Giá vàng còn đi đến đâu?
Giá vàng cùng một số kim loại quý vẫn giữ đà tăng và thiết lập các đỉnh giá mới.
Trong ngày 31/10/2024, giá vàng thế giới giao ngay ở mức 2.787,34 USD/ounce, tăng 18,50 USD/ounce so với ngày trước đó. Trong khi đó, đồng USD có tín hiệu suy yếu, với nguy cơ cạnh tranh hiện hữu từ khối BRICS. Nếu khối này thống nhất phát hành đồng tiền chung và giao dịch nội bộ, giá vàng chắc chắn còn tăng tiếp.
Hiện tại, giá vàng Việt Nam có xu hướng biến động đồng nhất với giá thế giới. Do đó, các yếu tố địa chính trị hoặc khủng hoảng kinh tế sẽ tác động đến giá vàng trong nước gần như ngay lập tức.
Cụ thể, tình hình Trung Đông đang tiến dần tới xung đột quy mô lớn. Cuộc đua giữa hai ứng cử viên Tổng thống Mỹ, ông Donald Trump và bà Kamala Harris đang diễn ra hết sức gay cấn trước thềm bầu cử vào tuần tới. Những thay đổi về chính sách đối ngoại cũng sẽ mang đến nhiều tác động khó lường cho nền kinh tế toàn cầu.
Tại châu Á, chính quyền Nhật Bản bị xáo trộn sau cuộc bầu cử Hạ viện cuối tháng 10, khi đảng LDP và đảng Công Minh mất thế đa số. Đây là lần đầu tiên kể từ năm 2009, liên minh cầm quyền mất quyền kiểm soát đa số tại Hạ viện.
Trong bối cảnh này, vàng vẫn là kênh trú ẩn an toàn cho tài sản, được cả người dân lẫn các NHTW các quốc gia lựa chọn, mặc dù từ đầu năm đến nay, giá vàng đã tăng tới 34% - một tỷ lệ mà hầu như hiếm có chuyên gia có thể dự đoán chính xác. Nếu Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) tiếp tục giảm lãi suất trước biến động tại Trung Đông và kết quả bầu cử Tổng thống Mỹ không như kỳ vọng của giới đầu tư, giá vàng sẽ khó giảm và có thể duy trì đà tăng đến năm 2025.
Thông thường, sau chu kỳ tăng giá, giới đầu tư sẽ chốt lời bằng cách "xả hàng". Tuy nhiên, hiện nay, các nhà đầu tư lại không có xu hướng bán ra mà tiếp tục mua vào. Ở nhiều quốc gia châu Á như Trung Quốc và Ấn Độ đang vào mùa cưới, nhu cầu mua vàng làm quà cưới càng khiến nhu cầu vàng vật chất gia tăng.
Tại Việt Nam, vàng cũng có dấu hiệu khan hiếm trên thị trường. Nhiều người dân gặp khó khăn khi tìm mua vài chỉ vàng làm quà cưới, vì các cửa hàng thường chỉ nhận đặt hẹn chứ không có vàng sẵn. Điều này thúc đẩy việc lập các nhóm mua bán vàng trên mạng xã hội.
Tuy nhiên, giao dịch trực tuyến tiềm ẩn nhiều rủi ro như lừa đảo, vàng giả và mất kiểm soát vì không có cơ chế ràng buộc pháp lý. Trong khi đó, Nhà nước đang cố gắng điều tiết thị trường vàng và chống lại tình trạng "vàng hóa" nền kinh tế, bởi nếu dòng tiền dồn hết vào bất động sản và tích lũy vàng, dòng tiền lưu thông sẽ bị ảnh hưởng nghiêm trọng. Đặc biệt, nếu người dân đồng loạt rút tiền tiết kiệm khỏi ngân hàng để mua vàng, hệ thống ngân hàng sẽ bị tổn hại nặng nề.
Nguy cơ lạm phát, trượt giá đồng Việt Nam cũng sẽ hiện hữu nếu người dân đổ xô vào tích trữ vàng. Người dân có thể lãi từ việc mua bán vàng, nhưng nếu đồng tiền mất giá, lợi nhuận đó cũng trở nên vô nghĩa. Khi sức mua giảm, các doanh nghiệp sẽ phải cắt giảm sản lượng và nhân sự, khiến nhiều người lao động mất việc, giảm thu nhập, trong khi vàng chỉ nằm yên trong két sắt.
Mặc dù việc mua bán và tích trữ vàng là hoàn toàn hợp pháp, Nhà nước chỉ có thể tuyên truyền, kêu gọi và áp dụng các chính sách linh hoạt để kiểm soát dòng tiền. Tuy nhiên, nếu dòng tiền sẽ tiếp tục đổ vào vàng sẽ gây hệ lụy và bất ổn cho nền kinh tế vĩ mô.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận