menu
24hmoney
Install 24HMoneyTải App
copy link
Nguyễn Chung Chính

Giá thức ăn chăn nuôi khó giảm vì phụ thuộc vào nguyên liệu nhập khẩu

Chi phí thức ăn chiếm 60 - 75% tổng giá thành chăn nuôi.

Theo thống kê của Tổng cục Hải quan Việt Nam, 7 tháng đầu năm, tổng giá trị nhập khẩu ngô và đậu tương - hai nguyên liệu chính cho sản xuất thức ăn chăn nuôi đã tăng lần lượt 1,9% và 17,4%. Giá trị nhập khẩu thức ăn gia súc và nguyên liệu cũng tăng gần 5% so với cùng kỳ năm trước. Dù cố gắng thu mua nguyên liệu trong nước, các nhà sản xuất chăn nuôi vẫn phải phụ thuộc gần 90% vào nhập khẩu. Do đó, giá thức ăn chăn nuôi khó giảm nếu giá nguyên liệu thế giới vẫn tiếp tục tăng...

Nhập khẩu 63% nguyên liệu để sản xuất thức ăn chăn nuôi

Theo số liệu của Tổng cục Hải quan Việt Nam, 7 tháng đầu năm, ngành sản xuất chăn nuôi đã chi 2,68 tỷ USD để nhập khẩu hai nguyên liệu chính là ngô và đậu tương. Ngoài ra, Việt Nam cũng nhập khẩu 3,08 tỷ USD thức ăn gia súc và nguyên liệu từ Mỹ, Ấn Độ, Brazil, Đài Loan…

Cục Chăn nuôi (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) cho biết, trên tổng số 35 triệu tấn nguyên liệu thức ăn chăn nuôi sử dụng trong nước, Việt Nam chỉ tự chủ được khoảng 13,1 triệu tấn (chiếm 37%), 21,9 triệu tấn còn lại phải nhập khẩu từ nước ngoài (chiếm 63%). Hiện ngành sản xuất thức ăn chăn nuôi công nghiệp trong nước còn phụ thuộc nhiều vào nhập khẩu, nhất là thức ăn tinh chịu tác động trực tiếp từ nguyên liệu thức ăn trên thế giới. Năng lực sản xuất nhiều nguyên liệu thức ăn vẫn còn hạn chế như ngũ cốc và phụ phẩm để sản xuất một số loại thức ăn bổ sung. Doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực này không nhiều lại phải chịu sự cạnh tranh gay gắt từ thức ăn bổ sung sản xuất tại Trung Quốc, EU. Không những thế, chi phí sản xuất và thương mại thức ăn chăn nuôi còn lớn do nhiều khâu trung gian từ nhà máy đến các trang trại.

Với mặt hàng ngô, khối lượng nhập khẩu tháng 7 đạt gần 594.000 tấn với trị giá đạt 225,5 triệu USD. Lũy kế 7 tháng, nhập khẩu ngô đạt 5,14 triệu tấn, tương đương 1,83 tỷ USD, giảm 20,4% về lượng nhưng tăng 1,9% về giá trị so với cùng kỳ năm trước. Giá ngô nhập khẩu trung bình trong tháng 7 khoảng 350 - 380 USD/tấn. Việt Nam nhập khẩu ngô chủ yếu từ Ấn Độ và Brazil với giá trị lần lượt là 207 triệu USD và 127,7 triệu USD, chiếm hơn 56% tổng giá trị nhập khẩu ngô.

Khối lượng đậu tương nhập khẩu tháng 7 đạt 196.600 tấn với trị giá đạt 149,8 triệu USD, đưa tổng khối lượng và trị giá nhập khẩu đậu tương 7 tháng đầu năm đạt 1,22 triệu tấn và 854 triệu USD, giảm 4% về lượng và tăng 17,4% về giá trị so với cùng kỳ năm trước. Giá đậu tương nhập khẩu trung bình tháng 7 đạt 755 USD/tấn.

Brazil, Mỹ và Canada là 3 thị trường cung cấp đậu tương chính cho Việt Nam trong 7 tháng đầu năm chiếm hơn 99% tổng giá trị nhập khẩu.

Khó kéo giá thức ăn chăn nuôi xuống

Theo đại diện của CTCP Chăn nuôi C.P Việt Nam, các nhà sản xuất thức ăn chăn nuôi buộc phải tăng giá bán vì hầu hết giá nguyên liệu nhập khẩu đều tăng mạnh do giá cước vận tải biển tăng, thời tiết ở một số quốc gia Nam Mỹ bất lợi cho trồng ngô khiến sản lượng thu hoạch giảm.

Giá thức ăn chăn nuôi khó giảm vì phụ thuộc vào nguyên liệu nhập khẩu
Giá thức ăn nuôi cá chiếm 60-75% giá thành sản phẩm. Ảnh minh họa: báo QĐND

Cuộc xung đột Nga – Ukraine cũng làm tăng giá nguyên liệu cho sản xuất thức ăn chăn nuôi. Chăn nuôi C.P Việt Nam cho biết cũng tìm giải pháp như liên kết thu mua ngô, đậu tương trong nước nhưng cuối cùng vẫn phải nhập khẩu gần 90% nguyên liệu do nguồn hàng không đạt tiêu chuẩn chất lượng để sản xuất thức ăn chăn nuôi. Với diễn biến trên, đơn vị này cho rằng kéo giảm giá thức ăn chăn nuôi sẽ là rất khó. Điều này có thể nhận thấy, khi Tổ chức Lương nông thế giới FAO vừa công bố chỉ số giá ngũ cốc giảm hai con số trong tháng 7 thì ngay sau đó, bước sang phiên giao dịch tháng 8, giá đậu nành và bắp đã tăng trở lại.

Theo C.P Việt Nam, cả người nuôi và nhà sản xuất thức ăn trong nước đều muốn giảm giá thức ăn để giảm chi phí sản xuất nhưng rất khó vì tính riêng chi phí thức ăn đã chiếm từ 60 – 75% tổng giá thành chăn nuôi. Trong khi đó, giá thức ăn chăn nuôi lại phụ thuộc 80 - 90% vào giá nguyên liệu nhập khẩu.

Theo nhận định của TS Đào Trọng Hiếu – Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn), hiện phần lớn lượng thức ăn chăn nuôi Việt Nam là do doanh nghiệp vốn đầu tư nước ngoài (FDI) sản xuất và chi phối giá. Trong khi đó, việc trồng ngô và đậu tương của Việt Nam vẫn còn manh mún, nhỏ lẻ, sản lượng và chất lượng chưa đáp ứng được nhu cầu của các nhà máy sản xuất thức ăn. Giá bán trong nước cao hơn giá nhập. Do đó, các doanh nghiệp buộc phải nhập khẩu nguyên liệu chủ yếu từ nước ngoài. Chỉ khi nào cuộc xung đột Nga - Ukraine là hai nhà sản xuất ngô và lúa mỳ lớn trên thế giới giảm bớt hoặc chấm dứt thì giá cả đầu vào cho sản xuất và giá thức ăn chăn nuôi mới giảm hoặc ổn định.

Theo dõi 24HMoney trên GoogleNews
Nhà đầu tư lưu ý
24HMoney đã kiểm duyệt

Từ khóa (bấm vào mỗi từ khóa để xem bài cùng chủ đề)

Bạn có muốn trở thành VIP/Pro trên 24HMoney? Hãy liên hệ với chúng tôi SĐT/ Zalo: 0981 935 283.

Để truyền thông cho doanh nghiệp, vui lòng liên hệ SĐT/ Zalo: 0908 822 699.

Hòm thư: phuongpt@24hmoney.vn
Thích Đã thích Thích
Bình luận
Chia sẻ
Cơ quan chủ quản: Công ty TNHH 24HMoney. Địa chỉ: Tầng 5 - Toà nhà Geleximco - 36 Hoàng Cầu, P.Ô Chợ Dừa, Quận Đống Đa, Hà Nội. Giấy phép mạng xã hội số 203/GP-BTTTT do BỘ THÔNG TIN VÀ TRUYỀN THÔNG cấp ngày 09/06/2023 (thay thế cho Giấy phép mạng xã hội số 103/GP-BTTTT cấp ngày 25/3/2019). Chịu trách nhiệm nội dung: Phạm Đình Bằng. Email: support@24hmoney.vn. Hotline: 038.509.6665. Liên hệ: 0908.822.699

Điều khoản và chính sách sử dụng



copy link
Quét mã QR để tải app 24HMoney - App Tài chính, Chứng khoán nhiều người dùng nhất cho điện thoại