Giá vàng khó đoán định trong 6 tháng cuối năm
Dù trong 6 tháng đầu năm, giá vàng biến động gần như đi ngang, nhưng các chuyên gia cũng đưa ra các dự báo nhiều chiều cho diễn biến giá vàng trong nửa cuối năm 2023.
Từ đầu năm, giá vàng thế giới trong xu hướng tăng và tạo đỉnh vào đầu tháng 5 sau đó lao dốc cho đến nay.
Đầu tháng 4, khi các dữ liệu kinh tế của Mỹ được công bố yếu kém hơn, thúc đẩy dự báo về việc tạm dừng nâng lãi suất đi cùng triển vọng suy thoái nhẹ khiến nhà đầu tư đổ xô vào tài sản trú ẩn được cho là an toàn nhất – vàng. Tâm lý này đẩy giá vàng giao ngay phiên 13/04 lên mức 2,042.5 USD/oz, là mức cao nhất kể từ tháng 3/2022. Hợp đồng vàng tương lai phiên này cũng tăng lên 2,055.3 USD/oz.
Sau đó, giá vàng có nhiều phiên điều chỉnh do đồng USD tăng trở lại, nhưng trước nhiều mối lo ngại đã thúc đẩy giá vàng quay đầu tăng trở lại.
Cổ phiếu ngân hàng khu vực tại Mỹ lao dốc trong chuỗi sụp đổ dây chuyền của các ngân hàng như Silicon Valley Bank, First Republic Bank… lan rộng ra các thị trường đi kèm với lợi suất trái phiếu Chính phủ Mỹ sụt giảm càng làm cho niềm tin vào vàng được củng cố.
Nguy cơ khủng hoảng kinh tế lây lan cộng thêm các quyết định về lãi suất của Cục Dự trự Liên bang Mỹ (Fed), giá vàng thế giới lấy lại mốc trên 2,000 USD/oz sau nhiều phiên giảm trước đó. Phiên 02/05, hợp đồng vàng giao ngay tiến lên mức 2,016.71 USD/oz, cũng là mức cao nhất kể từ đầu năm. Hợp đồng vàng tương lai đạt 2,026.20 USD/oz.
Sau đó, giá vàng giảm do các kỳ vọng lãi suất duy trì ở mức cao hơn trong thời gian dài, trong khi Chủ tịch Fed khẳng định lại quan điểm có thể sẽ nâng lãi suất nhiều hơn, và không loại trừ khả năng nâng lãi suất tại cuộc họp chính sách dự kiến diễn ra vào cuối tháng 7/2023.
Giá vàng chịu áp lực bởi sự gia tăng của đồng USD và lợi suất trái phiếu Mỹ sau khi biên bản cuộc họp tháng 6 của Fed đã củng cố kỳ vọng lãi suất sẽ duy trì ở mức cao hơn trong thời gian dài hơn.
Kết thúc phiên giao dịch ngày thứ ba (11/07), hợp đồng vàng giao ngay tăng lên mức 1,932.03 USD/oz, phiên tăng thứ 3 liên tiếp. Hợp đồng vàng tương lai cũng tăng lên mức 1,937.10 USD/oz.
Những phiên giá vàng quay đầu tăng gần đây là nhờ chỉ số đồng USD lùi 0.3% xuống mức thấp nhất kể từ ngày 11/05/2023. Lợi suất trái phiếu Chính phủ Mỹ kỳ hạn 10 năm cũng giảm.
Diễn biến giá vàng thế giới từ đầu năm 2023 đến nay
Trong nước, giá vàng gần như đi ngang so với đầu năm. Ghi nhận tại công ty TNHH MTV Vàng bạc đá quý Sài Gòn, giá vàng miếng SJC mua vào/bán ra tại ngày 04/01/2023 là 66.4/67.2 triệu đồng/lượng.
Giá niêm yết sáng ngày 12/07/2023 vàng miếng SJC mua vào/bán ra ở mức 66.5/67.2 triệu đồng/lượng. Mức chênh lệch chỉ vào khoảng 500,000 – 1 triệu đồng/lượng.
Diễn biến giá vàng trong nước tính đến 12/07/2023
Giá vàng vẫn sẽ xoay quanh mốc 2,000 USD/oz
Giá vàng trong nước thường diễn biến theo giá vàng thế giới, tuy nhiên, trong 6 tháng đầu năm có nhiều mối lo ngại làm cho giá vàng thế giới tạo đỉnh và thay đổi đột biến, nhưng dường như giá vàng trong nước vẫn đi ngang.
6 tháng cuối năm, TS. Nguyễn Đức Độ, Phó Viện trưởng, Viện Kinh tế Tài chính - Học viện Tài chính dự báo, giá vàng sẽ khó đoán định và phụ thuộc vào diễn biến thế giới nhiều. Fed có thể sẽ tăng lãi suất thêm 1-2 lần nữa nhưng điều này cũng không chắc chắn. Thế nên với việc Fed có thể tăng lãi suất thì giá vàng từ giờ đến cuối năm có thể chưa tăng mạnh, vẫn xoay quanh vùng như hiện tại.
Cùng quan điểm, TS. Nguyễn Hữu Huân – Giảng viên Đại học Kinh tế TPHM cũng nhận định, giá vàng trong thời gian tới khả năng không có quá nhiều biến động, bởi vì tình hình vĩ mô trong nước và thế giới không có nhiều đặc sắc lắm, lạm phát không quá nghiêm trọng. Năm trước, giá vàng tăng do lạm phát thế giới tăng, nhưng năm nay tình hình không có quá nhiều biến động, thậm chí có thể giảm nhẹ.
Chiều ngược lại, giá USD sẽ tăng lên và đẩy giá vàng xuống. Hai lực này sẽ tạo ra thị trường rất biến động trên thị trường vàng trong thời gian tới.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận