yếu sau nhịp tăng dài từ giữa quý II đến giữa quý IV. Theo đó, sau khi tạo đỉnh vào ngày 3/10 tại mức 107, chỉ số DXY đã liên tục giảm trong hai tháng trở lại đây. Kết thúc ngày 27/11, chỉ số này đã tụt xuống mức 103,2, mức thấp nhất kể từ ngày 30/8.
Nguyên nhân sự suy giảm này xuất phát từ việc Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) lần thứ hai trong năm nay không tăng lãi suất, giữ lãi suất ở vùng 5,25 - 5,5%/năm, trong bối cảnh thị trường việc làm của Hoa Kỳ yếu dần, tỷ lệ thất nghiệp tăng và lạm phát giảm, đồng nghĩa với các đợt tăng lãi suất trước đó đang phát huy tác dụng và có thể khiến Fed ít có khả năng tăng mạnh lãi suất trong tương lai.
Dự báo giá vàng trong thời gian tới
Thực tế cho thấy, các yếu tố trong nước và quốc tế vẫn đang tạo điều kiện thuận lợi cho xu hướng tăng của giá vàng.
Ở trong nước, nhu cầu mua vàng của người dân vào dịp cuối năm khả năng cao sẽ gia tăng theo chu kỳ thường niên, kết hợp với việc thị trường chứng khoán ảm đạm, lãi suất tiền gửi thấp và các cơ hội kinh doanh còn tiềm ẩn nhiều rủi ro khi nền kinh tế vẫn chưa hoàn toàn phục hồi sau đại dịch COVID-19, dẫn đến việc dòng tiền vẫn sẽ tìm tới các tài sản trú ẩn, trong đó vàng là ưu tiên hàng đầu khi tâm lý "mua vàng còn giữ được giá" của người dân vẫn còn khá thịnh hành.
Ngoài ra, giá vàng miếng trong nước chỉ còn cách kỷ lục 74 triệu đồng/lượng ghi nhận hồi đầu tháng 3/2022 không xa. Vào thời điểm đó, giá vàng trong nước cao hơn giá vàng thế giới quy đổi 17 triệu đồng/lượng. Hiện tại, mức chênh khoảng 12 triệu đồng/lượng. Do đó, nhiều khả năng, giá vàng miếng ở thị trường Việt Nam sẽ lập kỷ lục mới bởi dư địa còn rất lớn.
Ở khía cạnh quốc tế, chính sách tiền tệ của Fed vẫn được đánh giá là một trong những yếu tố tiên quyết tác động tới giá vàng trong thời gian sắp tới. Theo đó, trong cuộc họp tháng 11 vừa qua, Fed đã phát đi tín hiệu ngừng chu kỳ tăng lãi suất và có thể bắt đầu chu kỳ giảm lãi suất từ giữa năm 2024 ngay lập tức khiến giá vàng tăng chóng mặt.
Việc Fed dừng tăng lãi suất cho thấy chính sách tiền tệ của nước này đã có tín hiệu đảo chiều, bắt đầu chuyển sang nới lỏng hơn dẫn tới việc chỉ số đồng USD (DXY) lao dốc mạnh giúp giá vàng hưởng lợi. Mặc dù chỉ số giá tiêu dùng (CPI) toàn phần tháng 8 của Hoa Kỳ tăng mạnh hơn dự báo, với mức tăng mạnh nhất 14 tháng, do giá năng lượng tăng. Tuy nhiên, lạm phát lõi - thước đo không bao gồm hai nhóm mặt hàng có mức độ biến động lớn là thực phẩm và năng lượng - vẫn tiếp tục xu hướng giảm về phía mục tiêu 2% mà Fed đề ra cho lạm phát cả năm, củng cố quan điểm Fed đã đi đến chặng cuối của chu kỳ thắt chặt tiền tệ.
Bên cạnh đó, nhu cầu vàng của nhiều ngân hàng trung ương trên thế giới vẫn liên tục duy trì ở mức cao và được nhận định sẽ tiếp tục gia tăng trong bối cảnh thế giới đầy bất định. Báo cáo Xu hướng Nhu cầu Vàng của Hội đồng Vàng Thế giới quý III/2023 vừa công bố cho thấy các ngân hàng trung ương tiếp tục duy trì tốc độ mua vàng ở mức kỷ lục, đưa nhu cầu vàng toàn cầu trong quý III (không bao gồm thị trường OTC) chạm mức 1.147 tấn, vượt 8% so với trung bình trong 5 năm.
Dữ liệu từ Hội đồng Vàng Thế giới ghi nhận đây là quý có sức mua ròng nhiều thứ ba của ngân hàng trung ương, đạt 337 tấn. Mặc dù chưa phá được kỷ lục cùng kỳ của năm 2022 nhưng nhu cầu tính từ đầu năm đã đạt 800 tấn, thiết lập kỷ lục mới. Trong đó, ngân hàng trung ương của các quốc gia châu Á như Trung Quốc, Ấn Độ đang có nhu cầu vàng ngày càng tăng. Tháng 10 vừa qua, lượng vàng nhập khẩu của Ấn Độ đạt cao nhất 31 tháng trở lại đây.
Tổng quát lại, việc giá vàng tăng mạnh trong khoảng thời gian gần đây xuất phát từ cả yếu tố trong nước và quốc tế. Bên cạnh đó, với bối cảnh hình xung đột địa chính trị, biến động kinh tế thế giới vẫn tiếp tục xảy ra và chưa có dấu hiệu hạ nhiệt, chính sách tiền tệ của Fed có tín hiệu đảo chiều cũng như nhu cầu vàng của các ngân hàng trung ương vẫn duy trì ở mức cao cho thấy giá vàng vẫn còn nhiều dư địa để tiếp tục gia tăng trong khoảng thời gian sắp tới.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận