menu
24hmoney
Install 24HMoneyTải App
copy link
Trần Bằng An

Giá vàng tăng dựng đứng khiến 'kẻ khóc, người cười'

Những ngày gần đây, giá vàng trong nước liên tục tăng mạnh với mức cao nhất trong nhiều tháng qua. Không ít người phấn khởi vì “rủng rỉnh” lãi, ngược lại nhiều trường hợp như “ngồi trên đống lửa” vì lo trả nợ do vay vàng.

Sau cú giảm sâu rồi phục hồi, từ tháng 3 đến giữa tháng 8, giá vàng trong nước biến động nhẹ. Tuy nhiên, từ tháng 9 đến nay, giá vàng miếng SJC tăng dựng đứng với mức điều chỉnh có nơi lên tới hơn 1 triệu đồng/lượng, còn giá vàng nhẫn liên tục lập đỉnh mới.

Lãi hơn 7 triệu đồng/lượng nếu mua từ đầu năm

Giá vàng miếng SJC sáng 29/11 tăng nhanh theo diễn biến thế giới, vượt đỉnh cũ thiết lập vào tháng 3 năm ngoái.

Lúc 10h, Công ty Vàng bạc đá quý Sài Gòn (SJC) nâng chiều mua thêm 700.000 đồng lên 73,2 triệu đồng một lượng. Đây là mức giá mua vào cao nhất lịch sử của SJC, vượt qua cả giai đoạn cao điểm tháng 3 năm ngoái sau khi chiến sự Nga - Ukraine nổ ra.

Ở chiều bán ra, mỗi lượng vàng SJC tăng thêm 900.000 đồng so với hôm qua, lên 74,4 triệu đồng, ngang với mức kỷ lục năm ngoái.

Tại các hệ thống kinh doanh vàng bạc khác, giá vàng miếng SJC lập mức kỷ lục mới. Tập đoàn Vàng bạc đá quý DOJI, giá vàng miếng lên 73,2 triệu đồng chiều mua và 74,6 triệu đồng chiều bán ra. Công ty Vàng bạc đá quý Phú Nhuận (PNJ) niêm yết tại 73,2 - 74,5 triệu đồng.

Giá vàng tăng dựng đứng khiến 'kẻ khóc, người cười'

Nếu mua vàng từ thời điểm đầu năm đến nay, người mua vàng đã lãi khoảng 7,3 triệu đồng/lượng. (Ảnh: Int)

Nếu người mua vàng SJC với giá 67 triệu đồng/lượng hồi đầu năm đến nay đã lãi 7,3 triệu đồng/lượng.

Giá vàng SJC tăng mạnh nhất kể từ năm 2021 đến nay. Còn tính từ năm 2013, mức tăng 6,5 triệu đồng/lượng này chỉ xếp sau mức tăng 13,35 triệu đồng/lượng của năm 2020.

Nhận định về giá vàng, chuyên gia kinh tế Nguyễn Trí Hiếu cho rằng tỷ giá có thể tăng từ nay đến cuối năm, các hoạt động kinh tế còn chậm, đồng Việt Nam có thể tiếp tục mất giá thời gian tới sẽ đẩy giá vàng lên. Khả năng giá vàng miếng có thể tăng lên mức 74 triệu đồng/lượng.

“Nếu giá tăng đúng theo dự báo, người “ôm” vàng có thể lãi khoảng 6 triệu đồng/lượng sau một năm mua kim loại quý này”, ông Hiếu nói.

Tương tự, giá vàng nhẫn cũng liên tục tăng nhanh, thậm chí không ngừng xô đổ kỷ lục, hiện đang được niêm yết tại mức 60,7-61,8 triệu đồng/lượng (mua - bán).

So với cách đây một tuần (ngày 20/11), giá vàng nhẫn tròn trơn vàng rồng Thăng Long đã tăng 1,71 triệu đồng/lượng ở chiều mua vào và tăng 1,76 triệu đồng/lượng ở chiều bán ra; giá vàng nhẫn 9999 của SJC tăng 1,55 triệu đồng/lượng ở chiều mua vào và tăng 1,65 triệu đồng/lượng ở chiều bán ra.

So với mức giá khoảng 54 triệu đồng/lượng hồi đầu năm, giá vàng nhẫn đã tăng hơn 14%. Theo đó, người mua vàng từ đầu năm cũng thu về khoản lãi hơn 6 triệu đồng/lượng.

Các chuyên gia dự báo, giá vàng trong nước sẽ tăng tiếp, khi nhu cầu về vàng, nhất là vàng trang sức tăng ở thời điểm trước Tết và trong Tết, và như vậy, mức lãi của người mua sẽ còn lên nấc cao hơn.

“Méo mặt” vì vay vàng

Chiều ngược lại, giá vàng tăng cao cũng khiến nhiều người vay vàng trước đó giờ méo mặt lo trả nợ khi khoản nợ ngày một phình to.

Theo chia sẻ của chị Ngọc Diệp (Lò Đúc, Hà Nội), năm 2019, vợ chồng chị mua một căn hộ chung cư khoảng 4 tỷ đồng. Vì ngại làm thủ tục để vay ngân hàng, cũng không muốn trả các khoản lãi hàng tháng, hàng quý, trong khi thấy giá vàng nhiều năm ít biến động nên chị quyết định mượn 30 lượng vàng ở thời điểm giá đang ở quanh mức 37,2 triệu đồng/lượng.

Năm 2022, khi đã hòm hòm được số tiền để mua vàng trả nợ thì giá vàng đột ngột tăng dựng đứng, cao nhất lịch sử. Chị đành nói khó với người thân đến cuối năm 2023 sẽ trả, để đợi giá vàng bình ổn trở lại. Thế nhưng chờ mãi giá vàng vẫn không giảm nhiều, thậm chí thời gian gần đây không ngừng tăng phi mã, xấp xỉ trở lại mức kỷ lục năm 2022, và hiện đứng trước nguy cơ tiếp tục tăng cao hơn khiến chị như “ngồi trên đống lửa” khi thời hạn trả nợ gần kề.

Theo nhẩm tính, số vàng chị vay trong năm 2019 quy đổi ra tiền hơn 1 tỷ đồng, nhưng theo giá vàng hiện tại sẽ là hơn 2 tỷ đồng, tăng gấp đôi lúc vay.

“Không nghĩ giờ mình phải trả số tiền lãi cao như thế này. Có thời điểm, tôi định mua vào để chờ giá lên cao bán ra ăn chênh, bù lại số tiền vay bị tăng, nhưng lại lo lắng giá quay đầu giảm mạnh, lỗ lại chồng lỗ, để giờ tiến thoái lưỡng nan”, chị Diệp buồn bã kể.

Trong khi đó, anh Thanh Duy (Đống Đa, Hà Nội) cho biết, năm 2019 vay 10 lượng vàng để mua chiếc xe ô tô hơn 1 tỷ đồng. Đến nay đã đến hạn phải trả nhưng giá vàng tăng cao cũng đang khiến anh đau đầu.

Số vàng anh Duy vay trong năm 2019 quy đổi ra tiền là 372 triệu đồng, nhưng nếu phải trả theo giá vàng hiện nay ước tính sẽ là gần 740 triệu đồng, tăng gấp đôi lúc vay, tức anh phải trả thêm khoảng 370 triệu đồng.

“Nếu vay ngân hàng thời điểm đó, giờ lãi tính ra cũng không cao như vay vàng”, anh Duy chia sẻ.

Trên đây chỉ là hai trong nhiều trường hợp ghi nhận vay vàng đang đứng ngồi không yên vì lo trả nợ bằng vàng. Thậm chí còn không ít trường hợp vay vàng để đầu tư bất động sản với suy nghĩ giá bất động sản lúc nào cũng sẽ tăng nhanh và cao hơn vàng, cứ vay vàng mua đất thì sẽ có lời hơn, và rồi nhận “trái đắng”. Bởi thực tế, vàng là tài sản đầu tư mang tính rủi ro cao, có thể tăng giảm thất thường trong ngắn hạn, còn bất động sản thì không phải lúc nào cũng sốt hoặc muốn bán là đẩy đi ngay được.

Theo các chuyên gia, việc vay vàng trong trường hợp tình huống bắt buộc thì đành chịu, còn với những người muốn đầu tư nhưng lại không hiểu rõ về cơ chế thị trường thì đây là bài học đắt giá.

“Không bao giờ được phép vay tiền của người khác đề đầu tư vào vàng. Nếu giá vàng giảm trái với dự tính, thì người mua vàng sẽ gặp rắc rối lớn về tài chính. Nếu có khả năng tài chính muốn đầu tư vàng vào giai đoạn này thì chỉ nên đầu tư 1/3 số tiền tiết kiệm của mình chứ không nên bỏ tất cả trứng vào một giỏ”, TS. Nguyễn Trí Hiếu nhấn mạnh.

Chuyên gia này cũng khuyến nghị những nhà đầu tư đang “ôm” vàng nên chốt lời, nếu có điểm chốt lời 10% hay 20% thì nên bán ra, không đợi giá lên thêm vì giá có thể đảo chiều bất cứ lúc nào.

Còn ông Huỳnh Trung Khánh, Cố vấn cấp cao Hội đồng Vàng thế giới tại Singapore, Indonesia, Việt Nam cho rằng những ai đang nắm vàng, nếu muốn bán nên chờ bán ở mức giá tốt hơn. Còn với những người muốn đầu tư, việc mua vàng hiện nay có thể rủi ro vì giá tuy đang trong xu thế tăng nhưng cũng có thể giảm bất cứ lúc nào, chưa kể chênh lệch giữa giá vàng trong nước và thế giới đang cao (gần 14 triệu đồng/lượng). Tuy nhiên, những người có tiền nhàn rỗi có thể dành một số tiền nhất định để mua đầu tư dài hạn.

Theo dõi 24HMoney trên GoogleNews
Cảnh báo Nhà đầu tư lưu ý
24HMoney đã kiểm duyệt 24HMoney đã kiểm duyệt

Từ khóa (bấm vào mỗi từ khóa để xem bài cùng chủ đề)

Bạn có muốn trở thành VIP/Pro trên 24HMoney? Hãy liên hệ với chúng tôi SĐT/ Zalo: 0981 935 283.

Để truyền thông cho doanh nghiệp, vui lòng liên hệ SĐT/ Zalo: 0908 822 699.

Hòm thư: phuongpt@24hmoney.vn
Mã liên quan
Giá
Biểu đồ

76,980 N

0.00 (0.00%)

Biểu đồ mã SJC TP HCM

76,980 N

0.00 (0.00%)

Biểu đồ mã Phú Qúy SJC
Xem thêm Xem thêm
Cơ quan chủ quản: Công ty TNHH 24HMoney. Địa chỉ: Tầng 5 - Toà nhà Geleximco - 36 Hoàng Cầu, P.Ô Chợ Dừa, Quận Đống Đa, Hà Nội. Giấy phép mạng xã hội số 203/GP-BTTTT do BỘ THÔNG TIN VÀ TRUYỀN THÔNG cấp ngày 09/06/2023 (thay thế cho Giấy phép mạng xã hội số 103/GP-BTTTT cấp ngày 25/3/2019). Chịu trách nhiệm nội dung: Phạm Đình Bằng. Email: support@24hmoney.vn. Hotline: 038.509.6665. Liên hệ: 0908.822.699

Điều khoản và chính sách sử dụng



copy link
Quét mã QR để tải app 24HMoney - Giúp bạn đầu tư an toàn, hiệu quả