Giá vàng nhẫn lập đỉnh mới, dòng tiền tỷ USD có thể đổ vào một kênh đầu tư
Giá vàng nhẫn liên tục tăng mạnh lên đỉnh mới nhưng giao dịch trầm lắng. Tiền có xu hướng vào sản xuất và tìm tới ngân hàng dịp cuối năm, nhưng cũng rập rình đổ vào một kênh đầu tư sau một số chuyển biến về chính sách.
Giá vàng nhẫn trong phiên giao dịch 26/9 lại lập kỷ lục mới, tăng thêm 100.000-200.000 đồng/lượng, lên 83 triệu đồng một lượng (giá bán), tiếp cận sát nút giá vàng miếng SJC.
Mặc dù giá tăng mạnh và liên tục lập đỉnh cao nhưng giao dịch trên thị trường vàng trầm lắng.
Với vàng miếng SJC, người dân vẫn kêu khó mua được ở mức giá 83,5 triệu đồng/lượng thông qua 4 ngân hàng lớn là BIDV, Vietcombank, VietinBank, Agribank và Công ty TNHH MTV Vàng bạc đá quý Sài Gòn (SJC).
Giao dịch cũng không mấy sôi động với vàng nhẫn trơn. Khi giá vàng tăng mạnh, nhiều cửa hàng giới hạn số lượng bán ra chỉ từ 1-3 chỉ cho mỗi khách hàng; thời gian bán ra cũng rất ngắn, có nơi chỉ 10 phút.
Trên thực tế, quy mô thị trường vàng ở Việt Nam khá nhỏ và giao dịch càng trở nên ít ỏi khi Ngân hàng Nhà nước (NHNN) cùng một số bộ, ngành tham gia giữ ổn định thị trường này.
Nhiều tổ chức tín dụng, như Agribank, NCB, PGBank, BacABank, OceanBank,... tuần cuối tháng 9 có xu hướng điều chỉnh lãi suất huy động tăng so với cuối tháng 8, khoảng 0,1-0,5 điểm phần trăm, tập trung vào các kỳ hạn ngắn. Lãi suất gửi tiết kiệm trực tuyến cũng cao hơn so với lãi suất gửi tại quầy. Một vài ngân hàng có "lãi suất đặc biệt" rất cao, lên tới 8-9,5%/năm, cho các món gửi từ vài trăm tỷ tới nghìn tỷ đồng.
Xu hướng các ngân hàng tăng lãi suất diễn ra trong bối cảnh các tổ chức này đang đẩy mạnh cho vay, nhất là trong quý cuối của năm.
Theo đại diện NHNN, tăng trưởng tín dụng đạt 7,38% trong 8 tháng rưỡi đầu năm nay, thấp so với mục tiêu tăng trưởng 15% trong cả năm.
Trước đó, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu tiếp tục nhất quán thực hiện mục tiêu tăng trưởng tín dụng khoảng 15% cho cả năm 2024. NHNN cuối tháng 8 cũng đã cho phép ngân hàng tự nới "room" tín dụng nếu có tốc độ tăng trưởng tín dụng năm 2024 đạt từ 80% chỉ tiêu được giao đầu năm.
Như vậy, thời gian tới tiền sẽ được đẩy ra nền kinh tế và thị trường nhiều hơn. Đây là một động lực thúc đẩy kinh tế phát triển.
Những tín hiệu mới của dòng tiền
Trên thị trường chứng khoán (TTCK), dòng tiền những tháng qua khá eo hẹp khi khối ngoại rút vốn ròng rất mạnh, còn các nhà đầu tư tổ chức và các doanh nghiệp lớn phải giải quyết nhiều khoản nợ trái phiếu vay vài năm trước. Tiền cũng được dồn cho hoạt động kinh doanh cuối năm.
Tuy nhiên, vài phiên gần đây, dòng tiền có xu hướng đổ vào TTCK mạnh hơn.
Sau nhiều tháng thanh khoản mất hút, các nhà đầu tư dường như chán nản thì hôm 25/9, chứng khoán Việt Nam bất ngờ ghi nhận dòng tiền tỷ USD quay trở lại. Thanh khoản lên mức cao nhất trong 26 phiên, chỉ số VN-Index cũng như VN30-Index tăng đột phá. Các nhà đầu tư nội đổ mạnh tiền vào, các nhà đầu tư ngoại cũng đảo chiều mua ròng.
Sang tới phiên 26/9, dòng tiền vẫn đổ khá mạnh vào TTCK, qua đó kéo chỉ số VN-Index vượt qua ngưỡng cản 1.290 điểm vào đầu phiên chiều. Thanh khoản gần cuối phiên đạt gần 22.000 tỷ đồng trên cả ba sàn, trong đó có 20.000 tỷ đồng trên HoSE.
Dòng tiền bất ngờ trở lại TTCK trong bối cảnh giới đầu tư đón nhận nhiều tín hiệu chính sách tích cực, theo xu hướng hỗ trợ kinh tế phát triển.
Bên cạnh chính sách của Bộ Tài chính cho phép các công ty chứng khoán cung cấp dịch vụ không cần đủ tiền để giao dịch cho nhà đầu tư tổ chức nước ngoài (pre-funding), NHNN cũng đang có những bước đi khá mạnh mẽ, đưa thêm tiền vào nền kinh tế.
Theo Chứng khoán VNDirect, việc bỏ pre-funding giúp TTCK thu hút thêm vốn FII (vốn đầu tư gián tiếp nước ngoài). Đây cũng là một điều kiện quan trọng hỗ trợ TTCK Việt Nam được nâng hạng lên thị trường mới nổi.
Một số dự báo cho rằng những quỹ quản lý tài sản lên tới nhiều nghìn tỷ USD có thể đổ tiền vào chứng khoán Việt Nam.
Mới đây, Chính phủ vừa đề xuất Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét việc đầu tư bổ sung vốn nhà nước tại Ngân hàng TMCP Ngoại thương Việt Nam - Vietcombank (VCB) thông qua hình thức chia cổ tức bằng cổ phiếu. VCB được đề xuất bổ sung thêm 20.695 tỷ đồng để tăng vốn điều lệ.
Việc nâng vốn không chỉ góp phần giúp VCB trong quá trình cơ cấu mà còn hỗ trợ nền kinh tế khi được cung ứng thêm một lượng lớn tín dụng. Đây cũng là một xu hướng đang thấy trên thế giới.
Trong hai phiên 24-25/9, trên thị trường mở, NHNN Việt Nam đẩy mạnh cho các ngân hàng vay cầm cố giấy tờ có giá (OMO), qua đó bơm hàng chục nghìn tỷ cho hệ thống. Cụ thể, hôm 25/9, NHNN đã bơm gần 15.000 tỷ đồng kỳ hạn 7 ngày, lãi suất 4% còn hôm 24/9 bơm ròng hơn 22.500 tỷ đồng.
Dòng tiền đang được đổ mạnh vào hệ thống ngân hàng, qua đó có thể vào nền kinh tế và một phần sang các thị trường khác, trong đó có TTCK. Tiền nhiều sẽ giúp thanh khoản và giá cả hàng hóa tăng lên.
Dù các tín hiệu chính sách kinh tế và dòng tiền là tích cực, nhưng nhiều doanh nghiệp vẫn còn gặp khó kéo dài. Bên cạnh đó, áp lực chốt lời khi VN-Index tiến đến 1.300 điểm được dự báo là rất có khả năng.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận