Giá vận tải chưa 'đồng hành' cùng giá xăng
Giá xăng dầu đã liên tiếp giảm mạnh thời gian gần đây giúp chi phí của nhiều ngành nghề bớt áp lực. Tuy vậy, cho đến nay, giá cước vận tải và giá hàng hóa vẫn "cố thủ".
Chưa thể giảm cước vận tải
Giá xăng đã có 3 lần giảm liên tiếp với tổng mức giảm khoảng 6.000 đồng, hiện giá bán lẻ mỗi lít xăng E5 RON 92 về mức 25.070 đồng, xăng RON 95 mức 26.070 đồng, tương đương mức giá ở tháng 2/2022.
Giá xăng chiếm đến 45 - 50% chi phí cấu thành giá cước vận tải, do vậy đây cũng là ngành nghề chịu tác động trước tiên. Ông Bùi Danh Liên, Đại diện Hiệp hội Vận tải Hà Nội cho hay, các doanh nghiệp đa phần mới chỉ tăng giá một lần tại thời điểm giá xăng tăng lên 22.000 đồng/lít. Trong suốt quá trình giá xăng tăng đỉnh 32.000 đồng/lít, chưa đơn vị nào đề xuất tăng giá cước tiếp lần hai. Hiện nay giá xăng giảm mạnh xuống còn 25.000 - 26.000 đồng/lít, nhưng vẫn còn cao. Mức giá này chỉ có thể giúp doanh nghiệp giảm áp lực, khó khăn từ chi phí đầu vào cấu thành giá chứ chưa thể đủ để giảm cước vận tải.
Cùng quan điểm trên, bà Vũ Tuyết Hạnh, đại diện Công ty vận tải Cường Thắng cho hay, từ khi giá xăng ở mức dưới 20.000 đồng/lít vọt lên trên 22.000 đồng và cả khi lên quá 30.000 đồng/lít, doanh nghiệp chưa thực hiện điều chỉnh mức cước.
"Khi giá xăng giảm ở mức hiện tại, chúng tôi "nhẹ gánh" hơn, giảm chi phí và hoạt động trở lại nhiều tuyến vận tải; từ đó có chút lợi nhuận, tốt hơn thời điểm trước gặp thua lỗ. Nếu giá xăng tiếp tục giảm, doanh nghiệp mới có thể cân đối giá cước, đàm phán với khách hàng chứ giá cước thời gian qua, doanh nghiệp có tăng đâu mà nay lại điều chỉnh giảm", bà Hạnh chia sẻ.
Doanh nghiệp ngành vận tải cũng cho rằng, ở bối cảnh hiện tại, người dân cũng cần chia sẻ với ngành và các dịch vụ khác. Bởi thời gian qua, khi giá xăng tăng mạnh, vận tải là lĩnh vực chịu tác động đầu tiên và nặng nề nhất.
Chủ tịch Hiệp hội Taxi Hà Nội - ông Nguyễn Công Hùng cho hay, giá cước vận tải không thể nói giảm là giảm ngay được. Doanh nghiệp ngoài việc chưa tăng giá suốt thời gian qua cũng cần có thời gian nghiên cứu, tính toán các phương án giá phù hợp với hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp. Bởi, biến động của giá cả xăng dầu thời điểm này là rất khó dự báo.
Bên cạnh đó, để tăng hay giảm giá, doanh nghiệp ngành taxi phải xin phép cơ quan chức năng, kiểm định đồng hồ, thay đổi bảng giá... Mỗi lần như vậy tốn chi phí hàng trăm triệu, thậm chí hàng tỷ đồng, thời gian kéo dài đến cả tháng, ông Hùng nói.
Giá hàng hóa vẫn ở mức cao
Không chỉ giá cước vận tải mà giá cả nhiều mặt hàng thiết yếu trên thị trường vẫn neo ở mức cao và chưa có dấu hiệu giảm, khiến chi phí sinh hoạt người dân vẫn cao.
Khảo sát tại một số chợ dân sinh trên địa bàn Hà Nội như chợ Mơ, Chợ 8-3… cho thấy, giá thịt bò 250.000 - 270.000 đồng/kg (tùy loại), thịt gà làm sẵn giá 160.000 đồng/kg, tăng 40.000/kg so với tháng trước; thịt lợn giá 110.000-130.000 đồng/kg, tăng 20.000 - 30.000 đồng/kg; giá sườn non từ 155.000 - 165.000 đồng/kg, ba rọi, nạc vai phổ biến ở mức từ 140.000 - 150.000 đồng/kg, nạc thăn từ 130.000 - 140.000 đồng/kg. Giá thịt gầu bò ở mức 280.000 đồng/kg, thịt bò phi lê 350.000 đồng/kg, tôm từ 300.000 - 450.000 đồng/kg, cá trắm đen từ 75.000 - 120.000 đồng/kg. Các mặt hàng thịt, cá đều đã tăng 20 - 50% so với thời điểm những tháng trước đó.
Với rau củ, giá hành lá 60.000 đồng/kg, tăng gấp đôi so với khoảng 2 - 3 tháng trước; cà chua 25.000 đồng/kg, tăng 7.000 - 8.000 đồng/kg so với tháng trước..; bắp cải tăng từ 10.000 đồng/kg lên 25.000 đồng/kg; cải xoong từ 10.000 đồng/mớ lên 25.000 đồng/mớ; khoai tây từ 10.000 đồng/kg lên 25.000 đồng/kg, rau cần 8000 đồng/mớ lên 15.000 đồng/mớ...
Trao đổi với phóng viên, bà Nguyễn Thị Hạnh, bán thịt lợn tại chợ Mơ cho biết, giá thịt tăng cao và không có dấu hiệu giảm, mặc dù giá xăng đã giảm sâu. Nguyên nhân do vật tư, thức ăn chăn nuôi tăng cao, cùng với đó, nhu cầu tiêu dùng thời gian này cũng tăng mạnh do các hoạt động du lịch, nhà hàng hoạt động trở lại.
Anh Đinh Văn Thức, đầu mối rau tại chợ 8/3 cho biết, nhiều tuần qua, mưa lớn, nắng nóng khiến cho rau bị dập nát nhiều. Bên cạnh đó, giá xăng giảm nhưng các chi phí phân bón, thuốc bảo vệ thực vật vẫn tăng cao nên giá bán ra khó giảm.
"Nhiều người nghĩ rằng, giá xăng tăng kéo theo giá hàng hóa tăng, nhưng thực ra không phải. Giá xăng chỉ ảnh hưởng nhỏ, khoảng 8 - 10% thôi, còn chủ yếu do khan hiếm hàng, chi phí sản xuất từ đơn vị cung ứng tăng cao", anh Đinh Văn Thức nói.
Theo PGS. TS Đinh Trọng Thịnh, giá xăng giảm mà giá tiêu dùng chưa giảm cũng là điều dễ hiểu, bởi lẽ tâm lý người tiêu dùng đã chấp nhận mặt bằng giá mới. Cùng đó, giá bán là do thị trường quyết định, hoàn toàn phụ thuộc vào người bán.
Bên cạnh đó, giá bán trên thị trường không thể điều chỉnh ngay được, bởi khi giá xăng neo cao thời gian dài, chi phí tăng cao, doanh nghiệp cũng phải điều chỉnh và mất thời gian để định giá ra thị trường. Với trường hợp xăng giảm như hiện nay, sẽ phải mất 1-2 tháng mới có thể tác động đến thị trường hàng hóa, ông Đinh Trọng Thịnh cho hay.
Dù vậy, người dân và doanh nghiệp đều kỳ vọng, giá xăng với sự điều hành của Chính phủ, các bộ, ngành sẽ tiếp tục giảm trong những kỳ điều hành tới, tạo cơ sở để các ngành hàng, dịch vụ giảm giá, cũng là giảm chi phí sinh hoạt, tiêu dùng cho người dân.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận