Gia tăng hàm lượng xuất xứ Việt Nam xuất khẩu sang EU trong EVFTA
EU hiện là thị trường xuất khẩu lớn thứ ba của Việt Nam, nhiều mặt hàng xuất khẩu chủ lực của Việt Nam sang EU cũng ghi nhận mức tăng trưởng ấn tượng. Tuy nhiên, còn rất nhiều doanh nghiệp Việt vẫn chưa hiểu hết những lợi ích và chưa đáp ứng quy định về C/O ưu đãi, nhằm tận dụng được tối đa ưu đãi thuế quan từ EVFTA.
Mặc dù đi vào thực thi trong bối cảnh kinh tế thế giới và Việt Nam phải đối mặt với những biến động chưa từng có nhưng các số liệu thống kê vĩ mô cho thấy, Hiệp định EVFTA đã góp một phần quan trọng làm giảm nhẹ các tác động bất lợi, hỗ trợ quan hệ thương mại - đầu tư giữa Việt Nam và EU phát triển khả quan. Theo số liệu Tổng cục Hải quan, trong năm thứ hai thực thi EVFTA (từ tháng 8/2021 - 7/2022), tổng kim ngạch xuất nhập khẩu đạt 61,4 tỷ USD, tăng 11,9% so với năm đầu tiên hiệp định có hiệu lực.
EU hiện là thị trường xuất khẩu lớn thứ ba của Việt Nam với cơ cấu ngành hàng xuất nhập khẩu giữa hai bên mang tính bổ sung cao. Nhiều mặt hàng xuất khẩu chủ lực của Việt Nam sang EU cũng ghi nhận mức tăng trưởng ấn tượng so với thời điểm trước khi hiệp định này có hiệu lực.
Ở góc độ doanh nghiệp, bà Phan Thị Thanh Xuân, Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký; Hiệp hội Da giày - Túi xách Việt Nam đánh giá, Hiệp định EVFTA góp phần rất tốt trong thành tích xuất khẩu của ngành da giày.
Tuy nhiên, theo bà Xuân, sản phẩm chủ lực của ngành da giày là giày thể thao nhưng để làm mặt hàng này, doanh nghiệp đang phải nhập khẩu khá nhiều, chưa chủ động được nguồn nguyên liệu. Vì vậy, thời gian tới, cần phải thu hút thêm đầu tư sản xuất nguyên phụ liệu da thuộc tại Việt Nam để nâng tỷ trọng xuất xứ khi xuất khẩu vào thị trường EU. Để làm được điều này, theo bà Xuân, cần phải có chính sách hỗ trợ, xây dựng vùng nguyên liệu, ứng dụng cộng nghệ mới, thân thiện môi trường, đáp ứng tiêu chuẩn khắt khe của EU…
Bà Trịnh Thị Thu Hiền, Trưởng phòng Xuất xứ hàng hóa, Cục Xuất nhập khẩu, Bộ Công Thương cho biết, Hiệp định EVFTA đã hỗ trợ tích cực cho hàng hóa Việt Nam và EU tiếp cận thị trường của nhau, đáp ứng nhu cầu đa dạng hóa nguồn cung của cả hai bên. Đáng chú ý, xuất khẩu hàng hóa của Việt Nam sang hầu hết các thị trường trong khối EU đều ghi nhận sự tăng trưởng tốt và chứng kiến sự chuyển dịch tích cực. Những ưu đãi cắt giảm thuế quan theo EVFTA cũng góp phần đáng kể giúp Việt Nam nâng cao khả năng cạnh tranh và mở rộng thị phần tại EU đồng thời tiếp cận nguồn hàng hóa chất lượng cao của EU.
Tình hình sử dụng C/O trong EVFTA cũng khá tích cực. Tổng kim ngạch xuất khẩu được cấp C/O trong khuôn khổ EVFTA chiếm 20% tổng kim ngạch hàng hóa xuất khẩu đi EU. Trong đó, một số mặt hàng hiện nay đang có kim ngạch cao được cấp giấy chứng nhận xuất xứ trong khuôn khổ EVFTA gồm có da giày, thủy sản... “Tuy nhiên, tốc độ tăng trưởng trong kim ngạch thương mại Việt Nam-EU hiện nay vẫn được đánh giá chưa tương xứng với triển vọng phát triển hợp tác thương mại giữa hai bên. Còn rất nhiều doanh nghiệp Việt vẫn chưa hiểu hết những lợi ích và chưa đáp ứng quy định về chứng nhận xuất xứ (C/O) ưu đãi, nhằm tận dụng được tối đa ưu đãi thuế quan từ EVFTA”, bà Hiền cho hay.
Bà Trịnh Thị Thu Hiền nhấn mạnh, để có thể gia tăng được tỷ lệ về xuất xứ đối với hàng Việt Nam xuất khẩu đi EU, hiện nay Cục Xuất nhập khẩu tiếp tục công tác tham mưu xây dựng văn bản quy phạm pháp luật về xuất xứ hàng hóa để tạo hành lang pháp lý và có những quy định cụ thể, minh bạch liên quan đến vấn đề này.
Đồng thời, Cục xuất nhập khẩu đang nỗ lực và tích cực phối hợp với các cơ quan hữu quan, như Tổng cục Hải quan và các hiệp hội ngành hàng để có những cuộc tập huấn, đào tạo kịp thời cho doanh nghiệp, để làm sao đáp ứng được đúng những quy định khắt khe của EU.
Đặc biệt, Cục Xuất nhập khẩu tiếp tục phối hợp và chủ động phối hợp với cơ quan hải quan của nước nhập khẩu, hỗ trợ doanh nghiệp chứng minh hàng hóa có xuất xứ đáp ứng theo quy định của EVFTA…
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận