Giá than thế giới tăng tạo đà cổ phiếu ngành than dậy sóng
Theo các đơn vị phân tích, nguyên nhân khiến toàn bộ cổ phiếu ngành than tăng giá là do giá than trên các sàn giao dịch hàng hóa quốc tế biến động tăng mạnh mẽ trong suốt năm qua.
Trên sàn chứng khoán, có khoảng 9 cổ phiếu ngành than được niêm yết gồm Than Mông Dương - Vinacomin (MDC), Kinh doanh Than Miền Bắc - Vinacomin (TMB), Xuất nhập khẩu Than - Vinacomin (CLM), Than Đèo Nai - Vinacomin (TDN), Than Cọc Sáu - Vinacomin (TC6), Than Vàng Danh - Vinaconmin (TVD), Than Hà Lầm - Vinacomin (HLC), Than Hà Tu - Vinacomin (THT) và Than Núi Béo - Vinacomin (NBC).
Điểm chung của các doanh nghiệp này là đều niêm yết trên HNX, cổ đông Nhà nước TKV (Tập đoàn Công nghiệp Than - Khoáng sản Việt Nam) sở hữu trên 50% vốn, thị giá cổ phiếu thấp - đa số giao dịch dưới mệnh giá.
Thời gian gần đây, từ cuối tháng 5 đến nay, một số mã cổ phiếu ngành than trên thị trường chứng khoán đã tăng giá mạnh mẽ.
Cụ thể, tính đến ngày 11/6/2021, cổ phiếu MDC của Than Mông Dương đã tăng 16% so với phiên giao dịch ngày 31/5. Cổ phiếu NBC của Than Núi Béo đã tăng từ mức giá 7.200 đồng/cp (31/5) lên 9.000 đồng/cp (11/6) tương đương mức tăng 25%.
Hay như cổ phiếu HLC của Than Hà Lầm tăng 13%, trong phiên giao dịch ngày 9/6 vừa qua, giá cổ phiếu HLC ở mức đỉnh 10.100 đồng/cp. Cổ phiếu TDN của Than Đèo Nai cũng tăng 15%, từ 7.200 đồng/cp (31/5) lên 8.300 đồng/cp. Cổ phiếu TVD của Than Vàng Danh cũng đã tăng 11%.
Theo phân tích của các đơn vị nghiên cứu, nguyên nhân của việc giá cổ phiếu phản ứng trên diện rộng (toàn bộ cổ phiếu ngành than tăng giá) là do giá than trên các sàn giao dịch hàng hóa quốc tế biến động tăng mạnh mẽ trong suốt năm qua. Việc tăng giá mạnh này của giá than đã khiến nhiều nhà đầu tư kỳ vọng vào kết quả kinh doanh của các doanh nghiệp than Việt cũng sẽ tốt hơn.
Theo Quy hoạch ngành than Việt Nam đến năm 2020 - có xét triển vọng đến năm 2030, nhu cầu than dành cho nhiệt điện là 64.1 triệu tấn vào năm 2020 và lên đến 131.1 triệu tấn vào năm 2030. Tuy nhiên, sản lượng khai thác than trong nước chỉ ước đạt 47-50 triệu tấn năm 2020 và 55-57 triệu tấn năm 2030.
Trong khi đó, nguồn than khai thác còn phải dành cho nhiều lĩnh vực khác như luyện kim, xi măng, phân bón, hóa chất và các đối tượng tiêu thụ khác. Riêng các nhóm đối tượng này ước cần 25.5 triệu tấn than vào năm 2030. Như vậy, tổng nhu cầu sản lượng than cả nước vào năm 2030 lên gần 157 triệu tấn.
Nhu cầu cao, không ít doanh nghiệp ngành than làm ăn hiệu quả, được đánh giá cao về chất lượng tài sản và nguồn vốn, có triển vọng trở thành nơi gửi gắm kỳ vọng của nhà đầu tư.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bàn tán về thị trường